Nguồn gốc và lịch sử
Phong trào Hướng Đạo (HĐ) do huân tước Baden Powell (B.P.) of Gilwell khai sinh năm 1907 tại Anh. Tôn chỉ và phương pháp hướng đạo đặt trên căn bản 3 cuốn sách:
Sách Sói Con (The wolf cub’s handbook).
Hướng đạo cho trẻ em (Scouting for boys).
Đường thành công (Rovering to success).
Phương pháp giáo dục của B.P. đã hướng dẫn trẻ em và mau chóng phát triển trên khắp thế giới. Cuộc Họp bạn Hướng đạo Thế giới lần I năm 1920 tại Olympia, Anh, với 34 quốc gia tham dự và Họp bạn Thế giới lần XVIII tại Hà Lan năm 1995 với 180 nước tham dự, năm 1999 tại Chilê và năm 2003 tại Thái Lan.
Đến hôm nay, HĐ có mặt tại 216 nước với 40 triệu hướng đạo sinh.
Hướng đạo Việt Nam
Từ năm 1930, phong trào HĐVN đã có trên khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Năm 1932, HĐ được chính thức thành lập tại Đông Dương.
Ngày 7-2-1946, ông Hoàng Minh Giám, Đổng lý Văn phòng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, duyệt y “Quy định Nội lệ” HĐVN.
Ngày 31-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận làm Hội trưởng Danh dự Hội HĐVN. Ngày 9-2-1953, bản Quy trình Nội lệ lần II được chính quyền đương thời phê duyệt. Ngày 7-5-1957, HĐVN được tổ chức HĐ Thế giới công nhận chính thức.
Đến cuối năm 1974, trên khắp miền Nam có 12.432 hướng đạo sinh với 4 ngành: ngành Ấu: từ 8-12 tuổi, ngành Thiếu: từ 13-15 tuổi, ngành Kha: từ 16-18 tuổi, ngành Tráng: từ 19-25 tuổi.
Sau năm 1975, đất nước thống nhất, các đơn vị HĐ vẫn mặc nhiên tồn tại. Từ năm 1990 đến nay, ở những đô thị lớn, các cựu Hướng Đạo Sinh (HĐS) sinh hoạt dưới hình thức sinh hoạt câu lạc bộ; miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam, nhất là vùng TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phụ cận cũng bắt đầu sinh hoạt dưới nhiều hình thức trong tinh thần tôn trọng luật pháp. Các đơn vị đoàn, liên đoàn cũng sinh hoạt tích cực để đóng góp vào việc lành mạnh hoá giới trẻ.
Lịch sử Hướng đạo Công giáo Việt Nam
- Thời khởi thuỷ: 1926-1930: phong trào Hướng đạo đến Việt Nam lúc khởi thuỷ do một số giáo sĩ thừa sai trong Hội Thừa Sai Paris (MEP).
- Năm 1926, đơn vị hướng đạo đầu tiên được tổ chức tại trường trung học Albert Sarraut Hà Nội.
- Sau đó: lần lượt một số đơn vị được thành lập ở các xứ đạo do các giáo sĩ người Pháp và được các trưởng người Pháp điều hành như: Hà Nội có nhà thờ chính toà ở phố Nhà Chung, nhà thờ Hàm Long do linh mục Depaulis (cố Hương), nhà thờ Cửa Bắc, ở Sơn Tây do linh mục Laubies, ở Hải Phòng do linh mục Larmurier, ở Nam Định do linh mục Vacquier (cố Cao).
- Trụ sở: Trụ sở HĐCG đặt tại Nhà Chung Hà Nội (1926).
- Từ lúc khởi thuỷ (1926) đến lúc hội nhập với Hội Hướng Đạo Việt Nam (1930-1932), Hướng Đạo Công giáo luôn luôn vẫn là một thành viên của Hội Hướng Đạo Việt Nam.
Mục đích
Quy chế HĐCG được thông qua trong Đại Hội đồng Hướng Đạo Việt Nam và được Đức Tgm. Phaolô Nguyễn Văn Bình phê chuẩn ngày 8-1-1965, xác định như sau: HĐCGVN theo đuổi hai mục đích:
- Giáo dục: HĐCGVN áp dụng phương pháp Hướng Đạo để theo đuổi tôn chỉ giáo dục Công giáo (xác định trong thông điệp Representati in Terra, 31-12-1929).
- Tông đồ: HĐCGVN thực hiện lời hứa hướng đạo và đứng trong tổ chức Công giáo Tiến hành.
HĐCGVN đứng trong Công giáo Tiến hành Việt Nam (CGTHVN) với tư cách là một hội đoàn phụ tá (x. Hiến chương CGTHVN, chương 7, đ. 30, đoạn B. 3) và chịu sự điều khiển của Bộ Tổng uỷ viên Hội HĐVN.
Đặc điểm phong trào hướng đạo
Hướng Đạo là một phong trào giáo dục thanh thiếu niên đặt căn bản sự tự nguyện, không hoạt động và cổ vũ về mặt chính trị. Hoạt động được mở ra cho tất cả mọi thanh thiếu niên không phân biệt giai cấp, chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch. Mục đích căn bản của HĐ là giáo dục trẻ trở thành những người công dân hữu ích cho Tổ quốc và xã hội.
Phương pháp giáo dục
Để duy trì mục tiêu và nguyên lý của phong trào HĐ, các phương pháp sau đây được áp dụng:
- Dùng luật và lời hứa để giáo dục.
- Cung ứng nhiều loại sinh hoạt như: trò chơi, cắm trại, thám du…
- Học hỏi qua thực hành.
- Dùng đời sống ngoài trời làm môi trường sinh hoạt.
- Dùng phương pháp hàng đội để huấn luyện trẻ có cơ hội biết lãnh trách nhiệm.
- Giáo dục tình yêu quê hương, đất nước cùng với tình hữu nghị và sự thông cảm quốc tế.
- Đồng phục hướng đạo là phương tiện giáo dục hữu hiệu và đa dụng.
Gs. Giacôbê LÊ NGỌC BƯU