Theo tiến trình lịch sử cuộc đời Đức Maria,
lễ đầu tiên là lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, cử hành biến cố Đức Maria được Thiên Chúa giữ gìn sinh ra không bị mắc tội tổ tông. Nó là một lễ tín lý, vì ngày 8-12-1854, Đức Giáo hoàng Pio IX đã long trọng công bố tín điều Đức Maria vô nhiễm nguyên tội. Ngày lễ mang sắc thái đạo đức bình dân gắn liền với biến cố Đức Mẹ hiện ra với chị Bernadette tại Lộ Đức ngày 25-3-1858 và nói cho chị biết tên của Mẹ là “Vô Nhiễm Nguyên Tội”. Nghĩa là Đức Mẹ xác nhận tín lý do Đức Giáo hoàng Pio IX công bố.
Mặc dù biến cố này không được Thánh Kinh Tân Ước nhắc tới, nhưng lịch sử việc sùng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguuyên Tội đã rất cổ xưa. Sự kiện Giáo quyền công bố tín điều chỉ là việc công nhận một truyền thống đã có hầu như ngay từ đầu trong Giáo Hội. Thật thế, các giáo phụ đông phương đã dùng nhiều từ và kiểu nói khác nhau để ca tụng Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và gọi Mẹ là Đấng “không bợn nhơ, không tội lỗi”, là “vẻ đẹp của sự vô tội”, là Đấng “trong trắng hơn các thiên thần”, “hoa huệ rất tinh tuyền”, mầm giống không bị nhiễn độc”, “đám mây rạng ngời của mặt trời”, Đấng “vô nhiễm”.
Bên Tây phương, lý thuyết vô nhiễm đã không được tiếp nhận một cách dễ dàng, vì người ta nghĩ rằng Đức Maria cũng là người nên cũng mắc tội tổ tông như tất cả mọi người. Tuy nhiên sau đó nó được tiếp nhận, vì Giovanni Duns Scotto phân biệt và giải thích rằng Đức Maria đã được Chúa Giêsu phòng ngừa cứu chuộc trước, nên được giữ gìn khỏi tội tổ tông.
Sau đó, lòng sùng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm được phổ biến mạnh bên Tây phương, và năm 1476, lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội được đưa vào trong Lịch Phụng vụ Rôma. Tại Italia, các vị giảng thuyết tài ba như Thánh Leonardo thành Porto Maurizio và Thánh Bernardino đã ca tụng Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm và khơi dậy lòng sùng kính Đức Mẹ. Năm 1830, Đức Mẹ hiện ra với Thánh nữ Catarina Labouré và chị đã phổ biến chiếc “Mề đai phép lạ” với hình Đức Mẹ Vô Nhiễm, Đấng đã được thân mẫu thụ thai không vương tội tổ tông. Chiếc mề đai này dấy lên cả một phong trào sùng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm khiến cho nhiều Giám mục viết thư về Toà Thánh yêu cầu Đức Giáo Hoàng tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Thật ra, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội đã được cử hành ngay từ thế kỷ XI, và được lồng khung trong bối cảnh của Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh, cử hành Mầu nhiệm Nhập thể Giáng sinh, và cũng gắn liền với biến cố Chúa Kitô trở lại trong vinh quang. Mẹ Maria được ơn vô nhiễm nguyên tội chính là để góp phần vào việc thực hiện chương trình cứu độ ấy của Thiên Chúa. Ở đây, thần học, phụng vụ, giáo lý và mục vụ phải được định hướng theo con đường này. Việc mừng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm chuẩn bị tinh thần cho tín hữu chờ đợi mừng biến cố Đấng Cứu Thế đến trần gian.
Thứ hai là lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, ngày mồng 8-9, kỷ niệm biến cố Đức Maria chào đời, bất đầu cuộc sống trên trần gian này và chuẩn bị làm Mẹ Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa. Theo mạo thư Phúc Âm Thánh Giacôbê, Đức Maria là con của ông Gioakim và bà Anna. Đối với Giáo hội Chính thống, đây là 1 trong 12 lễ lớn nhất. Trong truyền thống Công giáo lễ được cử hành tại nhiều nơi. Trong truyền thống nông nghiệp lễ trùng với cuối mùa hè và mùa gặt hái. Lễ này ban đầu được cử hành bên Đông phương sau đó được Đức Giáo hoàng Sergio I đưa vào Lịch Phụng vụ Tây phương. Ngay từ thế kỷ thứ X, nó đã được cử hành trong Giáo phận Milano, và Nhà thờ Chính toà Milano, do Thánh Carlo Boromeo thánh hiến ngày 20-10-1572, dâng kính Đức Mẹ sinh ra “Mariae nascenti” như được khắc trên mặt tiền nhà thờ.
Cùng với lễ kính và nhà thờ dâng Đức Maria Bé Thơ, người dân Milano cũng sùng kính Đức Mẹ Bé Thơ, và cho tới thập niên 1960, dân chúng vẫn có thói quen đặt tên con gái là Bambina. Liên quan tới lòng sùng kính này, có sự kiện là giữa các năm 1720-1730 có một nữ tu Phanxicô, thuộc tỉnh Todi, trung bắc Italia, là chị Chiara Isabella Fornari, làm một vài bức hình bằng sáp diễn tả Đức Maria sơ sinh cuốn băng vải, do lòng sùng mộ cá nhân. Năm 1730, một bức hình bằng sáp này được tặng cho các nữ tu dòng Capucino Thánh Maria các Thiên Thần ở Milano. Và các nữ tu đã phổ biến lòng sùng kính Đức Maria Bambina - Maria Bé Thơ. Lòng sùng kính lan nhanh khắp nơi và sau nhiều di chuyển, hình Đức Mẹ sau đó được giữ trong nhà mẹ dòng các nữ tu Lovere, cũng trong tỉnh Milano. Hình Đức Maria Bambina lôi cuốn tín hữu và trở thành nổi tiếng đến độ người dân gọi các nữ tu là các nữ tu Đức Maria Bambina. Đức Maria Bé Thơ cũng là Bổn mạng của nhiều thành phố trên đảo Sicilia, miền nam Italia, đặc biệt là Enna và Palermo.
Thứ ba là lễ Dâng Đức Mẹ vào Đền Thánh, ngày 21-11. Lễ này bắt nguồn từ mạo thư Phúc Âm Thánh Giacôbê. Chương 6 của sách kể lại khi Đức Maria lên 1 tuổi thì được cha mẹ giới thiệu với các tư tế của Đền Thờ, và năm lên 3 tuổi được dâng vào Đền Thờ để sống với các trinh nữ và lớn lên tại đây cho tới khi gặp ông Giuse. Tác giả Kitô đầu tiên cho biết Đức Maria được dâng vào Đền Thánh năm lên 3 tuổi, như hai ông bà Gioakim và Anna đã hứa với Thiên Chúa, khi xin cho ông bà có con, vì hai người hiếm muộn.
Ngày 21-11 là bắt nguồn từ biến cố thánh hiến Vương cung Thánh đường Thánh Maria Mới tại Giêrusalem, do Hoàng đế Giustiniano I xây cho Đức Giám mục Elia. Việc cử hành lễ lần đầu tiên đã có trong Lịch Basilio II thành Bisanzio hồi thế kỷ XI. Vào thời Trung Cổ, lễ ít được cử hành hơn, cho tới khi Đức Giáo hoàng Sisto V xác định lễ nhớ năm 1585. Giáo hội Công giáo chỉ cử hành như lễ nhớ, trong khi Giáo hội Chính thống cử hành lễ Dâng Đức Maria vào Đền Thánh như 1 trong 12 lễ trọng nhất trong Năm Phụng vụ. Biến cố này đã gợi hứng cho nhiều hoạ sĩ vẽ các bức tranh nổi tiếng qua bao thế kỷ và Đức Maria Bambina cũng trở thành tên gọi của nhiều dòng tu nam nữ.
Thứ tư là lễ Truyền Tin cho Đức Mẹ, ngày 25-3. Việc lấy lại tên gọi “Truyền tin của Chúa” cũng có một ý nghĩa thần học khác và một cách phụ thuộc cũng là lễ của Đức Maria. Thiên thần Gabriel báo tin cho Đức Maria biết Con Thiên Chúa nhập thể làm người nơi cung lòng Trinh Nữ. Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống mừng cùng ngày với nhau. Ngày lễ được xác định quy chiếu theo ngày sinh của Chúa Giêsu, tức 9 tháng trước lễ Giáng Sinh và chỉ theo truyền thống của Giáo Hội, chứ không có các quy chiếu chính xác trong các Phúc Âm. Và lễ này được thiết định sau lễ Giáng Sinh, là lễ đã được thiết định mừng vào ngày 25-12 bên Tây phương hồi giữa thế kỷ thứ IV và bên Đông phương vào cuối thế kỷ thứ IV. Việc sắp xếp này cũng có ý nghĩa thần học và phụng vụ. Tuy sự kiện gần lễ Phục Sinh cũng gây ra khó khăn, y như lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh ngày 2-2 vậy.
Lễ Truyền Tin là lúc khởi đầu lịch sử của biến cố Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể làm người để cứu chuộc nhân loại, và như thế cũng là biến cố khai mào lịch sử cứu độ. Nó rơi vào lúc trong truyền thống Do Thái bắt đầu năm tôn giáo, nghĩa là trong tháng Nisan, tức tháng 3 tháng 4. Và cho tới thời Trung Cổ thì ngày 25-3 cũng là ngày ghi dấu khởi đầu Năm Phụng vụ của Kitô giáo. Sau đó thì lúc khởi đầu này di chuyển sang ngày lễ Giáng Sinh và tiếp đến là vào Mùa Vọng, nhưng mà nó cũng là lúc khởi đầu của năm dân sự, chẳng hạn như năm dân sự của thành phố Firenze, trung Italia. Sự kiện này cũng trở thành thuận tiện vì các trùng hợp với các chu kỳ của tinh sao nữa. Thật vậy, nếu lễ Giáng Sinh đã được cố ý sắp trùng với đông chí, thì lễ Truyền Tin được sắp trùng với xuân phân.
Trên bình diện phụng vụ, trái với điều người ta thường nghĩ, lễ Truyền Tin là một lễ của Chúa chứ không phải là lễ của Đức Mẹ, mặc dù Đức Mẹ là nhân vật chính của trình thuật Thiên thần Gabriel được Thiên Chúa sai đến hỏi ý kiến của trinh nữ Maria, một trinh nữ nghèo và khiêm hạ làng Nazareth; nghèo và tầm thường đến độ sau này khi Chúa Giêsu về rao giảng Tin Mừng tại đây, người dân lấy làm bỡ ngỡ không tin, vì Người chỉ là bác thợ mộc con bà Maria.
Trong truyền thống Giáo Hội, lễ Truyền Tin ghi dấu biến cố nhập thể của Ngôi Lời Con Thiên Chúa. Qua sự đồng ý và tiếp nhân của Đức Maria, Đấng Vĩnh Cửu bước vào thời gian và trở thành lịch sử. Sứ mệnh cứu thế của Đức Giêsu đã bắt đầu trong cung lòng Trinh Nữ Maria, như trình thuật Đức Maria viếng thăm bà Elisabeth chứng minh: Gioan trong bụng mẹ đã nhảy mừng khi Đức Maria chào bà Elisabeth, và Đức Maria cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa đã làm những việc kỳ diệu nơi Mẹ. Chính biến cố Thiên Chúa nhập thể làm người này khiến cho Kitô giáo khác xa tất cả mọi tôn giáo khác. Thiên Chúa xuống thế làm người và sinh ra sống như con người, chỉ trừ tội lỗi. Từ đó, chương trình tình yêu cứu rỗi bắt đầu được thực hiện từng bước.
Trên bình diện tu đức, lời “Fiat” (xin vâng) của Đức Maria gợi lại tiếng “Này con đây” của Tổ phụ Abraham, của Ông Môshê, của Ngôn sứ Samuel và các ngôn sứ khác, tức các người đã cộng tác với Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ. Sự ngoan ngoãn vâng theo ý muốn của Thiên Chúa sẽ là đề tài được các ngôn sứ rao giảng. Và chính Chúa Giêsu cũng sẽ lặp lại rằng “không phải những ai nói lạy Chúa, lạy Chúa, mà được vào Nước Trời đâu, mà chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Ta trên trời” (Mt 7,21). Tiếng “xin vâng” của Mẹ Maria nói lên tất cả thái độ sống, mà mọi tín hữu, đặc biệt là những người sống đời thánh hiến, phải luôn luôn có đối với Thiên Chúa và chương trình tin yêu cứu rỗi của Người.
(Thánh Mẫu học, bài 325)