Danh lam thắng cảnh
- Thác Bản Giốc (Cao Bằng): cách huyện Trùng Khánh 23km. Đây là một kỳ quan của tỉnh Cao Bằng. Sông Quy Thuận chảy đến đây, lòng sông bỗng sụt xuống 34m làm thành thác rất rộng. Thác phía Tây đổ thẳng xuống thành ba dòng: một dòng toàn hạt nước bụi trong và nhẹ như tấm the, hai dòng kia ào ào tuôn xuống. Chân thác có hang và cũng có nước tuôn ra, màu lục thắm. Bờ thác, rêu dài hàng thước. Phần thác phía Tây có tên là thác Hoa. Phần thác phía Đông đổ xuống băèng ba bậc trải ra rất rộng. Toàn cảnh thác đẹp tuyệt vời: nước bạc, cây xanh, hồ màu lục thắm, núi màu đỏ và tím. Tiếng nước reo như tiếng “sấm dậy”. Thật là hùng vĩ.
- Động Nhị Thanh - Tam Thanh (Lạng Sơn): Nhị Thanh là một động lớn xuyên qua dãy núi. Trong động có suối Ngọc Tuyền, nước trong như gương, chảy xuyên qua hai cửa động. Giữa động có cửa Thông Thiên toả ánh mặt trời dọi xuống lung linh huyền ảo. Động Tam Thanh nằm gọn trong quả núi đá vôi về phía Bắc động Nhị Thanh. Trong động có chùa Tam Thanh (Thanh Thiên Tự Động) được lập vào thế kỷ XVII, có tượng Phật A Di Đà tạc vào vách đá, có hồ Âm Ty, nước trong không bao giờ cạn.
- Nàng Tô Thị: là một khối đá giống như người phụ nữ bồng con. Theo tục truyền, người đàn bà, tên Tô Thị, ôm con chờ chồng đi chinh chiến miền xa lâu ngày nên hoá thành đá. Truyền thuyết giống Hòn Vọng Phu ở Miền Trung, nói lên tấm lòng chung thuỷ của người phụ nữ Việt Nam, đợi chồng đi cứu nước mà không phai lòng.
- Thành Nhà Mạc: phía sau núi Nàng Tô Thị, giữa hai dãy núi là một thung lũng bằng phẳng có hai bức tường thành xây chắn ngang, đó là di tích Thành Nhà Mạc. Thành dài 300m, mặt thành rộng 1m. Đứng trên thành nhìn về phía Đông có thể bao quát được toàn thị xã Lạng Sơn.
- Động Tam Thanh, hợp với phố Kỳ Lừa, Núi Tô Thị và sông Kỳ Cùng tạo nên một bức tranh sơn thuỷ tuyệt đẹp của xứ Lạng:
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh,
Ai lên xứ Lạng cùng anh…
- Ải Chi Lăng: là một cửa ải hiểm yếu trên đường từ Lạng Sơn đến Đông Quan. Đó là một thung lũng nhỏ, dài khoảng 4km, rộng 1km. Phía Tây là dãy núi đá vôi lởm chởm, vách núi dựng đứng. Phía Đông cũng là núi rừng trùng điệp. Giữa thung lũng có 5 ngọn núi nhỏ và những cánh đồng lầy lội. Do vị trí chiến lược của nó, Chi Lăng đã chứng kiến nhiều chiến công của dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống nhà Tống, Nguyên, Minh, Thanh trước đây. Nhưng Chi Lăng nổi tiếng nhất trong lịch sử là do chiến công của nghĩa quân Lam Sơn cuối năm 1427. Ngày 10-10, toàn bộ quân tiên phong của địch do tướng Liễu Thăng chỉ huy từ Quảng Tây (Trung Quốc) sang, qua đường Lạng Sơn, lọt vào trận địa mai phục và bị tiêu diệt gọn. Liễu Thăng bị chém chết bên sườn núi Mã Yên (núi Yên Ngựa).