1. Nhà thờ Chính Toà:
Toạ lạc trên đường Trần Phú, giữa một khuôn viên rộng có nhiều cây lớn, đối diện với con đường dẫn xuống Hồ Xuân Hương; được xây dựng từ năm 1931, khánh thành năm 1942, với tước hiệu Thánh Nicolas Bari, sau được đổi là tước hiệu Đức Maria Mẹ Thiên Chúa. Điểm đặc sắc của nhà thờ là 70 tấm kính màu, phác hoạ các hoạt cảnh Tin Mừng và chân dung các thánh.
Đây là một trong những địa điểm tham quan được nhiều khách du lịch ưa thích, nhất là khách ngoại quốc. Đây cũng là nơi thường xuyên tổ chức các sinh hoạt đạo đức của giáo hạt Đà Lạt và của cả giáo phận.
Một số cơ sở tôn giáo đặc biệt khác như:
- Nhà thờ Mai Anh, nằm trên đồi Mai Anh (Domaine de Marie) ở phía bắc thành phố. Đây chính là nhà nguyện của Tu hội Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn, được xây cất từ những năm 1940, với lối kiến trúc và màu sắc đặc biệt, hài hoà với toàn bộ cơ sở của tu viện.
- Nhà thờ Du Sinh, nằm trên một ngọn đồi phía Tây Nam thành phố, được xây dựng từ năm 1956 theo kiến trúc Á Đông, đặc biệt là ngọn tháp.
- Nhà thờ Cam Ly, gần thác cùng tên, được xây cất từ năm 1960, với lối kiến trúc và trang trí phù hợp với văn hoá và phong tục của đồng bào dân tộc ở cao nguyên Lang Biang.
- Nhà thờ Bảo Lộc, nằm trên quốc lộ 20, giữa thị trấn. Nhà thờ Bảo Lộc được xây dựng từ năm 1994, khánh thành năm 1999, theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, với một ít sửa đổi do kiến trúc sư Nguyễn Hồng Sơn. Qua công trình này, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã “diễn tả nguyên tắc hài hoà các khối bằng kim số” một cách tinh vi và khoa học. Tuy mang dáng dấp kiến trúc Tây Phương, nhưng nhà thờ lại có những nét dân tộc độc đáo. Phía ngoài hình vuông tượng trưng cho đất. Phía trong hình tròn tượng trưng cho trời, được chống đỡ bởi 12 cây cột biểu hiệu cho 12 Tông đồ gánh vác Giáo Hội. Nhà thờ có sức chứa 3.000 - 4.000 người.
- Tượng đài Đức Mẹ An Bình ở khoảng giữa đèo Bảo Lộc, ngay bên quốc lộ. Công trình xây dựng khu vực này bắt đầu từ những năm 1970 và được tôn tạo lại năm 1992. Khách du lịch đi trên quốc lộ 20, khi qua đèo, thường dừng chân tại đây, cầu xin Đức Mẹ ban ơn bình an cho cuộc hành trình.
- Trường Đại học Đà Lạt: nguyên thuỷ là Viện Đại học Công giáo, thành lập năm 1957, thuộc quyền sở hữu của Hội Đại học Đà Lạt, mà hội viên là tất cả các giám mục trong Hội đồng Giám mục Việt Nam. Mục tiêu của Viện là phát huy văn hoá Việt Nam, dung hoà các giá trị cổ truyền với mọi tư tưởng quốc tế, nhất là với tinh thần Phúc Âm Công giáo, đồng thời góp phần đào tạo con người có khả năng phục vụ đất nước. Viện có 5 trường: Đại học Sư Phạm, Văn Khoa, Khoa Học, Thần Học và Chính Trị Kinh Doanh. Từ sau năm 1975, Viện được Nhà Nước quản lý, và hiện nay là Trường Đại học Tổng hợp với các khoa: Toán, Tin, Lý, Hoá, Sinh, Văn, Sử, Anh văn và Quản trị Kinh doanh.
- Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X: thành lập năm 1958 theo đề nghị của Hàng Giám mục Việt Nam. Học viện thuộc quyền Giáo hội Công giáo Roma, được trao cho dòng Tên đảm trách, có mục đích giúp cho các giáo sĩ tương lai được đào tạo sâu sắc hơn về trí thức và tu đức. Học tập ở đây là các chủng sinh được tuyển chọn từ khắp các giáo phận miền Nam, và một vài chủng sinh của Cao Miên và Ai Lao. Cơ sở của học viện nằm trên đường Phù Đổng Thiên Vương, đối diện với Đồi Cù, trong một khuôn viên rộng gần 8 mẫu Tây, được xây dựng từ năm 1961, sinh hoạït từ niên khoá 1963-1964 cho đến năm 1978.
2. Danh lam thắng cảnh:
Đà Lạt có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng:
- Chùa: Linh Sơn, Linh Phong, Linh Quang, Thiên Vương (chùa Tàu), Trúc Lâm Thiền Viện.
- Thác: Đambri (Bảo Lộc), Prenn, Datanla, Pôngua, Guga,…