Trong Năm Phụng vụ các lễ kính Đức Mẹ cũng phải phản ánh một cách rõ ràng mầu nhiệm của Chúa Kitô. Vì tất cả cuộc đời Mẹ đâm rễ sâu trong mầu nhiệm ấy. Nếu không có điểm tham chiếu đó, các lễ kính Đức Mẹ sẽ không có ý nghĩa cũng như lý do hiện hữu. Đàng khác, Năm Phụng vụ sẽ không trọn vẹn, nếu không cho thấy một sự hiện diện thích hợp của Đức Maria. Cũng thế, như trong nguồn gốc và lịch sử của mình Giáo Hội hiệp nhất với Mẹ Thiên Chúa, thì cũng phải cử hành Mẹ trong cuộc sống phụng tự của mình. Đức Trinh Nữ hiện diện trong Năm Phụng vụ, bởi vì Mẹ hiện diện trong cuộc sống của Giáo Hội, và là mẫu gương của thái độ tinh thần, qua đó Giáo Hội cử hành và sống các mầu nhiệm của Chúa (MC 16).
Sự hiện diện này của Đức Maria trong Năm Phụng vụ là một sự kiện quan trọng có các hiệu qủa thuộc trật tự thiêng liêng và mục vụ. Vì thế, các lễ kính Đức Maria đã là đối tượng của sự chú ý đặc biệt trong việc cải tổ Lịch Phụng vụ. Phải chú ý tới các nguyên tắc của Hiến chế Phụng vụ Thánh cũng như giáo lý của chương VIII trong Hiến chế về Giáo Hội.
Sau đây là bảng liệt kê các lễ kính Đức Mẹ so sánh giữa hai Lịch Phụng vụ cũ ban hành ngày 25-7-1960 và Lịch Phụng vụ mới ban hành ngày 21-3-1969. Nó là dụng cụ giúp đọc hiểu và tổng hợp các lễ kính Đức Mẹ trong Năm Phụng vụ.
- 1 tháng Giêng: lịch cũ không có lễ; lịch mới lễ Đức Maria rất thánh Mẹ Thiên Chúa.
- 2 tháng 2: lịch cũ lễ Thanh tẩy của Đức Trinh Nữ Maria; lịch mới lễ Dâng Chúa trong đền thờ.
- 11 tháng 2: lịch cũ lễ hiện ra của Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm; lễ nhớ 7 sự thương khó Đức Mẹ; lịch mới không có.
- 25 tháng 3: lịch cũ lễ Truyền tin của Đức Trinh Nữ Maria; lịch mới lễ Truyền tin của Chúa.
- 31 tháng 5 lịch cũ lễ Đức Maria Trinh Vương; lịch mới lễ Thăm viếng của Đức Trinh Nữ Maria hay lễ Đức Mẹ đi thăm bà Elisabeth.
- Thứ bảy sau lễ Thánh Tâm lịch cũ không có lễ; lịch mới lễ Trái Tim Đức Mẹ.
- 2 tháng 7 lịch cũ lễ Đức Mẹ đi thăm bà Elisabeth; lịch mới không có lễ. - 16 tháng 7 lịch cũ lễ nhớ Đức Trinh Nữ Maria của núi Camêlô; lịch mới lễ Trinh Nữ Maria của núi Camêlô.
- 5 tháng 8 lễ dâng kính Nhà thờ Đức Thánh Maria của tuyết, hay Nhà thờ Đức Bà xuống tuyết; lịch mới dâng kính Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả.
- 15 tháng 8 lễ Đức Trinh Nữ Maria hồn xác lên trời trong lịch cũ cũng như trong lịch mới.
- 22 tháng 8 lịch cũ lễ trái tim vô nhiễm nguyên tội của Đức Trinh Nữ Maria; lịch mới lễ Đức Maria Trinh Vương.
- 8 tháng 9 lễ sinh nhật Đức Maria trong lịch cũ và lịch mới.
- 12 tháng 9 trong lịch cũ lễ kính tên rất thánh của Đức Trinh Nữ Maria; lịch mới không có.
- 15 tháng 9 lễ kính bảy sự thương khó của Đức Trinh Nữ Maria trong lịch cũ cũng như trong lịch mới.
- 24 tháng 9 trong lịch cũ lễ nhớ Đức Trinh Nữ Maria Mercede; trong lịch mới không có.
- 7 tháng 10 lễ Đức Mẹ Mân Côi trong lịch cũ cũng như trong lịch mới.
- 11 tháng 10 trong lịch cũ lễ kính chức làm mẹ của Đức Trinh Nữ Maria; trong lịch mới không có.
- 21 tháng 11 lễ dâng Đức Trinh Nữ Maria vào đền thánh trong lịch cũ cũng như trong lịch mới.
- 8 tháng 12 lễ Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội trong lịch cũ cũng như trong lịch mới.
Trong lịch cũ có các ngày lễ bậc nhất, bậc nhì, bậc ba; trong lịch mới có các lễ trọng, lễ kính, lễ nhớ buộc hay không buộc. Và thêm kinh tiền tụng riêng.
Toàn thể các lễ về Đức Mẹ được trình bầy như là phản ánh các lễ của Chúa Giêsu Kitô. Và người ta có khuynh hướng thiết lập một sự song song giữa việc cử hành các mầu nhiệm của Chúa Kitô với việc cử hành các mầu nhiệm của Đức Maria như sau:
- Truyền tin của Chúa = Vô nhiễm nguyên tội.
- Chúa giáng sinh = Sinh nhật Đức Mẹ.
- Dâng Chúa trong đền thánh = Dâng Đức Maria vào đền thánh.
- Phục sinh lên trời của Chúa Kitô = Đức Maria hồn xác lên trời.
Việc bắt chước này cũng có trong cả các lễ tước hiệu hay các khía cạnh đặc biệt như:
- Thánh Tâm Chúa Giêsu = Trái tim vô nhiễm nguyên tội Đức Maria.
- Chúa Kitô Vua = Đức Maria Nữ Vương.
Trong số các kiểu khác nhau giúp duyệt xét danh sách các lễ về Đức Mẹ mà Lịch Phụng vụ đề nghị, kiểu phù hợp nhất với các nguyên tắc do Hiến chế Phụng vụ Thánh và cả Tông huấn về việc sùng kính Đức Maria thiết định, xem ra là kiểu sắp xếp thành các lễ nhớ, nghĩa là tưởng niệm các biến cố cứu độ, trong đó Đức Trinh Nữ được kết hiệp một cách mật thiết với Chúa Con, và thành các lễ bày tỏ lòng sùng mộ.
Trước hết là các lễ nhớ. Các lễ nhớ đầu tiên là các lễ diễn tả các biến cố của lịch sử cứu độ, được lồng vào trong việc nhập thể cứu rỗi. Khi quy chiếu tình trạng biến chuyển hiện nay của chúng, có thể sắp các lễ ấy thành một lược đồ như sau:
1. Lễ Đức Maria vô nhiễm nguyên tội 2. Lễ sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria 3. Lễ dâng Đức Trinh Nữ Maria vào đền thánh 4. Lễ Truyền Tin của Chúa 5. Lễ Đức Trinh Nữ Maria thăm bà Elisabeth 6. Lễ Đức Maria rất thánh Mẹ Thiên Chúa 7. Lễ dâng Chúa trong đền thờ 8. Lễ Đức Maria sầu bi 9. Lễ Đức Trinh Nữ Maria Hồn Xác Lên Trời
Danh sách này còn phải được thu hẹp lại hay làm cho lớn hơn: thu hẹp lại bởi vì hai lễ Truyền Tin và Dâng Chúa Giêsu trong đền thờ là các lễ của Chúa Kitô, và chỉ tưởng niệm Đức Maria một cách phụ thuộc; làm cho lớn hơn bởi vì danh sách không bao gồm các ngày Chúa Nhật Mùa Vọng liên quan tới Đức Maria và các tưởng niệm truyền tin và thăm viếng trong các ngày lễ giáng sinh của Mùa Vọng, nghĩa là các ngày 20-21 tháng 12.
Ngoài ra, cần phải ghi nhận rằng hầu như tất cả các lễ Mùa Giáng Sinh đều có bóng dáng gương mặt của Đức Maria, vì vai trò và thế đứng đặc biệt của Mẹ trong thời thơ ấu của Chúa Giêsu: lễ Giáng Sinh, lễ Thánh Gia, lễ Chúa tỏ mình cho ba nhà Đạo sĩ cũng như trong tiệc cưới làng Cana.
Cái khó khăn lớn nhất phát xuất từ các lễ kể trên đó là chúng có nguồn gốc với các lý do và thời điểm độc lập, vì thế cả khi trong sự phát triển chúng đã trở thành các lễ nhớ, nhưng chúng không đựơc sắp xếp một cách cơ cấu với chu kỳ nền tảng. Việc sắp xếp chúng hầu như luôn luôn gắn liền với các ngày trong các tháng, đôi khi vén mở cho thấy một sự gắn bó với chu kỳ cứu độ, nhưng không thể đi xa hơn ý tưởng này. Do đó, trong thực tế, một vài lễ phần nào vẫn còn là các lễ có tính cách tín lý.
Theo cái nhìn đó thì chỉ có lễ trọng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời và lễ nhớ Đức Mẹ sầu bi là thuộc chu kỳ Phục Sinh, trong khi tất cả các ngày lễ khác, một cách ít nhiều trực tiếp, đều quy chiếu về chu kỳ của sự nhập thể. Sự kiện này một phần có thể giải thích được bởi chỗ đứng của Đức Maria trong các Phúc Âm thời thơ ấu, và bởi sự xuất hiện rất kín đáo của Mẹ trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, dưới khía cạnh cử hành, bởi vì Giáo Hội đã luôn luôn nhìn Đức Maria trong Con Mẹ và tự nhìn mình qua mầu nhiệm của Mẹ, mà không tạo ra các ngày lễ mới, nên thật đáng mong ước có một việc tưởng niệm Mẹ đơn sơ trong các cử hành, trong đó Mẹ Maria được nhắc tới trong các văn bản Thánh Kinh Tân Ước: như Mẹ đứng dưới chân Thánh Giá Chúa, Mẹ hiện diện và cầu nguyện với các môn đệ trong Nhà Tiệc Ly, trong khi chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống (Ga 19,25-27; Cv 1,12-14), để cho việc tưởng niệm Mẹ được đầy đủ và quân bình hơn đối với các thời điểm khác nhau của Năm Phụng vụ.
(Thánh Mẫu học bài 324)
|