Print  
C. ĐỐI THOẠI VỚI NHỮNG ANH EM VÔ THẦN
Bản tin ngày: 09/03/2008   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo

   ĐTC Phaolô VI đã nói trong Thông điệp Ecclesiam suam: “Chúng tôi biết chung quanh Giáo Hội có nhiều, thậm chí rất nhiều người không theo một tôn giáo nào; chúng tôi biết nhiều người tự xưng mình vô thần bằng rất nhiều cách. Và chúng tôi biết có những người công bố rõ ràng thái độ đối nghịch ấy của mình”.

 

   Vậy vô thần là gì? Đó là lập trường cho rằng ngoài con người và vũ trụ ra, không có một Thực thể hay một Hữu thể tuyệt đối (thần thiêng) nào. Thánh Kinh dùng từ vô thần chỉ có một lần (x. Ep 2,12), nhưng với ý nghĩa khác hẳn, để chỉ về người không biết hay không chấp nhận Đức Giavê và Luật của Người, hoặc là sống theo lối vô luân bất công. Tuy nhiên, Giáo Hội không dùng từ vô thần với ý nghĩa tiêu cực đó.

 

   Ngày nay, chủ trương vô thần là một hiện tượng phổ biến của quần chúng, bên Đông cũng như bên Tây, giữa lớp trẻ cũng như lớp già, giữa giới trí thức lẫn giới bình dân. Những biến đổi vĩ đại của nhân loại trong thế kỷ này đã thanh lọc lối sống đạo của nhiều người, nhưng cũng đã khiến nhiều người đánh mất niềm tin siêu nhiên và bỏ hẳn ý niệm về Thiên Chúa với các thực tại siêu việt. Thật ra, quá trình “thế tục hoá” kéo dài khá lâu tại châu Âu, đã phá vỡ mối dây hợp nhất của xã hội và Kitô giáo. Các cuộc chiến tôn giáo đã khiến người ta phải đi tìm một mối dây hợp nhất khác, và tổ chức xã hội theo những nguyên tắc không tôn giáo. Kết quả là thế giới (văn hoá, chính trị, kinh tế...) phát triển mà không hề quy chiếu gì đến tôn giáo, đến Thiên Chúa. Hơn nữa, những giá trị vốn là của Kitô giáo (như nhân quyền, nhân vị, tự do…) lại được nhiều người dùng để giải phóng mình khỏi một Giáo Hội mà họ cho là quá khích, bảo thủ và coi như kẻ thù. Tình trạng ngày nay lại còn bi đát hơn nữa, vì trong một vài nước đa số người vô thần không còn biết gì đến tôn giáo, bởi họ sinh ra trong những gia đình vô thần, học với thầy dạy vô thần, sống trong bầu khí vô thần… và “dư luận” cho đó là chuyện thường, là hữu lý; còn tin vào Thiên Chúa mới bị coi là bất thường, vô lý, bị lên án là mê tín, phản khoa học.

 

   Đã từ lâu Giáo Hội chú ý đến hiện tượng vô thần. Nhiều giáo hoàng đã đề cập tới, chẳng hạn như: Đức Piô XI (Di­vi­ni Redemptoris), Piô XII (Ad Apo­sto­lorum Prin­cipis), Gio­an XXIII (Mater et Magi­stra), Phaolô VI (Eccle­siam suam), Gioan Phaolô II (Sapientia Christiana)… và đặc biệt là Công đồng Va­ti­can II (MV Gaudium et Spes, số 19-21).

 

   Công đồng ngỏ lời trước hết với các tín hữu, để kêu mời họ cố gắng san bằng những trở ngại do chính họ gây nên, bằng cách sống đạo cho sáng suốt và xứng đáng (MV 21). Công đồng cũng kêu mời người vô thần lấy thái độ vô tư mà nhận định một cách khách quan những dấu chỉ Thiên Chúa đã ghi khắc ở trong vũ trụ, trong lịch sử và nơi tâm trí con người. Cũng cần phải ý thức rằng “nếu thiếu căn bản là Thiên Chúa, và thiếu niềm hy vọng vào đời sống trường cửu, phẩm giá con người sẽ bị tổn thương trầm trọng, như thường thấy ngày nay, và những bí ẩn về sự sống, sự chết, về tội lỗi cũng như đau khổ vẫn không giải đáp được; vì thế, con người thường bị dồn vào ngõ cụt tuyệt vọng” (MV 21c).

 

   Không chỉ vì yêu mến Thiên Chúa, mà còn vì yêu thương người vô thần, nên Giáo Hội không những chẳng kết án, mà còn muốn giúp đỡ họ như bà mẹ chăm sóc tất cả mọi người con yêu quý của mình. Giáo Hội luôn sẵn sàng đối thoại với người vô thần.

 

FELIPPE GÓMEZ, S.J.

In ngày: 22/11/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print