Toà Thánh công bố kết quả cuộc điều tra về vụ đánh cắp tài liệu mật
(Radio Vatican) VATICAN - Ngày 13-8-2012, Toà Thánh đã cho công bố kết quả cuộc điều tra và phán quyết về vụ đánh cắp tài liệu mật của Dinh Tông toà. Theo đó, thủ phạm là ông Paolo Gabriele, nguyên quản gia của Đức Thánh Cha, và người đồng loã là ông Claudio Sciarpeletti sẽ bị Toà án Thành phố Quốc gia Vatican xét xử.
Phán quyết trên đây do Thẩm phán Piero Antonio Bonnet đưa ra theo lời yêu cầu của ông Nicola Picardi có nhiệm vụ thúc đẩy công lý trong Quốc gia Thành Vatican.
Trong cuộc họp lần đầu tiên giữa các cộng sự viên gần gũi Đức Thánh Cha nhất do Đức ông Georg Ganswein chủ toạ, ông Paolo Gabriele đã chối tất cả mọi sự. Nhưng sau đó ông thú nhận là đã đánh cắp tài liệu mật của Đức Thánh Cha, và cung cấp dữ liệu cho nhà báo Gianluigi Nuzzi để ông này in sách, mà không nhận tiền hay bất cứ ân huệ nào. Ông Gabriele viện cớ là Đức Thánh Cha không được thông tin trung thực liên quan tới sự dữ và sự thối nát mà ông nhận thấy trong Giáo Hội, nên ông chắc chắn rằng một cú sốc truyền thông sẽ là điều lành mạnh đem Giáo Hội trở về đường ngay. Ông còn cho mình là được Chúa Thánh Thần “linh hứng”.
Trong các lần lục soát căn hộ của ông, người ta không chỉ tìm thấy nhiều tài liệu mật, mà cả một ngân phiếu 100.000 mỹ kim do Đại học Công giáo Thánh Antonio thành Guadalupe dâng tặng Đức Giáo Hoàng, một hạt vàng tặng cho ngài và một bản dịch tác phẩm Eneide do ông Annibal Caro phối trí và in tại Venezia năm 1581 cũng tặng Đức Thánh Cha.
Ông Garbiele đã được hai chuyên viên phân tâm thử nghiệm. Tuy đưa ra các nhận xét không thống nhất nhưng hai chuyên viên khẳng định rằng ông Garbiele có đầu óc rất tỉnh táo và biết việc ông làm. Ông Garbiele hiện bị quản thúc tại gia và chờ ngày ra toà.
Người thứ hai dính líu trong vụ này là ông Claudio Sciarpelletti, 48 tuổi, nhân viên Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, bị bắt ngày 25-5-2012 nhưng sau đó được trả tự do tạm với một số điều kiện. Ông Claudio đã nhiều lần tiếp xúc với ông Gabriele, và trong hộc bàn lám việc của ông có một phong bì lớn chứa các tài liệu do nhà báo Nuzzi công bố. Ông sẽ bị xét xử về tội đồng lõa.
Trong cuộc họp báo ngày 13-8-2012, Linh mục Federico Lombardi, phát ngôn viên Toà Thánh, khẳng định rằng Toà Thánh muốn tất cả mọi chuyện được trong sáng, rõ ràng và tôn trọng vai trò, tính cách chuyên nghiệp và độc lập của Thẩm phán đoàn Quốc gia thành Vatican. Đó cũng là ý muốn của Đức Thánh Cha. Việc công bố một tài liêu dài, chi tiết và rộng rãi, ngoại trừ tên một số nhân vật cần được bảo vệ, là một hành động can đảm và cho tới nay là ngoại thường trong các thói quen của Toà Thánh Vatican.
Đây mới chỉ là kết thúc phần thứ nhất của cuộc điều tra. Còn có các sự kiện và yếu tố cần phải được phân tích và đào sâu thêm nữa. Vì thế, tiến trình có thể trở thành rộng rãi hơn liên quan tới cả các nhân vật khác, qua các lời thỉnh cầu quốc tế.
Tất cả các chuyện còn lại cần phải chờ trong tương lai gần, khi toà án tái mở cửa vào tháng 9 này. (SD 13-8-2012; RG 13.14-8-2012)
GP. Peoria nộp đơn kiện luật về sức khoẻ của Chính quyền Hoa Kỳ
(Radio Vatican) PEORIA - Ngày mùng 9-8-2012, Giáo phận Peoria đã nộp đơn kiện luật mới về sức khoẻ, do Chính quyền của Tổng thống Barack Obama ban hành. Giáo phận yêu cầu điều tra việc xâm phạm này của chính quyền để xác định xem có được miễn giữ luật đang gây tranh luận khắp nơi trong nước hay không.
Đức cha Daniel Jenky, Giám mục sở tại, tin rằng việc kiện toà án liên bang này cần thiết, vì chính quyên liên bang đã không cố gắng sửa chữa sự sai lầm của luật mới này.
Đức Cha nói: Như là chủ chăn của giáo phận, tôi có bổn phận bảo vệ quyền tự do thực thi tôn giáo của chúng tôi. Tôi không thể im lặng, khi quyền thực thi đức tin của các tín hữu Công giáo bị đe doạ trầm trọng như vậy. Luật mới bắt buộc các chủ hãng xưởng phải cung cấp bảo hiểm cho công nhân viên của mình, bằng cách trả các chi phí làm tuyệt đường sinh sản, mua thuốc ngừa thai và phá thai. Vụ kiện này liên quan tới các trường hoc, các giáo xứ và các tổ chức trợ giúp xã hội của giáo phận.
Đức cha Jenky khẳng định rằng ý muốn của các thế hệ cha ông khi thành lập Hiệp Chủng Quốc là giữ chính quyền ở ngoài các chuyện nội bộ của Giáo Hội.
Bà Patricia Gibson, luật sư của giáo phận, giải thích rằng vụ kiện này liên quan tới một trong các quyền tự do quý báu nhất của Hoa Kỳ: đó là quyền tự do thực thi tôn giáo của mình mà không có sự can thiệp của chính quyền. Đây không phải là chuyện người dân có thể hưởng một vài dịch vụ nào đó hay không, nhưng là vấn đề chính quyền bắt buộc các cơ quan tôn giáo và các tín hữu tạo thuận lợi và tài trợ cho các dịch vụ trái với các niềm tin tôn giáo của họ.
Luật miễn trừ tôn giáo loại trừ các nhà thương Công giáo, các trường học, các đại học và các người chu cấp dịch vụ xã hội. Nhưng để được hưởng luật trừ như hiện nay, các cơ quan Công giáo phải thôi phục vụ những người không Công giáo cần được trợ giúp, và thôi mướn các nhân viên không Công giáo. Nhưng đây là điều trái nghịch với dấn thân của Giáo Hội phục vụ tha nhân, không phải vì niềm tin tôn giáo của họ, nhưng vì phẩm giá là ngươi của họ.
Các Giáo phận Springfield và Joliet cũng như hơn 40 giáo phận và các cơ quan khác của Giáo hội Công giáo đã làm đơn kiện luật mới về sức khoẻ của Chính quyền Hoa Kỳ. Văn phòng Luật sư Jones Day tại Chicago đang lo vụ kiện này cho Giáo phận Peoria và nhiều giáo phận khác. (CNA 10-8-2012)
HĐGM Ba Lan và Toà Thượng phụ Matxcơva kêu gọi hoà giải
(Radio Vatican) VARSAVA - Ngày 17-8-2012, Đức Kirill, Thượng phụ Chính thống Nga, và Đức cha Józef Michalik, Chủ tịch Hội đồng Giám mMục Ba Lan, sẽ ký tuyên ngôn chung kêu gọi hai dân tộc Ba Lan và Nga hoà giải với nhau.
Đây là lần đầu tiên một vị Thượng phụ Chính thống Nga viếng thăm Ba Lan. Lễ nghi ký tuyên ngôn sẽ diễn ra trong Lâu đài Hoàng gia ở thủ đô Varsava.
Đức cha Michalik cho biết đây là một định hướng, dấu chỉ của việc vâng phục ý muốn của Chúa Kitô, và là một bước tiến quan trọng trên con đường tha thứ. Đức cha Stanislaw Budzik, Tổng Giám mục Lublin, từ hơn 2 năm qua đã dấn thân soạn thảo tài liệu này, cho biết đây là lời kêu gọi các Giáo Hội và hai dân tộc Ba Lan và Nga tiến bước trên con đường hoà giải. Lời kêu gọi này được đưa ra nhân dịp kỷ niệm 50 năm khai mở Công đồng Chung Vatican II.
Đức Cha nói: “Sứ điệp chung này giữa các tín hữu Công giáo Ba Lan và các tín hữu Chính thống Nga sẽ là điều không thể nghĩ tới, nếu đã không có sự cởi mở của Giáo hội Công giáo cho việc đối thoại với các Giáo hội Kitô khác, và nếu đã không có ý thức về tình huynh đệ. Đức Cha hy vọng rằng cử chỉ ngôn sứ này khởi đầu cho một con đường đối thoại dẫn đưa tới sự hoà giải trọn vẹn, giúp nhìn vào lịch sử chung trong sự thật tràn đầy của nó.
Đức cha Hilarion Alfeyev, Giám mục trưởng Volokolamsk, chủ tịch ngoại vụ của Toà Thượng phụ Matxcơva, cho biết các khó khăn giữa người Ba Lan và người Nga đã kéo dài từ nhiều thập niên qua, và không chỉ có tính cách thần học. Cả hai bên đã thừa hưởng gia tài qúa khứ, đâm rễ sâu trong các giai đoạn, khi hai dân tộc không liên minh với nhau, nhưng đối nghịch nhau.
Ông Adam Rotfeld, nguyên Ngoại trưởng Ba Lan, hiện là đồng chủ tịch của Uỷ ban Chính quyền Ba Lan, hy vọng lời kêu gọi của hàng lãnh đạo tôn giáo có hiệu quả hơn lời kêu gọi của các nhà chính trị.
Như cử chỉ hoà giải hồi tháng 7 vừa qua, Đức Thượng phụ Kirill đã viếng thăm Katyn, nơi Hồng quân Nga đã tàn sát 20.000 sĩ quan và binh sĩ tù nhân Ba Lan hồi năm 1943. (SD 11-8-2012)
Các Giáo hội Kitô Nigeria yêu cầu Tổng thống Janathan Goodluck từ chức
(Radio Vatican) ABUJA - Trong các ngày qua, Liên hiệp các Giáo hội Kitô Nigeria thuộc 19 tiểu bang toàn nước đã yêu cầu Tổng thống Jonathan Goodluck từ chức, vì đã tỏ ra bất lực không kiểm soát được tình hình đất nước.
Ngày 12-8-2012, một nhóm người vũ trang đã tấn công nhà thờ của Giáo Hội các Thánh trong bang Gombe, và giết chết viên cảnh sát có nhiệm vụ canh nhà thờ, khi tín hữu vừa kết thúc buổi phụng vụ. Họ muốn tràn vào nhà thờ nhưng tín hữu đã nhanh tay đóng cửa. Vào tuần trước đó đã xảy ra hàng chục vụ tấn công các cộng đoàn Kitô và Hồi giáo khiến cho hàng chục người chết hay bị thương và hàng ngàn người phải di cư lánh nạn.
Trong các ngày vừa qua, cảnh sát bang Kogi đã bắt giữ 16 người bị tình nghi là đã tấn công các tín hữu của cộng đoàn “Sống Thánh Kinh sâu đậm hơn” hôm mồng 8-8-2012.
Tại Maiduguri, trong bang Borno, mạn đông bắc Nigeria, lực lượng an ninh cũng đã bắn chết 20 phiến quân của lực lượng Hồi cuồng tín Boko Haram. Nhưng nói chung tình hình tại miền bắc Nigeria vẫn không có an ninh, và dân chúng, Kitô hữu cũng như Hồi giáo, vẫn phải sống trong sợ hãi. (FIDES 13-8-2012)
Caritas Philippines kêu gọi ủng hộ nạn nhân lũ lụt
(UCAN News) Hôm 10-8, tổ chức hành động xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines kêu gọi trợ giúp nạn nhân của trận lũ tàn phá phần lớn Manila và các tỉnh lân cận hồi tuần trước.
Linh mục Edu Gariguez, Thư ký Điều hành Văn phòng Hành động Xã hội Caritas Quốc gia, cho biết văn phòng của ngài sẽ dùng tiền quyên góp vào Chúa Nhật Lễ Lá để hỗ trợ những hoạt động phản ứng khẩn cấp trong các giáo phận bị ảnh hưởng lũ.
"Quỹ hỗ trợ nhằm giúp tăng khả năng tài chính cho các giáo phận để tiến hành các hoạt động cứu trợ của mình" - Cha Gariguez phát biểu. "Các giáo phận có nhiều nguồn lực hơn và có thể hỗ trợ đầy đủ các hoạt động khẩn cấp của mình được khuyến khích làm như thế" - ngài nói.
Tuy nhiên, Cha Gariguez kêu gọi trợ giúp nhiều hơn vì các giáo phận báo cáo bị ảnh hưởng thảm hoạ này nặng, có một số nơi cần được giúp ngay lập tức.
Ít nhất 2.700 gia đình bị ảnh hưởng lũ ở Iba. Tại San Fernando và Pampanga, hôm 10-8, 160 ngôi làng trong 11 thị xã vẫn còn ngập nước. Khoảng 200 gia đình buộc phải tìm nơi trú ẩn ở Alaminos.
Tại Antipolo, khoảng 25.000 người trong thành phố Marikina phải rời bỏ nhà cửa, trong khi 175 ngôi làng bị lụt ở Balanga và Malolos có 121 ngôi làng bị ngập.
Cha Gariguez cho biết văn phòng của ngài đang đợi các giáo phận không bị ảnh hưởng thảm họa này hưởng ứng lời kêu gọi trợ giúp.
Khi nước lũ bắt đầu rút hôm 10-8, Uỷ ban Xử lý Giảm thiểu Nguy cơ Thảm hoạ Quốc gia cho biết họ đã ghi nhận 60 người chết liên quan đến lũ lụt ở Metro Manila và các tỉnh lân cận. Khoảng 2,4 triệu người đã bị ảnh hưởng lũ.
Pakistan: Cuộc sống của các nhóm thiểu số tiếp tục khó khăn hơn
(UCA News, bài của Silent Thinker*) - Chế độ thần quyền rạn nứt đang đẩy người Ấn giáo ra nước ngoài ngày càng nhiều.
Ngay trước ngày kỷ niệm 66 năm độc lập của Pakistan, tình trạng bất ổn tôn giáo và sắc tộc là những vấn đề nóng trên cả nước.
Trong quốc gia đa số Hồi giáo này, các nhóm tôn giáo thiểu số đang nổi giận vì chiêu bài được họ cho là nhằm thu nhỏ cộng đồng của họ.
"Tôi ghét bị gọi là thiểu số. Chúng ta cần một bộ mặt mới cho đất nước, vốn đang trải qua thời kỳ hết sức khó khăn" - Victor Azariah, Tổng Thư ký Hội đồng Các Giáo hội Quốc gia ở Pakistan, cho biết.
Azariah bình luận tại cuộc hội ngộ của hơn 700 người ở Lahore hồi cuối tuần qua nhân Ngày Người Thiểu số Quốc gia.
Hôm đó là ngày cuối tuần bận rộn đối với những người thiểu số. Tôi tham dự một số sự kiện, tất cả đều có một chủ đề bàn luận chính duy nhất là Người Ấn giáo đang bỏ chạy khỏi Pakistan.
Truyền thông trong nước bàn tán xôn xao hồi tuần trước sau khi một nhóm gồm 250 người Ấn giáo nhập cư hết vào Ấn Độ.
Tôi nói chuyện với Ramesh Kumar, người bảo trợ Hội đồng Ấn giáo Pakistan sau cuộc họp báo khẩn ở Karachi, tại đây ông yêu cầu xây dựng luật mới bảo vệ người thiểu số.
“Hôm nay sẽ có 310 người bỏ đi. Họ đã bán tài sản và sẽ ra đi trong nước mắt” - ông nói. "Chúng tôi yêu cầu lập luật chống ép buộc cải đạo con gái chúng tôi, chương trình học mang tính thành kiến và luật báng bổ. Nạn di dân sẽ tiếp tục diễn ra cho đến khi tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng hiện nay được giải quyết. Thậm chí hiện nay đã có 11 thương nhân của chúng tôi bị bắt cóc đòi tiền chuộc trong tỉnh nông thôn Sindh" - Kumar phát biểu.
Hàng tháng có 10 gia đình Ấn giáo thuộc tầng lớp trung lưu rời khỏi đất nước" - theo Samson Salamat, trợ lý điều phối viên của Liên minh Hoà bình và Khoan dung, nhóm tổ chức biểu tình nửa giờ trước Câu lạc bộ Báo chí hôm thứ Bảy.
Kitô hữu ở Lahore cũng biểu tình phản đối tình trạng ngược đãi các cộng đồng thiểu số hồi cuối tuần.
Chính trị gia và giáo sĩ đã thẳng thắn chỉ trích giới truyền thông và nói rằng họ đã góp phần tạo ra "quan điểm sai lầm" về những thách thức mà các cộng đồng thiểu số đang đối mặt.
Trong cuộc họp gần đây, một viên chức thuộc Bộ Nội vụ nói các bản tin được đưa trên báo chí chỉ dựa trên suy đoán và được thổi phồng trong nước và cả quốc tế.
Tuy nhiên, bộ này cũng đã ra lệnh điều tra liên bang các đơn khiếu nại của người Ấn giáo.
Vì thế, trò đổ lỗi qua lại lại tiếp diễn và người dân thuộc tất cả các tín ngưỡng có thể tập trung hiệp nhất kỷ niệm Ngày Độc lập, nếu các lãnh đạo đất nước chúng ta đã không tiếp tục làm ngơ trước những thành phần dễ tổn thương nhất trong xã hội chúng ta.
Đổ lỗi cho cảnh khốn khổ của họ là hoàn toàn do vấn đề luật pháp và trật tự là đã bỏ sót một vấn đề. Chúng ta đang ngày càng mất cư dân bản xứ, những người vốn không phải là kẻ xâm lăng hay khủng bố.
Cũng có chút hy vọng. Mặc dù toàn bộ luật pháp mang tính thành kiến và khủng khoảng năng lượng và tài chính không ngừng gia tăng, Pakistan có thể vượt qua và đạt đến một nhà nước vì phúc lợi xã hội bằng cách đơn giản là bỏ qua một đoạn trong một điều luật.
"Trong khi đó các nguyên tắc dân chủ, tự do, bình đẳng, khoan dung và công bằng xã hội như Hồi giáo đề ra sẽ được tôn trọng đầy đủ" - một đoạn trong Điều 2-A của Hiến pháp nêu rõ.
Điều này được đề ra năm 1949, 2 năm sau khi tách ra khỏi Ấn Độ thông qua một nghị quyết gọi đất nước này là nhà nước thần quyền.
Các chế độ quân sự sau này mở rộng khái niệm này đến những mức nguy hiểm nhằm kéo dài quyền kiểm soát. Điều này dẫn đến một xã hội điên rồ theo đường lối cứng rắn mà không hiểu được ý nghĩa tốt đẹp của đạo Hồi. Bác ái trở thành điên rồ và môn đồ trở thành giám hộ.
Người Ấn giáo có thể đã từ bỏ Pakistan nhưng các đại diện được chúng ta bầu chọn không nên bỏ người Pakistan, bất kể tôn giáo hay văn hoá của họ. Mỗi khi tôi thấy các chủ tiệm bán các bọc quốc kỳ lúc này trong năm, đường sọc trắng thẳng đứng (tượng trưng cho người ngoài Hồi giáo) nằm ở phía cần trục kéo dường như nhỏ đi. Loại bỏ người Ấn giáo là làm biến dạng quốc kỳ.
Pakistan trở thành nước Cộng hoà Hồi giáo năm 1956. Những sự kiện diễn ra hôm nay chứng tỏ đó là một quyết định tồi. Có lẽ sự sống còn của chúng ta nằm nơi trở lại ý tưởng ban đầu khi thành lập Pakistan. Khôi phục tên gọi ban đầu có thể phải bắt đầu lại từ đầu.
(*) Silent Thinker là bút danh của một nhà bình luận Công giáo sống ở Lahor, Pakistan
|