1. Toà Khâm sứ Toà Thánh tại Huế
Năm 1925, Đức Giáo hoàng Piô XI lập Toà Khâm sứ Đông Dương. Vị khâm sứ đầu tiên là Giám mục Constantino Ajuti, người Ý, được bổ nhiệm ngày 25-5-1925. Quan Thượng thư Nguyễn Hữu Bài đã đề nghị và giúp đỡ để xây cất Toà Khâm sứ tại Huế, cạnh nhà thờ Chính Toà Phủ Cam và khánh thành năm 1925. Năm 1951, Toà Khâm sứ được dời ra Hà Nội. Hiện nay, toà nhà ở Huế là trụ sở của cộng đoàn dòng Mến Thánh Giá Huế.
2. Đền thờ Đức Mẹ La Vang
(x. Đức Mẹ La Vang, Mẹ Giáo hội Việt Nam, chương 22).
Năm 1798, Đức Mẹ hiện ra tại La Vang an ủi các con khốn khó trong cơn bách hại dưới triều vua Cảnh Thịnh, nhà Tây Sơn. Một ngôi nhà thờ nhỏ lợp lá được dựng lên ở đó, nhưng sau bị đốt cháy. Năm 1886, Đức cha Gaspar Lộc cho xây cất một nhà thờ bằng gạch và khánh thành ngày 6-8-1901 và ấn định cứ ba năm một lần tổ chức Đại hội Tam nhật kính Đức Mẹ. Năm 1923, Đức cha Allys Lý quyết định xây một ngôi nhà thờ rộng lớn hơn và khánh thành vào tháng 8-1928. Ngôi nhà thờ này đã bị tàn phá, chỉ còn lại phần cuối đổ nát với tháp chuông như ta thấy ngày nay. Trong hai năm 1961-1962, Đức Tổng giám mục Ngô Đình Thục đã cho xây dựng công trường Mân Côi với 15 pho tượng Mầu nhiệm Mân Côi bằng đá cẩm thạch, hồ Tịnh Tâm và đài Đức Mẹ với ba cây đa bằng xi măng do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế. Các pho tượng Mân Côi đã bị bom đạn chiến tranh phá huỷ nay đã trùng tu lại. Điều lạ lùng là 3 cây đa cao 20 mét với pho tượng Đức Mẹ vẫn đứng yên suốt những năm chiến tranh ác liệt, trong khi từng mét vuông đất đều bị bom đạn cày xới. Trong dịp kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, tượng Đức Mẹ mới mang màu sắc dân tộc, do hoạ sĩ kiêm điêu khắc gia Văn Nhân thực hiện, đã được làm phép và thay cho tượng cũ. Tượng mới diễn tả Đức Mẹ La Vang vừa là người Mẹ nhân từ vừa là Nữ Hoàng uy linh.
3. Danh lam thắng cảnh:
Huế là kinh thành cổ có rất nhiều danh lam thắng cảnh được tổ chức UNESCO công nhận ngày 2-8-1994 là di sản văn hoá của thế giới. Bên trong kinh thành là Đại Nội với hàng chục cung điện nguy nga. Bên ngoài kinh thành có bảy khu lăng tẩm: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Đồng Khánh, Khải Định. Mỗi lăng là một công trình kiến trúc thể hiện quan niệm của mỗi vị vua về cuộc sống và cái chết.
Ngoài ra, Huế với hàng chục ngôi chùa nổi tiếng như Thiên Mụ, Từ Hiếu, Diệu Đế, Báo Quốc, Từ Đàm, Tây Thiên, Trà Am, Thuyền Tôn, Diệu Viên, Huyền Không toạ lạc trong những vùng đồi núi u tịch.
Sông Hương, núi Ngự là hai địa danh nổi tiếng ở Huế. Ngoài ra ngọn núi Bạch Mã cao 1.448m, cách kinh đô Huế 40km về phía Nam, cũng là một điểm du lịch lý tưởng. Thời Pháp thuộc, trên ngọn núi này có nhiều biệt thự nguy nga và là nơi nghỉ mát nổi tiếng không kém Sa Pa hay Đà Lạt. Trong chiến tranh, tất cả đã bị đổ nát và bỏ hoang. Hiện nay khu nghỉ mát này đang được khôi phục lại.