Print  
I. GIỚI THIỆU CÁC TỔ CHỨC TU TRÌ TẠI VIỆT NAM
Bản tin ngày: 15/03/2011   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
   Xưa nay, người ta vẫn coi các tổ chức tu trì là một trong những dấu hiệu lớn cho biết Giáo hội Công giáo có mặt và hoạt động tại một địa phương nào đó. Có mặt và hoạt đôïng trước hết như những tổ chức có mục đích tôn giáo: thờ phượng Đấng Tối Cao không những bằng lời kinh và nghi lễ, mà còn bằng cả đời sống có phần khác với đa số đồng bào giáo dân. Đó là các tu sĩ, sống theo những lời khấn hứa (thường được xác định cách chung là độc thân khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục, chuyên cần cầu nguyện và liên kết với nhau trong tình huynh đệ). Rồi có mặt và hoạt động như những tổ chức có mục đích nhân đạo: phục vụ đồng bào không những bằng việc hướng dẫn họ thờ phượng Thiên Chúa, mà còn bằng cả những việc nhân bản như giáo dục, chăm lo sức khoẻ, cứu tế… Đây không phải là cách hiểu riêng của những người Công giáo mà còn được chia sẻ bởi đông đảo những đồng bào khác, như ta có thể kiểm chứng được khi mở cuộc điều tra xã hội học về đời tu.

Bản thân Giáo Hội cũng coi các tổ chức tu trì không phải chỉ là bộ phận dân Chúa, mà còn coi đời tu như một trong các hiện thân chính yếu của Giáo Hội (x. Sắc lệnh của Công đồng Vatican II về Dòng Tu, số 1), đến nỗi sự thịnh suy của đời tu là sự thịnh suy của chính Giáo Hội. Vì Giáo Hội có ơn gọi gì, nếu không phải là ơn gọi tôn giáo và ơn gọi nhân đạo ấy mà các tổ chức tu trì đang tìm cách thực hiện cách đặc biệt hơn (x. Hiến chế của Công đồng Vatican II về Giáo Hội, số 44). Lịch sử đời tu và các hình thức tu trì khác nhau chính là bằng chứng cho thấy sự bền bỉ cũng như sức sống của Giáo Hội trong việc phục vụ Thiên Chúa và con người trong các địa phương qua các thời đại.

Chính vì tầm quan trọng ấy, Giáo Hội đã có những sự can thiệp chính thức vào việc xác định bản chất, phân loại và phân chia thẩm quyền mà các tổ chức tu trì sẽ thuộc về, đồng thời quyết định chính thức nhìn nhận một tổ chức tu trì đúng là tổ chức của Giáo Hội hay được Giáo Hội cho phép hoạt động tạm thời chờ phê chuẩn dứt khoát. Như thế, tất cả sự phân chia và sắp xếp các tổ chức tu trì như Giáo luật năm 1983 của Giáo hội Công giáo nêu ra trong quyển II, phần III, từ điều khoản 573 đến 746, đều nhằm minh định một lần nữa rằng các tổ chức tu trì ấy hoạt động tốt đẹp hơn trong đường hướng của mình. Nếu vậy, tất cả những phân biệt về loại (các tổ chức thuộc Đời sống Thánh hiến như: các Đan viện, Tu hội Dòng và Tu hội Đời; hay các tổ chức thuộc Đời sống Tông đồ như các Tu đoàn Tông đồ) và về thẩm quyền trực thuộc (thuộc thẩm quyền giáo hoàng hay Toà Thánh hoặc thuộc thẩm quyền giám mục địa phương hay giáo phận), và nhiều sự phân biệt khác nữa, mà độc giả sẽ gặp trong những trang sau đây, không nhằm phân biệt cao thấp về mặt giá trị mà chỉ để giúp tiện theo dõi và hướng dẫn, cũng như để giúp chính các tổ chức ấy thực hiện vai trò của mình tốt hơn trong chương trình hoạt động chung của Giáo Hội.

Cách riêng với những người trong cuộc, đời tu không chỉ là một sáng kiến thờ phượng Thiên Chúa, phục vụ đồng bào, mà trước hết và trên hết là một quà tặng của chính Chúa Thánh Thần ban cho nhân loại và chính cá nhân người tu sĩ. Đó là lời mời gọi người tu sĩ hiến thân trọn vẹn cho Thiên Chúa để tham gia vào chương trình cứu độ của Ngài cách sâu sát hơn. Chính vì thế, trước khi được coi là một nỗ lực lớn lao của con người, của tổ chức tu trì và của Giáo Hội, đời tu chính là một nghĩa cử thân ái, dịu dàng được Chúa Thánh Thần làm cho tất cả và Ngài sẽ còn làm nhiều hơn nữa trong tương lai. Chính vì thế, những quy định của Giáo Hội về đời tu vẫn luôn mở ngỏ. Ngay trong những trang này, độc giả sẽ thấy có vài tổ chức tu trì không thể được xếp đúng vào loại nào đã có sẵn mà còn mở ngỏ cho những cách sắp xếp trong tương lai. Nhân đây, chúng tôi cũng phải thú nhận chưa thể đưa vào đây tất cả mọi tổ chức tu trì tại Việt Nam, vì nhiều lý do bên ngoài cũng như bên trong. Nhưng như thế, chúng ta càng có dịp thấy ơn Chúa Thánh Thần phong phú tới mức không bộ sách nào có thể khoanh vùng trọn vẹn được, mà chỉ có thể mô tả phần nào trong tâm tình kính trọng và yêu mến.

Trong khuôn khổ cuốn Niên Giám này, chúng tôi chỉ có thể kể tên, nói qua vài dòng lịch sử, châm ngôn hoạt động hay một vài con số về người và địa chỉ, chứ không thể trình bày nhiều hơn nét sáng tạo, đời sống phong phú và tác động mãnh liệt của Chúa Thánh Thần trong đời tu. Muốn cảm nghiệm được, xin mời độc giả hãy tìm đến một địa chỉ cụ thể để khám phá. Chúng ta sẽ thấy làn gió của Thánh Thần sẽ đưa ta đi thật xa để phát hiện chân trời bao la của Tình yêu Thiên Chúa (x. Ga 3,8).

Chúng tôi cũng lưu ý độc giả về những tên gọi chưa được thống nhất của mỗi tổ chức tu trì, vì muốn tôn trọng tính cách riêng tư và độc lập của các tổ chức đó. Tuy nhiên, chúng tôi xin tạm liệt kê vài định nghĩa sau đây để giới thiệu với giáo dân và những độc giả ngoài Công giáo:

- Đan sĩ: người sống trong đan viện. Đan viện: (monasterion, do từ Hy Lạp monazein: sống một mình) là nơi các tu sĩ nam hay nữ sống đời ẩn dật, vừa làm việc, vừa chiêm niệm, hát kinh thần vụ chung.

- Người mới khởi đầu việc tìm hiểu một dòng tu gọi là dự tu hay thỉnh sinh hoặc đệ tử, có nơi gọi là thanh tuyển sinh. Đây là giai đoạn cần thiết để hiểu biết đôi chút về đời tu qua kinh nghiệm cá nhân và để cho các bề trên biết rõ hơn về người muốn đi tu, trước khi được nhận vào Nhà Tập hay Tập viện. Giai đoạn này dài ngắn tuỳ theo từng dòng.

- Tập sinh: người được nhận chính thức vào một tu hội để chuẩn bị khấn; trong tu hội đời là người được thử nghiệm. Thời gian tập sinh sống đời tu cách chặt chẽ kéo dài khoảng 1-2 năm và có thể chia thành 2 giai đoạn: tiền tập sinh và tập sinh. Kết thúc giai đoạn này là lễ khấn tạm, sau đó, tập sinh trở thành khấn sinh.

- Khấn sinh: người cam kết với Chúa sống ba lời khuyên Phúc Âm: khó nghèo, vâng phục và khiết tịnh. Mỗi tu sĩ sẽ khấn tạm một thời gian (tối thiểu 3 năm, tối đa 9 năm, theo Giáo luật) trước khi cam kết vĩnh viễn (vĩnh thệ hay khấn trọn). Trong thời gian khấn tạm, tu sĩ sống trong các học viện hay kinh viện để học các môn thần học, tu đức và truyền thống của dòng hoặc học thêm các chuyên ngành khác.

Chúng tôi sắp xếp các tổ chức tu trì dành cho nam giới trước nữ giới, các tổ chức tu trì thuộc đời sống thánh hiến trước các tu tổ chức tu trì thuộc đời sống tông đồ, các tu hội dòng trước tu hội đời, dòng giáo hoàng trước dòng giáo phận và theo thứ tự chữ cái của danh xưng quen gọi.


In ngày: 22/11/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print