Mục vụ Truyền thông trong Thế giới Kỹ thuật số
Lm. Trần Đình Long
Dòng Thánh Thể
Đề tài của Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội 16-05-2010 đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI chọn là: "Linh mục và việc Mục vụ trong thế giới kỹ thuật số: những phương tiện truyền thông mới phục vụ Lời Chúa". Vị chủ chăn của GHCG chọn đề tài này thật là thích hợp vì được lồng trong hành trình của Năm Linh Mục, hơn nữa đà phát triển của truyền thông và của thế giới kỹ thuật số đang tăng tốc đến chóng mặt, và ảnh hưởng rất mạnh của những phương tiện này làm cho việc sử dụng chúng trong việc thực thi thừa tác vụ phục vụ Lời Chúa của linh mục trở nên quan trọng và hữu ích hơn.
Thuật ngữ “truyền thông xã hội” đã được uỷ ban chuẩn bị cho sắc lệnh Inter Mirifica của Vatican II đề nghị, vì thuật ngữ này diễn tả được điều mà Hội Thánh quan tâm. Đó là việc “chia sẻ các thông điệp tinh thần với những con người như là những thành viên của xã hội”. Vì vậy, uỷ ban đã đề nghị sử dụng thuật ngữ mới là “truyền thông xã hội”.
Truyền thông xã hội có nghĩa là việc truyền thông trong và của xã hội loài người. Như vậy, truyền thông xã hội không chỉ liên quan tới các phương tiện đại chúng như sách báo, truyền thanh, truyền hình, phim ảnh... mà còn bao gồm mọi cách thức và mọi phương tiện truyền thông khác như thi ca, kịch nghệ, khiêu vũ, và việc truyền thông giữa các nhóm và giữa các cá nhân với nhau nữa.
Hiến Luật của Tu hội Thừa Sai Lời Chúa (SVD) đã mô tả truyền thông như là “sự hiến mình trong tình yêu”:
“Truyền thông ở mức độ sâu xa nhất là sự hiến mình trong tình yêu, vì thế là một thái độ cơ bản cần thiết đối với các Thừa Sai Lời Chúa”.
Huấn thị Communio et Progressio gắn liền thái độ “hiến mình trong tình yêu” này với thái độ “hạ mình đến cùng” (kenosis) của Đức Giêsu, Đấng tự mạc khải như là “người truyền thông hoàn hảo”:
“Qua việc nhập thể, Đức Giêsu tự đồng hoá mình với những người đón nhận sự truyền thông của Người. Người ban thông điệp của mình không chỉ bằng lời nói nhưng còn bằng tất cả cuộc sống của Người. Người nói tự trong lòng mình, nghĩa là không chịu sự tác động của người khác. Người giảng thông điệp của Thiên Chúa mà không sợ hãi hay thoả hiệp. Người thích nghi với cách nói năng và suy nghĩ của dân chúng. Và Người nói lên tình trạng khó xử của thời đại họ”.
Như vậy, chúng ta thấy rõ “truyền thông không chỉ là diễn tả các ý tưởng và bộc lộ cảm xúc. Ở bình diện sâu xa nhất của nó, truyền thông là hiến mình trong tình yêu. Thật vậy, việc truyền thông của Đức Kitô chính là Thần Khí và sự sống...” (Communio et Progressio, số 11).
Franz-Josef Eilers đưa ra những nét nổi bật trong cách thức và phương pháp truyền thông của Đức Giêsu:
* Đức Giêsu là nhà rao giảng lưu động. Người giảng trong các hội đường và nhà riêng, ngoài đường và nơi phố chợ, trên biển và trên núi... Bất cứ đi đâu, Người luôn nhắm phục vụ sứ mạng là trên hết thay vì “cưỡi ngựa xem hoa” hay “du lịch giải trí”.
* Toàn thể việc truyền thông của Đức Giêsu đặt nền tảng căn bản trên việc kết hợp chia sẻ với Cha trong kinh nguyện, đặc biệt vào ban đêm.
* Lời giảng của Đức Giêsu với người dân thường mở đầu bằng các kinh nghiệm hằng ngày và các mối quan tâm của họ. Người liên kết mọi sự với thánh ý Cha. Đức Giêsu không bao giờ nói về bản thân mình nhưng nói về Đấng đã sai mình. Người dùng các câu chuyện rút ra từ cuộc sống hằng ngày của bà con giáo dân, như công việc của người đánh cá, người gieo giống, kinh nghiệm của bà goá đi tìm đồng bạc bị mất, kinh nghiệm của người làm bánh...
* Lời rao giảng của Đức Giêsu dựa trên Kinh Thánh Cựu Ước, nhưng cũng dùng các dụ ngôn, các câu chuyện đời thường, thậm chí cả các “tin tức” thời sự đang “hot” như vụ những người bị tháp Silôê đè chết…
* Điều cần ghi nhớ là việc truyền thông của Đức Giêsu không chỉ là truyền đi các thông tin và thông điệp nhưng đó là một sự cam kết sâu xa của chính Đức Giêsu với Cha và với thông điệp mà Người loan truyền. Đức Giêsu truyền thông không chỉ bằng lời nói nhưng bằng toàn thể con người của Ngài cho tới cái chết trên thập giá.
Trong sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội 16-05-2010, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nhấn mạnh: “Bổn phận hàng đầu của các linh mục là phải loan báo Chúa Kitô và thông truyền ân sủng cứu độ của Thiên Chúa qua các bí tích. Được triệu tập bởi Lời Chúa, Giáo Hội thừa nhận mình như là dấu chỉ và dụng cụ của sự hiệp thông mà Thiên Chúa thực hiện với con người, và mỗi linh mục được kêu gọi để xây dựng sự hiệp thông đó trong Ngài và với Ngài. Đó là phẩm giá và vẻ đẹp rất cao trọng của sứ vụ linh mục thể hiện cách đặc biệt lời khẳng định của Thánh Phaolô: “Quả thế, Kinh Thánh nói: Bất kỳ ai tin vào Người sẽ không phải hối tiếc… Thật vậy, tất cả những ai kêu cầu danh Chúa đều sẽ được cứu thoát. Thế nhưng, làm sao họ kêu cầu vị Chúa mà trước tiên không tin vào Ngài? Làm sao tin Đấng họ không được nghe? Làm sao nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao rao giảng, nếu không được sai đi?” (Rm 10,11.13-15).
Loan báo và thông truyền Lời Chúa là “phẩm giá và vẻ đẹp rất cao trọng của sứ vụ linh mục”, như vậy các linh mục phải được giả thiết là những “nhà truyền thông tuyệt vời”. Tuyệt vời không phải là vì các linh mục có được các phương tiện truyền thông tối ưu (nếu thế thì những linh mục ở vùng sâu vùng xa không làm được gì sao?) nhưng chính yếu là đời sống của họ đi đôi với việc rao giảng, và họ biết phát triển các đức tính và thái độ của việc truyền thông của Thiên Chúa với giáo dân và cho giáo dân.
Điều đó có nghĩa là linh mục được mời gọi sống theo gương Chúa Giêsu - Người Mục Tử Nhân Hậu. Phẩm chất truyền thông của một linh mục là chính Lời Đức Giêsu khẳng định: “Tôi là người mục tử tốt lành. Tôi biết các chiên tôi và các chiên tôi biết tôi, và tôi thí mạng sống mình vì đàn chiên...” (Ga 10,14).
“Tôi biết các chiên tôi”. Muốn truyền thông điều gì cho ai, phải biết rõ người ấy là ai. Những mục tử hôm nay có thực sự biết “các con chiên của mình” hay chỉ biết “một số con chiên béo tốt” mà thôi? Có thâm nhập vào những khu ổ chuột, vùng kinh nước đen để hiểu được từng hoàn cảnh, từng mảnh đời của những “con chiên gầy yếu xác xơ” hay chỉ chăm chút thăm nom những “con chiên béo tốt đại gia” với yến tiệc linh đình? Người mục tử phải biết chiên của mình thực sự chứ không chỉ phớt qua bên ngoài. Biết họ đang chịu ảnh hưởng rất mạnh bởi những gì họ thấy và nghe trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Các phương tiện truyền thông xã hội đã trở nên quá quan trọng. Đối với nhiều người, chúng trở thành những phương tiện chính để thông tin và giáo dục, hướng dẫn và soi sáng các hành vi của họ trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội nói chung. Cách riêng, thế hệ trẻ đang lớn lên trong một thế giới bị các phương tiện đại chúng chi phối...” (Redemptoris Missio, số 37c).
Để biết các chiên của mình, mục tử cần phải có hiểu biết cơ bản về hoạt động và ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông trên lối suy nghĩ và hành động của những người tiếp nhận. Khi bước chân vào nhà thờ, các ‘show’ diễn hay các phim nhiều tập trên truyền hình mà giáo dân vừa xem có thể vẫn còn lởn vởn trong đầu óc họ. Linh mục phải có khả năng đặt “thông điệp” của mình vào trong não trạng này của dân và nhờ đó đưa sự hiện diện của Thiên Chúa vào trong bối cảnh này. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội 2010 nhấn mạnh: “… bởi vì các công nghệ kỹ thuật hiện đại càng tạo nên những mối quan hệ mật thiết, và thế giới kỹ thuật số càng mở rộng các biên cương của nó, thì người linh mục sẽ càng được mời gọi lưu tâm đến chúng về mặt mục vụ, gia tăng sự dấn thân của mình, để dùng các phương tiện truyền thông phục vụ Lời Chúa… Hơn cả bàn tay của người điều khiển truyền thông, người linh mục, trong sự va chạm với thế giới kỹ thuật số, phải làm lộ ra tâm hồn thánh hiến của mình, để mang lại “linh hồn” không chỉ cho việc dấn thân mục vụ, nhưng còn cho dòng truyền thông liên tục của mạng lưới”. Vị Cha Chung của Giáo Hội nhắn nhủ các linh mục “hãy nắm bắt cách khôn ngoan những cơ hội đặc biệt mà truyền thông hiện đại mang lại”. Và ngài tha thiết xin Chúa biến anh em linh mục “thành những người loan báo say mê Tin Mừng ngay cả trong “công trường” do các phương tiện truyền thông hiện nay tạo nên”.
“Và chiên tôi biết tôi”. Mục tử phải làm sao để con chiên “biết” mình, trông thấy mình. Muốn vậy phải ở gần dân, gần gũi với dân, sống chan hoà với dân. Những phương tiện sinh sống của mục tử quá cao sang sẽ làm cho khoảng cách với con chiên xa dần. Những toà nhà kín cổng cao tường, những chiếc xe hơi bóng lộn sẽ làm chiên ngại ngần mặc cảm không dám đến gấn mục tử rồi đâm ra ngờ vực. Một lối sống đơn giản, trong sáng và đáng tin sẽ làm cho dân “biết” rõ mục tử của mình và xoá tan mọi nghi ngại.
Franz-Josef Eilers chia sẻ một kinh nghiệm. Vào ngày Đầu Năm 2002, một nhóm giáo dân đứng đợi dự thánh lễ lúc 8 giờ sáng tại Giáo xứ Manila, nhưng đợi mãi mà không thấy linh mục xuất hiện. Cuối cùng, giáo dân được thông báo linh mục đã dời giờ lễ tới 9 giờ 45 mà không thông báo trước. Vị linh mục này là một linh mục trẻ và mới. Hành xử kiểu này, linh mục ấy không những làm đổ vỡ truyền thông mà còn làm xói mòn lòng tin. Làm sao giáo dân có thể tin cậy một mục tử không tôn trọng họ, người mà họ thực sự không biết người ấy muốn gì và cứ luôn thay đổi quyết định xoành xoạch?
Năm 1994, Thánh Bộ “Các Tu Hội Sống Đời Thánh Hiến và các Tu Hội Sống Đời Tông Đồ” đã ra Văn kiện Congregavit nos in unum Christi amor (Tình yêu Đức Kitô đã quy tụ chúng ta nên một) nói về truyền thông và sự cởi mở với nhau trong đời sống cộng đoàn. Trong thực tế, việc truyền thông kém cũng xảy ra thường xuyên giữa chính các linh mục với nhau cũng như trong các cộng đoàn. Truyền thông kém nên dễ bị “tam sao thất bản”. Trong những buổi hội họp, có những thông tin “một chiều”, phiến diện đi kèm với thành kiến, bóp méo sự thật, gây ra mất đoàn kết, phá vỡ tình hiệp nhất. Lúc đó không phải là “tình yêu Đức Kitô quy tụ chúng ta nên một” mà chính sự ganh tỵ, ghen ghét, bè phái làm chúng ta chia năm xẻ bảy! Truyền thông thiếu trung thực tai hại đến thế!
Truyền thông được nhìn nhận là “một trong các yếu tố nhân văn đang ngày càng có tầm quan trọng lớn đối với đời sống của một cộng đoàn tu trì. Nhu cầu bức thiết phải cải thiện đời sống huynh đệ trong cộng đoàn được kèm theo một nhu cầu truyền thông, vừa tràn đầy vừa sâu đậm hơn” (số 29).
Sự truyền thông này “tạo nên sự nhậy cảm sâu sắc hơn” và “làm cho các tu sĩ gắn bó với nhau hơn xung quanh sứ mạng chung của họ” (số 30). “Thiếu truyền thông hay truyền thông yếu thường làm suy yếu tình huynh đệ”. “Sự hiệp thông bắt nguồn từ chính việc chia sẻ các ân huệ của Thánh Thần...” và có “nhiều cách giúp cho các ân thiêng được chia sẻ và truyền thông...” (số 32).
Điều mà Thánh Bộ nói về cộng đoàn linh mục tu sĩ cũng đúng đối với mọi giáo xứ. Trong cộng đoàn giáo xứ tương quan giữa mục tử và con chiên cũng phải nằm trong dòng chảy truyền thông này. Linh mục phải là người mà giáo dân biết và cảm thấy gần gũi, có thể đến bất cứ lúc nào và là người cởi mở trước các nhu cầu và mong đợi của họ.
Đó là những thách thức đối với người linh mục khi noi gương Người Mục Nhân Hậu “biết chiên của mình” và “để chiên biết mình”. Nếu không làm như thế, họ sẽ giống như những mục tử xấu của Israel được mô tả trong sách ngôn sứ Êdêkien, chương 34. Họ chỉ “chăm sóc bản thân họ, chứ không chăm sóc đàn chiên. Họ không tăng sức cho người mỏi mệt, không chữa lành người yếu đau, không băng bó cho người bị thương. Họ không đưa con chiên lạc về, không đi tìm con chiên bị mất. Họ cai quản chúng cộc cằn và thô bạo. Đàn chiên tản mát trên khắp mặt đất mà chẳng có ai đi kiếm chúng về…”.
“Tôi thí mạng sống vì chiên tôi”. Truyền thông bằng lời nói và việc làm mà thôi cũng chưa đủ. Truyền thông cần phải có sự hiến mình hoàn toàn chứ không chỉ là việc học biết và áp dụng các kỹ thuật. Truyền thông đích thực phải bắt nguồn từ một sự dấn mình hoàn toàn cho tới mức hiến mạng sống mình vì người khác.
Theo cách nói của truyền thông, điều đó có nghĩa là linh mục phải là người dễ đến gần, phải luôn luôn ở tư thế sẵn sàng phục vụ. Không giống các mục tử của Israel, linh mục là người ‘trực ca’ và tất cả mối quan tâm và cuộc sống của họ được hướng tới việc phục vụ truyền thông và chia sẻ với dân. Việc truyền thông Kitô giáo nói chung, nhưng đặc biệt người linh mục truyền thông cần phải có một ‘con tim biết lắng nghe’ (x. 1 V 3,9) trong tâm tình cởi mở đối với Thiên Chúa và người khác.
Như vậy, chính chứng tá đời sống của những mục tử dám “thí mạng sống vì chiên” là cách thức truyền thông hữu hiệu nhất cho dân chúng. Một nhà xứ, nhà dòng nguy nga nổi lên giữa khu dân cư nghèo đói bần cùng sẽ là một phản chứng cho đức tin chúng ta.
Đức Phaolô VI trong Tông huấn Evangelii Nuntiandi đã nhấn mạnh về nhu cầu làm chứng tá. Chứng tá được đặt lên hàng đầu trong các phương tiện rao giảng Tin Mừng.
“Lời nói bay đi, gương lành lôi cuốn”. Con người thời nay thích nghe các chứng nhân hơn là các thầy dạy, và nếu họ có nghe các thầy dạy, thì đó là vì những người này là những chứng nhân. Nhờ sống nghèo khó và từ bỏ, tự do trước các quyền lực của thế gian này mà Hội Thánh sẽ có thể rao giảng Tin Mừng cho thế giới (số 41).
Xin được kết thúc bài chia sẻ này với lời nhắn nhủ của Đức Benedicto: “Những phương tiện truyền thông hiện đại mang lại cho các linh mục những viễn ảnh luôn luôn mới mẻ và bao la về mặt mục vụ, và thúc đẩy các ngài làm nổi bật chiều kích phổ quát của Giáo Hội, vì một sự hiệp thông rộng lớn và cụ thể, trở nên những chứng tá trong thế giới hôm nay, cho đời sống luôn luôn mới mẻ nảy sinh từ việc lắng nghe Tin Mừng của Chúa Giêsu… Tuy nhiên, không được quên rằng sự phong nhiêu của thừa tác vụ linh mục, trước hết, phát xuất từ Chúa Kitô được gặp gỡ và lắng nghe qua đời sống cầu nguyện, được loan báo qua việc rao giảng và chứng tá bằng cuộc sống, được biết và yêu mến trong các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể và Hoà Giải…”.
Tháng Hoa 2010
(Viết theo Franz-Josef Eilers, svd)