Print  
III. VÀI NÉT KHÁI QUÁT VỀ CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II
Bản tin ngày: 29/03/2011   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo

Vatican II vẫn còn cần thiết

 

   Công đồng Vatican II đã kết thúc cách đây 38 năm. Gần đây, một số người có khuynh hướng tự do trong Giáo Hội đang nói đến một công đồng chung mới. Công đồng này sẽ thực hiện việc đổi mới triệt để mà Công đồng Vatican II đã khởi xướng, để đạt được sự hợp nhất trọn vẹn mà Vatican II mới thu được một vài kết quả bước đầu và sẽ giải quyết một số vấn đề mới mẻ của Giáo Hội trong thế giới hôm nay. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ngỏ lời trong một hội nghị ở Vatican vào ngày 27-2-2000 rằng: “Công đồng Vatican II đã cho chúng ta nhiều phần thưởng quý hoá từ 35 năm qua và còn tiếp tục dẫn đưa chúng ta trong nhiều năm kế tiếp. Công việc của Giáo Hội bây giờ là học hỏi những điều đã đề ra trong các văn bản của Công đồng và đem ra thực hành cho có hiệu quả...”.

 

   Giáo hội Việt Nam, trong thời gian trước đây, từ năm 1965 đến 1975, do hoàn cảnh chiến tranh của đất nước, chưa có dịp học hỏi kỹ lưỡng các văn kiện của Công đồng, trừ một vài giáo phận ở miền Nam Việt Nam. Chỉ trong các thành phố và đô thị lớn, giáo dân mới có dịp học hỏi về Công đồng này ít nhiều, còn lại hầu như chẳng mấy khi nghe nói đến, nhất là ở miền Bắc Việt Nam. Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, dân tộc ta lại gặp nhiều khó khăn, vì thế các bài học đổi mới, hợp nhất của Công đồng hầu như ít được nhắc đến như những định hướng cơ bản cho Giáo hội Việt Nam.

 

   Do đó, chúng ta cần phải cố gắng nhiều hơn để tìm hiểu nghiêm túc về Công đồng qua những văn kiện nền tảng. Trong phạm vi cuốn Niên Giám này, chúng tôi chỉ có thể gợi ra vài nét đặc biệt và tóm tắt ít dòng về các kỳ họp của Công đồng Vatican II.

 

Những lý do triệu tập Công đồng

 

   Công đồng Vatican II là sáng kiến độc đáo của Đức Gioan XXIII do một ơn linh hứng đặc biệt, khi ngài tham dự lễ bế mạc Tuần lễ Hợp nhất Kitô hữu vào ngày 25-1-1959, tại đền Thánh Phaolô Ngoại Thành. Với tên gọi Vatican II, Công đồng thật sự muốn tiếp tục những vấn đề còn đang bàn luận dang dở của Công đồng Vatican I, vì Công đồng này phải kết thúc đột ngột vào năm 1870, khi giáo phận Roma bị sáp nhập vào vương quốc Ý.

Sáng kiến của Đức Gioan XXIII không nằm trong chiều hướng nghiên cứu các vấn đề hay lên án các giáo thuyết sai lạc như hầu hết các công đồng trong quá khứ, nhưng từ những nhu cầu thực tế và cấp bách của Giáo Hội trong thế giới đương thời, vì Giáo Hội lúc đó đang phải đối phó với những thách đố vô cùng khó khăn.

 

   Thật vậy, thế giới đổi thay quá nhanh kể từ Vatican I. Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật cuốn hút loài người vào một viễn ảnh vật chất vô cùng tươi sáng nhưng cũng đầy những âu lo, khắc khoải với thảm hoạ chiến tranh nguyên tử, với cuộc đối đầu giữa thế giới tư bản và cộng sản, với nền văn minh hưởng thụ... Tôn giáo dường như chưa giải đáp được những vấn nạn của con người.

 

   Trong nội bộ Giáo Hội, những xung đột, chia rẽ không ngừng xảy ra giữa các xứ Kitô giáo lâu đời. Công cuộc truyền giáo không còn đạt được những kết quả lớn lao vì chính Kitô hữu dường như an thân và thoả mãn với đời sống đạo thụ động của mình. Do đó, cần một công đồng để thực hiện cuộc đổi mới sâu xa trên toàn thể đời sống Giáo Hội, đem lại giá trị thật sự cho tư tưởng con người cũng như cho đời sống nhân loại, trong tinh thần tìm về nguồn và vâng theo Chúa Thánh Thần (x. Diễn văn khai mạc giai đoạn chuẩn bị Công đồng, AAS 59 (1960) 1004-1014).

 

Công cuộc chuẩn bị

 

   Công đồng được chuẩn bị trong thời gian hơn 3 năm, từ 7-1959 đến 11-1962. Tất cả các tham dự viên đều được hỏi ý kiến, các đại học Công giáo được thăm dò về các vấn đề có thể đưa ra ở Công đồng với 2.109 bản trả lời, gồm 8.972 đề nghị. 12 Uỷ ban dự bị và 3 văn phòng làm việc không ngừng trong suốt một năm và góp về Uỷ ban Trung ương, do chính Đức Giáo hoàng làm Chủ tịch, 70 lược đồ lớn, được in thành 19 cuốn sách, gồm 2.060 trang.

 

Kỳ họp đầu tiên  (từ 11-10 đến 8-12-1962: khoá I).

 

   Có tất cả 2.904 nghị phụ được mời tham dự. Trừ các vị già yếu, bệnh tật và các vị ở một số nước không được phép đi, 2.449 vị có mặt, đại diện cho 134 nước trên thế giới.

 

   Các nghị phụ bầu ra 10 Uỷ ban Công đồng từ 12 Uỷ ban dự bị trước đây có các vị hồng y trong giai đoạn chuẩn bị làm chủ tịch. Cộng thêm Hội đồng Chủ tịch Điều hành và 3 Văn phòng. Ngôn ngữ chính thức là tiếng La Tinh. Ai muốn phát biểu cần ghi danh trước ở Hội đồng Chủ tịch và nộp một bản viết. Thời gian phát biểu không quá 10 phút. Các nghị phụ phải có mặt trong các phiên họp chung hay khoáng đại. Các biểu quyết bằng phiếu được kiểm soát bằng thiết bị điện tử. Phải có 2/3 số phiếu thì các quyết định của Công đồng mới có giá trị.

 

   Trong kỳ họp này, các nghị phụ làm việc theo 7 lược đồ đề nghị. Ngày 4-11 lược đồ đầu tiên về Phụng Vụ được chấp thuận với 2.162 phiếu thuận, 46 phiếu chống. Các lược đồ khác như: về nguồn mạc khải, về phương tiện truyền thông xã hội, về sự hợp nhất các Kitô hữu, về Giáo Hội được bàn luận. Cuối kỳ họp, số lược đồ tăng tới 73 và Đức Thánh Cha quyết định rút lại còn 20 lược đồ tập trung. Các nghị phụ có 9 tháng để đúc kết các lược đồ và soạn thảo công việc cho kỳ họp tới. Cũng trong thời gian này, Đức Gioan XXIII qua đời. Đức Hồng y Montini lên thay, lấy danh hiệu là Phaolô VI.

 

Kỳ họp thứ 2 (từ ngày 29-9 đến 4-12-1963: khoá II và III)

 

   Đức Thánh Cha Phaolô VI đổi mới và cụ thể hoá chương trình làm việc của Công đồng. Trong kỳ họp này, các nghị phụ tập trung cho lược đồ về Giáo Hội, giám mục, giáo dân, sự hợp nhất, nhiều điểm vẫn chưa giải quyết. Ngày 4-12-1963, Đức Phaolô VI công bố “Hiến chế về Phụng vụ (PV) thánh” Sacrosanctum Concilium (Thánh Công đồng Chung) và sắc lệnh về các Phương tiện Truyền thông Xã hội Inter mirifica (Giữa những sự kỳ diệu).

Trong thời gian nghỉ họp, các nghị phụ bắt đầu thực hiện chương trình “Dopfner” nghĩa là bố cục lại tất cả các lược đồ theo một trục chính là Giáo Hội. Các nhà thần học trong các uỷ ban giúp đỡ rất nhiều cho Công đồng.

 

Kỳ họp thứ ba (từ ngày 14-9 đến 21-11-1964: khoá IV và V)

 

   Nhờ cải tiến cách phát biểu trong các phiên họp, công việc tiến hành nhanh hơn. Các nghị phụ bàn luận tiếp lược đồ Giáo Hội về tính cách cánh chung và vai trò của Đức Trinh Nữ Maria, về nhiệm vụ mục vụ của giám mục, về tự do tôn giáo, về mạc khải, về tông đồ giáo dân, về linh mục, về các Giáo hội Công giáo Đông Phương, về giáo dục Kitô giáo, và nhất là về lược đồ 13, lược đồ sau này trở thành Hiến chế Mục vụ (MV) về Giáo Hội trong thế giới ngày nay.

 

   Trong buổi lễ bế mạc ngày 21-11-1964, Đức Phaolô VI đã công bố 3 văn kiện: Hiến chế Tín lý về Giáo Hội (GH) Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), Sắc lệnh về các Giáo hội Công giáo Đông Phương (ĐP) Orientalium Ecclesiarum (các Giáo hội Đông Phương) và Sắc lệnh về Hợp nhất (HN) Unitatis redintegratio (Tái lập sự hợp nhất). Ngài chính thức tuyên bố Đức Maria là Mẹ Giáo Hội và loan báo kỳ họp tới sẽ kết thúc Công đồng.

 

Kỳ họp thứ tư (từ ngày 14-9 đến 8-12-1965: khoá VI-X)

 

   Trong bài diễn văn khai mạc kỳ họp, Đức Phaolô VI loan báo quyết định thành lập Thượng Hội đồng Giám mục. Đây là một bước tiến đáng kể trong việc canh tân Giáo Hội. Các nghị phụ bàn nhiều đến lược đồ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay và các lược đồ đang còn dang dở cần được tu chỉnh. Ngày 4 đến 5-10-1965, Đức Thánh Cha công du và đọc diễn văn tại Hội đồng Liên Hiệp Quốc.

 

   Ngày 28-10-1965, Đức Phaolô VI chính thức công bố 5 văn kiện đã được các nghị phụ chấp thuận:

 

   - Sắc lệnh về nhiệm vụ Giám mục (GM) Dominus Christus (Chúa Kitô).

 

   - Sắc lệnh về việc canh tân thích nghi đời sống dòng tu (DT) Perfectae Caritatis (Đức ái hoàn hảo).

 

   - Sắc lệnh về Đào tạo Linh mục (ĐT) Optatam totius

 

   - Tuyên ngôn về Giáo dục (GD) Kitô giáo Gravissimum educationis (Vai trò rất quan trọng của giáo dục).

 

   - Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo (NK), Nostra Aetate (Thời đại chúng ta)

 

   Ngày 8-11-1965, Đức Phaolô VI công bố hai văn kiện mới:

 

   - Hiến chế Tín lý về Mạc khải (MK) của Thiên Chúa Dei Verbum (Lời Thiên Chúa).

 

   - Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân (TĐ) Apostolicam Actuositatem (Hoạt động tông đồ).

 

   Ngày 7-12-1965, trong khoá họp IX, Đức Phaolô VI công bố 4 văn kiện cuối cùng là những văn kiện đã phải nhiều lần tranh cãi, sửa đổi, bổ sung:

 

   - Tuyên ngôn về Tự do (TD) Tôn giáo Dignitatis Humanae (Phẩm giá con người).

 

   - Sắc lệnh về Hoạt động Truyền giáo (TG) của Giáo Hội Ad Gentes (Đến với muôn dân).

 

   - Sắc lệnh về Chức vụ và Đời sống Linh mục (LM) Presbyterorum Ordinis (Chức vụ Linh mục).

 

   - Hiến chế Mục vụ (MV) về Giáo Hội trong thế giới ngày nay  Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng).

 

   Trong khoá họp này, có một số sự kiện mang ý nghĩa đại kết đáng ghi nhớ. Ngày 4-12, Đức Thánh Cha họp với các quan sát viên ngoài Công giáo tại đền thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành và cùng dự chung một nghi lễ cầu nguyện cho sự hợp nhất. Ngày 7-12-1965, Đức Phaolô VI ở Roma và Đức Thượng Phụ Athenagoras ở Istambul đã cùng một lúc xoá bỏ án tuyệt thông lẫn nhau, chấm dứt cuộc ly khai từ năm 1054. Đây là một trong những sự kiện nói lên thành quả tốt đẹp và giá trị nhất của Công đồng. Bộ Thánh vụ được đổi tên thành Bộ Giáo lý Đức tin.

 

   Khoá X ngày 8-12-1965, Công đồng đã tổ chức nghi thức bế mạc long trọng tại quảng trường Thánh Phêrô. Công đồng gửi sứ điệp bế mạc đến nhiều thành phần nhân loại trên toàn thế giới.

 

   Về bản dịch Việt ngữ các văn kiện Công đồng Vatican II, đã có bản dịch của Senatus Sài Gòn, in năm 1966 và bản dịch của Phân khoa Thần học Giáo hoàng Học viện Thánh Pius X, Đà Lạt, năm 1972, tái bản năm 1974. Năm 1975, Phân khoa Thần học hoàn thành trọn vẹn bản dịch với nhiều điểm sửa đổi và bổ sung thêm phần các sứ điệp Công đồng và Mục lục phân tích chủ đề gồm 500 trang. Năm 1980, bản dịch hoàn chỉnh này đã được xuất bản tại Hoa Kỳ.

 

Nguồn tư liệu:

 

Phân khoa Thần học Giáo hoàng Học viện Thánh Pius X, Thánh Công đồng Chung Vatican II, Đà Lạt, 1972, tr. 1-56.

Mathew Bunson, 2003 Catholic Almanac, NXB. Our Sunday Visitor, Inc. Huntington, Indiana 2002, tr. 236-237.

In ngày: 22/11/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print