Print  
I. LỊCH SỬ
Bản tin ngày: 04/11/2008   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo

  Đà Lạt nằm trên miền cao nguyên Nam Trung Bộ, phần đất giáp ranh giới hai giáo phận Đông Đàng Trong và Tây Đàng Trong (1844).

 

  Địa danh Đà Lạt có lẽ phát xuất từ hai chữ “Đà” và “Lạt”, có nghĩa là phần đất nơi người dân sắc tộc “Lạt” hay “Lát” sống ven bờ nước (tiếng dân tộc gọi là Đà). Đà Lạt được biết đến và bắt đầu phát triển thành nơi nghỉ mát và dưỡng sức do điều kiện khí hậu mát mẻ ở độ cao trên 1.500 mét kể từ khi bác sĩ Alexandre Yersin dẫn đầu một đoàn thám hiểm đặt chân lên vùng đất Lâm Viên (Lang Biang) vào năm 1893. Trong đoàn thám hiểm có cha Robert, một linh mục thừa sai tại Đông Dương.

 

  Sau đó, vào năm 1917, cha Nicolas Couvreur, quản lý Hội Linh mục Thừa sai tại Viễn Đông đã đến Đà Lạt, mục đích để tìm nơi an dưỡng cho các giáo sĩ. Cha đã cho xây một Dưỡng viện Giáo đồ (Sanatorium - Presbytère), nay là một phần Nhà xứ Chính toà Đà Lạt.

 

  Đến năm 1918, Đức cha Lucien Mossard Mão, Giám quản Tông toà tại Sài Gòn, đã đặt chân lên Đà Lạt và có lẽ chính ngài là người đã khai sáng con đường truyền giáo ở phần đất Đà Lạt ngày nay, mở đường cho biết bao thế hệ thừa sai đến rao giảng Tin Mừng tại vùng cao nguyên này.

 

  Năm 1907, do nhu cầu mục vụ và phục vụ, cả vùng đất Bình Thuận và Lâm Đồng, Đà Lạt (giáo xứ: Đà Lạt và Di Linh) còn thuộc chung một giáo hạt Phan Thiết, được sáp nhập vào miền Nam Kỳ Lục Tỉnh, thuộc giáo phận Tây Đàng Trong (Sài Gòn, 1924). Năm 1920, giáo xứ Đà Lạt được thành lập, cha Frédéric Sidot được cử làm cha xứ đầu tiên; đến năm 1927, lập thêm giáo xứ Di Linh do cha Jean Cassaigne Sanh coi sóc.

 

  Từ thời gian này, ngoài những người bản địa, chủ yếu là những sắc tộc ít người, có nhiều đợt di dân từ các nơi đến Đà Lạt để lập nghiệp, và đó là một trong những nguyên nhân khiến số giáo dân tăng vọt và nhiều giáo xứ được hình thành.

 

  Ngày 24-11-1960, Đức Thánh Cha Gioan XXIII ban Sắc chỉ “Venera-bilium Nostrorum” thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam và đồng thời thiết lập giáo phận Đà Lạt gồm thành phố Đà Lạt, tỉnh Tuyên Đức, tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Phước Long (tách ra từ giáo phận Sài Gòn) và tỉnh Quảng Đức (tách ra từ giáo phận Kontum), do Đức cha Simon Hoà Nguyễn Văn Hiền coi sóc. Năm 1963, giáo phận Đà Lạt có 41 giáo xứ, 161 nhà thờ lớn nhỏ, 81 linh mục triều, 62 linh mục dòng và 77.324 giáo dân.

 

  Ngày 22-6-1967, hai tỉnh Phước Long và Quảng Đức được sáp nhập vào giáo phận mới Ban Mê Thuột. Sau năm 1975, hai tỉnh Tuyên Đức và Lâm Đồng được gộp lại với tên gọi tỉnh Lâm Đồng. Giáo phận Đà Lạt nằm gọn trong tỉnh này.

 

  Từ năm 1955-1973, Đà Lạt phát triển mạnh về đào tạo: viện Đại học Công giáo, Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X, Đại chủng viện Minh Hoà, nhiều dòng tu nam nữ, nhiều trung tâm truyền giáo cho người sắc tộc được thiết lập. Đến năm 1970, số giáo dân lên gần 100.000, trong đó có 7.142 giáo dân sắc tộc, 12 trung tâm, 52 địa điểm truyền giáo. Đảm trách việc truyền giáo có: 8 cha thừa sai Paris, 7 cha dòng Chúa Cứu Thế, 6 linh mục Việt và nhiều nam nữ tu sĩ và giáo dân.

 

Sau khi Đức cha Simon Hoà Hiền qua đời ngày 5-9-1973 và sau hơn một năm trống toà, ngày 30-1-1975cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm được bổ nhiệm thay thế. Ngày 17-3-1975, ngài được tấn phong giám mục, và ngày 19-3-1975, ngài chính thức nhận giáo phận. Ngày 19-10-1991, cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn được bổ nhiệm làm Giám mục Phó Đà Lạt, và thụ phong giám mục tại nhà thờ Chính Toà Đà Lạt ngày 3-12-1991.

Ngày 23-3-1994, Toà Thánh bổ nhiệm Đức cha Bartôlômêô làm Giám mục Chính toà Giáo phận Thanh Hoá. Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn lên kế vị. Đức cha Bartôlômêô rời Đà Lạt vào đầu tháng 6-1994 và nhận Giáo phận Thanh Hoá ngày 24-6-1994.

 

In ngày: 21/11/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print