Print  
2. TẠI SAO NGƯỜI TA NGẠI NGÙNG VỚI TƯỚC HIỆU MẸ GIÁO HỘI?
Bản tin ngày: 09/03/2008   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo

    Vào những năm 1930-1960, một số nhà thần học nổi tiếng như R. Laurentin, H. Rahner, H. De Lubac, Karl Rahner, E. Schillebeeckx  khởi xướng một phong trào canh tân Thánh Mẫu Học. Phong trào này nhấn mạnh đến việc trở về nguồn Thánh Kinh hơn là việc suy luận thần học để đề cao Đức Maria với những đặc ân kỳ diệu của Người như các nhà thần học từ thời Trung Cổ đã làm. Thánh Kinh trình bày Đức Maria trong mối tương quan chặt chẽ với Đức Giêsu và trong kế hoạch cứu độ như một người tín hữu lắng nghe và thực hành Lời Chúa, để thấy sự tương đồng giữa Đức Maria và Giáo Hội. Hơn nữa, chiều hướng đại kết cũng đòi hỏi không được đặt Đức Maria như một người ngang hàng hay độc lập với Đức Giêsu Kitô.

 

    Vào lúc khai mạc Công đồng Vatican II, hai khuynh hướng cũ và mới này đã đối chọi với nhau khá căng thẳng và kịch liệt. Khuynh hướng mới đã thắng thật khít khao trong lần bỏ phiếu ngày 29-10-1963 với 1.114 phiếu thuận và 1.074 phiếu chống. Kết quả là lược đồ về Đức Maria được sáp nhập vào lược đồ về Giáo Hội, sau này nó trở thành chương 8 của Hiến chế Tín lý về Giáo Hội. Tuy nhiên, trong buổi lễ kết thúc kỳ họp thứ ba của Công đồng, ngày 21-11-1964, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã chính thức tuyên bố Đức Maria là Mẹ Giáo Hội. Việc này gây nên một số bất bình vì cho rằng Đức Giáo hoàng không tham khảo trước với Công đồng và có nguy cơ gây đụng chạm với anh em Tin Lành.

 

   Thật ra, trong chiều hướng đại kết, toàn thể Kitô giáo cần nhìn lại vai trò của Đức Maria như người Mẹ thật của mình. Điều này Giáo hội Chính Thống và nhiều giáo hội ly khai ở Tây Phương đã làm. Người ta cũng đã thấy cần phải sửa đổi lại những thái độ lệch lạc của lòng đạo đức bình dân từ phía Công giáo khi một số người đã coi Đức Maria gần như ngang hàng với Thiên Chúa, đọc kinh cầu khẩn trực tiếp với Đức Maria, thay vì để Mẹ cùng với chúng ta cầu xin Thiên Chúa trong sự hiệp thông với các thánh. Anh em Tin Lành cũng dần dần xét lại thái độ dè dặt của họ đối với Đức Maria, khi khám phá trong Thánh Kinh chân dung thật sự cao quý và gương mẫu về lòng tin, về sự thánh thiện của Mẹ.

 

    Càng tìm hiểu về Đức Maria, loài người sẽ càng yêu mến Mẹ hơn - vì thấy Mẹ không phải là một nhân vật thuộc về quá khứ. Mẹ luôn luôn sống động và hiện diện trong suốt dòng lịch sử, đặc biệt trong con người thời đại hôm nay. Mẹ là biểu tượng cho linh đạo giải phóng ở châu Mỹ La Tinh qua bài ca Magnificat. Mẹ hội nhập vào nền văn hoá Á Phi như một người nữ âm thầm phục vụ, luôn lắng nghe và suy tư Lời Chúa trong mọi biến cố cuộc đời. Mẹ là người phụ nữ tuyệt vời trong phong trào giải phóng phụ nữ khi biểu lộ tính năng động, sáng kiến và đầy tự do để làm chủ quyết định của mình, ngay cả trước lời đề nghị của Thiên Chúa. Thật vô cùng hạnh phúc khi loài người có được một người mẹ hoàn hảo và thánh thiện như thế. Vậy thì người con Giáo Hội có còn ngại ngùng khi tôn phong Đức Maria làm Mẹ của mình?

In ngày: 25/04/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print