Sau năm 1975, Thụy Sĩ đón nhận một số rất giới hạn người tị nạn VN. Cho đến khi chính quyền Thụy Sĩ nhận người tị nạn VN, tại đây chỉ có gần 1.000 người Việt Nam. Họ là những sinh viên du học các trường đại học nói tiếng Pháp, cùng với khoảng 20 tu sĩ, chủng sinh, linh mục đang tu học ở phân khoa Thần học tại Fribourg.
Sau sự kiện người Malaysia cho kéo thuyền nhân trở ra biển, ngược đãi những người xin tạm dung từ 1977-1978, Thụy Sĩ mở rộng tiêu chuẩn chấp nhận người nhập cư VN. Có khoảng 8.000 di dân Việt Nam được nhập cư vào Thụy Sĩ, trong đó có từ 2.500-3.000 tín hữu Công giáo. Các di dân đều được phân tán cư ngụ trong các bang khác nhau. (Năm 2000 có khoảng 4.200 người Việt Công giáo tại Thụy Sĩ).
Năm 1979, Hội đồng Giám mục Thuỵ Sĩ đặt cha Giuse Phạm Minh Văn, thuộc Tu đoàn Nhà Chúa, đặc trách mục vụ cho người Việt Nam tại Thụy Sĩ. Vì nhu cầu mỗi ngày một gia tăng, năm 1980, cha Giuse Nguyễn Văn Sinh được các giám mục Thụy Sĩ chỉ định về cộng tác với cha Văn và đặt Văn phòng Mục vụ tại Olten, thuộc tiểu bang Solothurn. Để thuận tiện cho việc mục vụ, cha Giuse Sinh đặc trách vùng nói tiếng Pháp, giới trẻ và hành hương; cha Giuse Văn đặc trách vùng nói tiếng Đức và Ý, Vương quốc Liechtenstein và đặc trách thông tin báo chí.
Từ năm 1980 đến nay, Thụy Sĩ có tờ nguyệt san Mục Vụ. Đây là tờ thông tin nhằm mục đích tạo nhịp cầu thông cảm giữa những người Việt Nam, giải thích và hướng dẫn sống đạo để yêu mến Giáo Hội và gắn bó với Giáo hội quê hương Việt Nam. Cùng một nội dung, tờ Mục Vụ Thụy Sĩ đã được phát hành tại các nước Anh, Ý, Hà Lan, Mỹ…
Tại Thụy Sĩ, hiện nay (2001) có 25 linh mục hoạt động trong các giáo xứ địa phương nói tiếng Pháp, với 4 chủng sinh và 6 thầy dòng Xitô, 15 nữ tu, 1 phó tế vĩnh viễn.
Do nhu cầu dâng thánh lễ chung đều đặn để giao lưu giữa những người CGVN, lúc đầu, hai cộng đoàn được hình thành tại Fribourg (tiếng Pháp) và Luzern (tiếng Đức). Sau đó, lần lượt nhiều cộng đoàn khác cũng được nhen nhúm trên khắp cả nước: Berne, Olten, Zurich, Basel, St Gallen, Wattvill, Liechtenstein (tiếng Đức), Lugano (tiếng Ý), Lausanne, Vevey, Neuchâtel, Genève. Số thành viên phân bố trong 14 cộng đoàn này thay đổi từ 40 đến 300 hay 400 người.
Năm 1989, cha Đa Minh Trương Bình Định xin thay thế cha Nguyễn Văn Sinh và cha Sinh về làm việc cho người bản xứ. Đồng thời Hội đồng Giám mục Thụy Sĩ quyết định thành lập hai giáo xứ tòng nhân cho các tín hữu Việt Nam trên cơ sở vùng nói tiếng Pháp và vùng tiếng Đức bao gồm cả vùng tiếng Ý và vương quốc Liechtenstein, nhận Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ làm bổn mạng. Như thế, Thụy Sĩ hiện có hai giáo xứ VN sinh hoạt khá khác biệt. Năm 1992, cha Giuse Vũ Xuân Huyên từ Đức xin sang thay thế cha Đa Minh Định và cha Định về làm việc cho người Thụy Sĩ. Ngày 30-9-2000, các giám mục thuộc vùng nói tiếng Pháp ký một thông tư bãi bỏ Văn phòng Mục vụ cho người Việt Nam tại vùng này!
Đa số người Việt sống tại vùng nói tiếng Pháp nằm trong địa phận Fribourg Lausanne Genève, nên trong khi chờ đợi có giải pháp thích hợp, Đức giám mục địa phận đã chỉ định tạm thời cha Giuse Sinh “điều hợp” mục vụ cho người Việt trong địa phận của ngài. Vùng nói tiếng Đức, tiếng Ý và vương quốc Lietenstein vẫn do cha Giuse Phạm Minh Văn đảm trách.
Katholische Vietnamesen-Mission
Maiholderstr. 8
CH-4653 OBERGOESGEN - Switzerland
Tel: 062 295 03 39;
Fax: 062 295 04 42
Email: minhvan@bluewin.ch