1. Vài nét về quá trình hình thành cộng đồng kiều dân Việt Nam
Ta có thể tóm tắt quá trình hình thành Cộng đồng Công giáo Việt Nam hải ngoại theo mấy thời điểm chính sau đây:
Cộng đoàn kiều dân Việt Nam tại Pháp được thành hình vào thế chiến thứ I (1914-1918), do một số người Việt đã ở lại Pháp hoặc ở các thuộc địa của Pháp sau khi đi lính cho Pháp, một số khác là những người Việt kết hôn với người Pháp. Tất cả độ 80.000 người.
Sau khi hiệp định Genève về Đông Dương ký ngày 20-7-1954, nhiều thành phần người Việt làm việc cho Pháp, nhất là các quân nhân viên chức Pháp có vợ Việt và các con lai Việt - Pháp đã sang Pháp và định cư tại đó. Họ làm thành một cộng đồng người Việt tại Pháp đông đảo nhất cho đến thời điểm này. Con số lên tới 214.000 người. Những di dân trước ngày 30-4-1975 đến Hoa Kỳ gồm khoảng 3.000 người; họ là những viên chức ngoại giao, sinh viên du học từ miền Nam Việt Nam. Họ cư ngụ chủ yếu tại một số bang miền Đông và vùng Ngũ Đại Hồ, trong khi ở miền Tây không đáng kể. Một số ít người Việt lập gia đình với những người có quốc tịch khác. Một số khác đông hơn từ miền Bắc Việt Nam đi học hay đi làm việc tại các nước trong khối Đông Âu như Liên Xô, Đức, Tiệp Khắc, Hungari, Bungari, Rumani...
Nói chung từ 30-4-1975, số người di tản khỏi Việt Nam gia tăng lớn lao. Phần đông định cư tại Hoa Kỳ. Sau đó do chính sách phân bố các di dân của Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc phối hợp với một số nước có liên quan đến cuộc chiến tranh tại Việt Nam 1945-1975, người Việt di tản ra nước ngoài đã đến định cư ở một số nước khác ngoài Hoa Kỳ và Pháp. Mỗi đợt di dân lại tạo ra tầng lớp mới có nguồn gốc xã hội và điều kiện thích ứng với xã hội nước ngoài khác nhau. Có thể kể một vài đợt chính sau đây:
- Đợt di tản ngay trong thời điểm 30-4-1975 gồm các cán bộ công chức cao cấp, sĩ quan, doanh nhân, trí thức, tu sĩ, nhân viên ngoại giao, công kỹ nghệ gia, chuyên gia,... cùng gia đình họ. Tất cả có khoảng 135.000 người di cư sang Hoa Kỳ trong tổng số 143.000 di dân, số nhỏ còn lại đến Canada, Pháp, Đức, Thuỵ Sĩ, Bỉ. Theo điều tra riêng của tạp chí Los Angeles Times 1990, trong số dân di cư này, 40% khi còn ở Việt Nam đã có xe hơi, 40% là tín hữu Công giáo, hầu hết chịu ảnh hưởng khá cao nền văn hoá Pháp hay Mỹ, 40% có bằng đại học, 75% nói được tiếng Anh.
- Vào thời điểm 1978-1979 và 1983-1985, cùng với chiến tranh biên giới, số người Việt gốc Hoa di tản khoảng 276.000 người, phần đông từ miền Bắc ra đi, sang Trung Quốc hay các nước khác ở phương Tây.
Tổng số người di tản trong giai đoạn 1975-1985 là 650.000 người. Họ đến được nhiều nước ở Đông Nam Á, trong khi có từ 20-30% số người vượt biên bị sát hại hay tử nạn trên Biển Đông. Như thế con số người vượt biên khỏi Việt Nam thật sự có thể lên tới gần 1 triệu người.
Trước làn sóng người vượt biên ồ ạt có thể tạo nên một cuộc khủng hoảng quốc tế, nhất là đối với các nước Đông Nam Á, Đông Á, Đông Bắc Á và Nam Thái Bình Dương (Thái Lan, Malayxia, Indonesia, Phi Luật Tân, Hồng Kông, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Úc, Tân Tây Lan, Vanuatu), một hội nghị quốc tế về người tị nạn Đông Dương được tổ chức vào tháng 7-1979, tại Genève, quy tụ đại diện của 46 quốc gia có liên quan. Trong hội nghị đó, Việt Nam đã quyết tâm chấm dứt tình trạng vượt biên, đồng thời hai chương trình xuất cảnh cho người muốn rời khỏi Việt Nam được mở ra: chương trình ra đi có trật tự ODP (Orderly Departure Program) và ra đi theo chiến dịch nhân đạo HO (Humanitarian Operation). Trong khuôn khổ này, 380.000 người đã ra đi định cư bằng đường hàng không tính đến cuối năm 1992. Ngoài 40% các đối tượng di dân sang các nước Pháp, Đức, Canada, Úc, số đông hơn (60%) đã chọn sang Hoa Kỳ.
Nhưng số người vượt biên vẫn chưa chấm dứt trong thập niên 1979-1989. Những hội nghị quốc tế tiếp theo đặt ra việc xác định tư cách tị nạn chính trị và di dân kinh tế vào năm 1988-1989 trở về sau như một trong những biện pháp hạn chế dòng chảy người đi ra nước ngoài. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II khi đó có lên tiếng rằng muốn cho thảm cảnh di dân khỏi xảy ra, cần phải cải thiện một cách cơ bản điều kiện sinh sống phù hợp với nhân quyền, nhất là liên quan đến những lý do thật sự thúc bách người dân bỏ nước ra đi tại chính các nước xuất phát những luồng di dân.
Khi khối Đông Âu thay đổi thể chế chính trị từ sau năm 1989, người ta lại chứng kiến những cuộc di dân tại chỗ rất đặc biệt: nhiều người Việt Nam đi lao động hợp tác hay công tác khác (du học, du lịch, ngoại giao, thương mại,...) sau 30-4-1975, không muốn trở về nước và tìm hết mọi cách để ở lại với chính thể đã thay đổi hay sang các nước khác bên phương Tây. Điển hình là trường hợp tại Đức, mà hậu quả cho đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm: các đối tượng muốn thường trú chỉ được chấp nhận cho cư ngụ theo chế độ “tạm dung”, trong lúc chờ đợi hồi hương theo những thoả thuận giữa nhà nước Đức và Việt Nam.
Tổng kết trong lịch sử di dân, người ta nói nhiều đến người Do Thái, Trung Quốc, Anh, nhưng có thể nói, từ 30-4-1975 đã có một cộng đồng kiều dân Việt Nam hải ngoại mở rộng trên một diện tích phân bố rộng lớn chưa từng thấy trong lịch sử thế giới.
Như thế, qua các đợt di dân, ta có một bảng tổng hợp như sau:
2. Cộng đồng Công Giáo Việt Nam Hải ngoại
Kiều dân CGVN cũng là một bộ phận của tập thể kiều dân người Việt được cấu tạo trong quá trình di dân nói chung vào những thời điểm khác nhau. Cho đến năm 2000, chúng ta vẫn chưa có một cuộc điều tra kỹ lưỡng để có thể có con số chính xác về kiều dân Việt Nam tại các nước. Một số tài liệu đã nói đến con số 3.000.000 kiều dân Việt Nam trên khắp thế giới, chắc kể cả số sinh tại chỗ, với số tín hữu CGVN ước lượng lên tới trên 550.000 người. Tín hữu CGVN vào năm 2000 cư ngụ trên khắp năm châu lục, cụ thể tại 37 nước: châu Á: Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông, Malaysia, Indonesia, Phi Luật Tân, Lào, Cambodia, Thái Lan, Do Thái; châu Âu: Đan Mạch, Na Uy, Thuỵ Điển, Phần Lan, Áo, Bỉ, Hà Lan, Đức, Pháp, Thuỵ Sĩ, Ý; châu Mỹ: Hoa Kỳ, Canada, Brazil, Pêru, Haiti, Paraguay; châu Phi: Cameroon, Zambia, Madagascar, Bờ Biển Ngà; châu Đại Dương: Úc, Tân Tây Lan (New Zealand), Vanuatu.
Ngoài ra, một số ít tín hữu Việt Nam ở tại các nước như Nga và miền Đông Âu chưa được thống kê. Tổng số linh mục là 1.036 người, 165 nam tu và hàng ngàn nữ tu phục vụ hơn 300 giáo đoàn Việt Nam trên khắp thế giới.
3. Sinh hoạt của cộng đồng Công giáo Việt Nam tại hải ngoại
Với hơn nửa triệu người ở rải rác trong các nước khắp năm châu, cộng đồng CGVN có nhiều hình thức sinh hoạt khác nhau. Có nơi có những giáo xứ Việt Nam với ngôi nhà thờ làm trung tâm sinh hoạt do một linh mục Việt Nam làm quản xứ (quản nhiệm, tuyên uý). Có nơi giáo đoàn Việt Nam hình thành trong một giáo xứ địa phương với linh mục VN làm cha phó phụ trách với tính cách quản nhiệm (Hoa Kỳ) hay tuyên uý (Úc). Có nơi chỉ là một cộng đoàn nhỏ bé, chưa có người phụ trách, thỉnh thoảng mới tụ họp nhau dâng thánh lễ bằng tiếng Việt.
Các kiều dân CGVN không chỉ hoạt động riêng trong phạm vi mỗi quốc gia mà họ cư ngụ, nhưng còn có những hoạt động liên quốc gia.
Có thể kể đến các tổ chức tiêu biểu sau đây:
3.1. Văn phòng Phối kết (VPPK) Tông đồ Mục vụ Việt Nam Hải ngoại
Việc hoạt động mục vụ tông đồ giữa những người đồng văn đồng chủng là một quy chế mới của Công đồng Vatican II (x. Sắc lệnh về Giám mục, số 18; và Bộ Giáo luật mới 1983, điều 568).
Đối với trường hợp các di dân Việt Nam sau 30-4-1975, người ta có thể nhận ra tập thể di dân ấy có những đặc điểm sau đây:
Họ là những người ra đi trái với ý muốn của mình bằng giá của chính mạng sống, một phần vì hoảng loạn trước biến cố trọng đại của lịch sử đất nước, phần khác vì hy vọng sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn nơi quê mình.
Họ gồm nhiều thành phần phức tạp, trong đó có nhiều người thuộc tầng lớp ưu tuyển của đất nước và hầu hết chưa được chuẩn bị để có thể thích ứng mau chóng và đồng bộ với môi trường mình mới đến.
Họ bàng hoàng bỏ nước, bỏ hết sản nghiệp, bỏ lại đàng sau thân nhân, tình cảm quê hương tổ tiên, nền văn hoá sinh động trong môi trường truyền thống của mình, nên dễ bị chao đảo, khủng hoảng khi đến một nơi hoàn toàn xa lạ với họ về ngôn ngữ và văn hoá.
Chính ba yếu tố trên đây thúc đẩy các tổ chức, chính quyền các nước và cả Giáo Hội toàn cầu tìm kiếm các giải pháp phù hợp với các người di dân Việt Nam, nhất là các tín đồ Công giáo. Họ cần được tạo điều kiện để hội nhập cả về văn hoá, ngôn ngữ, tôn giáo theo một trình tự hợp tình hợp lý. Trong tinh thần ấy, tháng 5-1986, Bộ Truyền giáo của Toà Thánh Vatican thành lập VPPK và Đức ông Philipphê Trần Văn Hoài được bổ nhiệm làm giám đốc tiên khởi (26-5-1987). Tuy các giáo đoàn Việt Nam vẫn thuộc thẩm quyền các giáo hội địa phương nhưng sinh hoạt mục vụ trong giai đoạn trước mắt vẫn mang sắc thái Việt Nam, mặc dù chịu nhiều tác động phức tạp khác nhau.
Kinh nghiệm về một giải pháp tối ưu của một nước, một giáo phận, một cộng đoàn cụ thể có thể được VPPK nghiên cứu, đối chiếu, phân tích, tổng hợp và áp dụng cho nước khác, địa phương khác, làm sao cho mọi người thuộc cộng đoàn di dân cũng như Giáo hội địa phương đều an tâm phục vụ và sinh hoạt một cách thanh thản, hài hoà trong tinh thần hiệp thông. Những hoạt động liên quốc gia có tính phối hợp không chỉ được hình thành khi cuộc sống của mỗi cộng đoàn, gia đình hay cá nhân đã tạm ổn định, mà ngay trong quá trình di cư và định cư đang diễn tiến. Nhưng hoạt động có ý nghĩa gây ý thức liên kết đầu tiên của các cộng đoàn kiều dân Công giáo Việt Nam ở hải ngoại chính là biến cố phong hiển thánh cho 117 vị tử đạo tại Việt Nam vào năm 1988. Biến cố này đã liên kết các cộng đoàn dân Chúa Việt Nam hải ngoại cách chặt chẽ, rộng rãi, thiết thực hơn.
Sau 20 năm hoạt động mục vụ, Cộng đồng dân Chúa Hải ngoại nhận thấy có một nhu cầu cần phải phối hợp cách quy mô hơn hoạt động của các cộng đoàn Công giáo Việt Nam Hải ngoại.
Chính vì thế, một Đại hội Mục vụ Việt Nam Hải ngoại cần được triệu tập để nhận thức rõ tình hình cụ thể và dựa vào đó Giáo Hội có thể hướng dẫn và phối hợp các sinh hoạt mục vụ một cách phù hợp vì lợi ích của Dân Chúa hải ngoại. VPPK tại Roma đã mời hơn 100 linh mục và tu sĩ nam nữ từ khắp thế giới về dự Đại hội trong thời gian từ ngày 24 đến 29-10-1994. Riêng phái đoàn từ Hoa Kỳ gồm 30 đại diện: 27 linh mục, 2 nữ tu, 1 phó tế, thuộc 8 miền trong Liên đoàn CGVN tại Hoa Kỳ. Đức ông Trần Văn Hoài đề xuất một số ý kiến về đường hướng mục vụ mới, dựa trên tình hình quá khứ của cộng đồng trong suốt 20 năm (1975-1995).
Đại hội xác định đường hướng mục vụ cho các cộng đoàn Công giáo hải ngoại với điểm chính là: trung thành áp dụng giáo huấn của Công đồng Vatican II một cách thiết thực và sống động.
VPPK đã hình thành một mạng lưới liên lạc được với nhiều cơ cấu của các cộng đoàn CGVN hải ngoại ở các quốc gia khác nhau. Dưới sự điều hành của vị giám đốc mới là Đức ông Giuse Đinh Đức Đạo, Đại hội Mục vụ Chuẩn bị Năm Thánh 2000 đã được tổ chức tại Roma từ ngày 2 đến 5-10-1999. Đại hội quy tụ 52 tham dự viên gồm các đại diện trong Cộng đồng Dân Chúa Việt Nam ở hải ngoại thuộc hệ thống liên tu sĩ, tuyên uý mục vụ, bề trên các dòng tu nam nữ, cộng đoàn giáo dân, mục vụ chuyên biệt, và một số cá nhân.
Một đại hội khác mang tên Hội ngộ Niềm tin mới được tổ chức tại Roma từ 24-7 đến 27-7-2003 với chủ đề “Hợp nhất để loan báo Tin Mừng”. Đại hội quy tụ hơn 100 linh mục và gần 3.000 tín hữu đến từ 16 quốc gia.
VPPK Tông đồ Mục vụ Việt Nam Hải ngoại là tổ chức chính thức và cao cấp nhất trong việc phối hợp hành động giữa các cộng đoàn CGVN ở nước ngoài. Địa chỉ hiện nay:
Đ.ô. Giuse Đinh Đức Đạo, C.I.A.M.,
Via Urbano VIII, 16, 00165 Roma.
Tel: 39 06 6988 2484
Fax: 39 06 6988 2864
Email: ciam@pcn.net
3.2. Các dòng tu Việt Nam tại hải ngoại
Những sự kiện dồn dập xảy ra trong thời điểm 1975 đã ảnh hưởng rất lớn đến các dòng tu tại Việt Nam. Nhiều cộng đoàn tu sĩ Việt Nam hải ngoại được hình thành sau khi các học viện, tu viện và các trường Công giáo không còn hoạt động. Nhiều tu sĩ đã ra đi theo dòng người di tản. Một số tu sĩ khác, vào thời điểm 1975, đang du học ở nước ngoài nên không thể về lại Việt Nam. Nhiều người muốn tiếp tục sống đời tu trì nên đã tìm đến các tu viện cùng thuộc về hội dòng mình hay cùng theo đuổi một mục đích tương tự, nhất là đối với các dòng thuộc thẩm quyền giáo hoàng. Một số tu sĩ thuộc thẩm quyền giám mục địa phương Việt Nam trong các dòng như Đồng Công, các dòng Mến Thánh Giá, các dòng Đa Minh nữ, dòng Mân Côi lúc đó đã quy tụ với nhau thành cộng đoàn và sau này được giám mục địa phương đón nhận, lập nên những cộng đoàn mới. Một vài dòng, nhờ sự giúp đỡ đặc biệt của các giám mục địa phương đã phát triển mạnh mẽ trở thành những cộng đoàn lớn và đóng góp rất nhiều vào sinh hoạt Giáo hội địa phương như các dòng Đồng Công, Đa Minh, Chúa Cứu Thế, dòng nữ Đa Minh Việt Nam ở Hoa Kỳ, dòng Trinh Vương ở Úc…
Hơn nữa, sau khi ổn định đời sống, nhiều thanh niên thiếu nữ Việt Nam đã xin gia nhập các dòng tu đã từng có mặt ở Việt Nam và cả các dòng tu chưa từng có mặt ở Việt Nam, nhất là các dòng có ơn gọi truyền giáo và bác ái như: dòng Ngôi Lời (Hoa Kỳ), Chúa Thánh Thần (Holy Spirit, Hoa Kỳ), Bác Ái Thánh Jeanne Thouret (Pháp), Thăm Viếng (Visitation, Pháp)…
Chúng ta chưa có một số liệu chính xác về số cộng đoàn tu trì và số nam nữ tu sĩ Việt Nam trong các cộng đoàn ấy. Nhưng theo dự đoán, con số nam nữ tu sĩ Việt Nam tại hải ngoại vượt trên cả ngàn người trong số hơn 20 dòng tu nam và 50 dòng tu nữ khác nhau. Số tu sĩ nhiều nhất là ở Hoa Kỳ và một số nước Âu Châu như Pháp, Ý, Đức, Thuỵ Sĩ, châu Đại Dương có Tân Tây Lan và châu Á có Đài Loan. Ở Hoa Kỳ chẳng hạn, dòng Đồng Công có 154 tu sĩ đã khấn gồm 57 linh mục, 58 vĩnh thệ, 39 hạn thệ, 5 tập sinh, 5 thỉnh sinh và 31 đệ tử; Hội dòng Đa Minh Việt Nam (gốc Thánh Tâm) đã có 53 chị khấn trọn đời, 34 chị khấn tạm, 3 tập sinh, 8 tiền tập sinh và 19 đệ tử hoặc Hội dòng Mến Thánh Giá cũng đã có đủ các Hội dòng Chợ Quán, Quy Nhơn, Phát Diệm, Thanh Hoá, Vinh và ở Pháp còn thêm Mến Thánh Giá Hà Nội, Huế, Tân Bình (Nha Trang). Mến Thánh Giá gốc Phát Diệm ở Hoa Kỳ có 35 chị khấn trọn, 17 chị khấn tạm, 14 tập sinh và 32 đệ tử.
Cụ thể có các dòng sau đây:
- Các dòng nam: Holy Spirit Phanxicô, Don Bosco, Nhà Chúa, Đồng Công, Thánh Thể, Tận Hiến, Ngôi Lời, Chúa Cứu Thế, La San, Assomption, Biển Đức, Dòng Tên, Đức Maria, Mẹ Vô Nhiễm, Spiritains, Chúa Ba Ngôi, Đạo Binh Chúa Kitô, Thánh Gioan Tẩy Giả, Tiểu Đệ Chúa Giêsu và Tu đoàn Vinh Sơn Lazariste.
- Các dòng nữ: Nữ tu Bác ái Kitô giáo, Nữ Biển Đức, Dòng Kín Cát Minh, Chúa Chiên Lành, Đa Minh, Mân Côi, Nữ La San, Marcellino, Mến Thánh Giá (MTG) Chợ Quán, MTG Quy Nhơn, MTG Phát Diệm, MTG Thanh Hoá, MTG Vinh, MTG Tân Bình (Nha Trang), MTG Hà Nội, MTG Huế, MTG Bắc Ninh, Nữ Tử Bác Ái, Nữ Tử Thánh Phaolô, Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, Nữ Salesian (Con Đức Mẹ Phù Hộ), Chị Em Bác Ái, Thánh Phêrô Claver, Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa, Tu hội Tình Thương, Trinh Vương, Chiên Thiên Chúa, Tông Đồ Thánh Gioan, Đức Mẹ Mông Triệu, Bệnh viện Augustines, Bác Ái Thánh Nữ Jeanne Thouret, Nữ Xitô, Mẫu Tâm Vô Nhiễm, Con Đức Mẹ, Đức Bà Truyền Giáo, Tiểu Muội Chúa Giêsu, Tiểu Muội Người Nghèo, Chúa Quan Phòng Portieux, Chúa Quan Phòng Pommeraye, Thánh Phaolô thành Chartres, Nữ Tá Truyền Giáo, Thăm Viếng, Thánh Tâm, Thánh Hiến Nữ Trinh, Linh Y, Nữ Tá Tông Đồ và Tiểu Muội Thánh Têrêxa, Nữ Nazareth, Loretô, Nữ Thánh Giuse, Nữ tu dòng Thương Xót (Sisters of Mercy).
Các tu sĩ nam nữ Việt Nam hải ngoại đa số tuổi còn rất trẻ, được đào tạo kỹ lưỡng và tích cực hoạt động đã trở thành những nhân tố phát triển cho các hội dòng địa phương và là nguồn dự trữ quý giá cho sự phát triển của Giáo hội Việt Nam trong tương lai.
3.3. Cơ quan thông tin
Đài Phát thanh Veritas (Chân Lý Á Châu): Từ năm 1971, Đài Phát thanh Công giáo Veritas đã được thiết lập tại Manila, Phi Luật Tân, sau cuộc viếng thăm mục vụ của Đức Phaolô VI và đã có Ban Việt ngữ. Đài Veritas trở thành một tiếng nói gần như duy nhất không những cho Cộng đồng CGVN Hải ngoại mà cho cả Giáo hội trong nước. Từ khá lâu, giám đốc chương trình của Đài Phát thanh Veritas cho đến nay vẫn là Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài. Hiện nay, Veritas có chương trình phát sóng tiếng Việt 3 giờ mỗi ngày và trở thành phương tiện thông tin truyền thanh Công giáo cho mọi người CGVN hay những người khác nghe hiểu được tiếng Việt trong nước cũng như ngoài nước.
Đài Phát thanh Vatican: Đức Gioan Phaolô II cho mở rộng chương trình phát thanh Công giáo qua đài Vatican bằng tiếng Việt dài 40 phút mỗi ngày. Ba chương trình khác nhau bằng tiếng Việt được phát đi ba lần mỗi ngày chủ yếu cho cộng đoàn hải ngoại cũng như trong nước. Chương trình tiếng Việt bắt đầu từ ngày 31-12-1980 do Lm. Sesto Quercetti S.J. (Hoàng Văn Lục) làm giám đốc. Hiện chương trình tiếng Việt do Lm. Giuse Trần Đức Anh (OP) phụ trách.
Hoạt động văn hoá thông tin qua báo chí: nếu báo chí tiếng Việt xuất bản tại Việt Nam trong thời gian một trăm năm (1865-1965) là 966 tờ, tức trung bình 10 tờ/năm, thì chỉ trong thời gian 20 năm (1975-1995), số báo chí tiếng Việt xuất bản ở hải ngoại là 630 tờ, trung bình 30 tờ/năm. Trong môi trường báo chí nhộn nhịp của cộng đồng hải ngoại như thế, một số báo chí mang tính chất Công giáo cũng xuất hiện như, Dân Chúa (LA, Hoa Kỳ, 1977), Trái Tim Đức Mẹ (MO, Hoa Kỳ, 1977), Báo Chân Lý (của phụ tỉnh dòng Đa Minh, ra đời vào 1992), Nguyệt San Lời Chúa (1980), Dân Chúa Âu Châu (Đức, 1982), Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (1985), Mục Vụ (Thuỵ Sĩ và Mỹ Châu, 1985), Hiệp Nhất (CA, Hoa Kỳ, 1992), Dấn Thân (TX, Hoa Kỳ), Dân Chúa Úc Châu (Melbourne, 1994). Thật ra, trước năm 1975, cộng đoàn CGVN tại Paris đã lần lượt cho ra đời tờ Hừng Đông (1955-64), Bông Lúa Vàng (1965-1968) và Giáo Xứ Việt Nam, từ năm 1969 cho đến nay.
Hầu như mỗi cộng đoàn CGVN hải ngoại đều có một tờ thông tin liên lạc nội bộ phổ biến đến hết mọi gia đình thành viên và cả ở bên ngoài cộng đoàn. Ngoài mục đích thông tin, những bản tin này cũng góp phần chia sẻ những suy niệm Thánh Kinh, do đó góp phần nâng cao nhận thức tôn giáo của người tín hữu.
3.4. Các cơ cấu và hoạt động khác của Cộng đồng CGVN Hải ngoại
Các đoàn thể, hội dòng và phong trào Công giáo trước đây đã có tại Việt Nam thì nay đang phát triển sang các quốc gia khác, chẳng hạn một số dòng Toà Thánh như dòng Tên, Đa Minh, Phanxicô, Phaolô, Vinh Sơn và cả các dòng giáo phận như: các hội dòng Mến Thánh Giá, Đa Minh… Về các phong trào có Thiếu Nhi Thánh Thể, Hướng Đạo Sinh Công giáo, Cursillos, và nhiều Hội dòng Ba Đa Minh hay Phanxicô, các nhóm Thăng tiến Hôn nhân, Linh thao…
Tổ chức Hội Liên Tu sĩ tại Roma và tại nhiều nước khác được thành lập do nhu cầu sinh hoạt mục vụ của các Hội Dòng cũng như các linh mục triều đã đóng vai trò tích cực. Danh sách Hội Liên Tu sĩ Roma niên khoá 2000-2001 có tên 158 tu sĩ Việt Nam (46 giáo sĩ, 20 chủng sinh và nam tu và 61 nữ tu)…
Hầu hết các nướùc đều có Hội Liên Tu sĩ Việt Nam như tại Roma. Hội Liên Tu sĩ Việt Nam tại Pháp còn đông đảo hơn. Riêng tại Âu Châu có Hội Linh mục Tu sĩ Việt Nam Ut Sint Unum (USU), được thành lập vào năm 1982 thể theo nguyện vọng của nhiều anh chị em linh mục tu sĩ Việt Nam tại Âu Châu, và được sự hỗ trợ của một số giám mục Việt Nam. Hội có mục đích cổ vũ ơn gọi, phối kết các hoạt động mục vụ tại môi truờøng Âu Châu. Mỗi năm, có tổ chức Tuần gặp gỡ huynh đệ vào dịp đầu hè, để anh chị em chia sẻ, học hỏi và tĩnh tâm cũng như nghỉ hè. Hội chủ trương tờ nguyệt san Dân Chúa Âu Châu, Niên lịch Phụng vụ CGVN và các quỹ: Giáo hội Việt Nam, Trương mục Tình thương.
Nhà quản lý Phát Diệm
Đây là cơ quan CGVN duy nhất tại Roma, ban đầu được thiết lập để giúp đỡ các linh mục tu sĩ thuộc giáo phận Phát Diệm đi du học tại Roma. Cơ sở này là của người Việt Nam được thành lập do sáng kiến của Lm. Trần Văn Huy, và ngài cũng là người quản lý đầu tiên toà nhà này khi nó được khánh thành ngày 18-2-1950. Cơ sở đã mang nhiều tên gọi khác nhau: Procura Vietnamita, Casa San Giuseppe del Convitto Vietnamita, Missio Phát Diệm và hiện nay Foyer Phát Diệm. Đây có thể được xem là nơi giao lưu và tạm trú cho nhiều tập thể và cá nhân Công giáo, nhất là Việt Nam, từ khắp các nơi đến Roma. Giám đốc hiện nay là Đức ông Vũ Văn Thiện. Toà nhà toạ lạc tại Via della Pineta Sacchetti, 45-00167 Roma, Italy. Đt: 06.663.8826.
Phong trào Giáo dân Việt Nam Hải ngoại
Nhân dịp tôn vinh 117 vị hiển thánh Việt Nam, các cộng đoàn CGVN hải ngoại nhận thấy có nhu cầu phối hợp sinh hoạt theo một chương trình chung. Sau buổi cầu nguyện hoà bình liên tôn cho Việt Nam tại Roma, với sự yểm trợ của các cơ quan Toà Thánh, Hội đồng Giám mục Việt Nam, nhất là Văn phòng Phối kết Trung ương Tông đồ Mục vụ Việt Nam Hải ngoại, Tổ chức Tông đồ Giáo dân được chính thức thành lập tại Roma ngày 7-10-1992 mang tên Phong trào Giáo dân Việt Nam Hải ngoại, như một dấu chỉ ân điển của Thiên Chúa qua các Thánh Tử Đạo Việt Nam.
Đây là một tổ chức pháp lý có tính cách quốc tế, tên tiếng Pháp là Association “Mouvement des Laðcs Vietnamiens de la Diaspora”.
Trụ sở chính: 13G, rue de l’Ill
67116 Reichstett, France.
Đt. 0033 388 205822.
Email: ptgdvn@aol.com
Đại hội bầu ra một Ban Thường vụ gồm 9 thành viên chính thức và 3 thành viên dự khuyết. Văn phòng Ban Thường vụ hiện do điều phối viên Nguyễn Đăng Trúc phụ trách, với 1 đại diện tại Hoa Kỳ (Quách Huỳnh Hà, 11603 Box Hill Dr., Houston TX 77066 USA, Tel. 713 580 0171). Phong trào phát hành Bản tin 2 tháng/1kỳ.
Hiện phong trào có 42 cơ sở tại các nước Hoa Kỳ, Úc, Anh, Pháp, Bỉ, Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan, Thuỵ Sĩ, Ý và Đức. Phong trào hiện nay triển khai hoạt động trong 4 lĩnh vực chính: tôn giáo, văn hoá, xã hội, chính trị.
Những khoá học hỏi Kitô giáo (Cursillos)
Để nắm vững giáo lý và những kiến thức Công giáo giúp nâng cao việc hiểu đạo, sống đạo và hoạt động truyền giáo, việc đào luyện giáo dân đã được tổ chức ở nhiều nơi, nhất là qua các “khoá học hỏi Kitô giáo”. Khoá đầu tiên được tổ chức tại New Orleans (LA, Hoa Kỳ) năm 1981, rồi khoá 2 năm 1982 tại Orange County. Từ đó các khoá học được tổ chức đều đặn mỗi năm hai lần cho các học viên nam và nữ. Từ năm 1990, phong trào Cursillos được mở rộng trên nhiều tiểu bang tại Hoa Kỳ như Chicago (Ill), Atlanta (GA), Grand Rapids (Michigan),... Rồi phong trào học hỏi này lan sang đến Úc (Sydney, 1992), Pháp (Paris, 1993) và sang nhiều nước châu Âu khác. Trong thời gian 1981-1995, đã có hơn 3.000 Cursillistas tham gia các Cursillos kể trên. Nhiều học viên Cursillos nay trở thành những thành phần nòng cốt phục vụ trong các giáo xứ CGVN trên khắp các châu lục.
Hoạt động từ thiện xã hội
Trong thời gian qua, có thể kể tên một vài hoạt động đặc sắc như: chiến dịch cứu người vượt biển (1979-1989), chiến dịch bài trừ bệnh phong (1994-2000), chương trình “Vì tương lai tuổi thơ Việt Nam”… Ngoài ra, còn có các Quỹ Giáo hội Việt Nam, Quỹ Cổ vũ Ơn gọi, Quỹ Đức Mẹ La Vang, Quỹ Cứu trợ lũ lụt tại các châu lục.