DO THÁI GIÁO
Do Thái giáo là tôn giáo của Thánh Kinh Do Thái và của người Do Thái đương thời. Được Thiên Chúa mạc khải và trong bối cảnh của các tổ phụ (Abraham, Isaac, Jacob), Do Thái giáo xuất phát từ giao ước Môsê, và mặc lấy hình thức và nét đặc biệt như là một tôn giáo dựa vào Torah (lề luật). Các lề luật ấy được rút ra từ giao ước này và dựa trên những cải cách được khởi xướng bởi Ezra và Nehemia sau thời lưu đày ở Babylon.
Do Thái giáo không có một khung tín điều chính thức, nhưng các điểm chính yếu trong niềm tin của tôn giáo này lại rất rõ ràng. Niềm tin căn bản đặt vào một Thiên Chúa siêu việt, Đấng mạc khải chính Ngài qua Torah, qua các ngôn sứ, qua đời sống của dân Ngài và qua các biến cố trong lịch sử. Vì mọi người là con Thiên Chúa nên cũng là anh em của nhau. Đức tin và thực hành tôn giáo hệ tại ở chỗ sống theo luật Chúa. Niềm xác tín và việc thực hành luân lý được xem là quan trọng hơn việc thiết định và tuyên xưng đúng đắn giáo lý. Việc phụng tự chính thức, hành vi chủ yếu là tế lễ, kể từ thời Xuất Hành ra khỏi Ai Cập cho đến năm 70 sau Công Nguyên, thì nay được thực hành qua cầu nguyện, đọc và suy niệm Sách Thánh, qua việc giữ ngày Sabbath và các ngày lễ trọng.
Do Thái giáo đặt niềm hy vọng vào Đấng Messiah. Ngài sẽ đến để hoàn thành trọn vẹn Giao Ước, làm xuất hiện Nước Thiên Chúa, quy tụ dân Ngài, phán xét cuối cùng và thưởng phạt cho tất cả. Có những quan điểm khác nhau tuỳ theo cách thế để thực hiện niềm hy vọng này, chẳng hạn, viễn tượng đó sẽ được thực hiện qua một con người, hay một cộng đoàn dân Thiên Chúa, qua một cuộc tiến hoá của những biến cố lịch sử, hay một hành động cánh chung của chính Thiên Chúa. Cũng có những khác biệt nhau trong niềm hy vọng về ơn cứu độ cá nhân, tuỳ theo quan niệm về bản chất của sự bất tử, về thưởng phạt và về các vấn đề liên hệ khác.
Sách Thánh
Là 24 quyển gồm văn bản Luật bằng tiếng Hipri, các sách Tiên Tri và các Thánh Ký khác. Tất cả các sách này đều chứa đựng những chỉ dẫn căn bản hay những chuẩn mực cho đời sống công chính. Trong một số từ ngữ Lề Luật hay Torah chỉ quy chiếu đến Ngũ Thư (Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số, Đệ Nhị Luật). Trong nhiều trường hợp khác, từ ngữ ấy quy chiếu đến tất cả các Sách được viết, thậm chí có thể quy chiếu cả đến truyền thống truyền miệng nữa. Hai bộ Talmuds được biên soạn ở Palestine và Babylon lần lượt vào thế kỷ IV và V sau Công Nguyên cũng chiếm tầm quan trọng đặc biệt. Hai bộ này gồm sách Mishna chứa đựng các luật truyền khẩu và sách Gemara gồm các lời giải thích của các rabbi (thầy thông luật) về sách Mishna. Midrash là bộ tập hợp các lời giải thích Thánh Kinh và các lời khuyên luân lý.
Các tư tế là những vị lãnh đạo tôn giáo chủ yếu trong cử hành phụng tự tế lễ ở đền thờ. Các rabbi vốn nguyên thuỷ là các kinh sư, ngày nay các rabbi chia sẻ cả công việc hướng dẫn cầu nguyện nữa. Hội đường là nơi phụng tự của cộng đoàn. Gia đình là đơn vị căn bản để cử hành phụng tự và thực hành Do Thái giáo.
Những sự kiện chủ yếu trong đời sống tín đồ Do Thái giáo bao gồm việc cắt bì cho người nam, căn cứ theo các quy định của giao ước, lễ mừng “mitzvah” lên 13 tuổi của con trai con gái Do Thái, việc kết hôn, việc tuân giữ ngày Sabbath và các ngày lễ như Hanukkhah (lễ Ánh Sáng), Pesach (Vượt Qua), Shavuoth (lễ Ngũ Tuần), Purim, Rosh Hashana (lễ Kèn, Năm Mới), Yom Kippur (lễ Chuộc Tội), Yom HaShoah (lễ Tưởng Niệm).
Việc giữ ngày Sabbath và các ngày lễ bắt đầu vào lúc mặt trời lặn của ngày hôm trước và kéo dài cho đến lúc mặt trời lặn của ngày hôm sau.
Mối quan hệ Công giáo - Do Thái giáo
Cùng với Sắc lệnh về Đại kết (liên quan tới phong trào hợp nhất các Kitô hữu), Công đồng Vat. II đã công bố Tuyên ngôn Nostra Aetate về mối quan hệ giữa Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Văn kiện này nêu các lý do và các chỉ dẫn căn bản cho mối tương quan giữa Giáo Hội và các tín đồ Do Thái giáo. Những phần khác của văn kiện này nói đến Ấn giáo, Phật giáo và Hồi giáo.
Sự gắn bó thiêng liêng
Thánh Công đồng nêu bật mối liên kết thiêng liêng giữa dân của Giao Ước Mới và con cháu Abraham.
Giáo Hội Chúa Kitô nhận thức rằng trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, đức tin và sự tuyển chọn của mình bắt nguồn từ các tổ phụ, Môsê, và các tiên tri. Giáo Hội tuyên xưng rằng tất cả những ai tin vào Đức Kitô, tức con cháu của Abraham theo đức tin (x. Gl 3,7) đều chia sẻ cùng một ơn gọi của các tổ phụ và ơn cứu độ của Giáo Hội cũng đã được báo trước một cách mầu nhiệm nơi cuộc xuất hành của dân Chúa ra khỏi đất nô lệ Ai Cập.
Vì thế, Giáo Hội không thể quên rằng mình nhận được mạc khải của Cựu Ước qua việc Thiên Chúa đã ưu ái tuyển chọn Dân Ngài để thiết lập Giao Ước Cũ. Giáo Hội tin rằng nhờ Thập Giá của Đức Kitô nên đã có sự giao hoà giữa dân Do Thái và dân ngoại, làm cho cả hai trở thành hợp nhất nơi chính Ngài (x. Ep 2,14-16).
Vì di sản thiêng liêng chung của các Kitô hữu và các tín đồ Do Thái giáo lớn lao như thế, nên Thánh Công đồng mong muốn thúc đẩy và cổ vũ sự hiểu biết và kính trọng lẫn nhau, việc nghiên cứu Thánh Kinh, thần học và những cuộc đối thoại huynh đệ.
Không bài Do Thái giáo
Đành rằng giới hữu trách Do Thái và những người theo họ đã cố đẩy Đức Kitô đến chỗ chết (x. Ga 19,6); nhưng không phải hết thảy mọi người Do Thái lúc bấy giờ, càng không phải là người Do Thái hôm nay – đều phải nhận trách nhiệm về những gì đã xảy ra trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu. Mặc dù Giáo Hội là dân mới của Thiên Chúa, điều đó không có nghĩa là dân Do Thái bị Chúa nguyền rủa hay khước từ theo như một vài cách nhìn từ Thánh Kinh.
Giáo Hội bác bỏ mọi sự bách hại đối với bất cứ ai và rất tiếc về mọi sự hiềm khích, bách hại và biểu hiện của chủ nghĩa bài Do Thái ở bất cứ thời nào và từ bất cứ nơi đâu (Nostra Aetate, số 4).
Giáo Hội tẩy chay mọi sự kỳ thị về chủng tộc, màu da, điều kiện sống, hay tín ngưỡng tôn giáo,… vì tất cả những điều đó không hợp với tinh thần của Đức Kitô (số 5).
HỒI GIÁO
Hồi giáo xuất hiện với Đức Mohammed (tên Ả Rập là Muhammad), và theo tương truyền, ngài đã nhận được mạc khải của Chúa. Các tín đồ Hồi giáo nhìn nhận rằng mạc khải này xuất phát từ Thiên Chúa độc nhất, và không cho rằng Hồi giáo là một tôn giáo mới. Họ tuyên xưng Đức Mohammed là vị tiên tri cuối cùng trong một loạt các vị tiên tri, đa số những tiên tri này được nêu tên trong Thánh Kinh Do Thái và trong Tân Ước, đầu tiên là Ađam, và tiếp tục qua Noe, Abraham, Môsê, Giêsu,... cho tới Mohammed.
Tín đồ Hồi giáo tin vào một Thiên Chúa độc nhất là Đức Allah theo tiếng Ả Rập. Theo Kinh Coran, Thiên Chúa là Đấng Duy Nhất và Siêu Việt, là Đấng Sáng Tạo và là Đấng Nâng Đỡ vũ trụ, là Đấng Cai Trị từ bi và thương xót, và là Đấng Phán Xét. Thiên Chúa còn có nhiều danh hiệu khác nữa, tổng cộng kể được đến 99 danh hiệu. Đây là lời tuyên tín: “Không có thần nào khác ngoài Thiên Chúa, và Mohammed là sứ giả của Thiên Chúa”.
Các bổn phận thiết yếu của tín đồ Hồi giáo là: làm chứng cho đức tin bằng việc đọc lại lời tuyên tín hằng ngày; mỗi ngày năm lần thực hiện hành vi thờ phượng, quay về hướng Thành Thánh Mecca; bố thí; giữ chay hằng ngày từ sáng tinh mơ đến chạng vạng tối trong suốt tháng Ramadan; hành hương về Mecca một lần trong đời nếu có thể.
Tín đồ Hồi giáo tin vào cuộc phán xét cuối cùng, tin có thiên đàng và hoả ngục. Luân lý và các chuẩn mực đạo đức do thần khải có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với tín đồ Hồi giáo. Có những quy định rất chặt chẽ xung quanh việc kiêng cữ ăn uống. Vào các ngày thứ sáu, giờ kinh trưa là một giờ cầu nguyện tập thể, thường diễn ra trong một thánh đường. Chủ đề chính của việc cầu nguyện là tôn thờ và tạ ơn. Hồi giáo không có thừa tác viên chức thánh.
Cơ sở của niềm tin Hồi giáo là Kinh Coran (Qu’ran), tức lời của Thiên Chúa mạc khải cho Đức Mohammed trong một thời gian kéo dài 23 năm. Nội dung của cuốn sách thánh này được bổ sung bởi Sunna, một sưu tập các truyền thống thánh từ cuộc đời của vị Tiên Tri Mohammed.
Thái độ của Giáo Hội
Trong Tuyên ngôn về Liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo Nostra Aetate, Công đồng Vatican II phát biểu: “Giáo Hội cũng tôn trọng các anh chị em Hồi giáo, vì họ cùng tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, hằng sống và hằng hữu, từ bi và toàn năng, Đấng sáng tạo trời đất, đã từng đối thoại với con người. Anh chị em Hồi giáo chuyên tâm tuân phục cả những phán quyết bí nhiệm của Thiên Chúa với tất cả tâm hồn, như Abraham đã tuân phục, người mà đức tin Hồi giáo sẵn lòng noi theo. Dù không nhìn nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa, anh chị em Hồi giáo vẫn tôn kính Ngài như một vị tiên tri, và cũng tôn kính Đức Mẹ Đồng Trinh của Ngài. Hơn nữa, họ cũng trông chờ ngày chung thẩm và sự tưởng thưởng của Thiên Chúa sau khi mọi kẻ chết sống lại. Vì thế, họ rất chú trọng đến một đời sống công chính và tôn thờ Thiên Chúa, nhất là qua việc cầu nguyện, bố thí và giữ chay.
Trải qua các thế kỷ, nhiều cuộc tranh cãi và nhiều mối bất đồng đã xảy ra giữa các Kitô hữu và các anh chị em Hồi giáo. Nay Thánh Công đồng kêu gọi mọi người hãy quên đi quá khứ, và chân thành nỗ lực tìm hiểu lẫn nhau nhằm phục vụ cho thiện ích của mọi người, Thánh Công đồng khích lệ việc cùng nhau bảo vệ và thăng tiến hoà bình, tự do, công bằng xã hội và các giá trị luân lý”.
Đối thoại
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gặp gỡ các vị lãnh đạo và các phái đoàn Hồi giáo cả ở Roma lẫn trong những chuyến công du của ngài tới các quốc gia. Ngài đã nói chuyện với đông đảo tín đồ Hồi giáo tại Morocco, Indonesia, Mali và nhiều nơi khác. Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn đã tổ chức những cuộc đối thoại chính thức với các tổ chức Hồi giáo.
“Các Kitô hữu và các tín đồ Hồi giáo: Những người tin vào Thiên Chúa, những người trung thành với nhân đạo”, đó là tựa đề của một sứ điệp do Đức Hồng y Francis Arinze, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, gửi cho cộng đồng Hồi giáo nhân dịp Lễ Id al-Fitr 1999 vào cuối tháng Ramadan, tháng chay tịnh của các tín đồ Hồi giáo. Sau đây là trích đoạn của Sứ điệp:
“Giai đoạn này là một cơ hội cho người Kitô hữu viếng thăm các anh chị em Hồi giáo của mình để bày tỏ tình thân hữu, và qua đó có thể thắt chặt mối quan hệ thân tình vốn vẫn đang có sẵn giữa hai bên, đồng thời kiến tạo những mối hữu nghị mới. Sứ điệp hằng năm này, vì thế, trở thành như nhịp cầu giữa các Kitô hữu và các tín đồ Hồi giáo – một nhịp cầu đang không ngừng được xây dựng và củng cố. Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì những hoa quả đã gặt hái được và chúng ta cầu nguyện cho mối quan hệ giữa các Kitô hữu và các tín đồ Hồi giáo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Chính đức tin của các bạn, tức lòng thần phục và tín thác của các bạn vào Thiên Chúa, đã thúc đẩy các bạn thực hành việc giữ chay trong suốt tháng Ramadan. Chúng ta, là những tín đồ Kitô giáo và Hồi giáo, cùng chân nhận mình là những “người tin”, và cùng với anh chị em Do Thái giáo, chúng ta hướng nhìn về Tổ phụ Abraham như một mẫu mực cho đức tin của chúng ta…
Theo gương Tổ phụ Abraham, các tín đồ Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo cố gắng dành cho Thiên Chúa địa vị thích đáng trong cuộc sống của mình – Thiên Chúa là Cội Nguồn, là Chủ, là Đấng Dẫn Dắt, và là Định Mệnh Tối Hậu của mọi con người. Tuy nhiên, chúng ta cũng ý thức rằng còn có những tín đồ thuộc các tôn giáo khác nữa, đáng được tôn trọng. Thật vậy, chính vì nhân danh Thiên Chúa mà mọi tín đồ đích thật sẽ bày tỏ lòng kính trọng đối với mọi nhân vị khác. Tôn giáo không thể cho phép chúng ta vịn vào những khác biệt mà nuôi dưỡng những thái độ tiêu cực đối với nhau”.
ẤN ĐỘ GIÁO, PHẬT GIÁO VÀ CÁC TÔN GIÁO KHÁC
Trong lịch sử phát triển tâm linh, con người đã khám phá ra nhiều con đường khác nhau để tìm về Hữu Thể Tuyệt Đối như một vị thần linh tối cao, hay như một người Cha qua việc cảm nhận được quyền lực ẩn tàng trong vạn vật và trong những biến cố của đời người. Cảm thức đó dẫn họ đến những tôn giáo khác nhau. Các tôn giáo có liên quan mật thiết với tiến bộ văn hoá đã cố gắng diễn tả và giải đáp những vấn đề sâu xa của đời người bằng những ý niệm cao siêu và bằng những ngôn ngữ ngày càng tinh tế. Hơn nữa, các tôn giáo còn cố gắng làm cho tâm hồn con người thoát khỏi những băn khoăn bằng nhiều phương thế khác nhau như đề xướng ra những giáo thuyết, luật sống cũng như những lễ nghi phụng tự.
“Giáo hội Công giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó. Hơn nữa, với lòng kính trọng chân thành, Giáo Hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy có nhiều điểm khác với chủ trương mà Giáo Hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của Chân Lý, Chân Lý chiếu soi cho hết mọi người. Tuy nhiên Giáo Hội rao giảng và có bổn phận phải kiên trì rao giảng Đức Kitô, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14,6). Chỉ ở nơi Người con người mới tìm thấy đời sống tôn giáo sung mãn và chỉ nhờ Người mới giao hoà được với Thiên Chúa” (Tuyên ngôn về Liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, Nostra Aetate, số 2).
ĐTC Gioan Phaolô II trong Tông huấn Giáo Hội tại châu Á, Ecclesia in Asia, ngày 6-11-1999 đã nhìn nhận: “Á Châu là chiếc nôi của những tôn giáo lớn trên thế giới như Do Thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo và Ấn Độ giáo. Đó là nơi khai sinh của nhiều truyền thống tâm linh khác như Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo, Bái Hoả giáo (Zoroastrianism), đạo Giaina (Jainism), đạo Sikh và Thần Đạo (Shintoism). Chưa kể hàng triệu người theo các tôn giáo truyền thống hay bộ tộc, có nghi thức quy củ và giáo lý chính thức ở những mức độ khác nhau. Giáo Hội hết sức kính trọng các truyền thống này và luôn tìm cách đối thoại chân thành với các tín đồ ấy” (số 6). Trong cuộc đối thoại này, Chúa Thánh Thần đóng một vai trò hết sức quan trọng vì Ngài sẽ soi sáng tâm trí con người khám phá ra Đức Giêsu Kitô và nối kết mọi dân tộc, mọi nền văn hoá và mọi tôn giáo trong Tình Yêu Thiên Chúa (số 15).
Ấn giáo và Phật giáo, cùng với Khổng giáo, Lão giáo, Thần đạo, và các tôn giáo khác, không giống với Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo ở chỗ, trong các tôn giáo ấy, không có mặt Abraham như một người cha trong đức tin.
Trong tuyên ngôn về mối quan hệ của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, Công đồng Vat. II đã tuyên bố: “Trong Ấn giáo, con người tìm hiểu huyền nhiệm thần thiêng, và diễn tả huyền nhiệm đó bằng những thần thoại phong phú bất tận cũng như bằng những nỗ lực suy tư triết lý sâu sắc. Họ tìm cách giải thoát khỏi những nỗi âu lo của kiếp người hoặc bằng những lối sống khắc khổ, hoặc bằng tịnh niệm thâm sâu, hoặc bằng việc chạy đến nương ẩn nơi Thượng Đế với lòng mến yêu tin cậy”.
Người Công giáo - nhất là ở Ấn Độ - đã cố gắng xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp với anh chị em Ấn giáo và đã dấn thân vào nhiều nỗ lực gặp gỡ và đối thoại. Trong các chuyến viếng thăm Ấn Độ, các Đức Thánh Cha Phaolô VI (1964) và Gioan Phaolô II (1986 và 1999) đã bày tỏ lòng kính trọng đối với dân chúng Ấn Độ, nhất là với các tín đồ và các vị lãnh đạo Ấn giáo.
Năm 1995, Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn đã bắt đầu gửi một sứ điệp cho cộng đồng Ấn giáo nhân dịp Lễ Diwali là lễ mừng ánh sáng chiến thắng bóng tối.
Về Phật giáo, Công đồng Vatican II đã tuyên bố trong tuyên ngôn về mối quan hệ của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo như sau: “Phật giáo, theo nhiều tông phái khác nhau, lại nhìn nhận sự thiếu sót căn bản của cuộc đời thay đổi này và vạch ra con đường cho những người thành tâm tin cậy, hoặc đạt đến chỗ giải thoát trọn vẹn hay giác ngộ hoàn toàn, bằng những cố gắng của riêng mình hay bằng trợ lực của ơn trên”.
Các Đức Thánh Cha như Phaolô VI, Gioan Phaolô II đã tiếp đón nhiều phái đoàn và các vị chức sắc hàng đầu của Phật giáo. Trong Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Hoà bình hằng năm được tổ chức tại Assisi (4-10) các vị lãnh đạo của nhiều tôn giáo đã cùng cầu nguyện với Đức Thánh Cha. Tại nhiều quốc gia, hiện nay vẫn đang diễn ra những cuộc gặp gỡ và đối thoại hữu nghị giữa các tín đồ Công giáo và Phật giáo.
Năm 1995, Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn đã tổ chức một cuộc hội thảo song phương giữa Kitô giáo và Phật giáo tại Đài Loan. Cũng từ năm 1995, Hội đồng bắt đầu gửi sứ điệp hằng năm cho cộng đồng Phật giáo vào dịp lễ Phật Đản Vesakh.
Louis NGUYỄN PHÚC KIM
Nguồn tư liệu:
- Matthew Bunson, Catholic Almanac 1999, tr. 301-330; 2000, tr. 582-605; 2003, tr. 568-603, NXB Our Sunday Visitor, Indiana.
- NN, Théo: Nouvelle Encyclopédie Catholique, Droguet Ardant / Fayard, 1989.
- Olivier de la Brosse, Dictionnaire de la foi Chrétienne.