Print  
Lược sử
Bản tin ngày: 29/03/2011   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo

ĐỘI NÉT LƯỢC SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

2.000 năm lịch sử chỉ được tóm lại trên mấy trang sách, thì quả là khó có thể hiểu hết được cách chính xác và gãy gọn về Giáo hội Công giáo, vì đây là một tập thể lớn lao “trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian”, vừa thiêng liêng vừa trần thế, vừa địa phương, vừa toàn cầu. Vậy, những dòng sau đây chỉ phác hoạ tổng quát đôi nét về tính lịch sử của Giáo hội Công giáo, tuy đa dạng nhưng rất chặt chẽ, chậm chạp nhưng năng động. Trải qua 20 thế kỷ mà ngày nay số tín hữu đã lên tới 1.071.920.000 trong số hơn 6 tỷ người của hoàn cầu. 

Từ 12 người đầu tiên 

Đức Giêsu bề ngoài là con bác thợ mộc chân chất ở Nazareth, chẳng có gì là cao sang quyền quý, sinh ra nơi nghèo hèn cô quạnh, còn chết lại càng nhục nhã, thảm thương. Ngoại trừ ba năm truyền giảng Tin Mừng, Ngài đã chứng minh cách trực tiếp hoặc gián tiếp tính Thiên Chúa của mình bằng ngôn từ và hành động. Ngài đã tuyển chọn 12 người làm môn đệ đầu tiên, tức Mười Hai Tông Đồ. 

Cái chết đau thương của Đức Giêsu đã làm cho 11 tông đồ còn lại và những người thân tín quá hoảng sợ. Họ hầu như thất vọng hoàn toàn. Đức Giêsu phục sinh rồi nhưng họ vẫn bán tín bán nghi, chưa lấy lại được bình tĩnh, an hoà. Nhưng từ giây phút Thánh Linh bất ngờ xuất hiện, các ông được biến đổi hoàn toàn. Não trạng thay đổi, tư duy cũng khác lạ, lời nói và hành động không còn thuộc loại bình thường, vì đã vượt quá tầm mức thế gian của họ, bỏ xa môi trường chài lưới trước đây. Rõ ràng không còn là họ như xưa nữa! 

Họ đã dám mở tung cửa nhà đón tiếp bà con xa gần, lại còn ra nơi công hội gặp gỡ, báo cho mọi người hay Tin Mừng: “Thầy của họ, Đức Giêsu, đã phục sinh”. Đâu còn phải co rúm, run rẩy như trước đây. Một xu dính túi cũng không, uy quyền chẳng có, kiến thức đâu bằng các Kinh sư, Pharisiêu, thế mà với hai bàn tay trắng, họ đã dám ngang nhiên vào tận đền thờ Jerusalem, trung tâm xã hội tôn giáo Do Thái, để “đối mặt” với những vị đầy uy thế, quyền lực tại đó. 

Họ đã củng cố lòng tin cho bao nhiêu người, và làm cho hàng vạn kẻ tin vào Đức Giêsu. Nói chung, họ đã quy tụ những người này thành một Giáo Hội sơ khai tại Jerusalem và những vùng lân cận. Luật sống cao trọng nhất mà Đức Giêsu truyền cho họ phải thi hành hằng ngày chỉ gồm trong một động từ yêu: yêu Chúa, yêu người. Đã yêu thì chia sẻ cụ thể cho nhau, đặc biệt trong bữa tiệc Thánh Thể, nên họ đã để mọi sự làm của chung, không còn kè kè lo giữ của cải theo kiểu “đồng tiền liền khúc ruột”. 

Tầm nhìn của các môn đệ Đức Giêsu không ngừng lại ở Judea, Galilee, không còn giới hạn trong vùng Palestine, nhưng xa hơn tới các dân ngoại; hơn nữa, các ông còn băng mình sang trung tâm văn hoá Hy Lạp, đến tận kinh thành Roma. 

Đế quốc Roma sau 5 thế kỷ với chế độ cộng hoà, bắt đầu mở rộng qua Trung Đông dưới thời hoàng đế Augustus, rồi được bành trướng rộng lớn nhất đời Trajanus (98-117), lan ra các phía Nam Âu, Đông Nam Âu, Tiểu Á, Trung Đông, Bắc Phi. Đế quốc Roma, một đế quốc hùng mạnh nhất thời đó mà vị hoàng đế cực kỳ uy quyền tự cho mình là Pontifex Maximus. Với danh hiệu này, ông còn là lãnh tụ một thứ tôn giáo phiếm thần. Chính hoàng đế cũng là đối tượng tôn thờ của dân: đối với đế quốc Roma bên Đông, ông được coi là thần ngay khi còn sống; với thần dân phía Tây, ông được coi là thần khi đã băng hà. Người dân trong đế quốc phải tôn kính hoàng đế như vị thần mới tỏ ra là một công dân đích thật. 

Khi Jerusalem bị phá huỷ bình địa do 50.000 quân của hoàng đế Titus năm 70, nước Do Thái cũng biến mất, dân chúng di tản khắp đế quốc, trong số này cũng có những người sống chết theo Đức Giêsu. Thế là họ trở thành những hạt giống Tin Mừng trong toàn đế quốc Roma, làm nên những nhóm Kitô hữu sinh động lan tràn tới cả Bắc Phi. Trên bản đồ đế quốc Roma, ngay vào giữa thế kỷ III, nhiều trung tâm lớn Kitô giáo thành hình tại Roma, Milan, Lyon, Corinth, Caesarea, Antioch, Alexandria, Damascus, Carthage, Cyrene… 

Về giáo thuyết của Arius, một linh mục thành Alexandria, ông này xác quyết Đức Giêsu là Con thì không thể ngang hàng với Chúa Cha, và Đức Giêsu chỉ là một thụ tạo hoàn toàn, không phải là Thiên Chúa (từ Công đồng Nicaea năm 325 đến Vatican II năm 1962-1965, trong toàn Giáo Hội có 21 Công đồng Chung). 

Vào thế kỷ III nhiều dân tộc Bắc Âu và Đông Âu như Jutes, Angles Saxons, Francs, Suèves, Burgondes, Vandales, Goths, Ostrogoths, Visigoths, Huns, Alamans, Germans… tràn vào đế quốc bên Tây (người Roma gọi họ là bọn Man Di) làm cho đế quốc suy yếu dần rồi tàn lụi hoàn toàn năm 476. Trái lại, đế quốc bên Đông còn trụ được và phát triển trong gần 10 thế kỷ nữa, tức năm 1453, khi người Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng Constantinople.

Vì những đợt xâm nhập như sấm sét của các dân Bắc Âu, đế quốc bên Tây rối loạn, chỉ có Giáo Hội, nhờ giáo lý thâm sâu, có tổ chức, có uy tín, nên chẳng những lo cho dân chúng nghèo khổ, bảo vệ kẻ yếu hèn, mà còn hoán cải được những người đang xâm lăng đế quốc. Giáo Hội trở thành một “lực lượng” đứng ra dàn xếp với dân xâm lược. Uy tín của Giáo hoàng Roma mỗi ngày một lớn mạnh, nên đã có thời kỳ như điều khiển cả Nhà nước, Nhà nước lại muốn điều khiển giáo hoàng. 

Thế kỷ VIII, thời đại Carolingien ra đời với Charles Martel là người đã chặn đứng được cuộc bành trướng của Hồi giáo tại Poitiers năm 732, sau khi họ đã tiến quân như vũ bão từ Ai Cập, chiếm Bắc Phi, vượt Tây Ban Nha lên tới đất Pháp, dù Hồi giáo mới được Đức Mohamed (Muhammad) sáng lập tại Ảrập năm 610. Thời kỳ này, dòng họ Carolingien và Giáo Hội sát cánh nhau: chính Pépin le Bref (kế vị cha là Charles Martel) sau chiến thắng tại Ý, đã tặng cho giáo hoàng các vùng đất chiếm lại của người Lombards năm 756. Từ đó, xuất hiện Các Nước Giáo Hoàng (États Pontificaux); năm 800, Đức Giáo hoàng Leo III phong vương cho Charlemagne, con của Pépin le Bref. “Có đi có lại mới toại lòng nhau”. Ngay từ thời Pépin và các vua kế tiếp, nhà vua đã can dự vào nhiều việc nội bộ Giáo Hội, như bổ nhiệm các giám mục, dù các giám mục vẫn được tự do tuyển chọn, huấn luyện các linh mục và trao các giáo xứ cho các linh mục phụ trách. Thấy nhà vua can thiệp quá sâu vào việc tổ chức của Giáo Hội, nhất là việc bổ nhiệm các giám mục, nên năm 1076, Giáo hoàng Gregorius VIII (1073-1085) ra vạ tuyệt thông cho vua Henry IV, làm nhà vua mất uy tín với dân chúng; năm sau, 1077, chính Henry IV thân hành đến Canossa, đi chân không, mặc áo sám hối, xin lỗi giáo hoàng. 

Các nước Tây phương quá biết uy tín giáo hoàng trong Giáo Hội, nên muốn “giành lấy giáo hoàng cho mình” như vụ Đức Giáo hoàng ở Avignon thế kỷ XIV và những vụ lộn xộn sau đó. Cho đến năm 1870, giáo hoàng vẫn được coi như vua của Các Nước Toà Thánh (les États du Saint - Siège), đâu có phải chỉ là một nước Vatican nhỏ bé với 0,44km2 như ngày nay. 

Uy tín của giáo hoàng đối với nhà cầm quyền cuối thời Trung Cổ sang đầu thời Phục Hưng châu Âu đã giảm bớt, nhưng vẫn còn được kính trọng, nên năm 1493, Đức Giáo hoàng Alexander VI đã đứng ra phân chia cho vua Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha được quyền tự do phái người đi khám phá thế giới theo hai hướng Đông, Tây.      

Ngoài các phẩm trật trong Giáo Hội, còn có một bậc sống không phải là giáo sĩ, cũng chẳng phải là giáo dân, đó là các tu sĩ dòng. Đời sống hiến dâng hay các tu sĩ dòng nói chung, được khởi sự từ thế kỷ III với Thánh Antonius tại Ai Cập trong nếp sống ẩn tu và nửa ẩn tu. Sang thế kỷ VI, Thánh Benedictus (480-547) với tu luật nổi tiếng của ngài, lập ra đan viện, mở đầu cho các kiểu đan tu trong Giáo hội Tây phương. Từ đó, xuất hiện nhiều thể loại tu trì của cả hai giới nam nữ, chuyên việc chiêm niệm hay hoạt động, do linh đạo và đặc sủng khác nhau, kéo dài cho đến ngày nay. Theo thống kê của Giáo Hội năm 1998, có 141.437 linh mục dòng trong tổng số 404.336 linh mục; ngoài ra, còn 58.967 tu huynh và 828.660 nữ tu. Không kể các dòng tu thuộc quyền giáo phận, chỉ tính riêng dòng tu thuộc quyền Toà Thánh, ước chừng có 1.300 dòng nữ và 300 dòng nam. Đa số các linh mục dòng không làm việc mục vụ trực tiếp (cha sở, cha xứ) như các linh mục triều (giáo phận), nhưng các linh mục dòng, các tu huynh và đông đảo nữ tu, chẳng những đã đóng góp, mà nhiều khi còn đi tiên phong, nhất là trong cuộc truyền giáo từ thế kỷ XII trở đi. Các tu sĩ phục vụ mọi người và không phân biệt về chủng tộc, ngôn ngữ, thể chế chính trị…, trong nhiều lĩnh vực như: tôn giáo, văn hoá, xã hội…, đặc biệt lo cho những người nghèo khổ, bệnh tật, hoặc bị áp bức…

Công cuộc giáo dục

Sau khi đế quốc bên Tây sụp đổ năm 476, bắt đầu mở ra thời kỳ được người ta quen gọi là thời Trung Cổ của châu Âu. Đầu thời kỳ này, các đan viện ở châu Âu đóng góp nhiều nhất cho việc giáo dục dân chúng, gần như là “độc quyền”. Đan viện nào cũng là trung tâm giáo dục cư dân quanh đó. Ngoài ra, chỉ có các giám mục mới mở các trường học chủ yếu là huấn luyện các giáo sĩ. 

Nhưng sang thế kỷ XII, các trường đại học ở Tây Âu ra đời, việc tổ chức quy củ hơn, mở rộng hơn, thường có các khoa: thần học, văn học, y khoa, giáo luật và dân luật, nhưng thần học vẫn là khoa quan trọng nhất và thời gian học lâu gấp đôi các khoa khác. Các đại học được thành lập trong thế kỷ XII và XIII: Bologne (thế kỷ XII); Valence (1209); Oxford (1214); Paris (1215); Naples (1224); Padoue (1228); Cambridge (1229); Salamanque (1230); Roma (1249); Coimbra (1279). Qua nhiều thế kỷ, số các trường học lớn nhỏ do Giáo Hội thành lập không phải là ít, đặc biệt tại những nơi nghèo nàn, thiếu điều kiện, hoặc chính quyền chưa thể đảm nhận được toàn bộ công cuộc giáo dục trong nước.

Giáo Hội chia rẽ

Nếu có hai khu vực hành chính Đông Tây riêng biệt trong đế quốc, thì ít ra cũng có hai lối sống Kitô giáo trong đế quốc, nhất là từ cuối thế kỷ V, lúc đế quốc bên Tây sụp đổ. Thật ra, Giáo hội Đông cũng như Tây đều cùng một đức tin, riêng “não trạng” tôn giáo có phần khác do ảnh hưởng của những dị biệt chính trị, kinh tế, văn hoá. Tuy Giáo hoàng Roma vẫn được Giáo Hội bên Đông nhận là vị đứng đầu toàn Giáo Hội, nhưng giáo hữu bên Đông cảm thấy gượng ép, khó chịu. Đặc biệt, các dân tộc do Giáo hội bên Đông truyền giáo (Bulgares, Slaves vùng Balkans, Nga) lại chỉ công nhận Đức Thượng phụ Giáo chủ Constantinople. 

Xảy ra cuộc phân ly hoàn toàn kể từ ngày 16-6-1054, khi đại diện của Đức Giáo hoàng Leo IX và Thượng phụ Giáo chủ Constantinople, Michael Cerularius, ra vạ tuyệt thông lẫn nhau. Giáo Hội Đức Kitô bị chia rẽ! Mãi đến ngày 7-12-1965, hai vị mục tử tối cao của Giáo hội Công giáo và Chính Thống là Đức Phaolô VI và Đức Thượng phụ Giáo chủ Constantinople mới giải vạ cho nhau. 

Trong thực tế, hiện nay vẫn còn là hai Giáo hội: Giáo hội Công giáo Roma và Giáo hội Chính Thống,  chưa kể “Giáo hội bên Tây” từ đầu thế kỷ XVI đến nay xuất hiện hàng trăm Giáo hội khác, lớn có, nhỏ có; và Giáo hội bên Đông, tức Giáo hội Chính Thống, cũng chia năm xẻ bảy. Từ 50 năm gần đây, phong trào đại kết các Giáo hội Kitô ra đời. Thiện chí thì mọi phía đều có, nhưng làm sao thực hiện được lời “di chúc” của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly khi Ngài cầu nguyện với Đức Chúa Cha để “họ nên một như chúng ta là một”.

Vượt ra ngoài Châu Âu

Thế kỷ XV mở ra thời kỳ Phục Hưng châu Âu, trải qua các biến cố:

- Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng Constantinople (1453).

- Columbus đặt chân lên đảo Watling tại Trung Mỹ (1492).

- Đoàn thám hiểm Magellan đi vòng quanh trái đất, bắt đầu từ Tây Ban Nha, đến cực Nam Mỹ (1520), tới Philippines, vượt Ấn Độ Dương vòng qua mũi Hảo Vọng về tới Tây Ban Nha. 

- Hiệp định Tordesillas (1494) phân chia thế giới làm hai “dưới quyền bảo trợ” của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. 

Nhờ những sự việc trên và lúc đầu qua hai cửa ngõ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Giáo hội Công giáo cũng mở rộng tầm nhìn ra thế giới, hầu Tin Mừng Đức Kitô vươn đến mọi dân tộc, mọi nền văn minh khắp năm châu. Giáo hội Công giáo gọi đó là công cuộc truyền bá đức tin, ngày nay gọi là Phúc Âm hoá các dân tộc. Tuy nhiên, người ngoài Công giáo có khi lại hiểu là “thực dân tôn giáo”, khi họ nhận ra lề lối truyền đạo qua các thế kỷ của một số nhà truyền giáo. Nhất là từ Công đồng Lateran giữa thế kỷ XVI, nhiều vị truyền giáo mang não trạng đi “chinh phục” các linh hồn, dù là đầy thiện chí, quả cảm, hy sinh, bất chấp mọi ngăn trở, dám chết cho đức tin. Cụ thể, các vị mang đến một Đức Kitô đã Tây Phương hoá (ít là về bộ mặt bên ngoài): Tây Phương từ cách suy diễn đức tin đến cơ cấu tổ chức và nếp sống phụng tự cùng những nghi lễ kèm theo… Họ đã đem đến một nếp sống Công giáo Tây Phương, khác với nếp sống tôn giáo địa phương, điều mà Bộ Truyền bá Đức tin (lập 1622) năm 1659 đã căn dặn phải tránh cho xa, khi gửi 3 giám mục Đại diện Tông toà đi Đàng Trong, Đàng Ngoài và Nam Kinh. 

Lịch sử đã diễn ra như vậy… Lỗi thì chẳng thiếu. Ví dụ: việc hội nhập văn hoá, coi thường tôn giáo khác. Trong thiên kiến người đời thường nhìn vào những thiếu sót đó, nhưng ích lợi Giáo Hội mang lại cho người ta thường dễ bị quên lãng. Dù vậy lịch sử rất công bằng, chúng ta tin tưởng vào quy luật ấy; cũng là tin vào Chúa của lịch sử.

Giáo Hội bung ra

Công đồng Vatican II đã đưa Giáo hội Công giáo vào một con đường mới hơn sánh với 20 Công đồng trước, vì không phải chỉ bàn tới việc củng cố nội bộ Giáo Hội, bảo vệ và truyền bá đức tin, mà còn bắt tay với toàn thể nhân loại, với mọi xã hội, trao đổi chân tình với mọi tổ chức địa phương và quốc tế, tôn trọng mọi nền văn minh, văn hoá, mọi tôn giáo trên mặt đất. 

Nhân vật số một của Giáo hội Công giáo, Đức Gioan Phaolô II, đã tiếp xúc với rất nhiều thành phần nhân loại không phải chỉ bằng lời nói, chữ viết qua các thư từ, thông điệp…, nhưng ngài đi khắp hoàn cầu, đích thân gặp gỡ các dân tộc, các tầng lớp xã hội. Đã nhiều lần ngài ra khỏi nước Vatican, không thể tự giam hãm mình như mấy vị giáo hoàng từ năm 1870-1929, thời thống nhất nước Ý đến thoả ước Lateran. Trong 25 năm giáo hoàng, tính đến 2003, Đức Gioan Phaolô II đã làm 99 cuộc hành hương quốc tế, thăm viếng 129 quốc gia (trong đó có 12 nước tại Á Châu, Ba Lan (8 lần), Pháp (6 lần), Hoa Kỳ (5 lần), 134 lần mục vụ trong nước Ý và 274 lần thăm các giáo xứ thuộc giáo phận Roma của ngài. Ngoài ra, tính đến tháng 10-2003, ngài còn công bố 14 thông điệp, mở ra 12 Thượng Hội đồng Giám mục thế giới và tấn phong 177 vị hồng y, tuyên thánh cho 432 vị và tôn vinh 1.314 chân phước. 

Giáo hội Công giáo là một Hội Thánh do Đức Giêsu thiết lập, nhưng các phần tử trong Giáo Hội cũng chỉ là những con người với tất cả hạn chế của một thụ tạo, dù con người được coi là hình ảnh của Thiên Chúa. 

Giáo Hội đã trải qua nhiều thăng trầm trên nhiều chặng đường lịch sử sáng ngời pha lẫn đen tối, nhưng đó là một “tổ chức” chặt chẽ, hoạt động liên tục 2.000 năm rồi. Giáo Hội sẽ còn nhiều đổi mới lớn nhỏ, cách này cách khác, những đổi mới có thể làm cho nhiều người phải ngỡ ngàng, nhưng vẫn là Giáo hội Công giáo do Đức Giêsu thiết lập. 

Nói tóm lại, Công đồng Vatican II mới chỉ là một “pháo lệnh” cho cuộc đổi mới trong Giáo Hội. Vì 20 thế kỷ qua, biết bao thứ bám chắc vào Giáo Hội, mà đến nay có thứ chỉ còn là những lớp vỏ khô cằn, không còn ích lợi gì. Đàng khác, thế giới biến đổi quá mau lẹ, nguyên về mặt thông tin cũng đủ choáng ngợp rồi. Tuy nhiên, sức sống của Giáo Hội không phải do chính con người tạo ra, không phải do uy tín quốc tế (dù hiện nay Vatican đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức theo cấp bậc sứ thần, đại sứ với 180 quốc gia), không phải do quyền lực, tiền tài…, nhưng do Chúa Thánh Linh.

Lm. Giuse Đỗ Quang Chính, SJ

In ngày: 24/11/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print