Print  
III. CÁC GIÁO HỘI CẢI CÁCH
Bản tin ngày: 09/03/2008   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo

1. Các vị lãnh đạo và học thuyết của các giáo hội Cải Cách

 

John Wycliff (K. 1320-1384): linh mục và học giả người Anh, đề xướng một trong những ý tưởng cải cách quan trọng gần 200 năm trước Martin Luther, ông cho rằng chỉ một mình Thánh Kinh là chuẩn mực đầy đủ của đức tin. Nhưng John Wycliff chỉ có ảnh hưởng gián tiếp trên phong trào cải cách vào thế kỷ XVI. Ủng hộ niềm tin vào một tín ngưỡng thực tiễn và hướng nội, ông phủ nhận thẩm quyền của giáo hoàng và của các giám mục trong Giáo Hội. Ông cũng phủ nhận sự hiện diện thật sự của Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể, ông chống lại bí tích Hoà giải và chống lại giáo thuyết về ân xá. Gần 20 đề nghị của ông đã bị Đức Giáo hoàng Gregorius XI kết án vào năm 1377. Các sách vở của ông bị cấm phổ biến rộng rãi bởi Công đồng Constance vào năm 1415. Ảnh hưởng của ông mạnh nhất ở Bohemia và Trung Âu.

 

John Hus (K. 1369-1415): linh mục miền Bohemia và là một nhà giảng thuyết cải cách, đã đưa ra 30 đề nghị và bị Công đồng Constance lên án. Ông bị vạ tuyệt thông vào khoảng năm 1411 hay 1412, và bị thiêu sống vào năm 1415. Những sai lầm lớn nhất của ông liên quan đến bản chất của Giáo Hội và nguồn gốc của quyền bính giáo hoàng. Ông phổ biến một số ý tưởng của Wycliff, nhưng không chấp nhận quan điểm cho rằng chỉ một mình đức tin là điều kiện để được công chính hoá và được cứu độ. Ông không nhận chỉ một mình Thánh Kinh là đủ làm luật cho đức tin, sự hiện diện thật sự của Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể và hệ thống bí tích. Vào năm 1457, một số trong các môn đệ của ông đã thành lập Giáo hội Huynh Đệ, được  xem như cơ chế Tin Lành độc lập cổ xưa nhất.

 

Martin Luther (1483-1546):  linh mục dòng Augustinô và tiến sĩ thần học, là nhân vật chủ chốt của phong trào Cải Cách. Năm 1517, ông xuất bản tại Wittenberg 95 luận điểm liên quan đến những vấn đề về niềm tin và thực hành của Công giáo. Năm 1520, Đức Giáo hoàng Leo X kết án 41 tuyên bố của ông. Vì từ chối rút lại ý kiến, Luther bị vạ tuyệt thông trong năm sau đó. Luận điểm của ông ảnh hưởng mạnh mẽ đến các thần học gia theo ông sau này. Những tuyên bố về đức tin trong luận điểm của ông được tìm thấy trong cuốn Sách Thoả Ước (1580).

 

   Học thuyết của Luther bao gồm những điều như sau: Tội của Adam làm hư hỏng bản tính con người một cách triệt để (nhưng không phải một cách trọn vẹn về bản chất), đã ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của con người. Sự công chính hoá, được hiểu như là sự thứ tha các tội lỗi và tình trạng trở nên công chính là do ân sủng của Đức Kitô qua đức tin. Đức tin không chỉ liên can đến sự chấp nhận trong lý trí mà còn là một hành động đầy tin tưởng của ý chí. Các việc lành là những điểm thiết yếu đi kèm theo đức tin, nhưng không lập nên công trạng đáng hưởng ơn cứu độ. Về các bí tích, Luther vẫn giữ phép Rửa tội, Sám hối, và Thánh Thể như những phương tiện hữu hiệu của ơn Chúa Thánh Thần. Ông chủ trương rằng trong việc hiệp lễ Thánh Thể, bánh và rượu được truyền phép chính là Mình và Máu Chúa Kitô. Quy luật của đức tin là mạc khải của Thiên Chúa trong Thánh Kinh. Ông bác bỏ luyện ngục, các ân xá, và việc khẩn cầu các thánh, và ông chủ trương rằng việc cầu nguyện cho người chết chẳng có hiệu quả gì. Các chủ trương của Luther không hợp với giáo thuyết Công giáo và đã bị lên án bởi Công đồng Trent.

 

Ulrich Zwingli (1484-1531): linh mục khởi xướng phong trào Cải Cách ở Thuỵ Sĩ với một loạt những bài giảng về Tân Ước vào năm 1519, với những cuộc tranh luận sau đó và với những hoạt động khác nữa. Ông chủ trương rằng Tin Mừng là căn bản duy nhất của chân lý. Ông bác bỏ thánh lễ, bí tích Sám hối và các bí tích khác. Ông phủ nhận quyền tối thượng của giáo hoàng, phủ nhận giáo thuyết liên quan đến luyện ngục và đến việc khẩn cầu các thánh. Ông phủ nhận đời sống độc thân, đời sống đan tu và nhiều thực hành đạo đức truyền thống khác. Quan điểm của ông về hy tế Thánh Thể, vốn rất khác biệt đối với Công giáo, cũng gây ra sự đối kháng không thể hoà giải được với Luther và các môn đệ của Luther. Zwingli bị giết trong một trận chiến giữa các lực lượng của Tin Lành và Công giáo ở Thuỵ Sĩ.

 

John Calvin (1509-1564): nhà lãnh đạo Pháp của phong trào Cải Cách ở Thuỵ Sĩ. Chủ trương chính yếu của ông là sự tiền định tuyệt đối của một số người được hưởng phúc thiên đàng và một số người khác phải sa hoả ngục. Ông bác bỏ giáo thuyết Công giáo vào năm 1533 sau khi tự xác tín rằng mình có sứ mạng cải cách Giáo Hội. Năm 1536, ông xuất bản lần đầu tiên quyển Những Cơ chế Kitô giáo, một sự trình bày có hệ thống về học thuyết của ông, sau này trở thành kinh điển của thần học Cải Cách để phân biệt với thần học Luther. Thêm vào với các luận điểm cốt lõi của Luther, ông bổ sung sự tiền định tuyệt đối, sự chắc chắn của ơn cứu độ đối với những người đã được chọn, và tình trạng không thể đánh mất ơn cứu độ của những người này. Lý thuyết của ông về Thánh Thể không thể dung hoà được cuộc xung đột giữa Zwingli và Luther và rất khác biệt đối với giáo thuyết Công giáo.

 

2. Các giáo hội và các phong trào

 

CƠ ĐỐC PHỤC LÂM (Adventists): gắn liền với niềm tin rằng cuộc trở lại của Đức Kitô sắp xảy ra cho triều đại 1.000 năm công chính. Cùng với chiến thắng của các lực lượng đại diện cho điều lành trên sự dữ trong trận cuối cùng tại Armageddon. Triều đại này sẽ bắt đầu với sự sống lại của những người được chọn và sẽ chấm dứt với sự sống lại của tất cả mọi người khác, và việc khử trừ hoàn toàn sự dữ. Sau đó, người công chính sẽ sống mãi mãi trong trời mới đất mới. Một giấc ngủ của linh hồn diễn ra giữa lúc người ta chết và ngày xét xử. Không có luyện ngục. Thánh Kinh được hiểu theo sát chữ và là quy luật duy nhất của đức tin và việc thực hành đức tin đó.

 

Phái TÁI THANH TẨY (Ana-baptism): xuất phát ở Saxony hồi đầu thế kỷ XVI và lan nhanh khắp miền Nam nước Đức. Tin rằng phép Rửa chỉ dành cho người lớn mà thôi, phép Rửa của trẻ em không có hiệu lực. Học thuyết về sự soi sáng bên trong của phái này, tức sự hướng dẫn trực tiếp của Thánh Thần trên tín hữu, bao hàm việc bác bỏ giáo thuyết Công giáo về các bí tích và về bản chất của Giáo Hội.

 

Phái ARMINO (Arminianism): do Jacob Arminius (1560-1609) khởi xướng. Điều chỉnh thuyết tiền định quá cứng nhắc của Calvin. Có ảnh hưởng lớn trên một số hệ phái Calvin.

 

Phái BÁPTÍT (Baptism): mang danh xưng này vì học thuyết có liên hệ đến phép Rửa. Phái này từ chối làm phép Rửa cho trẻ con và chỉ thực hành phép Rửa bằng hình thức dìm trong nước. Các lãnh đạo là John Smith (+ 1612) ở Anh và Roger William (+ 1683) ở Hoa Kỳ.

 

Phái CÔNG HỘI (Congregationalists): đề cao sự tự do cá nhân trong các vấn đề tôn giáo; không đòi hỏi sự chấp nhận Kinh Tin Kính như là điều kiện để hiệp thông, quan niệm rằng mỗi cộng đoàn đều tự quản và tự trị. Rogert Browne đã ảnh hưởng mạnh mẽ lên phái này.

 

Phái MÔN ĐỆ (Disciples): xuất phát từ một phong trào của thế kỷ XIX và mang khát vọng thống nhất các Giáo hội Kitô giáo. Những nhà thờ của phái này đón nhận mọi người làm thành viên, cử hành Thánh Thể mỗi ngày Chủ nhật, chỉ làm phép Rửa cho người lớn.

 

Phái METHODISTS: một nhóm tách rời khỏi Liên hiệp Anh giáo dưới sự lãnh đạo của John Wesley (1703 – 1791), dù vẫn giữ một số niềm tin Anh giáo.

Phái NGŨ TUẦN (Pentecostals): phát triển sau năm 1906, gắn liền với hiện tượng nói các tiếng lạ và với kinh nghiệm được thanh tẩy trong Thánh Thần. Vào giữa thế kỷ XIX, kinh nghiệm đoàn sủng bắt đầu được chia sẻ bởi một số thành viên của các giáo hội cổ điển, gồm cả Giáo hội Công giáo.

 

Phái THANH GIÁO (Puritans): những người cố tìm kiếm sự cải cách Giáo Hội theo khuynh hướng chặt chẽ của Calvin.

 

Phái TRƯỞNG LÃO (Presbyterians): chủ yếu theo học thuyết Calvin. Gọi là Trưởng Lão, vì tổ chức các giáo hội tập trung quanh Hội đồng các Trưởng Lão. John Knox (K. 1513-1572) lập ra ở Scotland.

 

Phái HỮU NGHỊ (Quakers): niềm tin đặt chủ yếu vào sự soi sáng thần linh bên trong như là nguồn duy nhất của chân lý và linh hứng. George Fox (1624-1691) là một trong các nhà lãnh đạo của Giáo hội này ở Anh.

 

Phái THẦN NHẤT VỊ (Unitarianism): một học thuyết của thế kỷ XVI từ chối Ba Ngôi và từ chối thần tính của Đức Kitô. Chủ trương Thiên Chúa chỉ có một ngôi vị. Faustus Socinus là một trong các lãnh đạo của phong trào. 

 

Phái PHỔ ĐỘ (Universalism): một kết quả của chủ trương Tin Lành tự do hồi thế kỷ XVIII ở Anh. Chủ trương rằng cuối cùng, tất cả mọi người đều sẽ được cứu độ.

 

LIÊN HIỆP ANH GIÁO (Anglican Communion)

   Không phát xuất từ ảnh hưởng của phong trào Cải Cách mà là từ sự kiện vua Henry VIII nước Anh (1491-1547) từ chối quyền bính giáo hoàng. Về sau, mới có những thay đổi đáng kể liên quan đến các vấn đề như Thánh Kinh là quy luật của đức tin, về các bí tích, về bản chất của thánh lễ, về thiết lập giáo phẩm. Liên hiệp Anh giáo có 27 giáo tỉnh.

In ngày: 23/11/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print