Print  
I. MỘT VÀI KHÁI NIỆM VỀ CÔNG ĐỒNG
Bản tin ngày: 29/03/2011   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo

   Định nghĩa: Công đồng là một hội nghị gồm các giám mục, cùng một số bề trên của các tổ chức tu trì trong Giáo Hội, chính thức nhóm họp để bàn luận và quyết định những vấn đề thuộc giáo lý đức tin hay sinh hoạt của Giáo Hội.

 

  Phân loại: Công đồng có nhiều cấp bậc khác nhau, bao gồm trong hai loại tổng quát: công đồng chung và công đồng riêng.

 

  Công đồng chung: còn gọi là công đồng phổ quát. Từ khi có phong trào hợp nhất các Kitô hữu, người ta còn gọi là công đồng đại kết. Đây là hội nghị các giám mục toàn cầu, với sự góp mặt của các bề trên cao cấp trong các tổ chức tu trì, dưới sự chủ toạ đích thân của giám mục Roma hay qua các đặc sứ của ngài (x. GH 22). Trước Công đồng Vatican II, chỉ có giám mục chính toà mới có quyền tham dự công đồng chung. Từ nay mọi giám mục đều có quyền tham dự công đồng vì là thành phần của giám mục đoàn (x. GM 4).

 

  Công đồng riêng: là một hội nghị gồm các giám mục của một miền đất nào đó trong Giáo Hội. Người ta phân biệt: công đồng giáo tỉnh gồm các giám mục trong một miền, một giáo tỉnh dưới quyền chủ toạ của một tổng giám mục hay giám mục trưởng giáo tỉnh. Công đồng liên giáo tỉnh hay đại công đồng nếu hội nghị, gồm các giám mục của nhiều giáo tỉnh khác nhau dưới quyền chủ toạ của sứ thần Toà Thánh. Ta cũng có thể kể thêm công đồng toàn quốc, công đồng toàn miền. Ngoài ra, còn có hội nghị khác của các giám mục gọi là thượng hội đồng, hội nghị hay công nghị giám mục. Công nghị giáo phận (x. GL. đ. 460) dùng để chỉ phiên họp của vị giám mục giáo phận với hàng giáo sĩ của mình. Còn Thượng Hội đồng Giám mục (Synod) là một quy chế được thể hiện sau Công đồng Vatican II. Đây là hội nghị do chính Giáo hoàng Roma triệu tập các giám mục đại diện hay những người được ngài chỉ định để cùng tìm hiểu và giúp ngài về một số vấn đề liên quan đến hoạt động của Giáo Hội trong thế giới.

 

Thẩm quyền của công đồng chung:

 

   Công đồng chung là cơ quan lập pháp và giáo huấn tối cao của Giáo Hội. Đó chính là giám mục đoàn được quy tụ lại vì Chúa Kitô đã ban quyền cho các tông đồ và những người kế vị các ngài để dạy dỗ và điều khiển Giáo Hội.

 

   Những nghị quyết của công đồng chung có một giá trị tối cao đối với toàn thể Giáo Hội. Theo một số điều kiện đã được ấn định trong Giáo Hội, chúng có tính bất khả ngộ, nghĩa là không thể sai lầm. Nghị quyết chia thành 2 loại: Nghị quyết về quy luật ấn định những luật lệ, tập quán, nghi lễ..., nghị quyết về giáo lý bàn về những điểm giáo lý gây tranh cãi, làm sáng tỏ những điểm giáo lý còn nghi ngờ, xác định những chân lý mạc khải bị lạc giáo chối từ hoặc lên án những điểm sai lạc bằng các phán quyết “tuyệt thông”.

 

Các công đồng chung trong lịch sử 

 

   Các công đồng chung đóng một vai trò đặc biệt trong lịch sử Giáo Hội vì đã làm chứng và xác định những chân lý mạc khải, ấn định những hình thức thờ phượng và kỷ luật, tạo nên những cuộc biến chuyển và canh tân đời sống Kitô giáo. Nhìn chung, các công đồng biểu lộ những nỗ lực của Giáo Hội muốn luôn luôn chuyển biến chính mình để vừa bảo vệ khỏi những khủng hoảng của thời đại, vừa thanh tẩy mình khỏi những khiếm khuyết, vừa phát triển mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

 

   Trong dòng lịch sử suốt 20 thế kỷ qua, có tất cả 21 công đồng chung: 8 công đồng chung đầu tiên nhóm họp ở phương Đông, 13 công đồng sau ở phương Tây. Hầu hết, các giáo hội ly khai Đông Phương chỉ công nhận 7 công đồng chung đầu tiên. Các công đồng này, có thể nói, đã xác định phần lớn giáo lý cơ bản của Giáo Hội. Các hoàng đế Đông Phương đã có công tích cực trong việc triệu tập và giúp đỡ công đồng trong thời gian nhóm họp, dù giá trị của công đồng hệ tại ở việc chuẩn nhận của vị Giáo hoàng ở Roma.

In ngày: 21/11/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print