Tất cả những thất vọng trong cuộc sống sẽ trở thành những bậc thang vững chắc để đi đến những điều tốt đẹp hơn.
Truyen-tin.net - Sơ lược dữ kiện:

  • ♥ Tiểu sử Các Thánh: 272
  • ♥ Các Bài đọc thánh lễ: 772
  • ♥ Văn hoá, nghệ thuật: 1154
  • ♥ Tin tức, chuyên đề... 15093
  • ♥ Thư viện hình ảnh: 6916
  • ♥ Suy niệm Lới Chúa: 784
  • ♥ Video: 2269
  • ♥ Tài liệu tham khảo: 780

... cùng những sưu tập khác.
tt
Laudetur Jesus Christus - Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô NewsFeed
-

Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa

Lễ ngày 1 tháng 1

Mẹ Thiên Chúa, đó là phẩm chức cao cả nhất của Đức Maria, chính phẩm chức cao cả này là nền tảng mỗi đặc ân khác dành cho Mẹ. Công đồng Vatican II đã trình bày các đặc ân liên kết với phẩm chức Thiên Chúa như sau:

“Không có gì lạ, nếu các giáo phụ đã thường xưng tụng Mẹ là Đấng toàn thánh, không vương nhiễm một tội nào, như một tạo vật mới do Chúa Thánh Thần uốn nắn và tác thành. Tràn đầy thánh thiện, có một không hai ngay từ lúc thụ thai, Đức Trinh Nữ thành Nazareth được Thiên thần vâng lệnh Chúa đến truyền tin và đã kính chào là "Đầy ơn phước (Lc 1,28)” (GH 59).

“Được gìn giữ tinh sạch khỏi mọi vết tội nguyên tổ, và sau khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Đức Nữ Trinh Vô nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Thiên Chúa tôn vinh làm nữ Vương vũ trụ, để nên giống Con Ngài cách trọn vẹn hơn” (GH 59).

“Đức Maria luôn tiếp tục thiên chức làm Mẹ... Thật vậy, sau khi về trời, vai trò của Ngài trong việc cứu chuộc không chấm dứt, nhưng Ngài vẫn tiếp tục liên lỉ cầu bầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được phần rỗi đời đời... Vì thế, trong Giáo hội, Đức Trinh Nữ Maria được kêu cầu qua các tước hiệu: trạng sư, vị bảo trợ, Đấng phù hộ và Đấng Trung gian” (GH 62).

Như vậy, long trọng mừng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, chúng ta hãy tỏ một niềm tin vững chắc vào vai trò của Mẹ trong chương trình cứu rỗi nhân loại. Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vì Ngài đã sinh ra cho chúng ta Thiên Chúa cứu chuộc. Trong buổi Truyền Tin, chính sứ thần Gabriel đã quả quyết: “Người sẽ thụ thai và sinh con... trẻ sẽ sắp sinh sẽ được gọi là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa” (Lc 1,31-35). Được Thánh Thần linh hứng, bà Elisabeth cũng đã lên tiếng: “Bởi đâu tôi được thế này, là mẹ Chúa tôi đến với tôi” (Lc 1,43). Niềm tin vào chức phẩm cao quí là Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria đã có từ đầu Giáo hội. Chính thánh Phaolô đã viết: “Khi thời viên mãn đến, Thiên Chúa sai con của Người, sinh bởi người Nữ” (Gl 4,4).

Tiếp tục niềm tin đã có từ đầu, các tín hữu còn xác tín hơn nữa do biến cố dẫn tới những xác quyết chắc chắn của Công đồng chung Ephêsô (năm 413). Nestoriô khi ấy bác bỏ tước hiệu Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, ông chỉ chấp thuận Đức Maria là Mẹ Chúa Kitô, vì Ngài chỉ sinh ra xác thể Chúa Kitô thôi, chống lại lời rao giảng của Giám mục Nestoriô, khoảng hai trăm Giám mục đã họp tại Ephêsô ngày 22-6-431, dưới quyền chủ tọa của Thánh Cyrillô thành Alexandrioa. Công đồng này kết án Nestoriô và tuyên bố tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Toàn thể dân thành đã công khai bày tỏ niềm hân hoan trước thành quả này. Họ tổ chức rước đuốc để mừng các nghị phụ công đồng. Cũng từ Công đồng này mà có phần sau của kinh Kính Mừng: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử”.

Hợp với niềm hân hoan của dân Chúa dịp công đồng Êphêsô bế mạc, niềm tôn kính dâng lên Mẹ Thiên Chúa ngày một thêm sâu đậm. Vua Giuse Emmanuel nước Bồ Đáo Nha đã xin ông được đặc ân mừng lễ Mẹ Thiên Chúa. Thánh bộ nghi lễ đã ban bố sắc lệnh thiết lập ngày 22-1-1751 và ấn định vào Chúa Nhật đầu tháng năm. Từ đó nhiều nước cũng được hưởng đặc ân này.

Năm 1931, dịp kỷ niệm 1500 năm, Công đồng Ephêsô, ĐGH Piô XI đã lập lễ Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, kính trọng thể trong khắp Giáo Hội vào ngày 11-10. Chính Đức Giáo hoàng Piô XI đã viết: “Tín điều Mẹ Thiên Chúa là một mối nước mầu nhiệm vô tận, đã tuôn ra mọi đặc ân cho Đức Mẹ và nâng Người lên một địa vị cao sang tuyệt vời bên Thiên Chúa (Lux Veritatis 1931).

Năm 1962, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã chọn lễ kính Mẹ Thiên Chúa làm ngày khai mạc Công đồng Vatican II (11/10/1962).

Khi canh tân Sách lễ Rôma và Niên lịch vào năm 1970, Đức Giáo hoàng Phaolô VI dời ngày lễ vào đầu Năm dương lịch, ngày thứ tám trong tuần Bát nhật Giáng Sinh, và trước đó hai năm, từ năm 1968, ngài đã chọn ngày đầu Năm mới dương lịch làm ngày Quốc tế Hòa Bình, để nhấn mạnh thêm ý nghĩa lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa hôm nay.

Đức Giáo hoàng Phaolô VI viết: “Khi canh tân mùa Giáng Sinh, mọi người phải chú ý đến việc tái lập lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa vào ngày 1-1, đúng phụng vụ Roma từ xưa, nhằm tôn kính việc Đức Maria góp phần vào mầu nhiệm cứu rỗi và tôn vinh địa vị đặc biệt, khiến cho “Mẹ rất thánh, đáng tiếp nhận Nguồn sống cho chúng tôi”. Lễ này cũng là dịp rất tốt để chúng ta tôn thờ Vua Hoà Bình mới sinh, và nghe lại lời chúc hoà bình của các thiên sứ (x. Lc 2,14), để cầu xin Chúa, nhờ sự can thiệp của Nữ Vương Hoà Bình, ban cho ta ơn cao cả nhất là Hòa bình. Vì sự trùng hợp tốt đẹp giữa ngày 1-1 với ngày thứ tám giáp Lễ Giáng Sinh mà chúng tôi đã đặt ngày đó là ngày thế giới hoà bình, mà thế giới mỗi ngày càng hưởng ứng thêm, và thành quả của hoà bình đã phát sinh trong lòng nhiều Người” (ĐGH Phaolô VI, Tông huấn Marialis Cultus, số 5b).
 
***

Lễ Đức Maria rất thánh là Mẹ Thiên Chúa

Trong số tất cả các tước hiệu được gán cho Đức Maria, tước hiệu Mẹ Thiên Chúa “Theotókos” cao cả và vinh quang nhất. Là Mẹ Thiên Chúa đã là lý do sự hiện hữu của Mẹ và là lý do của tất cả các đặc ân và các ơn thánh mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ. Đối với chúng ta tước hiệu này chứa đựng tất cả Mầu nhiệm Nhập Thể, là nguồn gốc các lời chúc tụng của Mẹ và niềm vui của chúng ta. Trong Giáo Hội theo Lễ nghi Latinh, lễ trọng này được cử hành như lễ vọng chiều ngày 31-12, và ngày mồng 1-1 hằng năm. Trong Lễ nghi Ambrosiano, lễ ngày được cử hành ngày Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng, tức Chúa Nhật thứ IV. Trong các truyền thống Lễ nghi Siriac và Bisantine, lễ này được cử hành ngày 26-12, trong khi Lễ nghi copte cử hành vào ngày 16-1.

Một cách đúng đắn, Thánh Efrem đã nghĩ rằng tin và khẳng định rằng Đức Trinh Nữ Rất Thánh Maria là Mẹ Thiên Chúa là đưa ra một bằng chứng chắc chắn cho đức tin của chúng ta. Vì thế, Giáo Hội không cử hành lễ mừng kính Đức Mẹ nào mà không chúc tụng Mẹ vì đặc ân lớn lao này. Do đó, Giáo Hội kính chào Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa khi Mẹ được thụ thai vô nhiễm nguyên tội, trong ngày Mẹ được sinh ra, trong biến cố Mẹ hồn xác về trời. Và khi lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ, chúng ta vẫn đọc: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử”.

“Theotókos” - Mẹ Thiên Chúa - là Tên mà Kitô hữu đã dùng để gọi Đức Maria trong biết bao thế kỷ qua. Lần giở lại lịch sử, chức làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria cũng là duyệt lại lịch sử của toàn Kitô giáo, bởi vì Tên gọi ấy đã đi sâu vào con tim của các tín hữu, đến độ khi Linh mục Nestorio, phát ngôn viên của Đức Giám mục Constantinopoli, dám khẳng định rằng Đức Maria chỉ là mẹ của một người, bởi vì Thiên Chúa không thể sinh ra từ một người đàn bà được, thì tín hữu đã coi đó là gương mù gương xấu và mạnh mẽ phản đối ngay trước mặt Đức Giám mục. Thánh Cirillo, Giám mục thành Alessandria bên Ai Cập, đã mạnh mẽ bảo vệ danh dự của Đức Maria và bày tỏ sự kinh ngạc của ngài: “Tôi lấy làm lạ là có những người nghĩ rằng không được gọi Đức Thánh Trinh Nữ là Mẹ Thiên Chúa. Nếu Chúa chúng ta là Thiên Chúa, thì Đức Maria, Đấng đã cho Chúa chào đời, lại không phải là Mẹ Thiên Chúa hay sao? Nhưng đây là đức tin mà các Tông đồ đã truyền lại cho chúng ta, cả khi các vị đã không dùng từ này, và đó là Giáo lý mà chúng ta đã học được từ các Giáo phụ”.

Nhưng Linh mục Nestorio đã không thay đổi tư tưởng của mình, và Hoàng đế Teodosio II đã phải triệu tập Công Đồng. Công Đồng đã khai mạc ngày 24-6-431 tại Êphêxô dưới quyền chủ toạ của Thánh Cirillo, Đặc sứ của Đức Giáo hoàng Celestino, với sự tham dự của 200 giám mục. Các Nghị phụ khẳng định rằng “Con Người của Chúa Kitô là Một, và là Thiên Chúa, và Trinh Nữ Rất Thánh phải được thừa nhận và tôn kính bởi tất cả như là Mẹ Thiên Chúa”. Các Kitô hữu Ệphêxô đã cất cao các bài thánh ca chiến thắng và cầm đèn đuốc sáng trưng hộ tống các Nghị phụ về nhà trọ và hô to rằng các Giám mục đã “đến để tái trao ban Mẹ Thiên Chúa cho chúng ta và phê chuẩn với quyền bính của các ngài điều đã đựơc viết trong mọi con tim”.

Các nỗ lực của Satan đã luôn luôn dẫn đưa tới một kết quả mà thôi: đó là chuẩn bị một chiến thắng tuyệt vời cho Đức Mẹ, và nếu chúng ta tin vào Truyền Thống, thì để ghi nhớ biến cố này một cách trường tồn các Nghị phụ của Công Đồng đã thêm vào lời chào “Kính mừng Maria” câu “Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa, xin cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử”. Hàng trăm triệu người hằng ngày đọc lên lời kinh ấy và thừa nhận vinh quang của Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, mà một linh mục lạc giáo đã yêu sách chối bỏ.

Thừa nhận Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa là điều dễ dàng và đơn sơ. Đức Giáo hoàng Pio XI viết trong Thông điệp “Lux Veritatis” (Ánh sáng Chân lý): “Đấng đã sinh hạ Chúa Giêsu xứng đáng được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Nếu con Người của Chúa Giêsu Kitô là Một và là Thiên Chúa, thì chắc chắn là tất cả mọi người phải gọi Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, chứ không chỉ là Mẹ của Đức Kitô Con Người mà thôi. Cũng như các phụ nữ khác được gọi là mẹ và họ thực sự là mẹ, bởi vì họ đã hình thành trong lòng họ bản chất phải chết của chúng ta, chứ không phải là họ đã tạo dựng nên linh hồn con người, thì cũng vậy, Đức Maria đã chiến hữu được chức làm Mẹ Thiên Chúa vì đã sinh ra Con Người duy nhất của Con Mẹ”.

Chức làm Mẹ Thiên Chúa kết hiệp Đức Maria với Con mình bằng một mối dây mạnh mẽ hơn nối dây của các bà mẹ khác với con cái họ. Các bà mẹ trần gian không hoạt động một mình trong việc sinh con, nhưng Đức Maria, trái lại, đã sinh Con là Con Người Thiên Chúa, với chính bản thể của mình; và Đức Giêsu là phần thưởng sự đồng trinh của Mẹ và thuộc về Mẹ bởi sự sinh hạ, bởi việc sinh ra trong Đền Thánh, bởi việc dưỡng nuôi bú mớm, bởi việc dạy dỗ giáo dục, bởi quyền là mẹ trên con của mình.

Chức làm Mẹ Thiên Chúa kết hiệp Đức Maria một cách không thể diễn tả nổi với Thiên Chúa Cha. Thật vậy, Đức Maria đã có chính Người Con của Thiên Chúa là con. Mẹ bắt chước và tái lập lại trong thời gian việc Thiên Chúa Cha sinh ra Chúa Con từ đời đời. Như thế, Mẹ là người được kết hiệp với Thiên Chúa Cha trong chức làm Cha của Người. Đức cha Jacques Bénigne Bossuet, người Pháp, sống vào thế kỷ XVII, ca tụng Đức Maria như sau: “Nếu Thiên Chúa Cha đã biểu lộ cho chúng con một tình yêu thương chân thành như vậy, bằng cách ban cho chúng con Con của Người làm Thầy và làm Đấng Cứu Chuộc, thì tình yêu mà Người có đối với Mẹ, ôi Mẹ Maria, đã khiến cho Người có các dự án khác đối với Mẹ, và Người đã thiết định rằng Đức Giêsu là Con Mẹ như là Con của Người, và để thực hiện một xã hội vĩnh cửu với Mẹ, Người đã muốn rằng Mẹ là Mẹ của Con duy nhất của Người, và muốn rằng Người là Cha của Con Mẹ” (Diễn văn về lòng sùng kính Đức Thánh Trinh Nữ).

Chức làm Mẹ Thiên Chúa cũng kết hiệp Đức Maria với Chúa Thánh Thần, bởi vì do quyền năng Chúa Thánh Thần Đức Maria đã thụ thai Ngôi Lời trong cung lòng mình. Chính trong nghĩa này, trong Thông điệp “Divinum Munus”, công bố ngày 9-5-1897, Đức Giáo hoàng Leo XIII gọi Đức Maria là Hiền Thê của Chúa Thánh Thần. Và Đức Maria là Đền Thánh đặc biệt của Chúa Thánh Thần vì các điều kỳ diệu mà Người đã thực hiện nơi Mẹ.

Thánh Bênađô khẳng định: “Nếu Thiên Chúa ở với các Thánh, thì Người ở với Đức Maria một cách hoàn toàn đặc biệt, bởi vì giữa Thiên Chúa và Đức Maria có sự đồng ý hoàn toàn, đến độ Thiên Chúa không chỉ hiệp nhất ý muốn của Người, mà còn hiệp nhất thịt xác và bản thể của Người với ý muốn, thịt xác và bản thể của Đức Maria, và đã làm nên một Chúa Kitô; và Chúa Kitô nếu không phát xuất như Người là không hoàn toàn tất cả từ Thiên Chúa, cũng không hoàn toàn tất cả từ Đức Maria, tuy nhiên hoàn toàn là Thiên Chúa và hoàn toàn của Đức Maria, bởi vì không có hai người con, mà chỉ có một Người Con, là Con của Thiên Chúa và của Đức Trinh Nữ.

Thánh Bênađô viết tiếp: “Sứ thần nói: “Kính chào bà, hỡi bà đầy ơn phúc, Chúa ở cùng bà”. Ở cùng bà không chỉ có Chúa Con, mà bà đã mặc cho thịt xác của Bà, mà cả Chúa Thánh Thần từ đó bà đã thụ thai, và Chúa Cha, là Đấng đã sinh ra Đấng mà bà đã thụ thai. Ở cùng bà, Chúa Cha, là Đấng làm cho Con của Người trở thành con của bà. Ở cùng bà, Chúa Con là Đấng để thực hiện Mầu nhiệm đáng tôn thờ, mở lòng bà ra một cách lạ lùng và tôn trọng dấu ấn sự đồng trinh của bà. Ở cùng bà, Chúa Thánh Thần, Đấng với Chúa Cha và Chúa Con, thánh hoá cung lòng bà. Vâng, Chúa ở cùng bà” (3a Omelia Super Missus est).

Đức Giáo hoàng Pio XI đã viết trong Thông điệp “Ánh sáng chân lý” như sau: “Hôm nay, khi kính chào Mẹ với tước hiệu lớn lao là Mẹ Thiên Chúa, chúng ta đừng quên rằng “vì đã trao ban sự sống cho Đấng Cứu Rỗi loài người, bởi chính sự kiện đó, Mẹ đã trở thành Mẹ rất dịu hiền của chúng ta, và Chúa Kitô đã muốn chúng ta là em của Người. Khi lựa chọn Mẹ là Mẹ của Con Người, Thiên Chúa đã khắc ghi nơi Mẹ các tâm tình hoàn toàn hiền mẫu, chỉ hít thở tình yêu và sự tha thứ”.

Từ vinh quang thiên quốc nơi Mẹ đang sống, xin Mẹ nhớ đến chúng con, chúng con cầu khẩn Mẹ với biết bao vui mừng và trông cậy.

Thánh Bonaventura đã nói: “Đấng Toàn Năng ở với Mẹ và cùng Người, cho Người và sau Người, Mẹ cũng toàn năng”. Mẹ có thể trình diện với Thiên Chúa không phải để cầu nguyện cho bằng để ra lệnh, Mẹ biết một cách chắc chắn rằng Thiên Chúa nhận các ước mong của Mẹ. Chắc chắn chúng con là những kẻ tội lỗi, nhưng Mẹ đã trở thành Mẹ Thiên Chúa vì chúng con và “chưa từng nghe nói có ai trong số những người chạỵ đến với Mẹ mà bị Mẹ bỏ rơi. Được linh hoạt bởi sự trông cậy đó, ôi Trinh Nữ của các trinh nữ, ôi Mẹ của chúng con, chúng con chạy đến với Mẹ rên siết dưới sức nặng các lỗi lầm của chúng con, và chúng con sấp mình dưới chân Mẹ, ôi Mẹ Ngôi Lời Nhập Thể, xin dừng khinh chê các lời cầu của chúng con, xin ghé mắt nhìn và nhận lời chúng con” (Thánh Bênađô).

Năm 1931, nhân kỷ niệm 1.500 năm Công đồng Chung Êphêxô, Đức Giáo hoàng Pio XI đã công bố thông điệp “Ánh sáng Chân lý”, cho tu sửa Đền thờ Đức Bà Cả ở Roma, và thành lập một lễ phụng vụ “giúp phát triển lòng sùng kính đối với Mẹ Thiên Chúa mơi giáo sĩ và giáo dân, bằng cách giới thiệu Đức Maria và Thánh Gia Nazareth như là mẫu gương, để cho sự thánh thiện của hôn nhân và việc giáo dục giới trẻ ngày càng được tôn trọng hơn.
 
(Thánh Mẫu học, bài MM327)
 
 

Linh Tiến Khải
 

Tiểu sử các thánh trong tháng

    NgàyKính Thánh
2/4/2024 Thánh Phanxicô Paola, Ẩn tu (1416-1507)
2/4/2024 Thánh Đôminicô Vũ Đình Tước, linh mục
4/4/2024 Thánh Isiđôrô,Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh (+636)
5/4/2024 Thánh Vincent Ferrio, Linh mục (1350-1419)
6/4/2024 Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh, linh mục (+ 1857)
7/4/2024 Thánh Gioan La Salle, Linh mục (1651-1719)
7/4/2024 Thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu, linh mục
11/4/2024 Thánh Stanislaô, Giám mục, Tử đạo (1030-1079)
13/4/2024 Thánh Martinô I, Giáo hoàng, Tử đạo (+656)
21/4/2024 Thánh Anselmô, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh (1033-1109)
23/4/2024 Thánh Giorgiô, Tử đạo (+ 303)
24/4/2024 Thánh Phiđelê Sigmaringa, linh mục, tử đạo (1528-1622)
25/4/2024 Thánh sử Marcô
28/4/2024 Thánh Phêrô Chanel, linh mục, tử đạo (1803-1841)
28/4/2024 Thánh Phaolô Phạm Khắc Khoan, linh mục; Thánh Phêrô Nguyễn Văn Hiếu, thầy giảng; Thánh Gioan Tẩy Giả Đinh Văn Thành, thầy giảng
29/4/2024 Thánh Catarina Siena, Đồng trinh, Tiến sĩ Hội Thánh (1347-1380)
30/4/2024 Thánh Piô V, Giáo hoàng (1504-1572)
30/4/2024 Thánh Giuse Tuân, linh mục
Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 4-2024
Cầu nguyện cho vai trò của những người nữ
Chúng ta hãy cầu nguyện để phẩm giá và sự phong phú của những người nữ được nhận biết trong tất cả các nền văn hoá, để không còn sự phân biệt đối xử mà họ là những nạn nhân ở nhiều nơi trên thế giới.
For the dignity of women
During April, Catholics are asked to pray that “the dignity and worth of women be recognized in every culture.” The prayer intention includes praying for an end to the discrimination many women face in different parts of the world.
SUY NIỆM TIN MỪNG

Phim - Nhạc - Suy niệm
Xem chuyên mục Media Online
Từ Điển Online:     

Truyền Tin

Email: tt.march25@gmail.com

Website: truyen-tin.net

Online since: May 2010

Tìm kiếm nội dung
(Gõ từ khóa vào vào khung dưới đây)
Tìm kiếm trong Google
Nhấn vào >> Google Search

Liên hệ

Đặt làm trang chủ

@