1. Đền Thánh Mẫu Trà Kiệu, Trung tâm Thánh Mẫu của giáo phận:
Từ thế kỷ IV đến thế kỷ thứ VIII, Trà Kiệu xưa (Simhapcera) là kinh đô đầu tiên của nước Chiêm Thành. Sau khi bắt được Trà Toàn và đại thắng quân Chiêm, vua Lê Thánh Tông lập tỉnh Quảng Nam (1470) và năm 1587, Trà Kiệu được mở mang thành một vùng đông dân cư.
Từ năm 1596-1602, Trà Kiệu được cha Raphael (dòng Augustinô - Bồ Đào Nha) đến rao giảng Tin Mừng. Năm 1628, một nhóm người di dân Công giáo đã xây dựng ở đây ngôi nhà thờ đầu tiên. Năm 1722, giáo xứ Trà Kiệu có tới 300 giáo dân. Năm 1872, cha Louis Marie Garibert Lợi xây một nhà thờ lớn.
Năm 1885, sau khi vua Hàm Nghi bỏ kinh thành, phong trào Văn Thân nổi dậy tại nhiều tỉnh miền Trung với khẩu hiệu “Bình Tây, Sát Tả”. Ngày 1-9-1885, quân Văn Thân khoảng hơn 8.000 người bao vây giáo xứ Trà Kiệu với vũ khí đầy đủ, có cả đại bác thần công và voi chiến. Về phía giáo dân, chỉ có hơn 300 nam tuổi từ 16 tới 60 và khoảng mấy trăm phụ nữ với vũ khí thô sơ. Giáo dân khiếp sợ chạy đến nhà thờ cầu xin Đức Mẹ và đã chống trả quyết liệt trong suốt hơn 10 ngày. Ngày 11-9-1885, Đức Mẹ hiện ra đứng trên nóc nhà thờ để bảo vệ và che chở đàn con. Cuộc chiến kéo dài đến 21-9 thì quân Văn Thân đã bỏ chạy, giáo dân được giải thoát.
Để tỏ lòng biết ơn, giáo dân Trà Kiệu đã trùng tu lại ngôi thánh đường, nơi Đức Mẹ đã hiện ra, từ 1889-1892 và được Đức cha F.X. Van Camelbecke Hân khánh thành. Ngôi thánh đường hai tầng hiện nay được xây lại vào năm 1970 và ngày 31-5-1971, Đức cha Phêrô Phạm Ngọc Chi đã đặt Trà Kiệu là Trung tâm Thánh Mẫu của giáo phận Đà Nẵng.
2. Thầy giảng Anrê Phú Yên:
Phú Yên là nơi sinh trưởng của vị chân phước anh hùng. Năm 1641, chính cha Đắc Lộ đã ban phép Rửa cho một thiếu niên không rõ tên tục, chỉ biết tên thánh là Anrê và bà mẹ với tên thánh là Gioana tại họ Lò Giấy, họ lẻ của giáo xứ Mầng Lăng, Phú Yên. Bà mẹ sau đó đã giao cậu cho cha Đắc Lộ dạy dỗ. Từ đó, cậu theo chân cha trên khắp con đường truyền giáo từ Phú Yên lên Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Bình. Năm 1643, tại Hải Phố (Hội An), Anrê được khấn làm thầy giảng và hoạt động truyền giáo cho tới ngày bị quan trấn thủ Nghè Bộ bắt và xử tử ngày 26-7-1644 với sự hiện diện của chính cha Đắc Lộ. Ngày 5-3-2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tuyên phong thầy lên bậc chân phước. Thầy trở thành gương mẫu của các giáo lý viên Việt Nam đang tiếp tục hy sinh rao giảng Tin Mừng trên mọi cánh đồng truyền giáo.
3. Danh lam thắng cảnh:
Quảng Nam - Đà Nẵng từ lâu đã nổi tiếng với đền đài của vương quốc Chiêm Thành (Champa). Người Chiêm Thành sinh sống trên dải đất chật hẹp dọc theo bờ biển miền Trung từ đèo Ngang đến Thuận Hải. Người Chiêm Thành đã lập kinh đô Simhapura (kinh thành Sư Tử) ở Trà Kiệu từ thế kỷ IV đến thế kỷ VIII. Sau đó dời kinh đô về Panduranga (Thuận Hải). Cuối thế kỷ VIII, lại chuyển kinh đô trở lại Quảng Nam với tên mới là Inorapura (kinh thành của thần sấm sét) và tồn tại tới thế kỷ IX. Hiện nay kinh đô này chỉ còn là những chân móng tường thành sụp đổ trong miền đất bỏ hoang.
- Thánh địa Mỹ Sơn: cách kinh đô cổ Trà Kiệu chừng 30km về phía Tây là Thánh địa Mỹ Sơn, một quần thể kiến trúc tôn giáo mà người Champa đã xây dựng dưới triều vua Bradvarman vào cuối thế kỷ IV. Thánh địa này nay thuộc làng Mỹ Sơn, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, khu di tích cổ này rộng nhiều mẫu trong một thung lũng hẹp, bốn bề có núi bao quanh, trong đó có tháp to và nhiều tháp nhỏ để thờ thần Siva (theo Ấn Độ giáo). Các vua Champa đều tới nơi này để dâng lễ vật tế thần Trong cuộc chiến tranh 1960-1975, khu thánh địa bị tàn phá nặng nề.
- Phật viện Đồng Dương: là quần thể chùa chiền của người Champa trong tinh thần Indrapura do vua Indravarman II xây năm 875 với chiều dài 1.330m gồm nhiều Phật đường, bảo tháp, tăng viện. Quần thể này đã bị huỷ hoại toàn bộ do bom đạn, thời gian và cả lòng tham không đáy của con người khi đào tìm những cổ vật quý giá. Phật viện nằm ở xã Bình Định, huyện Thăng Bình cách Đà Nẵng 70km về phía Nam.
- Phố cổ Hội An: Hội An nằm cách Đà Nẵng 30km về phía Nam, ở gần Cửa Đại ngày nay, trên bờ bắc sông Thu Bồn. Vào thời các vua Chiêm Thành, Hội An được gọi là “Đại Chiêm Hải Khẩu”, các thuyền buôn Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Dương ra vào tấp nập. Đến thế kỷ XV, các người Hà Lan, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp tới buôn bán nơi đây và đầu thế kỷ XVI, các nhà truyền giáo dòng Tên đã đặt chân lên miền đất này. Giáo sĩ Đắc Lộ gọi Hội An là Hải Phố, tức là thành phố nằm sát biển (viết là Faifo). Ngày nay, vào Hội An ta còn thấy khu phố cổ với các đường phố nhỏ hẹp, những mái nhà lợp ngói âm dương, các cột gỗ khung nhà được chạm trổ tinh vi và cả Chùa Cầu nổi tiếng do người Nhật xây dựng.
4. Hoạt động đặc biệt của giáo phận:
Giáo phận Đà Nẵng là một trong những giáo phận có tổ chức giáo lý đầu tiên và quy củ.
Giáo phận Đà Nẵng đã là trung tâm sinh hoạt phong trào Hùng Tâm Dũng Chí toàn quốc.
Giáo phận Đà Nẵng đỡ đầu cho trại phong Hoà Vân. Trại này có gần 300 bệnh nhân, nằm dưới chân đèo Hải Vân.
Được sự tài trợ của tổ chức từ thiện Misereor, giáo phận đứng xây dựng hồ chứa nước Cây Sơn, Đập Thổ, Đập Đá với trữ lượng trên 2 triệu m3 sử dụng cho nông nghiệp, tại xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.