Print  
4. CỘNG ĐOÀN KIỀU DÂN CGVN TẠI ÚC, TÂN TÂY LAN VÀ NAM THÁI BÌNH DƯƠNG
Bản tin ngày: 09/03/2008   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo

4.1. Những nét chung

 

   Số kiều dân Việt Nam tại Úc trước 30-4-1975 không đáng kể, trừ một ít sinh viên được gửi sang du học và nhân viên ngoại giao. Tháng 6-1975, Úc Châu tiếp nhận đợt đầu tiên 1.000 di dân tị nạn. Theo đề nghị của Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc, Úc đã tiếp nhận thêm ngày càng nhiều người Việt. Người Công giáo Úc cũng chia sẻ số phận với những di dân Việt Nam khác đến Úc.

 

   Số kiều dân Việt Nam tại Úc sinh sống tập trung tại Sydney Metropolitan (Cabramatta, Marrickville, Bankstown, Fairfield, Liverpool,...), Melbourne bang Victoria (Footscray, Richmond, Spring-vale,...), Brisbane bang Queensland (West End, Darra, Inala,..., Adelaide bang South Australia (Woodville,...). Trong tổng dân số châu Úc năm 1996 là 17.892.423 người, thì có 151.053 kiều dân Việt Nam nói chung so với 44.756 kiều dân CGVN được phân bố trên các tiểu bang tại Úc, như sau:

 

   New South Wales: 17.395; Victoria: 15.836; Queensland: 3.900; West Australia: 3.054; South Australia: 3.695; Tasmania: 91; Autralian Capital Territory: 664; Northern Territory: 131. Tỷ lệ CGVN chiếm 33,75%. Đây là tỷ lệ cao nhất của Giáo hội Công giáo Việt Nam trong các nước. Hiện nay, ở Úc có đến 80 linh mục dòng và triều, 20 chủng sinh và nam tu trong 5 hội dòng nam, 29 nữ tu trong 13 hội dòng nữ.

 

   Nói chung, các cộng đoàn CGVN tại các tiểu bang Úc đều có các linh mục tuyên uý hay quản nhiệm. Mỗi  giáo đoàn đều có những tổ chức riêng tuỳ theo nhu cầu và hoàn cảnh: từ Ban Mục vụ đến các đoàn thể: Legio Mariae, Thiếu Nhi Thánh Thể, ca đoàn, Dòng Ba (Đa Minh, Phanxicô), Thanh niên Sinh viên Học sinh CG, Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Đền Tạ Thánh Tâm Chúa, Phong trào Cursillos, Tôn Vương Gia đình, Thăng Tiến Gia Đình, Hôn Nhân Gia Đình, Truyền Giáo, Giáo lý Tân tòng.

 

   Tại Úc, ngay từ những năm đầu định cư vào thập niên 1980, các linh mục tuyên uý các cộng đoàn Công giáo Việt Nam đã thành lập Hội đồng Linh mục Việt Nam Úc Châu và Nam Thái Bình Dương, nhóm họp hằng năm để bàn thảo về đường hướng mục vụ cho người Công giáo Việt Nam sinh sống ở đây. Tới năm 1996, tổ chức này được đổi thành Hội Liên Tu sĩ và quy tụ tất cả các linh mục, chủng sinh, tu sĩ nam nữ tham dự. Riêng tại các tiểu bang, các linh mục, tu sĩ, chủng sinh cũng thường xuyên nhóm họp mỗi tháng hoặc lâu hơn để nâng đỡ, chia sẻ với nhau về con đường tu đức và mục vụ.

 

   Trong lĩnh vực truyền thông, Cộng đồng CGVN tại đây có nguyệt san Dân Chúa, do linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng (SDB), chủ nhiệm, phát hành hằng tháng và được phân phối khắp nước Úc và Đại Dương Châu. Địa chỉ: 715 Sydney Rd. Brunswick Vic 3056, Australia, Email: danchua@catholic.org. Ấn bản này cũng được phát hành song song với hai ấn bản Dân Chúa tại Hoa Kỳ và Âu Châu. Ngoài ra, Dân Chúa Úc Châu cũng còn đảm trách nhiều chương trình phát thanh hằng năm trên đài phát thanh sắc tộc SBS toàn quốc, cùng phát hành những tác phẩm và sách Công giáo.

 

   Ngoài tờ Dân Chúa Úc Châu, tại Úc còn có tờ Học Hỏi Lời Chúa, khổ nhỏ, được phát hành hằng tháng, địa chỉ là Trung Tâm Hoan Thiện, 225 Hutton Rd. Keysborough Vic. 3173. Dòng Ba Đa Minh Úc Châu cũng phát hành tờ Chân Lý (khổ nhỏ) 4 số hàng năm. Cuối cùng phong trào Cursillos, cũng phát hành tờ Ultreas lưu hành nội bộ hằng tháng.

 

4.2. Các cộng đoàn địa phương

 

   Ở Melbourne bang Victoria, có hai cộng đoàn là Hoan Thiện (Lm. Barth. Huỳnh San) với Trung tâm Kesbor-ough, nhà thờ Giuse Collingwood do Lm. James Võ Thanh Xuân phụ trách, và Vincent Liêm (do Lm. Raphael Võ Đức Thiện). Tại giáo phận Melbourne, cũng có một số địa điểm có thánh lễ cho người Việt: St. John East Melbourne (Lm. Joseph Bùi Đức Tiến), St. Joseph (Lm. Joseph Nguyễn Xuân Trường, dòng Phanxicô), Holy Child Dallas (Lm. J. Ruys, biết tiếng Việt, làm chính xứ và Lm. Lê Thành Nhân tại Our Lady’s Maidstone).

 

   Ở Brisbane, có một cộng đoàn do Lm. Joseph Nguyễn Thanh Liêm quản nhiệm, có trung tâm sinh hoạt rộng lớn tại Inala.

 

   Ở Tây Úc, có một cộng đoàn do Lm. Peter Nguyễn Minh Thuý quản nhiệm với một trung tâm rộng lớn và có lễ cho người Việt tại Highgate.

 

   Ở Nam Úc, có một cộng đoàn CGVN mang tên Đức Mẹ Thuyền Nhân (Lm. Aug. Nguyễn Đức Thụ (SJ), làm quản nhiệm), với trung tâm sinh hoạt rộng lớn tại Pooraka. Cùng với Lm. Peter Trần Quang Tòng, Cha Thụ cũng thay phiên nhau giúp tại một vài cộng đoàn khác như Norwood.

 

   Ở Tasmania, Lm. Joseph Huy Quang phục vụ trong một giáo xứ Úc, cũng giúp cho một số gia đình CGVN tại đây.

 

   Ở vùng Canberra (lãnh thổ thủ đô), có một cộng đoàn (Dickson) do Lm. Peter Nguyễn Xuân Mỹ làm tuyên uý, ngoài nhiệm vụ cha phó cho 1 giáo xứ Úc.

 

   Ở lãnh thổ Bắc Úc mênh mông, có Lm. Peter Nguyễn Văn Huấn làm chính xứ tại Daily River. Hằng tháng, ngài lái xe đến phục vụ cho khoảng 131 tín hữu người Việt trong số 523 kiều dân Việt rải rác ở nhiều nơi trong khu vực này.

 

   Người Việt tại Đại Dương Châu: Trên lãnh thổ của một số quốc gia và các đảo tại Đại Dương Châu phải kể tới cộng đoàn CGVN tại Tân Tây Lan. Với con số định cư lên tới 3.000 người, nhưng vì khí hậu giá lạnh và người thưa đất rộng nên hầu hết số người Việt di chuyển sang Úc. Số người còn lại sinh sống tại hai đảo chính là Aukland và Christ Church. Giúp cộng đoàn có linh mục Nguyễn Hữu Lễ làm tuyên úy và sơ Marie Benoit Phạm Ngọc Kim.

 

   Tại New Caledonia, mặc dù số người Việt ít nhưng cũng thành lập được những cộng đoàn, do linh mục Phạm Phú Hoà phụ trách và được linh mục tổng đại diện của địa phận Ngô Quang Quý thường xuyên quan tâm giúp đỡ. Tại Vanuatu, dù là một quần đảo nhỏ nhưng nước này gần đây đã độc lập. Người Việt tại đây chưa đầy 100, nhưng anh chị em có nhà thờ riêng và hàng năm có linh mục Việt Nam từ Úc Châu qua giúp đỡ cộng đoàn trong Tuần Thánh.

 

4.3. Giới thiệu cộng đoàn Công giáo Việt Nam Sydney-NSW tiêu biểu

 

   Vùng Sydney-New South Wales vẫn tập trung đông đảo kiều dân CGVN nhất, với một cơ cấu và nếp sinh hoạt ổn định được Giáo hội Úc phê chuẩn sớm nhất vào ngày 31-8-1988. Ta có thể nêu trường hợp Cộng đồng Công giáo Việt Nam ở đây như một thí dụ cụ thể để hiểu về cộng đoàn dân Chúa tại Úc Châu. Với sự giúp đỡ tận tình của Giáo hội Úc (gồm 4.606.600 tín hữu), cộng đoàn này có khoảng 13.000 tín hữu có tổ chức ở thời điểm 1995-1998 như sau:

 

   Ban Tuyên uý gồm các linh mục đảm trách cử hành mục vụ thánh lễ cho 11 giáo đoàn và các sinh hoạt xứ đạo.

 

   Hội đồng Mục vụ (Ban Mục vụ các giáo đoàn, các liên đoàn và phong trào, các ban ngành chuyên môn) và Ban Thường vụ (có phó chủ tịch (PCT) Nội vụ, PCT Ngoại vụ, PCT Kế hoạch, tổng thư ký và tổng thủ quỹ).

 

   Ban Mục vụ (có trưởng ban, phó ban (PB) Nội vụ, PB Ngoại vụ, thư ký, thủ quỹ với các uỷ viên Phụng vụ, xã hội, truyền giáo, khánh tiết, điều hợp các đoàn thể, truyền thông, văn hoá - giáo dục và trật tự) cho 11 giáo đoàn (Thánh Linh - Bankstown, Đức Mẹ La Vang - Cabramatta, Vô Nhiễm - Campbelltown, Chúa Ba Ngôi - Fairfeild, Giuse - Granville, Kitô Vua - Lakemba, Micae - Marricville, Fatima - Miller, Thánh Tâm - Phumpton, Phêrô và Phaolô - Wollongong, Cecilia - Newscastle). Số giáo đoàn hiện nay tăng lên 13.

 

   Ban chấp hành cho mỗi liên đoàn hay phong trào. Các thành viên trong Hội đồng Mục vụ thực hiện nhiều công việc khác nhau như: Hoạt động xã hội: giúp đỡ di dân mới: cung cấp vật dụng cần thiết, thủ tục hành chính, thăm viếng, uỷ lạo, ổn định và hội nhập, đặc biệt thăm viếng 9 trại tù trong vùng. Hoạt động văn hoá giáo dục: 6 trường giáo lý cho 1.000 thiếu nhi, 2 khoá dự bị hôn nhân cho khoảng 80 đôi hôn nhân, trường Văn hoá Việt ngữ (1983), các chương trình phát thanh đặc biệt trên hệ thống SBS, chương trình phát hình. Hoạt động huấn luyện và tổ chức: đã tổ chức 8 khoá Cursillos 3 ngày cho 300 người, 31 khoá tĩnh tâm giới trẻ và các giới khác, 3 khoá giáo lý viên mỗi năm, 23 khoá tu nghiệp giáo lý viên. Mỗi năm trung bình cộng đoàn Sydney-NSW tiếp nhận khoảng 185 anh chị em tân tòng. Cơ sở hoạt động: Cộng đoàn Sydney-NSW có một Trung tâm Mục vụ rộng 10 mẫu Tây ở Tây Nam Sydney, nằm giữa ranh giới Liverpool - Camden, phụ cận với Badgery’s Creek, Rossmore và Greendale. Địa chỉ: Trung Tâm Tĩnh Huấn CĐCGVN, 20 Carr Road Bringelly NSW 2171. Đt: 4774 8855 - 4774 8028. VN gọi đi: (061) 02

 

   Cộng đoàn (CĐCGVN Sydney - NSW) có 3 văn phòng làm việc thường xuyên từ thứ Hai đến thứ Sáu là:

 

   Văn phòng Mục vụ (hành chính tôn giáo) tại Mc Kellop House, 92 The River Road Revesby NSW 212. Đt: (02) 97730933. Fax: (02) 97733998. Văn phòng Xã hội (công tác xã hội cứu trợ di dân). Văn phòng St. Vincent de Paul-Anrê Dũng Lạc cũng tại Mc Kellop House, 92 The River Road Revesby NSW 212. Đt: (02) 9792-3303. Fax: (02) 9773-3998.

 

4.4. Những khó khăn và thách đố

 

   Cộng đoàn CGVN tại các tiểu bang Úc trong thời gian trước mắt dường như khá ổn định với cơ cấu và cách thức sinh hoạt cho đến hiện nay, nhưng không phải không có những vấn đề đặt ra. Đây cũng là những khó khăn của nhiều cộng đoàn người Việt Công giáo ở nước ngoài.

 

   Việc đưa các linh mục, tu sĩ và giáo dân Việt Nam hội nhập vào các giáo phận địa phương theo Giáo luật có thể nảy sinh một số khó khăn cho những ai khó thích ứng với nếp sống văn hoá địa phương. Những di dân đã quá nửa đời người sinh trưởng ở Việt Nam, khi đến Úc, trong đó có các linh mục cũng như giáo dân, khó thích ứng với xã hội Úc, về ngôn ngữ, văn hoá…, nên muốn duy trì các giáo đoàn Việt Nam với hệ thống tuyên uý người Việt Nam hơn là cố gắng hội nhập vào giáo hội địa phương.

 

   Việc thay đổi môi trường sống, về văn hoá và giáo dục đã tạo ra những khó khăn trong cách ứng xử, đôi khi dẫn đến khủng hoảng đạo đức trong các thế hệ trẻ hoặc sinh ở Việt Nam, hoặc sinh ở Úc, với cha mẹ anh chị trưởng thành của mình. Thí dụ: nhiều gia đình có các con sinh ở Việt Nam nhưng lớn lên ở Úc đã chọn cách sống rất tự do trong quan hệ nam nữ, hôn nhân và gia đình, không phù hợp với đạo lý cổ truyền Việt Nam và đạo lý Công giáo.

 

   Nhiều gia đình Việt Nam muốn chuẩn bị cho con em mình sau này có thể về làm việc tại Việt Nam nhưng cảm thấy khó khăn trong việc khuyến khích chúng học tiếng Việt, vì các trường học địa phương giảng dạy bằng tiếng Anh chiếm gần hết quỹ thời gian của các cháu. Phụ huynh muốn tạo điều kiện cho các cháu dự thánh lễ Chủ nhật dành cho người Việt, nhưng nhiều cháu khi nghe các linh mục giảng bằng tiếng Việt đã không hiểu gì! Có gia đình khuyến khích các cháu về thăm Việt Nam, nhưng các cháu đã trả lời: “Chúng con có quen biết ai ở Việt Nam đâu mà về?”. Trong sinh hoạt thường ngày ở gia đình, cha mẹ thường dùng tiếng Việt, nhưng con cái vẫn trò chuyện với nhau hay với cha mẹ bằng tiếng Anh. Một số thanh niên sinh trưởng ở Việt Nam có thể dễ dàng thích ứng với môi trường Việt Nam, nhưng những thiếu niên sinh ở nước ngoài thường có những cách ăn nói, phản ứng và cử chỉ theo kiểu nước ngoài hơn là Việt Nam, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn.

In ngày: 22/11/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print