1702. (2-2) Giám mục Lezzoli được tấn phong tại Kẻ Sở. Ngài là vị giám mục dòng Đa Minh tiên khởi trên đất Việt, chăm sóc giáo phận Đông Đàng Ngoài.
1704. Chúa Minh Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) đình chỉ việc cấm đạo vì quý mến một giáo sĩ dòng Tên Tây Ban Nha, lm. Juan Antonio Arnedo, ngài là nhà thiên văn giỏi và là thầy thuốc riêng của chúa tại kinh đô.
1712. Các thừa sai Pháp, với tư cách là các thương gia đại diện Công ty Đông Ấn Pháp ở Phố Hiến, bị trục xuất.
1723. Ở giáo phận Tây Đàng Ngoài, hai linh mục dòng Tên người Ý Johann Baptist Messari và F.M. Buccharelli bị bắt: lm. Messari chết trong tù (23-6-1723) và lm. Buccharelli bị chém đầu (11-10-1723). Đây là hai linh mục thừa sai ngoại quốc đầu tiên bị hành quyết ở Việt Nam.
1724. Dưới thời chúa Minh, Giáo hội Đàng Trong được tạm thời bình an. Giáo phận có khoảng 300 nhà thờ với hơn 70.000 tín hữu. Riêng kinh đô Phú Xuân có 29 thừa sai ngoại quốc: 12 cha dòng Tên, 9 cha dòng Phanxicô, 6 thừa sai Pháp và 2 thừa sai Ý. Giáo phận còn có hơn 200 thầy giảng hoạt động hăng say trong cánh đồng truyền giáo.
1737. (12-1) Thêm bốn linh mục dòng Tên bị hành quyết, tại Đồng Mơ, ngoại thành Thăng Long: cha E. d’Abreu, Bart. Alvarez, Vicenté da Cunha (người Bồ Đào Nha) và cha Gaspar Cratz (người Đức).
1745. (22-1) Hai thừa sai dòng Đa Minh người Tây Ban Nha tử đạo: Francesco Gil de Federich Tế và Matteo Alonso Liciniana Đậu bị xử trảm thời Trịnh Doanh.
1748. Khi chúa Trịnh Sâm đi xem các chiến lợi phẩm, gặp chữ Hà Lan trên một ống súng, nhà chúa ra lệnh đi tìm các giáo sĩ ngoại quốc để giải nghĩa cho chúa. Giáo sĩ dòng Tên Wenzel Paleczeck Đẩu (người Đức) hiểu tiếng. Lúc này, cha đang còn đang lẩn trốn trên đất Bắc, được tìm thấy, đã đọc và cắt nghĩa cho chúa Trịnh. Nhà chúa hiểu và hài lòng nên ra lệnh đình chỉ việc cấm đạo.
1750. (27-8) Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1750) trục xuất tất cả các thừa sai ngoại quốc ra khỏi Đàng Trong, chỉ trừ một hai tu sĩ dòng Tên được phép ở lại phục vụ trong triều đình.
1757. Toà Thánh bổ nhiệm giám mục đại diện tông toà: Đức cha Santiago Hernández Tuấn, O.P. (1757-1777) và từ đây giáo phận Đông Đàng Ngoài hoàn toàn do các tu sĩ Đa Minh Tây Ban Nha đảm trách.
1771. Giám mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) làm đại diện tông toà tại Đàng Trong (1771-1799).
1773. (7-11) Hai giáo sĩ: Jacinto Casteđada Gia (Tây Ban Nha) và Vinh Sơn Lê Quang Liêm bị xử trảm theo lệnh chúa Trịnh Sâm.
1777. Anh em nhà Tây Sơn chống chúa Nguyễn vì đại thần Trương Phúc Loan tại kinh đô Phú Xuân lạm quyền và tàn ác. Ông Loan đã đổi di chiếu, lập con thứ 16 của chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) là chúa Định Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777) mới 12 tuổi lên nối ngôi, để dễ bề chuyên quyền. Ông bắt giam Hiếu Khương Vương, con thứ 2 của chúa Võ, theo di chiếu sẽ lên nối ngôi. Hiếu Khương Vương đã chết trong tù, để lại hai người con là Nguyễn Phúc Đống và Nguyễn Ánh.
Nguyễn Ánh chạy trốn vào Nam, chiêu mộ binh lính nhằm tái lập vương nghiệp.
Lm. Pigneau de Béhaine được tấn phong giám mục năm 1774, tại Madras, Ấn Độ. Đức cha đến Macao năm 1775 và tìm cách vào Nam Việt. Được lời mời của trấn thủ Hà Tiên, Mạc Thiên Tứ, người Trung Hoa, ngài đã lập một họ đạo trong phần đất mà quan trấn thủ tặng. Nguyễn Ánh đã ẩn trốn trong ngôi nhà quan trấn thủ.
1779. Nguyễn Ánh sinh được một người con trai là hoàng tử Cảnh. Ông xin giám mục Pigneau de Béhaine làm Thái phó.
Dưới thời Tây Sơn, tình hình Giáo hội Việt Nam rất khó khăn, do có nhiều biến động và bất ổn. Vì tình thế đòi hỏi, Đức cha Pigneau đã cố gắng gửi 4 thừa sai vào Trung Việt. Ngài đã chọn và phong thừa sai Jean Labartette làm giám mục phó. Đồng thời, ngài cũng dời toà giám mục từ Hà Tiên về Biên Hoà.
Nguyễn Ánh không muốn trở lại đạo Công giáo, nhưng thường tham dự thánh lễ do giám mục dâng và nhờ có nhiều dịp tiếp xúc với ngài, nên chúa cũng bỏ được nhiều thành kiến không hay về đạo Công giáo.
1780. Nguyễn Ánh xưng vương và nhất tâm trấn giữ Gia Định.
1782. Vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc cùng Nguyễn Huệ đem quân từ Quy Nhơn vào đánh và chiếm lại Gia Định. Nguyễn Ánh bỏ Gia Định trốn ra đảo Phú Quốc. Đức cha Pigneau và các thừa sai phải trở lại Hà Tiên.
1783. Quân Tây Sơn trấn thành Gia Định, rồi đem quân đuổi theo Nguyễn Ánh tại đảo Phú Quốc. Nguyễn Ánh thua, phải rút quân ra đảo Côn Sơn, đợi dông bão để trốn chạy vào vịnh Thái Lan. Giám mục Pigneau đề nghị Nguyễn Ánh cầu viện với vua Pháp, Louis XVI, sau khi nhận thấy không thể cầu viện với Bồ Đào Nha và Anh được.
1784. Giám mục Pigneau đem hoàng tử Cảnh và phái đoàn của chúa Nguyễn sang Pháp cầu viện. Chúa Nguyễn cũng giao quốc ấn và uỷ toàn quyền cho Đức cha Pigneau thương nghị với Pháp. Còn Đức cha, vì hy vọng về sau Nguyễn Ánh sẽ dễ dàng chấp thuận cho các thừa sai được tự do truyền giáo nên ngài cũng tha thiết, tận tình giúp chúa Nguyễn.
1787. (28-11) Giám mục Pigneau, đại diện uỷ quyền của Nguyễn Phúc Ánh, ký hiệp ước Versailles.
1788. Nhờ sự tận tâm của tướng Võ Tánh, Nguyễn Ánh đã chiếm lại được thành Gia Định.
1789. Tháng 7, chiến thuyền Méduse tiến vào Vũng Tàu, trên đó có Giám mục Pigneau, hoàng tử Cảnh và còn kèm theo mấy chiến thuyền, đạn dược do Đức cha vận động ở Pondichéry gửi giúp chúa Nguyễn Ánh. Ngoài ra, còn có các ông: Chaigneau, Vannier, Forçant và Olivier là những cố vấn quân sự đi theo.
1798 Ở kinh đô Phú Xuân, vua Cảnh Thịnh chính thức ra lệnh cấm đạo, vì năm 1797 triều đình Tây Sơn đã bắt được mật thư của Nguyễn Ánh gửi cho giám mục Labartette tại Huế. Do thư này, vua Cảnh Thịnh nghi ngờ người Công giáo có âm mưu nổi loạn chống Tây Sơn. Hậu quả của lệnh cấm đạo này: ngày 17-9, lm. Emmanuel Nguyễn Văn Triệu và ngày 28-10, lm. Gioan Đạt bị xử trảm do lệnh vua Cảnh Thịnh.
1798-1800. Ngày 9-10-1799, Giám mục Pigneau từ trần tại Quy Nhơn. Thời vua Cảnh Thịnh là một thời kỳ gian khó của Giáo hội Công giáo: cấm cách, bắt bớ và bách hại. Giáo dân đã chạy vào La Vang, là nơi rừng hoang, nước độc, cách Quảng Trị khoảng 6 cây số để trốn tránh. Với tất cả lòng tin tưởng, tín hữu nguyện cầu cùng Trinh Nữ Maria, Mẹ đã hiện ra an ủi, nâng đỡ đoàn con đau khổ trong thử thách vì đức tin. Từ đây, Linh địa La Vang đi vào lịch sử Giáo hội Việt Nam.
Tóm lại:
Thời các chúa Trịnh, từ Trịnh Tạc (1657-1682) đến Trịnh Sâm (1767-1782) tại đất Bắc; chúa Nguyễn, từ Nguyễn Phúc Lan (1635-1648) đến Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777) và vua Cảnh Thịnh (1782-1802): có ước chừng hơn 30.000 chứng nhân đã anh dũng lấy máu đào tuyên xưng đức tin.