Print  
Đạo đức học Truyền thông
Bản tin ngày: 08/02/2012   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Ảnh minh hoạ

Đạo đức học Truyền thông

Tại Đại học Minuto de Dios ở Bogota, Colombia, ngày 8-10-2009, Đức cha Paul Tighe, Thư ký Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội, đã đọc một bài diễn văn tựa đề là “Dạy đạo đức học truyền thông tại một đại học Công giáo”.

Theo Đức cha Tighe, ngày nay, xã hội mỗi ngày mỗi ý thức hơn tầm quan trọng của đạo đức học đối với các ngành nghề chuyên môn. Tầm quan trọng của đạo đức học y khoa đã được nhìn nhận từ lâu, nhưng trong mấy năm gần đây, người ta càng ngày càng chú ý nhiều hơn đến tầm quan trọng của đạo đức học đối với những người dấn thân vào các ngành chuyên nghiệp thuộc luật lệ và chính trị, thuộc thế giới thương mại và tài chính và thuộc các phạm vi truyền thông đại chúng, tiếp thị và báo chí. Trong Sứ điệp Ngày Truyền thông Thế giới Lần 42 vào năm 2008, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI nói rằng: ngày nay, nhiều người nghĩ rằng cần phải có một đạo đức tin học (info-ethics), giống như đã có một đạo đức sinh học trong lĩnh vực y khoa và các ngành nghiên cứu có liên hệ tới sự sống. Cái nhìn thông sáng của Đức Giáo Hoàng được nhiều người chú ý và tường thuật như một lời kêu gọi đặt nền móng cho một khoa mới về đạo đức tin học. Lời kêu gọi này được tiếp đón một cách nồng hậu bởi nhiều nhà bình luận nổi tiếng, trong đó có những người không phải là Công giáo.

Theo Đức cha Tighe, xét một cách chính xác, ý niệm trên thực ra không do Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI tạo ra mà đúng hơn Đức Giáo Hoàng chỉ tiếp nhận một thuật ngữ vốn đã thịnh hành tại UNESCO và trong giới khoa bảng trước đó. Đáp ứng đối với việc Đức Giáo Hoàng sử dụng thuật ngữ này trước hết chứng tỏ công chúng hết sức mong muốn người ta chú ý tới chiều kích đạo đức của truyền thông. Chính Sứ điệp với tựa đề “Truyền thông: Ở ngã tư đường giữa việc tự cổ xuý mình và sự phục vụ. Đi tìm sự thật để chia sẻ nó với người khác” cũng đủ trình bày súc tích một số các nguyên tắc và giá trị đạo đức then chốt cho các nhà chuyên nghiệp về truyền thông. Cùng với tài liệu trước đó, và thường bị bỏ quên, của Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội năm 2000, tựa là Đạo đức học trong Truyền thông, Sứ điệp của Đức Bênêđictô XVI sẽ là tài nguyên hết sức quan trọng giúp ta nhận diện được các hướng dẫn căn bản đối với việc khai triển ra một khoá học hay một chương trình đào luyện về đạo đức học truyền thông.

Đạo đức học và truyền thông: mối liên hệ nội tại

Theo Đức cha Tighe, nhiều giới chuyên nghiệp hiện nay hết sức chú ý tới việc công chúng quan tâm tới đạo đức học. Thực vậy, bạn chỉ cần vào Google, và đánh 3 chữ “code + professional + ethics” (luật đạo đức học chuyên nghiệp), bạn sẽ thấy rất nhiều ngành chuyên nghiệp ngày nay cố gắng đưa ra các quy tắc đạo đức để hướng dẫn họ trong các trách nhiệm của mình. Việc nâng cao khuôn mạo đạo đức học cũng được phản ảnh trong việc khoa bảng càng ngày càng chú tâm tới việc phát triển ngành Đạo đức học Chuyên nghiệp. Trong thế giới Anglo-Saxon, nhiều phân khoa triết học luân lý hay đạo đức ngày xưa nay đang được biến đổi thành các trường Đạo đức học ứng dụng hay chuyên nghiệp. Chính môi trường khoa bảng của Đức cha Tighe cũng thuộc phạm vi luật lệ và đạo đức và trong nhiều năm, ngài từng giảng dạy về đạo đức sinh học. Trong những năm gần đây, ngài được mời diễn giảng cho các hiệp hội doanh nhân, các nhà chuyên nghiệp về luật pháp và giáo dục, giúp họ quy định ra các bổn phận và trách nhiệm đạo đức của họ.

Trước khi đi xa hơn, Đức cha Tighe muốn đề cập tới chính ý niệm chuyên nghiệp. Theo Đức Cha, một ngành chuyên nghiệp thường được cấu thành bởi những người có cùng kiến thức và tài chuyên môn nghề nghiệp giúp họ khả năng cung cấp các dịch vụ quan trọng cho cộng đồng nói chung và thoả mãn các nhu cầu nhân bản quan yếu. Các bác sĩ là những nhà chuyên môn trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ; các luật sư là các nhà chuyên môn trong việc trợ giúp người ta bảo vệ các quyền lợi của họ và phục vụ các công ích thuộc công lý và trật tự… Trong tất cả các trường hợp ấy, do chính bản chất các kỹ năng và tài chuyên môn của họ, các nhà chuyên nghiệp buộc phải đại diện và nói lên một số giá trị nào đó. Các giá trị này không được áp đặt từ bên ngoài nhưng phải được chính bản chất nghề nghiệp của họ xác định.

Phương pháp luận như trên ngầm cho ta hiểu điều này: cố gắng nhằm suy tư về Đạo đức học Truyền thông, bất kể đó là đạo đức học của các nhà báo, của các nhà chuyên nghiệp giao tế nhân sự (PR) hay của các nhà chuyên nghiệp ngành tiếp thị, phải bắt đầu bằng một suy tư về bản chất các kỹ năng và tài chuyên môn của các nhà chuyên nghiệp này và các thiện ích nhân bản mà họ tìm cách phục vụ. Ngay một suy tư phiến diện nhất cũng cho thấy việc quan tâm đối với chân lý phải là giá trị đạo đức cốt lõi. Trực giá đó đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI phát biểu khi ngài nói truyện với các tham dự viên của hội nghị nói trên do Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội tổ chức năm 2008: ở tâm điểm bất cứ suy tư nghiêm chỉnh nào về bản chất và mục đích của truyền thông nhân bản, hiển nhiên phải có sự cam kết đối với các vấn đề chân lý. Nhà truyền thông có thể thông tin, giáo dục, tiêu khiển, thuyết phục, khuyến khích; nhưng công trạng sau cùng của bất cứ truyền thông nào cũng nằm trong tính chân thực của nó. Trong một suy tư sớm nhất về bản chất của truyền thông, Platon đã nhấn mạnh tới các nguy hiểm của bất cứ loại truyền thông nào nhằm cổ vũ các đích nhắm và mục tiêu của nhà truyền thông hay của những người mà nhà truyền thông được tuyển dụng mà không đếm xỉa gì tới sự thật của điều được truyền thông. Cũng nên nhắc lại câu định nghĩa sáng suốt của Cato Trưởng Lão (Cato the Elder) về nhà diễn giảng. Đó là người tốt hay trung thực, giỏi về truyền thông (vir bonus diendi peritus). Từ bản chất, nghệ thuật truyền thông vốn liên kết với một giá trị đạo đức, với các đức hạnh vốn là nền tảng của luân lý tính.

Từ cái hiểu trên, ta thấy một nghề chuyên nghiệp nào đó buộc phải nói rõ các giá trị và cam kết đạo đức cốt lõi của mình. Đạo đức không phải là điều bị áp đặt một cách võ đoán từ bên ngoài lên một nghề chuyên nghiệp, mà cần được phát sinh từ các suy tư và kinh nghiệm của những “nhà thực hành có suy nghĩ”. Các chuyên viên trong lĩnh vực đạo đức như thần học gia, triết gia và luật gia, nên giúp các nhà chuyên nghiệp hiểu và biết đánh giá các học thuyết và truyền thống nằm dưới các suy tư đạo đức chính thức; họ cũng nên giúp các nhà chuyên nghiệp nói lên, lập thành công thức hay quy phạm hoá các trách nhiệm đạo đức của mình. Tuy nhiên, không nên để mặc đạo đức học cho những người tự nhận là chuyên môn; một đạo đức học chuyên nghiệp nghiêm chỉnh đòi phải có sự hợp tác của những người được đào tạo chính thức về đạo đức học và những người hiểu biết và có kinh nghiệm trong việc áp dụng các kỹ năng và tài chuyên môn trong ngành chuyên môn của mình. Trong ngữ cảnh đại học, điều quan trọng là các giảng khoá đạo đức học không nên trao cho các phân khoa triết học hay thần học nhưng việc giảng dạy nó phải có sự hỗ trợ của các khoa này. Điều ấy có nghĩa: nó phải là sản phẩm của một hợp tác liên khoa nghiêm chỉnh.

Đạo đức học chuyên nghiệp: các chỉ dẫn sáng suốt

Trong phạm vi Đạo đức học Chuyên nghiệp, cố gắng nói ra các trách nhiệm đạo đức của mình thường thường phát sinh từ việc phân tích các nhu cầu căn bản của con người mà nghề chuyên nghiệp cố gắng phục vụ. Ta đã lưu ý tới tính trung tâm nền tảng của việc cam kết dấn thân đối với chân lý trong lúc phân phối và chia sẻ các thông tin và kiến thức cần thiết giúp các cá nhân đưa ra các quyết định có trách nhiệm... Đạo đức học Truyền thông khai triển thêm các điểm sâu sắc ấy: truyền thông được mời gọi phục vụ phẩm giá con người bằng cách giúp họ sống tốt đẹp và hành động như các nhân vị trong cộng đoàn.

Truyền thông làm được điều ấy bằng cách khuyến khích mọi người, bất kể nam nữ, ý thức được phẩm giá của mình, chịu khó đi vào tâm tư người khác, vun xới một ý thức về trách nhiệm hỗ tương, và lớn lên trong tự do bản thân, trong lòng tôn trọng tự do của người khác, và trong khả năng đối thoại. Tiếp đó, tài liệu nói tới sự đóng góp của truyền thông vào việc cổ xuý sự an vui của con người trong các phạm vi khác nhau:

Phạm vi kinh tế - thị trường có thể phục vụ con người (xem thông điệp Centesimus Annus, số 34), và truyền thông đóng một vai trò không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường. Truyền thông xã hội hỗ trợ kinh doanh và thương mại khuyến khích việc cạnh tranh có trách nhiệm nhằm phục vụ công ích, và giúp con người có khả năng đưa ra các quyết định có hiểu biết bằng cách nói cho họ biết sự có sẵn và các đặc tính của sản phẩm.

Phạm vi chính trị - Truyền thông không thể thiếu trong các xã hội dân chủ ngày nay. Nó cung cấp các thông tin liên quan tới các vấn đề và biến cố, các người nắm giữ các chức vụ và các ứng viên cho các chức vụ ấy. Nó giúp các nhà lãnh đạo truyền thông nhanh chóng và trực tiếp với công chúng về các vấn đề khẩn cấp. Nó là dụng cụ quan trọng cho việc báo cáo, đưa ra ánh sáng các việc bất năng lực, tham nhũng, lạm dụng quyền hành, trong khi cũng kêu gọi người ta chú ý tới các trường hợp đầy năng lực, tinh thần vì việc chung và những điển hình tận tụy với nhiệm vụ.

Phạm vi văn hoá - Các phương tiện truyền thông xã hội giúp con người có cơ hội tiếp cận với văn chương, kịch nghệ, âm nhạc và nghệ thuật mà nếu không có chúng họ không thể nào tiếp cận được, và nhờ thế cổ vũ cho việc phát triển nhân bản liên quan tới nhận thức, túi khôn và cái đẹp.

Phạm vi giáo dục - Truyền thông là những dụng cụ quan trọng cho giáo dục trong nhiều bối cảnh, từ học đường đến nơi làm việc và nhiều giai đoạn trong đời sống.

Phạm vi tôn giáo - Cuộc sống tôn giáo của nhiều người được truyền thông làm cho phong phú một cách đáng kể. Chúng cung cấp tin tức và thông tin về các biến cố, ý tưởng và các nhân vật tôn giáo; chúng như những cỗ xe chuyên chở việc Phúc Âm hoá và giáo lý.

Muốn các ngành truyền thông xã hội sử dụng được các kỹ năng và nhận thức để thực sự phục vụ sự thiện nhân bản phổ quát và thể hiện được tiềm năng vĩ đại như đã được nhận diện trên đây, ta cần phải quan tâm để chúng duy trì được cam kết đạo đức trong việc thoả mãn các quyền lợi tốt đẹp nhất của người khác hơn là các nhu cầu cá biệt của bản thân mình. Một thần học gia luân lý từng định nghĩa sự cam kết này như là lời đòi hỏi các nhà chuyên nghiệp không nên coi các kỹ năng và nhận thức của mình “như các sở hữu nhằm các lợi lộc tài chính tư riêng hay địa vị xã hội” mà như những tài năng để phục vụ người khác ngay cả lúc chúng đòi ta phải mất mát bản thân hay phải hy sinh.

Trong lĩnh vực y khoa, ta từng được dạy rằng không bắt buộc phải làm mọi sự ta có thể làm được. Trong lĩnh vực truyền thông cũng thế, “không phải mọi sự ta có thể làm về phương diện kỹ thuật, đều được phép làm về phương diện luân lý”. Thước đo tiến bộ chân thực không hệ ở một mình hiệu năng kỹ thuật hay tiếp liệu do các phương tiện mới về truyền thông đem lại mà hệ ở các mục đích chúng phục vụ. Các chuyên viên truyền thông sử dụng các kỹ thuật mới đang phải đương đầu với một lựa chọn. Họ phải quyết định một là đặt các kỹ thuật mới và tiềm năng tăng tiến của truyền thông vào việc phục vụ các cá nhân và cộng đồng trong các cố gắng đi tìm sự thật; hai là họ tự để mình bị lợi dụng cho việc cổ vũ các quyền lợi tư riêng của chính họ, hay của những người họ đại diện cho, nhằm thao túng các cá nhân và cộng đồng. Chỉ khi nào các kỹ thuật mới này được sử dụng để phục vụ hạnh phúc yên vui của những con người cá thể hay của các cộng đồng nhân bản, ta mới có thể cho rằng họ thực sự là khí cụ của tiến bộ.

Các phân khoa truyền thông nên khuyến khích những ai sắp làm việc trong các ngành nghề ấy phải chú tâm tới các trách nhiệm to lớn của mình và duy trì cho bằng được các tiêu chuẩn cao nhất trong ngành chuyên nghiệp của mình. Cách riêng, họ phải củng cố cam kết truyền bá chân lý của họ và bênh vực chân lý ấy “chống lại những người mưu toan bác bỏ hay tiêu diệt nó”. Phải mời gọi các nhà chuyên nghiệp về truyền thông bênh vực các nền tảng đạo đức trong nghề nghiệp của mình và làm hết cách để “tính trung tâm và phẩm giá bất khả xâm phạm của nhân vị con người” luôn được tôn trọng. Phải nhắc họ nhớ rằng không được để các cam kết đạo đức ấy bị xói mòn bởi các yếu như cạnh tranh cho có nhiều khán thính giả hay bạn đọc hơn, áp lực thương mại hay thiên kiến ý thức hệ. Phải cảnh giác họ về nguy cơ truyền thông có thể trở thành tiếng nói của “chủ nghĩa duy vật kinh tế và chủ nghĩa duy tương đối đạo đức”.

Nét đặc trưng trong đạo đức học chuyên nghiệp, một nét có thể giúp người ta định hướng đi cho việc tiếp cận nền đạo đức truyền thông trong một phân khoa truyền thông, là thiết lập ra các cấu trúc quy trách nhiệm (accountability). Chuyên viên đạo đức học người Mỹ, William F. May, từng cho rằng: trong nền đạo đức học chuyên nghiệp ngày nay, chứng cớ của sự nghiêm chỉnh về luân lý rất có thể không chỉ lệ thuộc việc bản thân mình chấp hành các nguyên tắc luân lý mà thôi mà còn hệ ở lòng can đảm buộc người khác phải tính sổ nữa. Vì thế, các phân khoa nên cố gắng tiêm nhiễm nơi sinh viên của mình một ý thức, để họ hiểu rõ ý nghĩa của việc họ thuộc về một ngành chuyên nghiệp, một cộng đồng luôn tìm cách củng cố các cam kết đạo đức nơi các thành viên và không bao giờ sợ từ bỏ các thực hành vô đạo đức và phá hoại.

Đạo đức học nền tảng: các phân biệt hữu ích

Trong các phân khoa triết học, người ta thường phân biệt giữa đạo đức học nền tảng và đạo đức học ứng dụng hay chuyên biệt. Đạo đức học ứng dụng chú trọng tới các vấn đề chuyên biệt, đạo đức học nền tảng quan tâm tới các vấn đề có tính căn bản hơn, như nói về tốt xấu, đúng sai, làm cách nào đưa ra các phán đoán hợp đạo đức. Dù đạo đức học truyền thông rõ ràng thuộc lĩnh vực đạo đức học chuyên biệt, nhưng ta sẽ lầm lẫn nếu không chú ý tới những vấn đề thường chỉ liên quan tới đạo đức học nền tảng. Cách riêng, điều quan trọng là phải khuyến khích các sinh viên truyền thông nghiên cứu các lý thuyết đạo đức khác nhau và phải đề cập một cách có phê phán tầm ảnh hưởng của các lý thuyết này đối với các cuộc tranh luận hiện nay về đạo đức học. Chỉ bỏ qua, không ý thức được điều đó, cũng làm cho nhiều sinh viên, khi đề cập tới đạo đức học, bị hướng dẫn sai lạc bởi các quan điểm có gốc rễ sâu xa từ chủ nghĩa thực dụng (mục đích biện minh cho phương tiện), chủ nghĩa duy nghiệm (điều gì hợp pháp cũng hợp đạo đức), chủ nghĩa duy cảm (emotivism) (các xúc cảm đủ cho ta biết đúng sai) hay chủ nghĩa duy tương đối (trong phạm vi đạo đức học, không có chi là tuyệt đối cả). Quả là điều có giá trị thực sự khi ta yêu cầu sinh viên nghiên cứu các lý thuyết đó để họ biết bắt đầu khảo sát một cách minh nhiên hơn các tiêu chuẩn để phán đoán đúng sai.

Nên dẫn nhập các sinh viên vào viêc nghiên cứu các lý thuyết đạo đức khách quan, như truyền thống luật luân lý tự nhiên, một truyền thống vốn bắt rễ sâu xa trong xác tín cho rằng ta có thể biện phân tính đúng hay tính sai trong các chọn lựa đạo đức của con người bằng diễn trình suy tư về ý nghĩa thế nào là nhân bản. Do chính bản chất của chúng, các chọn lựa nào cổ vũ sự triển nở nhân bản nơi các cá nhân và xã hội đều là những phán đoán tốt; còn những chọn lựa nào phá hoại từ bên trong chính hạnh phúc an vui của cá nhân và xã hội thảy đều là những phán đoán xấu. Thí dụ nói dối chẳng hạn, được coi là vô đạo đức ngay trong nội tại của nó, vì từ bản chất, nó phá hoại lòng tin là điều tối cần đối với các liên hệ bản thân và cộng đồng, dù người ta có thể tưởng tượng ra một hoàn cảnh đặc thù trong đó, nói dối xem ra như đem lợi thế đặc thù. Các lý thuyết khách quan này, nghĩa là các lý thuyết được quan niệm đúng đắn như phương pháp suy luận luân lý hơn là con đường tắt dẫn tới chân lý, đòi buộc con người phải cùng hành động để quyết định xem những chọn lựa và thực hành nào cần được khuyến khích và những chọn lựa và thực hành nào cần phải bác bỏ. Sự biện phân này đòi ta phải thận trọng cân nhắc mọi quan điểm có liên hệ, từng được các nhà chủ đạo đem vào cuộc tranh luận đạo đức, để các cố gắng nhân bản của ta trong việc xác định ra điều gì hợp đạo đức được khách quan bao nhiêu có thể. Các lý thuyết này cổ xuý phương thức đối thoại cho đạo đức học, một phương thức con người nhân bản nào cũng có thể vươn tới, bất chấp các dị biệt của họ về tôn giáo hay ý thức hệ, và cung cấp được một nền tảng lý thuyết cho khả thể một cuộc tranh luận chân chính công khai về các vấn đề đạo đức. Đó quả là một cam kết chung đi tìm chân lý, bén rễ sâu trong niềm xác tín về tính khách quan tối hậu của chân lý, một tính khách quan sẽ đem lại cho cuộc tranh luận cái giá trị tối hậu của nó - nếu không, cuộc tranh luận ấy chỉ là một thao tác cưỡng bức và thao túng trong đó ai cũng tìm cách khăng khăng áp đặt quan điểm riêng của mình không cần tham chiếu chi tới các đòi hỏi của chân lý.

Tầm quan trọng của việc tiêm nhiễm cho sinh viên truyền thông một cảm thức về tính khách quan của chân lý đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nói lên một cách súc tích tại cuộc hội nghị này vào năm ngoái. Ngài nói rằng: nghệ thuật truyền thông, tự bản chất, vốn liên kết với một giá trị đạo đức, với các nhân đức vốn làm nền tảng cho luân lý tính. Dưới ánh sáng định nghĩa ấy, tôi khuyến khích quý vị, trong tư cách nhà giáo dục, hãy nuôi dưỡng và tưởng thưởng lòng say mê đi tìm sự thật và sự thiện, một lòng say mê luôn luôn mạnh mẽ nơi người trẻ. Quý vị hãy giúp họ hiến thân trọn vẹn cho việc tìm kiếm chân lý. Tuy nhiên, quý vị hãy dạy họ điều này: lòng say mê chân lý của họ, dù rất có thể hữu ích nếu dựa vào một hoài nghi có phương pháp nào đó, nhất là trong các vấn đề có liên quan tới ích lợi công cộng, nhưng không được méo mó hoá nó để chỉ còn là một chủ nghĩa hoài nghi duy tương đối trong đó mọi chủ trương nắm được sự thật và sự thiện đều bị tiên thiên bác bỏ hay làm ngơ.

Trong lĩnh vực đạo đức học căn bản, người ta đã chú ý nhiều tới tầm quan trọng của việc phân biệt giữa đạo đức học quy phạm (normative ethics) và “đạo đức học tư cách” (character ethics). Các công trình của Alistair MacIntyre (và nhiều người khác) đã nhấn mạnh tới thực tại này: đạo đức học không phải chỉ nói về điều ta làm hay các quy tắc ta phải theo; mà còn quan tâm tới việc ta là loại người nào và các nhân đức nào cần sản sinh ra và cổ xuý nơi các tác nhân đạo đức. Nếu các phân khoa truyền thông muốn trở thành những nhà cổ xuý hữu hiệu cho việc đào tạo đạo đức nơi các sinh viên, họ không được thoả mãn với việc đơn thuần dạy họ các quy tắc chuyên nghiệp về đạo đức hay lên công thức cho các quy luật hay luật lệ đạo đức ấy. Họ còn phải tìm cách đào tạo tư cách cho các sinh viên. Đạo đức học không bao giờ đơn thuần chỉ là những gì con người làm, nhưng họ là loại người nào mới quan trọng. Đã từ lâu, người ta đã nghĩ ra rằng “actio segue esse” (hành động theo sau hữu thể): việc một ai đó biết mình nên làm gì là điều không bao giờ đủ; ta cần phải xem sét xem ta phải lên khuôn tư cách, tính tình của sinh viên ra sao để họ có được ý muốn sẵn sàng sống bằng những giá trị cao nhất. Điều quan trọng là phải giúp các sinh viên có khả năng biết đánh giá các truyền thống đạo đức tốt nhất cho ngành chuyên nghiệp trong tương lai của họ bằng cách nhận diện giúp họ các mẫu sống thích đáng nhất. Trong bối cảnh này, điều thích đáng là cần nhớ rằng nhiều nhà báo đã nêu gương sáng tuyệt vời trong việc dấn thân cho chân lý. Các nhà báo như thế đến từ khắp mọi nơi trên thế giới, cách riêng tại Colombia. Họ từng bị bách hại, bị giam cầm và cả chết chóc nữa chỉ vì sự cam kết này và vì ý chí bất khuất không chịu im lặng trước bất công và thối nát. Việc làm chứng của họ chứng minh một cách hùng hồn cho các tiêu chuẩn cao nhất mà ngành truyền thông có thể ngưỡng vọng. Gương sáng của họ có thể dùng để khuyến khích toàn thể các nhà chuyên nghiệp truyền thông củng cố sự dấn thân của họ đối với chân lý và, qua đó, phục vụ ích chung của toàn thể nhân loại.

Một phân biệt nữa có thể có ích cho những người giảng dạy đạo đức học truyền thông là sự phân biệt giữa đạo đức học bản thân và đạo đức học xã hội. Trong đạo đức học xã hội, người ta chú ý nhiều tới các cơ cấu trong đó các cá nhân hành động như thể các cơ cấu này có thể lên khuôn nền đạo đức hướng dẫn các chọn lựa của họ một cách triệt để. Nếu các nhà chuyên nghiệp về truyền thông muốn thực sự đạo đức, thì việc họ có lương tâm trong việc xem sét diễn trình quyết định của họ cũng như các động cơ và ý định bản thân của họ chưa đủ; họ còn phải cân nhắc tính công chính của bối cảnh trong đó họ hành động. Các nguyên tắc và quy tắc đạo đức có liên hệ với các lĩnh vực khác cũng áp dụng cho truyền thông xã hội. Các nguyên tắc của đạo đức học xã hội như sự liên đới, sự phụ đới, công lý và công bằng, và tính qui trách nhiệm (accountability) trong việc sử dụng các tài nguyên công cộng và việc thực hành các vai trò được công chúng tin cậy phải luôn được áp dụng. Chiều kích đạo đức không chỉ liên hệ tới nội dung truyền thông (sứ điệp) và diễn trình truyền thông (phải truyền thông ra sao) mà còn liên hệ tới các vấn đề cơ cấu và hệ thống có tính nền tảng nữa, những vấn đề này thường bao hàm nhiều nan đề lớn về chính sách liên quan tới việc phân phối các kỹ thuật và sản phẩm tối tân (ai nên là nhà giàu ai nên là nhà nghèo thông tin?). Các nan đề này dẫn tới các nan đề khác với nhiều hệ luận kinh tế và chính trị về quyền sở hữu và kiểm soát. Ít nhất trong các xã hội cởi mở với nền kinh tế thị trường, vấn đề đạo đức lớn hơn cả có thể là việc làm thế nào để cân bằng lợi nhuận với việc phục vụ công ích hiểu theo quan điểm bao hàm (Đạo đức học trong Truyền thông).

Hiển nhiên người ta phải đặc biệt lưu tâm tới vấn đề phân cách về kỹ thuật số (digital divider). Với việc người ta càng ngày càng ý thức về một “xã hội thông tin” và vai trò của các kỹ thuật mới trong việc cổ vũ giao thương, phát triển và tiến bộ khoa học trong thế giới hoàn cầu hoá, họ cũng thấy xuất hiện trách nhiệm phải làm sao bảo đảm để các mạng lưới này không trở thành khí cụ loại trừ. Sẽ là thảm hoạ cho tương lai nhân loại nếu những khí cụ mới của truyền thông, vốn có mục đích giúp người ta chia sẻ kiến thức và thông tin một cách nhanh chóng và hữu hiệu hơn, lại không được phổ biến cho những người vốn đã bị đặt ra bên lề kinh tế và xã hội, hay nếu chúng chỉ góp phần gia tăng hố phân cách, để loại bỏ người nghèo ra khỏi các mạng lưới mới đang được đưa ra vì mục đích phục vụ việc xã hội hoá và thông tin nhân bản (x. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội, năm 2009).

Các đại học Công giáo: bản sắc và sứ mệnh

Đức cha Tighe cho hay: khi bắt đầu tổ chức Hội nghị về sứ mệnh và bản sắc các phân khoa truyền thông tại một đại học Công giáo, Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội trực giác rằng không thể và cũng không nên tưởng tượng việc có thể tạo ra một thứ bản sắc chủng loại (generic identity) kiểu một cỡ hợp cho mọi người (one size fits all) qua đó, mọi phân khoa Công giáo đều có thể tạc mẫu theo. Trực giác này đã được chứng thực qua các nhận định của các tham dự viên Hội nghị. Nhiều người tỏ ra quan ngại trước bất cứ định nghĩa nào được đưa ra ngầm cho thấy các phân khoa Công giáo ít quan tâm đến việc cung cấp cho các sinh viên của mình nền giáo dục tốt nhất, dù các sinh viên ấy là Công giáo hay không, và quan tâm nhiều hơn đến việc cổ xuý quyền lợi của giáo phái mình. Nhiều người khác cho thấy rõ không hề có sự mâu thuẫn nào giữa cam kết đạt được sự ưu tú trong việc đào tạo chuyên nghiệp cho sinh viên và các giá trị trong quan điểm giáo dục Công giáo.

Để các phân khoa Công giáo có thể nói lên căn tính Công giáo trong hoàn cảnh đặc thù của họ, việc trước nhất phải làm là bảng liệt kê sứ mệnh (mission statement). Ở đây, nguy cơ là khi soạn thảo bảng liệt kê sứ mệnh ấy, người ta coi nó như một mục đích tự tại và các giá trị liệt kê không được lồng vào chính cuộc sống của phân khoa. Nhưng nếu sử dụng đúng đắn bảng liệt kê này, người ta sẽ gặp được nhiều ích lợi có ý nghĩa. Bảng liệt kê này có thể dùng như một thứ hiến pháp làm kim chỉ nam cho các hoạt động của phân khoa. Nó có thể đóng vai trò làm bảng chỉ dẫn để trình bày các ưu tiên khi phải soạn thảo giáo trình (curriculum), tuyển lựa sinh viên và nhân viên… để tất cả các quyết định này được đưa ra phù hợp với bản sắc và triết lý sống (ethos) căn bản của phân khoa. Việc khai triển chi tiết bảng liệt kê sứ mệnh này, nhất là khi nó có tính bao hàm mọi nhân viên và các bộ phận sinh viên, là một diễn trình hết sức qúy giá trong vệc cổ vũ mọi người ý thức và cảm nhận được sự gắn bó đối với các giá trị cốt lõi của phân khoa. Hơn nữa, việc có sẵn một bảng liệt kê sứ mệnh như thế sẽ giúp những người muốn nhập học biết rõ các cam kết nền tảng của phân khoa và nhờ thế họ có đủ tư liệu để sáng suốt quyết định chọn học tại phân khoa.

Bảng liệt kê trên thường bao gồm một cam kết minh nhiên sẽ cung cấp một nền giáo dục và đào tạo tốt nhất cho sinh viên. Không nên nại đến bản sắc Công giáo của phân khoa mà làm hại tới việc mưu cầu sự ưu hạng này. Tuy nhiên, sự mưu cầu này luôn phải được xác định dựa vào bối cảnh và tài nguyên của trường. Nó phải bao gồm cam kết cung cấp cho sinh viên những tiêu chuẩn cao nhất trong việc đào tạo chuyên nghiệp và phải chú tấm tới lợi ích bản thân của các sinh viên, bất luận họ thuộc gia cấp, tín ngưỡng hay chủng tộc nào. Bảng liệt kê sứ mệnh cũng phải tìm cách nói rõ các giá trị về công lý và lòng kính trọng sẽ hướng dẫn mình trong cách xử lý với mọi đối tượng liên hệ, bất luận đó là sinh viên, nhân viên giảng huấn, công nhân hay nhà thầu. Điều ấy hết sức nền tảng nếu các phân khoa Công giáo muốn chứng minh cam kết của Đức GH Bênêđictô XVI khi ngài tuyên bố: “Trước hết và trên hết, mọi định chế giáo dục Công giáo phải là nơi để gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống, Đấng, trong Chúa Kitô, đã mạc khải tình yêu và chân lý có tính biến cải của Người ra” (Gặp gỡ các nhà giáo dục Công giáo tại Hoa Thịnh Đốn, 17-04-2008).

Trong bối cảnh đặc thù của một phân khoa truyền thông, tưởng nên trình bày rõ ràng sự cam kết đặc thù đối với việc tìm kiếm chân lý và khách quan tính. Cam kết này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh ngày nay khi nhiều định chế học thuật xem ra đã từ bỏ ý niệm chân lý và bị bao vây bởi các quan niệm của chủ nghĩa duy tương đối, một chủ nghĩa luôn tìm cách bác bỏ sự hiện hữu của các tiêu chuẩn khách quan. Đức GH Bênêđictô XVI từng đề cập tới nhu cầu này: các phát triển nguy hại trên khiến ta phải khẩn trương chú ý tới điều có thể gọi là “đức ái tri thức” (intellectual charity). Tức thứ bác ái kêu gọi các nhà giáo dục nhìn nhận điều này: trách nhiệm sâu xa phải hướng dẫn người trẻ tới chân lý không là gì khác hơn một nghĩa cử yêu thương. Thực thế, phẩm giá của giáo dục hệ ở chỗ cổ vũ sự hoàn hảo và hạnh phúc chân thực của người được giáo dục. Trên thực tế, “đức ái tri thức” chủ trương sự thống nhất yếu tính của kiến thức chống lại sự phân mảnh phát sinh do việc tách rời lý trí khỏi việc đi tìm chân lý. Đức ái này hướng dẫn người trẻ đi tìm thoả mãn sâu xa ở việc thực thi tự do mà vẫn tôn trọng chân lý. Đức ái này cố gắng nói lên mối liên hệ giữa đức tin và mọi khía cạnh của cuộc sống gia đình và xã hội. Một khi lòng say mê của họ đối với tính viên mãn và tính thống nhất của chân lý đã được khơi dậy, người trẻ chắc chắn sẽ thích thú khi khám phá thấy rằng vấn đề họ có thể biết gì đã mở rộng chân trời cho những điều họ nên làm. Ở đây, họ sẽ cảm nhận được việc họ có thể hy vọng “vào điều gì” và “vào ai”, và được khuyến khích đóng góp cho xã hội theo một phương thức có thể tạo hy vọng cho người khác (tài liệu vừa dẫn).

Trong bối cảnh cuộc tranh luận về bản sắc Công giáo, Đức cha Tighe gợi ý rằng khoa chuyên nghiệp mà ngài phụ trách, tức khoa thần học luân lý, có thể có liên quan ở đây. Vào thời hậu Công đồng Vatican II, người ta đã tranh luận nhiều về “tính chuyên biệt” hay tính đặc thù trong đạo đức học Kitô giáo. Một đàng, có quan điểm cho rằng đạo đức học Kitô giáo sẽ có tính đặc thù nếu nó thực sự bén rễ trong giáo huấn Chúa Kitô, như đã trình bày trong Thánh Kinh và được giáo huấn của Giáo Hội khai triển. Trường phái Glaubensethik (1) tập chú vào tính mới mẻ của đạo đức học Kitô giáo. Quan điểm khác thì cho rằng đạo đức học hay luân lý tính từ nền tàng vốn là một hiện tượng nhân bản, nên các quy phạm luân lý có thể được xác định bằng suy tư thuần lý về bản chất nhân bản mà không minh nhiên nhất thiết phải tham chiếu Đức Kitô. Đạo đức học như thế là tự lập, tự quyết và có thể được suy tư nhân bản nhận diện. Trong diễn trình tranh luận, một quan điểm trung dung đã xuất hiện. Các nhà chủ trương trường phái thứ nhất nhượng bộ rằng việc ấn định ra các đòi hỏi đạo đức của Thánh Kinh và Giáo Hội đòi phải có suy tư thuận lý. Về phần mình, trường phái tự lập cũng nhìn nhận rằng bản tính nhân loại đã được Thiên Chúa dựng nên, do đó, phải nhìn tính tự lập của đạo đức học như là theonomous (do Thiên Chúa kiểm soát). Một số nhà bình luận cố gắng giảng hoà hai quan điểm trên bằng cách gợi ý rằng tính đặc thù của đạo đức học Kitô giáo không hệ ở nội dung qui phạm của nó nhưng hệ ở nguyên động lực hay ý hướng tính của người Kitô hữu. Họ cũng gợi ý rằng bất cứ lý thuyết đạo đức học nào nếu không tính đến vấn đề nguyên động lực và ý hướng đều thiếu sót cả. Đức cha Tighe cho đây chỉ là giản lược một cuộc tranh luận phức tạp, nhưng ngài nghĩ rằng để có được tính đặc thù cho một phân khoa truyền thông Công giáo, ta không nên tự giới hạn cuộc khảo sát của ta vào nội dung (giáo trình và tài liệu giảng dạy) mà thôi, nhưng nên bao hàm cả triết lý sống của phân khoa nữa.

Điều trên cũng đúng cho việc giảng dạy đạo đức học. Tất cả các phân khoa truyền thông phải tìm cách cổ vũ trách nhiệm đạo đức nơi các sinh viên của mình. Mục tiêu này không giới hạn vào các chương trình Công giáo mà thôi và ta nên thận trọng đừng gợi ý để người ta hiểu rằng quan tâm đạo đức học là quyền độc hữu của chúng ta. Tuy nhiên, khi cố gắng nhận diện các đòi hỏi của một thực hành đạo đức tốt nhất và tiêm nhiễm các giá trị này cho sinh viên, phân khoa Công giáo phải tìm cách rút tỉa từ truyền thống đạo đức phong phú trong đức tin của ta. Quan tâm hàng đầu bao giờ cũng là phải cổ vũ sự cam kết đối với chân lý. Các giá trị khác cần phải có trong suy tư đạo đức Công giáo, dù không độc hữu thuộc về nó, là phải cổ vũ lòng kính trọng đối với phẩm giá và giá trị của mọi con người nhân bản, cương quyết không hạ giá các nhân vị, không sử dụng những ngôn từ và cử chỉ có toan tính cổ vũ hận thù và bất khoan dung. Giáo huấn Xã hội Công giáo thường cảnh giác ta về tầm quan trọng của truyền thông trong việc cổ vũ tình liên đới nhân bản, hoà bình và hoà giải.

Thử thách lớn nhất cho thấy tiêu chuẩn hay giá trị đạo đức cá nhân thường xảy ra trong những tình thế trong đó việc gắn bó với tiêu chuẩn của mình có nguy cơ phải mua bằng hy sinh bản thân hay quyền lợi riêng. Ta phải phát huy nơi sinh viên lòng ngưỡng mộ các nhà truyền thông và các nhà báo, dù là tín hữu hay không, nhưng đã sẵn sàng chịu thiệt thòi bản thân, can đảm chống lại các đe doạ hay mua chuộc từ những người luôn tìm cách hủ hoá họ hay làm họ câm họng. Khi tìm cách đưa ra nguyên động lực hay lý lẽ cho những hy sinh như thế, ta không nên e ngại nhắc đến tấm gương vĩ đại sống, chết và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã từ khước nhất định không chịu để bạo lực và cái chết làm cho tán đởm, Đấng mà lòng trung trinh đã được Chúa Cha chứng thực.

Tin Mừng Kitô giáo cho ta lý do để đề kháng bất cứ ai tìm cách làm ta nản chí khước từ các cam kết cao thượng nhất của mình. Mặt khác, trong tư cách tín hữu, ta biết rằng ta không bao giờ cô đơn khi trung thành với việc phục vụ sự thiện của người khác.

Như đã thấy, bất cứ thảo luận nghiêm chỉnh nào về các vấn đề truyền thông và mục đích nó phục vụ cũng dẫn tới cuộc thảo luận về các vấn đề có liên quan đến mục đích của cuộc sống. Tại sao phải chân thực? Tại sao phải chú ý tới số phận những người đang thiếu thốn, bị bóc lột? Tại sao cần phải tố giác những dối trá hay bất công của người giầu và quyền thế? Trong giáo trình của ta, cần phải khai triển các vấn đề ấy. Có thể làm được điều trên bằng cách dựa vào những người đang giảng dạy về triết học hay thần học trong các đại học của ta, nhờ thế có sự tham khảo liên ngành về các vấn đề tối hậu kia. Các vấn đề ấy cũng có thể được nêu lên qua việc nghiên cứu văn chương và điện ảnh. Những cách tiếp cận này có thể được dùng để khuyến khích các sinh viên của ta suy tư về các vấn đề căn bản, thường bị cái tất bật của cuộc sống làm sao lãng, nhất là trong thời đại kỹ thuật học khi chỉ còn rất ít chỗ dành cho loại suy tư ấy, loại suy tư mà theo truyền thống vốn được coi như đặc điểm của một cuộc đời đáng sống.

Khi tiếp cận các vấn đề nền tảng và khi tìm cách trả lời cho cuộc tìm tòi nhân học sâu sắc nhất nơi các sinh viên của ta, ta đừng bỏ qua không trình bày cho họ niềm tin nền tảng nhất của Giáo hội Công giáo vào bản chất bất tận và giàu ân sủng của tình yêu Thiên Chúa dành cho mọi người nơi Chúa Giêsu Kitô. Trong khi đi tìm sự cân bằng giữa việc tìm ra phương thức nói về Chúa Giêsu, Đấng mà nhờ thần khí Người, giáo huấn xã hội của ta có sự sống và ý nghĩa, và việc tôn trọng tự do của những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác hay không có truyền thống tôn giáo nào, ta có thể dùng các lời lẽ sau đây của Đức GH Bênêđictô XVI: đàng khác, không được sử dụng bác ái làm phương thế dấn thân vào điều ngày nay thường được coi là cải đạo (proselytism). Tình yêu bao giờ cũng nhưng không; không được thực hành nó làm phương thế đạt các mục đích khác. Nhưng điều này không có nghĩa: hoạt động bác ái phải đặt Thiên Chúa và Chúa Kitô qua một bên. Vì bác ái luôn quan tâm tới con người toàn diện. Thường thì nguyên nhân sâu xa nhất của đau khổ chính là việc vắng bóng Thiên Chúa. Những ai thực hành bác ái nhân danh Giáo Hội thì không bao giờ nên tìm cách áp đặt đức tin của Giáo Hội lên người khác. Họ nên hiểu rằng một tình yêu tinh tuyền và quảng đại luôn là chứng tá tốt nhất làm chứng cho Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta tin và cố gắng yêu mến. Kitô hữu biết khi nào cần nói về Thiên Chúa và khi nào không nên nói gì, cứ để nguyên tình yêu lên tiếng (TĐ. Thiên Chúa Là Tình Yêu, số 31).

---------------

Ghi chú

(1) Glaubensethik là trường phái cho rằng luân lý tính trong Kitô Giáo có một nội dung đặc thù phát sinh từ đức tin và mạc khải. Các tác giả như Haring và Ratzinger thường được kể vào nhóm này. Ngược lại, có trường phái “tự lập” (autonomous), là trường phái chủ trương rằng cấu trúc luân lý tính là một và như nhau đối với cả Kitô hữu lẫn không Kitô hữu. Các tác giả như Bockle và Curran thường được kể vào nhóm này.

Vũ Văn An

 

 

VCNews
In ngày: 24/11/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print