Print  
III. QUỐC GIA VATICAN (VATICAN CITY STATE)
Bản tin ngày: 09/03/2008   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo

   Quốc gia Vatican là một lãnh thổ đặt dưới quyền của vị giáo hoàng đương nhiệm trị vì. Đây là một nước theo chính thể riêng biệt nhỏ nhất trên thế giới, nằm gọn trong thành phố Roma, thủ đô nước Ý. Nước Vatican có diện tích 0,44km2 gồm thành phố Vatican có tường thành bao bọc và hơn 10 toà nhà khác ngoài thành Vatican, bao gồm những đại thánh đường, văn phòng hành chính các bộ thuộc Giáo triều Roma và biệt thự Castel Gandolfo, nơi giáo hoàng đến nghỉ hè. Trong thành Vatican, có Đền thờ Thánh Phêrô, cung điện giáo hoàng, điện Sixtine, các viện bảo tàng, phòng triển lãm, công viên, thư viện, đài phát thanh, bưu điện, ngân hàng, đài thiên văn, các văn phòng, nhà ở và tiện nghi dịch vụ. Nhà thờ Thánh Anna là nhà thờ xứ của thành Vatican.

 

   Thành phố Vatican nhỏ bé hiện nay là mảnh sót lại của một quốc gia rộng lớn được các vua chúa dâng cúng hay nhượng lại, bao gồm cả miền Bắc Ý và Trung Ý từ thế kỷ VIII. Sau nhiều thăng trầm trong lịch sử, lãnh thổ rộng lớn bị các nước như Pháp (1798-1815), Ý (1859-1870) chiếm đóng. Các vị giáo hoàng dần dần từ bỏ thế quyền và lãnh thổ, để chỉ giữ lại thành phố Vatican. Hiệp ước Lateran (1929) ký kết giữa giáo hoàng với nước Ý, công nhận thành phố Vatican là một nước độc lập theo công pháp quốc tế.

 

   Về tổ chức chính quyền. Vị giáo hoàng tại chức nắm trọn quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Tuy nhiên, ngài trao quyền điều hành cho Uỷ ban Giáo hoàng điều hành thành phố Vatican. Người đứng đầu Uỷ ban này hiện nay là Hy. Edmund Casimir Szoka và tổng thư ký là Gm. Gianni Danzi. Hiến pháp Vatican dựa trên Bộ Giáo luật. Trường hợp nào không được Giáo luật đề cập tới, sẽ do Bộ Dân luật của thành Vatican quy định.

 

   Dân số chính thức của nước Vatican khoảng 1.000 người, phần lớn là các linh mục, tu sĩ và vài trăm giáo dân sống trong thành Vatican. Họ là những nhân viên văn phòng của các cơ quan. Ngoài ra, còn có khoảng hơn 3.000 linh mục, tu sĩ, giáo dân được tuyển để phục vụ trong các cơ quan hành chính của Giáo Hội.

 

   Vatican không có quân đội riêng. Chỉ có một đội vệ binh Thuỵ Sĩ danh dự bảo vệ an ninh cho giáo hoàng. Ngoài ra, có một đội cảnh sát và đội lễ nghi do một văn phòng đặc biệt điều động cho các ngày lễ lớn.

 

   Quốc kỳ Vatican: gồm 2 sọc đứng màu vàng và trắng bằng nhau, có huy hiệu của giáo hoàng trên sọc trắng. Huy hiệu đó là hình chiếc mũ triều thiên 3 tầng, dưới là hai chìa khoá một vàng, một bạc, được thắt lại bằng dây băng đỏ có tua chỉ hai đầu. Mũ triều thiên 3 tầng tượng trưng cho quyền giáo huấn, thánh hoá và cai quản. Chìa khoá tượng trưng cho quyền tài phán của giáo hoàng.

 

   Đài phát thanh Vatican (Vatican Radio) được chính nhà bác học Guglielmo Marconi, người phát minh ra làn sóng điện, vẽ kiểu xây dựng và điều hành cho đến khi ông qua đời. Đài phát những chương trình ra khắp thế giới bằng 37 ngôn ngữ khác nhau.

 

   Thư viện Vatican là kho tàng văn hoá - văn minh vô giá của cả nhân loại. Thư viện hiện lưu giữ 150.000 bản thảo, 1 triệu cuốn sách in và 7.500 bản in thủ công rất quý giá trước năm 1501.

 

   Trong các sách báo xuất bản của Vatican, người ta lưu ý tới Acta Apostolicae Sedis (các Văn kiện Tông Toà). Đây là một loại công báo của Toà Thánh ghi lại các hoạt động, các văn kiện của Toà Thánh cũng như của các cơ quan giáo triều Roma. Lần xuất bản đầu tiên là vào tháng giêng năm 1909. Tiền thân của nó là Acta Sanctae Sedis (các Văn kiện Toà Thánh) có từ năm 1865.

 

   Annuario Pontificio (Niên Giám Giáo Hoàng). Đây là loại niên giám của Toà Thánh do Văn phòng Thống kê Trung ương thực hiện hàng năm bằng tiếng Ý, xuất hiện từ năm 1860.

 

   L’Osservatore Romano (Người quan sát Roma). Tờ nhật báo này xuất bản từ 1-7-1861, khởi đầu chỉ do 4 giáo dân thực hiện dưới sự điều hành của Marcantonio Pacelli. Đến năm 1890 mới trở thành nhật báo của giáo hoàng. Từ năm 1949, có bản phát hành hàng tuần bằng tiếng Pháp, tiếng Ý (1950), tiếng Anh (1968), Tây Ban Nha (1969), Bồ Đào Nha (1970), Đức (1971) và Ba Lan (1980).

 

   Hoạt động ngoại giao của Toà Thánh. Trong số 192 nước trên thế giới, Toà Thánh có liên lạc ngoại giao với 175 nước, không kể các đại diện của các tổ chức lớn khác như Liên hiệp châu Âu hay Liên bang Nga và các tổ chức quốc tế khác (x. Niên Giám Toà Thánh 2003, tr. 1.133-1.184).

 

   Các vị đại diện giáo hoàng khi là đại sứ chính thức của một quốc gia hay chính phủ sẽ được gọi là sứ thần (nuncio). Do lịch sử lâu đời về mặt ngoại giao, vị sứ thần ở một số nước đóng vai trò Trưởng Ngoại giao đoàn. Nếu vị đại diện không có nhiệm vụ ngoại giao, nhưng làm nhiệm vụ đại diện giáo hoàng đối với giáo hội địa phương, sẽ được gọi là Khâm sứ (Delegate) Toà Thánh. Bên cạnh Toà Thánh cũng có đại sứ của các nước và các tổ chức đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Toà Thánh.

In ngày: 09/10/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print