Sự kiện bi đát là đa số nhân loại không biết đến hoặc không tin vào Đức Kitô.
“Với sứ mệnh đem sứ điệp Phúc Âm soi chiếu cả thế giới và quy tụ trong một Chúa Thánh Thần, tất cả mọi người thuộc bất cứ quốc gia, chủng tộc hay văn hoá nào, Giáo Hội xuất hiện như dấu chứng của tình huynh đệ, là mối tình có khả năng tạo điều kiện cần thiết và củng cố cho việc đối thoại chân thành” (MV 92a).
Ngôn từ căn bản là đối thoại. Nếu ngày xưa, thái độ đối với dân ngoại là nghi ngờ, đối lập, cạnh tranh, thì ngày nay là cởi mở, đón nhận, đàm luận. Vatican II đảm nhận sứ mệnh do Đức Kitô uỷ thác, nhưng trong bối cảnh của một thế giới mới:
“Trong thời đại chúng ta, nhân loại ngày càng liên kết chặt chẽ với nhau hơn; các mối liên hệ giữa các dân tộc cũng gia tăng, thế nên Giáo Hội càng đặc biệt chú tâm hơn đến việc tìm xem mình phải giữ quan hệ như thế nào với các tôn giáo ngoài Kitô giáo” (TD 1).
Nhìn theo nhãn quan thần học, ta sẽ thấy rằng Thiên Chúa ban ơn cứu độ qua đường lối tập thể xã hội (x. GH 9a), và dùng những trung gian sẵn có - thường là các tôn giáo - vì thế, Giáo Hội nhận thấy rõ là các tôn giáo giữ một vai trò quả thật tích cực trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Vậy, với chủ trương đối thoại, không những Giáo Hội nói lên ước muốn liên hệ với các cá nhân, mà còn với cả những tập thể và tôn giáo nữa.
Trong Thông điệp Ecclesiam suam, Đức Phaolô VI đã trình bày chi tiết về phương thức đối thoại. Nói chung, đối thoại đòi hỏi phải biết:
a. Kính trọng và chấp nhận người đối thoại, coi họ là trung thực và có thiện chí; đăït mình trên cùng bình diện với họ;
b. Thành thật muốn tìm hiểu về tư tưởng, tín ngưỡng, tập tục, giá trị… của người đối thoại;
c. Sẵn sàng lắng nghe những lý lẽ, vấn nạn, khó khăn, luận chứng bác bỏ của phía bên kia;
d. Thành thật phê bình lập trường của phía bên kia và ôn hoà trình bày lập trường của mình;
e. Xem xét mọi sự: tư tưởng và những động cơ, sự kiện lịch sử và những hậu quả trong đời sống tôn giáo của mình và của phía đối thoại.
Trong cuộc đối thoại, cũng nên lưu ý đến điểm này: chân lý là một chuyện, còn cách quan niệm về chân lý lại là một chuyện khác. Chân lý tuyệt đối là mầu nhiệm, là chính Thiên Chúa; và không ai thấu hiểu toàn diện được Thiên Chúa. Vậy, các phía đối thoại cần phải ý thức rõ mình là những lữ khách đang cố bước tới cho gần hơn với chân lý toàn vẹn.
Có nhiều cách đối thoại khác nhau: đối thoại trí thức hoặc thần học, tức là trong lĩnh vực chuyên môn; đối thoại giữa cuộc sống, và đối thoại qua kinh nghiệm liên tôn. Lý tưởng là có thể tham dự vào cả ba dạng đối thoại. Đối với đa số các Kitô hữu, nhất là tại châu Á, đang sống chung với tín đồ các tôn giáo khác, đối thoại, trước hết là sống đạo cho xứng với danh nghĩa Kitô để làm chứng cho đức tin của mình, tiếp đó là hợp tác vào những công tác phục vụ công ích, và đơn sơ chia sẻ niềm hy vọng của mình như Thánh Phêrô đã từng khuyên nhủ (x. 1 Pr 3,15-16). Cùng cầu nguyện chung với nhau và chia sẻ kinh nghiệm một cách sâu đậm cũng giúp cho đôi bên hiểu nhau hơn về phương diện đích thật tôn giáo.
Lập trường chính thức của Giáo hội Công giáo là trung thành hoàn toàn với những gì Tân Ước cho biết về: Đấng trung gian duy nhất (x. Cv 4,12; 1 Tm 2,5), Đấng Nhập thể và Cứu chuộc “chỉ một lần” duy nhất (x. Dt 9,26-28) và thiên tính của Đức Kitô (x. Ga 20,28). Giáo Hội công nhận là các tôn giáo có giá trị thật sự về mặt cứu độ; nhưng nguồn ơn cứu độ là chính Chúa Kitô, và được chuyển thông - một cách nhiệm mầu như thế nào thì chỉ có Thiên Chúa mới biết- nhờ Giáo Hội là bí tích cứu độ phổ quát. Những giá trị mà các tôn giáo chứa đựng được coi như “hạt giống của Ngôi Lời”, bởi vì Thần Khí của Đức Kitô hằng hoạt động qua nghi thức và giáo lý của các tôn giáo ấy, khiến cho mọi người có thể mở lòng để đón nhận ơn cứu độ. Tuy nhiên, nhiều điều trong các tôn giáo ấy cũng cần phải được thanh tẩy cho phùø hợp với ý Thiên Chúa, như được mạc khải trong Thánh Kinh.