Giám mục và Linh mục
Phụng sự
Những người đại diện Chúa nắm nhiệm vụ trong Giáo Hội được đặt định cho không bị ràng buộc để sẵn sàng phục vụ với mọi khả năng có thể của mình. “Vì chúng tôi không rao giảng chính mình, song là Đức Giêsu Kitô, (Ngài là) Chúa, còn chúng tôi chỉ là tôi tớ của anh em, vì Đức Giêsu. Vì chưng Thiên Chúa, Đấng đã phán: Từ tối tăm hãy bật sáng! Chính Người đã làm bật sáng nơi lòng chúng tôi, để (chúng tôi làm cho thiên hạ) nhìn biết, trong ánh sáng ấy, vinh quang của Thiên Chúa chói loà nơi nhan thánh Đức Kitô” (2 Cr 4,5-7). Trong Tân Ước có nhiều lời tuyên bố như thế, nói với chúng ta rằng các chủ chăn của Giáo Hội không như những vị vua các nước, mà là các tôi tớ. Sự chăm sóc của Giáo Hội, và như thế, quyền năng lớn lao, mà Chúa ban cho loài người được theo nền tảng ấy mà hiểu ngược lại.
Trách vụ của các Tông đồ
Đức Giêsu là “một người tôi tớ” giữa các tông đồ của ngài, đồng thời, ở tâm điểm của đàn chiên này, ngài là người cầm quyền. Cũng cách thức ấy, ngài ban cho các Tông đồ trách nhiệm làm tôi tớ cho dân Thiên chúa và đồng thời là những đại diện có thẩm quyền của ngài. Sứ mệnh ngài ban đó được diễn tả bằng lời thế này: “Quả thật, Ta bảo các ngươi: mọi điều dưới đất các ngươi cầm buộc, thì cũng sẽ bị cầm buộc ở trên trời, và mọi điều dưới đất các ngươi tháo cởi, thì cũng sẽ được tháo cởi trên trời” (Mt 18,18). Chúng ta đã giải thích rằng tháo cởi và cầm buộc có nghĩa là quyền hành, cả hai dùng để cai quản cộng đoàn và quyết định vấn đề. Trong bữa tiệc ly, ngài cũng cho các Tông đồ chỉ thị: “Hãy làm sự này mà nhớ đến Ta” (Lc 22,69). Và sau khi sống lại, Phúc Âm cho thấy Ngài thổi hơi trên các Tông đồ và nói: “Các ngươi tha tội cho ai thì tội họ được tha; các ngươi cầm giữ tội ai, thì tội họ bị cầm giữ!” (Ga 20,22). Cai quản, dạy dỗ, cử hành các biểu hiệu của Chúa - với những quyền hành như thế mà các Tông đồ được trang bị.
Việc truyền giao trách vụ
Tân Ước cũng cho chúng ta cái nhìn thoáng qua về nỗi lo âu mà các Tông đồ đã có về việc chuyển giao trách vụ mục vụ của mình sau khi các ngài qua đời. Phaolô, cũng là một Tông đồ, qua những chỉ thị dứt khoát của Chúa, đã nói với các thủ lãnh những cộng đoàn Tiểu Á: “Và này đây, tôi biết là anh em sẽ không còn bao giờ thấy mặt tôi nữa... Nhưng anh em hãy đề cao cảnh giác về mình, cũng như về đàn chiên, trên đó Thánh thần đã đặt anh em làm người thị sự, để anh em chăn dắt Hội Thánh của Thiên chúa” (Cv 20,25-28). Phaolô viết cho Titô: “Nhân vì lẽ này mà tôi đã để anh em ở lại Crêta; ấy là để anh em cải thiện thêm hơn những gì còn bỏ dở dang, và thiết lập hàng niên trưởng trong mỗi thành như tôi đã truyền dạy” (Tt 1,5). Như thế, những người đứng đầu được chỉ định của cộng đoàn hầu hết gọi là trưởng lão (niên trưởng) hoặc giám mục (episcopi, các giám sự) trong Tân ước. Các cộng đoàn được cai quản bởi một nhóm các giám mục hoặc trưởng lão, những người được giúp đỡ bởi các phó tế (trợ tế), trong lúc các Tông đồ vẫn giữ quyền tối cao. Điều này có thể suy diễn qua so sánh 1 Timôthê 3,1 (số ít) và 3,8 (số nhiều) rằng dù vậy đôi khi chỉ có một thủ lãnh độc nhất của cộng đoàn, và rằng episcopus (giám mục) là tên được ban cho vị thủ lãnh cai quản ấy.
Trong bất cứ trường hợp nào, việc ấy chắc chắn có thật, vào cuối thế kỷ thứ nhất ngay sau cái chết của các Tông đồ. Việc ấy rõ ràng qua các thư của Inhaxiô Antiôkia, phản ánh tình trạng khoảng năm 100. Thí dụ, viết cho Giáo hội Smyrna: “Hãy vâng phục đối với giám mục như Đức Kitô đối với Chúa Cha, và đối với các trưởng lão như đối với các Tông đồ. Hãy có lòng tôn kính đối với các phó tế, là những người được Thiên Chúa giao trách nhiệm”. Chúng ta thấy ba cấp độ, các phó tế, các trưởng lão và một episcopus “giám mục”.
Cũng có cách khác để theo dấu chức vụ giám mục trong Giáo Hội xa xưa. Khi có lời thỉnh cầu đưa ra vào cuối thể kỷ thứ hai đối với truyền thống các Tông đồ, thì nó đã là một truyền thống hoặc kế vị mà những người có tên đều được lập danh sách. Do đó, Thánh Irênêô trong bài “Chống các dị giáo”, một tác phẩm viết khoảng năm 180, kể tên các giám mục của Smyrna và Rôma từ thời các Tông đồ cho tới thời mình. Các danh sách tương tự có ở Alexandria, Giêrusalem và Antiôkia. Cơ hội đề cập tới danh sách ấy - việc bảo tồn tính chất thuần khiết của thông điệp chống các dị giáo - cũng cho thấy có lẽ có điều gì đó liên quan tới các tình trạng trong đó chức vụ này mang lấy một hình thức thực hiện rõ rệt. Một người cai quản tối cao và độc nhất (thủ lãnh) là một bảo đảm cho sự hiệp nhất của Giáo Hội mỗi nơi.
Những đại diện của Chúa
Chúng ta có thể biết qua các thư của Inhaxiô Antiôkia cảm xúc sâu xa trong các Kitô hữu liên quan tới nhiệm vụ mục vụ thời ấy trong Giáo Hội. Khi nói về một giám mục, Inhaxiô viết cho giáo dân Tralles rằng: “Anh em lệ thuộc vào ngài như anh em lệ thuộc vào Đức Kitô”. Do đó, không phải vấn đề người phục vụ mà là thực hành sự vâng phục đối với Chúa bằng vâng lời vị giám mục được Giáo Hội bổ nhiệm. Inhaxiô đưa ra diễn tả sâu xa nhất thái độ của Kitô hữu trong lời trích dẫn trên: “Hãy vâng phục đối với Giám mục như Đức Giêsu Kitô đối với Chúa Cha”. Sự hiện hữu của giám mục làm Kitô hữu có thể “có nơi tâm tư như đã có trong Đức Giêsu Kitô” (x. Pl 2,5). Sự vâng phục Thiên Chúa đưa tới cuộc sống tràn đầy và ấm áp trong sự vâng lời giám mục. Giám mục được chỉ định để làm người “nắm quyền nhân danh Thiên Chúa” (thư Inhaxiô gửi các tín hữu Manhêxian). Giám mục được các linh mục và các phó tế phụ tá. Chúa hằng sống muốn đuợc đại diện qua những người sống động.
Mục tử cho đi cuộc đời mình
Các chủ chăn được kêu gọi để chia sẻ lòng tận tâm cứu thế của Đức Giêsu - rằng Tin Mừng phải được rao giảng cho những ai thiếu thốn. Các vị được sai đi, để nên Tôi Tớ Của Đức Giavê, người cho đi cuộc đời mình. Ở đây, không phải chỗ thảo luận là trong diễn biến lịch sử, các vị đã thực hiện sứ mệnh mình thành công tới đâu. Người ta thường nói đến những khiếm khuyết của các vị, và đúng. Nhưng các ý kiến ấy cũng là lời phô bày một kỳ vọng cao quý, và về điều gì đó, trên thực tế luôn luôn được hoàn thành. Điều đáng chú ý là nhiều giám mục được phong thánh, và một số giám mục được coi như những vị thánh sống. Thật vô ơn với Chúa nếu bỏ qua mọi sự thiện đã nhập vào thế gian qua những người kế vị các Tông đồ.
Mục tử ban cho sự sống của Đức Kitô
Với lời diễn tả trên về tiếng gọi của các giám mục đối với việc sống-như-Đức-Kitô, chúng ta chưa hoàn tất câu chuyện của các vị. Còn có điều để nói là, trách vụ của giám mục là một bí tích, nghĩa là, qua đó Đức Kitô có mặt giữa chúng ta, dù chủ chăn có thể dường như, có tính cách con người, thiếu nghiêm trọng chất lượng và khả năng. Giám mục được ban cho sứ mệnh và quyền hạn lớn lao hơn của một con người. Các giám mục, linh mục và phó tế là những người mang điều mà qua đó Đức Giêsu ở giữa chúng ta. Dù nhân cách của một linh mục nào đó không có vẻ gì là phục vụ cho điều ấy và không có phẩm chất truyền sức sống (một tình trạng yêu đương là nứt rạn bi thảm trong đời vị ấy), trách vụ của vị ấy vẫn là truyền sức sống, vì công cuộc của Đức Kitô trong nhân loại vẫn được thực hiện qua vị ấy.
Giám mục
Giám mục được ban cho đầy đủ về thẩm quyền và quyền năng mục vụ. Các vị là những đấng tư tế của Giáo Hội.
Trong nghi lễ truyền chức giám mục long trọng, chúng ta đọc thấy những lời sau: “Nguyện xin sự rao giảng và phát biểu của người này không bằng những lời lẽ hợp lý của trí khôn loài người mà bằng những thể hiện và quyền năng của Thánh Linh. Lạy Chúa, xin ban cho người này chìa kháo Nước Trời, để người này có thể hành xử thẩm quyền của mình mà không lấy làm hãnh diện, vì Chúa ban cho không để huỷ diệt mà để mở mang; để mọi điều người này cầm buộc ở thế gian cũng sẽ bị cầm buộc trên trời; và mọi điều người này tháo cởi ở thế gian cũng sẽ được tháo cởi trên trời, để những tội lỗi mà người này cầm giữ sẽ bị cầm giữ, và những tội lỗi người này tha thứ sẽ được tha thứ”. Ý nghĩa của lời ấy là những quyền năng của các Tông đồ (dĩ nhiên trừ quyền làm người sáng lập) được truyền giao cho giám mục. Giám mục cũng được ban cho quyền chăn dắt đàn chiên của Đức Kitô bằng cai quản, giáo huấn và phân phối các bí tích. Ba sứ mệnh ấy được thực hiện bằng những cách khác nhau trong các thời đại khác nhau. Vì thế, Đức Kitô để lại quyền hành giữa chúng ta hiện thân qua những con người sống động.
Việc quản trị của giám mục dĩ nhiên không phải một thành tố chính trị mà là một thừa tác vụ tinh thần. Cũng thế, việc này có tính cách thẩm quyền và chỉ huy thật sự. Phục vụ mà giám mục thực hiện nhân danh Giáo Hội trên thực tế là cai quản. Quyền lãnh đạo có tính chất phục vụ này không chỉ có nghĩa giám mục sẵn sàng giúp đỡ, mà còn để tâm và cởi mở đối với tiếng nói của mọi Kitô hữu.
Nhiệm vụ giáo huấn của giám mục có khía cạnh bảo vệ và sáng tạo. Là bảo vệ vì giám mục chịu trách nhiệm mọi điều các linh mục đưa ra như học thuyết Kitô giáo trước các tín hữu bằng chữ viết và lời giảng. Giám mục còn chia sẻ những âu lo mà Phaolô đã trình bày cho các chủ chăn ở Tiểu Á: “Tôi biết tôi đi rồi... ngay giữa anh em, cũng sẽ trỗi dậy những người rao giảng những điều tà vạy, để quyến dụ môn đồ theo mình” (Cv 20,30). Nhiệm vụ đó cũng là sáng tạo vì nó giống nhiệm vụ một gia chủ rút tự trong kho mình ra cái mới và cái cũ (x. Mt 13,52). Mỗi thời đại đặt ra những vấn đề mới cho Phúc Âm, và Phúc Âm rọi ánh sáng mới lên mỗi thời đại.
Nhiệm vụ quản lý các phép bí tích được giám mục thực hiện, chẳng hạn, khi làm phép dầu thánh cho giáo phận mình, truyền chức các linh mục và ban phép thêm sức (như thế, hoàn tất phép rửa tội cho mọi Kitô hữu trong giáo phận). Thêm nữa, giám mục chịu trách nhiệm về việc cử hành chính xác các biểu hiệu bí tích trong giáo phận mình.
Giám mục là sứ giả
Tính chất thần phụ của thẩm quyền giám mục được liên tục xác định bởi chỉ thị của Phúc Âm: “Các ngươi hết thảy đều là anh em. Và các ngươi đừng xưng hô ai dưới đất là “Cha” của các ngươi, vì Cha của các ngươi chỉ có một, Cha ở trên trời” (Mt 23,8-9). Đây không chỉ là vấn đề cảm xúc. Trước Chúa Cha, giám mục cũng chỉ là một tín hữu được thu nhận vào Giáo Hội như một em bé nhỏ nhất đi rước lễ. Thêm nữa, giám mục nhận sứ mệnh và thẩm quyền của mình bên trong và nhân danh toàn thể dân Chúa. (Khi nói đến “dân Thiên Chúa” theo ý nghĩa Thánh Kinh, dĩ nhiên chúng ta không loại trừ các giám mục và linh mục). Thật sự, cách quyền hành đến với giám mục không theo cách chúng ta thấy trong chế độ dân chủ. Trong việc này có một ý nghĩa đặc biệt trọng đại. Nhân thể, điều lưu ý đầu tiên là việc chọn lựa một người làm giám mục, việc chỉ định, có thể diễn ra theo nhiều cách khác nhau, thí dụ bằng tiếng nói của giáo dân, như trường hợp thường xảy ra vào các thời trước.
Nhưng thẩm quyền ấy tự nó không được chuyển giao bởi đa số ban cho một người trong tập thể mình để làm một giám mục. Những ai đã nhận thẩm quyền ấy thì trao nó tận tay. Một giám mục được truyền chức bởi một giám mục khác. (Cho thấy đây là trách nhiệm được Giáo hội phổ quát trao phó, ba giám mục cùng đặt tay lên trong buổi lễ truyền chức trang trọng). Cách truyền đạt nhiệm vụ mục vụ này không có nghĩa xác định cương vị chúa tể từ trên cao. Ý nghĩa thật sự là các mục tử được sai. Sứ mệnh và thẩm quyền Chúa trao phó cho dân Thiên Chúa bằng việc ngài đặt sứ mệnh và thẩm quyền này trong tay các Tông đồ. Các Tông đồ truyền thẩm quyền này lại cho những ai đến lượt mình được sai. Do đó, trong cách này, nhiệm vụ giám mục chứa đựng đặc điểm của trách nhiệm có tính cách bí tích xuất phát từ Chúa. Nó mở cửa cho thấy các căn nguyên. Loài người không tự ban cho mình địa vị dân tộc tư tế. Địa vị ấy được Chúa ban cho. Đó là ý nghĩa sâu xa của nhiệm vụ mục vụ trong Giáo Hội: rằng làm dân Thiên Chúa là một điều được ban cho chúng ta.
Nhiệm vụ tư tế của Đức Kitô, của dân Thiên Chúa và của giám mục
Thế thì dường như “nhiệm vụ tư tế tổng quát” của dân Thiên Chúa bị giảm thiểu thành một việc rất thứ yếu. Trên thực tế có vẻ không chỉ một số ít người nghĩ như vậy. Nhưng không phải vậy, vì tương quan giữa chức vụ tư tế tổng quát và tư tế mục vụ nằm ở cấp bậc khác. Chỉ có một chức vụ tư tế độc nhất, thuộc về Đức Kitô. Dân Thiên Chúa chia sẻ chức vụ tư tế độc nhất ấy. Do đó, chức vụ tư tế tổng quát là việc trung tâm và quan trọng thật sự. Dân Thiên Chúa nhận nó qua rao giảng và các bí tích. Có điều lời Chúa và phép bí tích được trao tay cho những ai mà Thánh Linh ban cho nhiệm vụ tương ứng, là các giám mục. Như thế, bởi nhiệm vụ tư tế đó mà các giám mục cai quản Giáo Hội, mà đó là một phục vụ nhờ đó dân Thiên Chúa có tính cách tư tế và được liên tục canh tân trong chức vụ tư tế của mình. Vì thế, giám mục được coi là “những thủ hạ của Đức Kitô và như những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (1 Cr 4,1).
Vì nhiệm vụ mục vụ trong Giáo Hội là một biểu hiệu có tính cách bí tích của Đức Kitô nên theo đó, việc truyền chức giám mục là một bí tích. Diễn ra theo hình thức sau. Ba giám mục đặt tay lên đầu của vị giám-mục-tuyển và cầu xin Thánh Thần Chúa xuống trên vị này. Đây là điểm cốt tủy của nghi lễ. Được vây phủ bởi những cử chỉ biểu tượng: xức dầu trên đầu và và tay với dầu thánh, ban cho quyền trượng và nhẫn, và đặt sách Phúc Âm mở sẵn trên đầu của vị giám-mục-tuyển, và thỉnh cầu Thánh Linh qua lời Chúa xuống trên vị này.
Các linh mục và các phó tế
Cùng với nhiệm vụ giám mục có những cấp bậc khác của chức vụ tư tế. Giám mục có những trợ giúp về tư tế, gọi là linh mục và phó tế (trợ tế). Việc truyền chức “linh mục” cũng gồm lời cầu nguyện lên Thánh Thần Chúa và đặt tay, do giám mục thực hiện cùng với các linh mục có mặt. Lễ truyền chức được vây phủ bởi các nghi thức soi sáng: xức dầu bàn tay, ban chén thánh và dĩa vàng (dĩa đựng bánh thánh), dâng lễ chung với giám mục, lễ đồng tế Phép Thánh Thể đầu tiên. Cuối thánh lễ, giám mục đặt tay lên lần nữa và nói: “Hãy chịu lấy Thánh Thần. Ngươi tha tội cho ai thì tội họ được tha; ngươi cầm giữ tội ai thì tội họ bị cầm giữ” (Ga 20,22).
Các quyền truyền cho linh mục gồm quyền cử hành Phép Thánh Thể và bí tích giải tội (nghe xưng tội). Tuỳ hoàn cảnh mình, linh mục chia sẻ nhiệm vụ giáo huấn và hướng dẫn. Linh mục gắn liền với một giáo phận, hoặc một tu viện hay một tu hội (thực tế thường có tính cách quốc tế). Trường hợp đầu, gọi là linh mục giáo phận hoặc linh mục triều, và trường hợp sau gọi là thành viên của giáo sĩ dòng (dòng - ràng buộc do lề luật của dòng). Nói chung, cả hai đều được thưa là “Cha”.
Thông thường, sứ mệnh của linh mục là trông coi một phần đất nhất định của giáo phận, gọi là giáo xứ. Vị điều khiển giáo xứ được biết tới là linh mục chính xứ. Các phụ tá được gọi là cha phó hoặc linh mục phụ tá. Nhiều linh mục, đặc biệt linh mục dòng, không gắn liền với giáo xứ nhưng phục vụ dân Thiên Chúa bằng cách khác. Tất cả linh mục, triều hoặc dòng, thường là những người làm vườn nho tiếp xúc nhiều nhất với các Kitô hữu và người ngoài Kitô giáo. Không nhiều linh mục giáo xứ được phong thánh, dù một lượng lớn tiểu thuyết tuyệt tác lấy linh mục dòng và triều làm đối tượng. Đó là một loại phong thánh hiện đại cho kiểu mẫu linh mục này, bởi ý kiến nhân dân, vos populi, và là một công nhận sự đáp ứng có tính cách Kitô chân chính đối với ân sủng.
Qua nhiều thế kỷ, việc truyền chức phó tế đã không có chức năng nào khác ngoài việc đưa tới truyền chức tư tế sau đó. Chức phó tế cũng được truyền bằng cách đặt tay và cầu xin Thánh Thần Chúa. Sách Công vụ Tông đồ (6,1-6) diễn tả nhiệm vụ này bắt nguồn ở Giêrusalem. Các Tông đồ bổ nhiệm 7 người để phân phối “giúp đỡ” (diakonia). Qua sách Công vụ Tông đồ 6,8 và 8,26-40, rõ ràng là các phó tế cũng hoạt động như những thừa tác viên lời Chúa và phép rửa tội. Ngày nay, sứ mệnh của phó tế vẫn là: phụ tá, rửa tội và giáo huấn. Công đồng Vatican II đã khôi phục nhiệm vụ đó như một chức năng trọn đời.
Việc truyền chức giám mục, linh mục và phó tế cùng làm thành một bí tích với các cấp độ khác nhau. Các nghi lễ truyền chức có nhiều đường nét nghệ thuật gây ấn tượng. Chức được truyền vĩnh viễn cho đối tượng. Bí tích này không bao giờ bị tiêu huỷ. Giả dụ, dù vì một hoàn cảnh nào đó mà vị linh mục từ bỏ việc thực hành thật sự chức vụ này, thì nếu có trường hợp cần thiết, vị đó vẫn có thể hành xử trách vụ của mình.
Trách vụ giữa các Kitô hữu khác
Không ngạc nhiên là Tin lành cách riêng có một quan điểm khác về nhiệm vụ này. Tin lành rút gọn lại qua việc thừa nhận rằng công cuộc cứu rỗi của Đức Kitô rất hướng về trần thế tới độ có thể được nhận thấy trong loài người những phẩm trật thánh thiện. Rõ ràng Tin lành thừa nhận là Chúa ban cho nhiệm vụ ấy. Nhưng người giữ nhiệm vụ ấy nhận sứ mệnh của Đức Kitô trực tiếp từ dân tộc, không từ các giám mục của Giáo Hội. Thái độ và thẩm định tuỳ phái Tin lành đánh giá mà nhiệm vụ này thay đổi dựa vào những khuynh huớng khác nhau. Người theo phái Luther có các giám mục dù tiếng này không cùng ý nghĩa với chúng ta. Người theo phái Calvin không công nhận nhiệm vụ của hàng giáo phẩm trên những người rao giảng cấp địa phương. Nhiệm vụ giám mục, được quan niệm tới mức độ lớn lao như chúng ta, trong “Giáo hội Anglican” ly khai và trong nhóm “Old Catholics” (Người Công giáo Cố cựu) ở Hoà Lan, nơi phát sinh cuộc phân ly đáng buồn vào thế kỷ 18. Cách riêng, Giáo hội Đông phương, vẫn không tái hiệp với Toà Thánh La mã, có nhiệm vụ giám mục bắt nguồn từ các Tông đồ.
Giám mục đoàn và bất khả ngộ tính
Lúc này, chúng ta tới điểm là sự hiệp nhất lớn lao của Giáo hội Đức Kitô. Cho đến chỗ này, chúng ta chỉ mới nói về cá nhân các giám mục. Nhưng các giám mục không là một thực thể phân ly. Một giám mục không chỉ là một người cai quản giáo phận mình, mà còn là một trong những người cai quản Giáo Hội phổ quát. Cùng nhau các giám mục làm thành một cơ chế cai quản tối cao của Giáo Hội. Khi tập hợp, làm thành một công đồng. Vị trí của vị giám mục thành La mã rất đặc biệt trong một công đồng, mà nhiệm vụ ấy có nguồn gốc từ Phêrô. Chúng ta sẽ nói gọn về việc này sau. Giám mục cùng nhau là những người canh giữ Giáo Hội và chân lý của Đức Kitô. Trong “Giám mục đoàn”, tính chất bất khả ngộ của “dân riêng Thiên Chúa” - mà không bao giờ bị Đức Kitô bỏ rơi - cất tiếng nói. Do đó, một công đồng là không thể sai lầm, lúc xác nhận cách rõ rệt điều phát biểu.
Chân lý và sức năng động
Tính bất khả ngộ bao hàm sự trọn vẹn có tính cách tĩnh và êm thắm, tới một mức độ nhất định, nhưng là sự diễn tả một thực tại nhiều màu sắc và năng động. Nó có nghĩa Thánh Linh Thiên Chúa không để Giáo Hội sai lầm trong cuộc tìm kiếm của mình. “Toàn thể tín hữu được Chúa Thánh Thần xức dầu (x. 1 Ga 2,20.27) không thể sai lầm trong đức tin” (Công đồng Vatican II, Hiến chế Tín lý về Giáo Hội, số 12). Trong quá khứ, rõ ràng tính bất khả ngộ được đánh giá quá đáng như một cuốn sổ thủ quỹ: nó có được nhập vào hay không, và thế là xong. Chân lý được xem như một tảng đá, và nếu không là một tảng đá thì nó không thể giữ trung thực được với chính nó. Đã bỏ ra quá ít chú ý vào sự việc rằng chúng ta không bao giớ ứng xử như thế đối với chân lý, mà chỉ đối với cách trình bày chân lý. Cùng một chân lý, phải luôn luôn phát biểu bằng những cách mới và thích hợp với các hoàn cảnh mới, nếu không nó sẽ trở thành cũ rích và héo hắt.
Các điều kiện cuộc sống và tư tưởng thời nay là bằng chứng rõ rệt cho điều trên. Nhưng hệ quả ấy khiến một số người đánh mất cảm quan định hướng. Điều họ cho là cố định thì nay dường như di động: cách cắt nghĩa và thích nghi của chân lý. Và họ không thể nhận ra trong chuyển động đó bản chất bất biến và tuyệt đối của thông điệp Thiên Chúa.
Tuy nhiên, ngày nay thì cũng xảy ra chừng ấy chuyện giống ngày xưa. Những người quen thuộc hơn với tính cách năng động của tư tưởng thì thấy ít trở ngại trong việc này. Họ biết rằng một điểm cố định không nhất thiết là một điểm bất động. Chẳng hạn, điểm cố định trong sự sinh tồn của một con bê không là hàng rào hoặc cái cây mà là mẹ nó đang di động và chạy. Hoặc dùng một thí dụ rõ nghĩa hơn, nói bà mẹ của một em bé ở nông trại là điểm cố định của em bé ấy, nhưng nó là một điểm rất di động vì là một con người sống động. Lúc này bà ở nông trại, lúc khác nơi nhà bếp, lúc này cười, lúc khác nghiêm nghị. Điểm cố định trong ý nghĩa một lời nói là một cái sống động và di động. Và lời giảng dạy hợp pháp của cấp thẩm quyền giảng huấn cũng thế, chỉ chính xác khi nó giữ trung thực với Phúc Âm và với quá khứ của chính nó. Nó không là một hệ thống cứng nhắc mà là một tiếng nói sống động. Nó diễn tả các chân lý Phúc Âm cho từng thời đại mới. Ấy bởi sự diễn tả đó giữ được khả năng cải tiến.
Các giám mục - lắng nghe Giáo Hội đại đồng, tìm kiếm cùng với toàn thể Giáo Hội trong cuộc lữ hành, tin cậy rằng ánh sáng của Đức Kitô không bao giờ rút khỏi mình - là những vị thầy của chân lý Phúc Âm. Sự sáng của Đức Kitô mà họ đưa ra cho chúng ta là một sự sáng cổ kính và bất diệt, lumen Christi, giống cây nến phục sinh luôn luôn có khắc thời điểm của năm nó chiếu sáng.
Hợp nhất qua đấng kế vị Thánh Phêrô
Nhưng ở đây, chúng ta phải đặt một câu hỏi rất hiển nhiên mà sẽ rọi ánh sáng nào đó sâu hơn trên tặng phẩm của Thiên Chúa ban cho Giáo Hội. Câu hỏi thế này. Đâu là nơi chúng ta hướng về nếu có sự phân ly trong Giáo Hội, giữa các giám mục? Chúng ta đưa ra câu hỏi này nhân nói về sự uỷ thác giám mục thành La mã.
Đức Giêsu đã đặt Phêrô làm thủ lãnh các Tông đồ. Ba lần Chúa nói với Phêrô: “Hãy chăn dắt đàn cừu của Ta”. Trong Cựu Ước, nói một điều tới 3 lần nghĩa là xác nhận với sức mạnh lớn lao nhất có thể có được. Chúng ta đã có nói về người đánh cá Galilê này và trách nhiệm Chúa đã trao cho ngài trong chương “Đấng Cứu Thế và Cộng đoàn của Ngài”. Nhiệm vụ mục vụ của Phêrô được truyền giao cho những người kế vị. Phêrô chết ở La mã dưới thời Nêron năm 64 hoặc 67. Sự kiện đầu tiên chúng ta nghe về thành phố này là sau đó khoảng năm 100, trong các thư của Inhaxiô Antiôkia và Clêmentê thành La Mã. Qua các thư của hai vị ấy, rõ ràng là Giáo hội La Mã đã giữ một vị trí đặc biệt giữa các Giáo Hội. Sự kiện này tiếp diễn như thế. Ban đầu, nó không bao hàm một tổ chức đặc biệt. Nhưng rõ ràng trước khi ra những quyết định quan trọng, các Giáo hội khác lắng nghe cộng đoàn này.
Có phải sự kiện ấy xảy ra vì lúc ấy thành phố La Mã có thanh thế khắp thế giới, là trung tâm cai quản của đế quốc? Điều này không chắc có thật vì chức giáo chủ thời ấy không có chút nào là chức vụ cai quản. Sự điều khiển của vị Giám mục thành La Mã đứng đầu các anh em mình không phải vì thẩm quyền hàng đầu của kinh đô đế quốc mà là vì uy quyền của cộng đoàn Tông đồ thời cổ bắt nguồn từ Phêrô. Đoàn kết với cộng đoàn thành La Mã là một biểu hiệu rằng một cộng đoàn hợp nhất với Giáo Hội như một toàn bộ.
Sứ mệnh đặc biệt của Giám mục thành La Mã là sứ mệnh của Phêrô: là nguyên lý của tính đồng nhất trong Giáo Hội, để giữ cho Giáo Hội là một trong đức tin và trong cuộc sống. Vì mục đích ấy, giám mục thành La Mã là thủ lãnh thẩm quyền của giám mục đoàn. Ngài không được đặt ở trên các giám mục, nhưng như người thứ nhất giữa các vị, như cái đầu thuộc về cơ thể mà vẫn ở trên cơ thể. Ngài được gọi là Đức Thánh Cha - Pope (nghĩa là Cha, từ tiếng cổ Hy Lạp Papas), từ thế kỷ thứ tư. Là một đấng cai quản và một vị thầy, ngài là thủ lãnh của Giáo Hội.
Đặc biệt sau thế kỷ 14, việc cai quản của La Mã rốt cuộc đã trở thành rất chủ động và tập trung. Việc này có bất lợi cũng như thuận lợi. Có thể lúc này Thánh Linh thêm lần nữa dẫn dắt Giáo Hội tới sự tự trị địa phương lớn lao hơn dưới sự thống lĩnh của Đức Thánh Cha.
Ngày nay, cách căn bản, các giám mục được Đức Thánh Cha bổ nhiệm. Ngài có thể can thiệp vào một giáo phận. Và khi một giám mục không thể còn hành xử chức năng của mình, Đức Thánh Cha có thể nhân danh chính ngài mà chỉ định một vị giám quản tông toà.
Theo diễn biến thời gian, sự phát triển này diễn ra có ảnh hưởng sâu rộng tới độ việc cai quản trung ương được điều hành bởi Đức Thánh Cha có sự giúp đỡ của các Thánh Bộ La Mã, tất cả làm thành Giáo triều. Giống các bộ khác của một Nhà nước. Cộng sự quan trọng của Đức Thánh Cha là các hồng y. Các vị ấy vốn xuất thân là những giám mục, linh mục và phó tế của các nhà thờ nổi tiếng tại La Mã và phụ cận. Từ thế kỷ 11, các vị bầu cử Đức Thánh Cha. Việc hợp thành hồng y đoàn trở thành ngày càng có tính cách quốc tế vững chắc. Nhiều giám mục của các giáo phận quan trọng trong thuộc thành phần hồng y đoàn. Các hồng y khác làm việc ở La Mã, chẳng hạn những người cầm đầu các Thánh Bộ khác nhau ở La Mã.
Chức năng hiệp nhất của Đức Thánh Cha đưa đến sứ mệnh quan trọng như một vị thầy. Là thủ lãnh của giám mục đoàn bất khả ngộ, ngài sở hữu tính bất khả ngộ trong một hạn độ đặc biệt. Ngài là hải đăng. Điều này không có nghĩa ngài có thể tuyên bố tín lý mà tách biệt mình với Giáo Hội. Ngài chỉ có thể tuyên bố điều mà Giáo Hội phổ quát tin: ngài đưa ra lời chỉ bảo với tất cả các giám mục Công giáo, cách riêng với Thượng Hội đồng Giám mục được thành lập từ Công đồng Vatican II. Nhưng vì sự đoàn kết với Đức Thánh Cha là một nguyên lý cho khát vọng hợp nhất, lời phát biểu của Đức Thánh Cha chắc chắn tràn đầy chân lý của Thánh Linh Thiên Chúa, ít ra là lúc ngài khẳng định cách dứt khoát (mà hiếm khi xảy ra) rằng ngài đang phát biểu với tính cách bất khả ngộ và ràng buộc mọi Kitô hữu. Uy tín này, (một ân sủng hào phóng của Thánh Linh vì lợi ích chung) được liên kết với nhiệm vụ làm người đứng đầu giữa anh em mình. Về vấn đề đức tin của Đức Thánh Cha, thì dù là giáo hoàng, ngài là một tín hữu nhận đức tin của mình từ mối liên kết với Giáo Hội trong đó ngài vẫn như mọi Kitô hữu, có sứ mệnh quan trọng để thực hiện.
Nhiều chỉ thị và công bố của bậc thẩm quyền giáo huấn này không đòi hỏi tính bất khả ngộ tuyệt đối. Nhưng không vì thế mà chúng không có Thánh Linh Thiên Chúa. Chúng là những phát biểu có thẩm quyền tối cao và đòi buộc tôn trọng tuyệt đối.
Những người cộng tác với các tín hữu
Phaolô viết về sứ mệnh tông đồ: “Không phải chúng ta muốn chế ngự lòng tin của anh em; trái lại chúng ta chỉ là trợ tá bồi đắp niềm hoan lạc của anh em” (2 Cr 1,24). Điều rất có ý nghĩa là trước hết, các linh mục và giám mục đều được truyền chức phó tế, nghĩa là người phục vụ. Điều ấy được giữ làm yếu tố căn bản trong cuộc đời các vị, để các vị thành người hèn mọn nhất trong các anh em mình vì lợi ích của tất cả. Luôn luôn tha thiết với công việc dù ở bất cứ tổ chức nào. Và vì thế, đó là chức năng của một linh mục mà không dễ bị tước bỏ. Hết sức mình có thể được, linh mục nắm giữ điều suy xét độc lập tuyệt đối và tự do của Chúa. Linh mục được đặt định cho tự do, để bị buộc chặt vào dân Thiên Chúa. Linh mục được để cho không phải lo lắng, để có thể trĩu nặng những âu lo về Giáo Hội.
Đó là lý do Giáo hội Tây phương chấp nhận và thi hành tục lệ chỉ truyền chức linh mục cho những ai sẵn sàng không lập gia đình. Đồng thời có sự tin chắc rằng linh mục không nên là một người giàu có. Yếu tố sau không được bất cứ lề luật nào quy định rõ, và yếu tố đầu không nhất thiết luôn luôn duy trì là luật vĩnh viễn. Nhưng cả hai yếu tố đó kết tinh sự xác tín có tính cách Kitô giáo rằng linh mục, chịu trách nhiệm với sứ mệnh cứu thế của chính Đức Kitô, phải là người có xã hội tính, người cho đi trọn cuộc đời mình.
Đồng thời, tín hữu là người không có nhiệm vụ, được yêu cầu chia sẻ các phương tiện sinh sống nào đó của mình với các linh mục của mình. Tín hữu có bổn phận cung ứng nhu cầu vật chất cho linh mục, vì như Chúa đã nói về những người rao giảng Phúc Âm “làm thợ thì đáng của nuôi thân” (Mt 10,10). Linh mục cũng phụ thuộc vào ảnh hưởng, nhu cầu, đức tin và lòng chân thành của các tín hữu.
Không ai có thể nói trước cuộc sống tương lai của các linh mục sẽ như thế nào. Thí dụ một người được thụ phong năm 1970 sẽ còn là linh mục vào năm 2000 không. Chúng ta không biết hoàn cảnh lúc đó các linh mục hành xử nhiệm vụ mình sẽ như thế nào. Và vào những lúc gay go, nhiều linh mục sẽ kêu lớn với Thiên Chúa như Giêrêmia: “Người đã dụ dỗ con, lạy Giavê, và con đã để mình bị dụ” (Gr 29,7).
Thiên hướng linh mục
Câu văn trên của Giêrêmia được dịch ra với tiếng “dụ dỗ”, và đúng là Thiên Chúa “dụ dỗ” linh mục, vì cách căn bản, chính Thiên Chúa kêu gọi. Thiên hướng này đến như thế nào? Trong Kinh Thánh có nhiều câu chuyện về thiên hướng. Chúng mô tả linh động, đầy màu sắc về điều xảy ra có tính cách nội tâm, được lặp lại không biết bao nhiêu lần tới tận thời chúng ta hôm nay. Rõ ràng có ý nghĩa rằng những thiên hướng cá nhân như thế là chủ đề ưu ái của Thánh Kinh. Có lẽ đó là bằng chứng chính Thiên Chúa thích chủ đề ấy biết bao - không chỉ về việc kêu gọi loài người, mà còn về việc kêu gọi nhiều người.
Làm sao biết ta được kêu gọi? Bằng nhận biết rõ nỗi hân hoan. Nếu ý tưởng làm linh mục gợi lên hoan lạc và bình an thì đó là lý do tin rằng Thiên Chúa đang gọi. Vì Thiên Chúa không là một Thiên Chúa của rối rắm mà là của bình an và hoan lạc. Nhưng sở dĩ nhận biết rõ, vì có thể có hai loại hân hoan xung khắc nhau, hân hoan với ý nghĩ không làm linh mục và hân hoan với ý nghĩ làm linh mục. Nhưng một trong hai hân hoan ấy sẽ xuất hiện sâu xa hơn và bình an hơn. Chúng ta cần hướng về hân hoan sâu xa hơn.
Việc ấy có thể chỉ ra điều ta nhận thấy khó thực hiện nhất, hoặc có lẽ không. Từ đầu chí cuối, thái độ căn bản là lặng lẽ, cởi mở và đồng thời hy sinh: thái độ nói nên lời, “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?”
Không nên giữ riêng mình những đắn đo như thế. Tốt hơn nên kiếm sự hiệp thông trong Giáo Hội, trong con người của một linh mục đạo hạnh và trí tuệ. Vị ấy sẽ làm gia tăng sự tự do của người thắc mắc hơn là giảm thiểu nó. Mình phải hoàn toàn tin chắc rằng chỉ có chọn lựa cách tự do mới có thể là một chuẩn bị xứng đáng với trách nhiệm ấy.
Tuy nhiên, cộng đoàn góp phần vào thiên hướng này ở mức độ cao hơn. Qua hàng giáo phẩm, Giáo Hội quyết định ứng viên có thích hợp hay không, rồi trao nhiệm vụ. Do đó, thiên hướng tối hậu được Giáo hội Đức Kitô ban cho, rõ ràng ngay trong lễ truyền chức. Lúc ta quay trở lại thuở ban đầu của thiên hướng sẽ thấy là cộng đoàn luôn luôn có tác động: gia đình, giáo xứ, trường học nơi dạy dỗ cậu bé, hoặc những người gặp gỡ về sau. Tất cả đều mở tới viễn tượng một cuộc sống đầy tràn phục vụ nhân loại trong tinh thần bạn hữu với Đức Kitô.
Nếu quay lại thưở ban đầu của thiên hướng, ta thường nhận thấy các yếu tố nhất định đã tác động lúc ấy có thể không hoàn toàn có giá trị hoặc cao nhã. Nhưng có chắc ai cũng bắt đầu với trọn vẹn động cơ chín muồi. Sự thanh khiết và tự vấn đầu tiên sẽ diễn ra suốt thời kỳ thử luyện, trước lúc ứng viên thốt lên tiếng “Vâng” dứt khoát - có cái gì đó giống thời kỳ hứa hôn. Nhưng tự đời sống, ngay sự kiện tiến tới chín chắn và già dặn trong phụng sự Thiên Chúa có thể khiến các động lực trở nên thanh khiết hơn và sâu xa hơn. Dĩ nhiên, đó là sự liền lạc giữa quyết định đầu tiên và sự thực hiện nó. Nhưng sự liền lạc lớn lao nhất là Đấng Hằng Sống, Đấng Không Ngờ mà với người, ta có thuở ban đầu. Linh mục nỗ lực cùng với ngài tác động trên một tạo vật không đoán trước được và sống động nhất của ngài: con người.
-----------
Ghi chú
- Bài này trích từ cuốn “Giáo lý mới Thời đại mới: Đức tin Công giáo”. NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2005, chương “Thừa tác vụ”, tr. 592-612.
- Xin xem them phần Lời người dịch, trong bài “Giáo hội và Nhà nước” vừa đăng trên trang nhà Dũng Lạc.
- Trích dẫn Kinh Thánh lấy từ “Kinh Thánh”, bản dịch Nguyễn Thế Thuấn, NXB Dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn, Việt Nam, 1976.
- Trích dẫn Văn kiện Công đồng Vatican II lấy từ “Thánh Công đồng Chung Vatican II”, bản dịch của Phân khoa Thần học, Giáo hoàng Học viện Piô X, Đà Lạt, Việt Nam, 1972.
Người chuyển dịch: Nguyễn Ước
Nguồn: dunglac