Print  
Giáo dục truyền thông: cộng đoàn, mâu thuẫn và truyền thông
Bản tin ngày: 08/02/2012   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo

Giáo dục truyền thông: cộng đoàn, mâu thuẫn và truyền thông

Cha Fidel Orendain, SDB

Sr. Anna Thanh Huyền, FMA, chuyển ngữ

Giáo dục truyền thông, một từ ngữ khá quen thuộc với nhiều anh chị em Salesien, cùng với “khoa sư phạm môi trường”“hệ sinh thái truyền thông”.

Tôi đồng ý là chúng ta phải nói về giáo dục truyền thông bởi vì

+ cần học hiểu rõ hơn về truyền thông.

+ cần truyền thông hữu hiệu hơn.

+ cần biết những thứ và những cách để cập nhật hoặc nâng cấp.

Giáo dục truyền thông đối với hầu hết tất cả chúng ta đều có bản chất rõ ràng, không chỉ đơn giản là biết cách sử dụng những kỹ thuật mới hoặc có nhiều kỹ năng. Nhưng nó bao gồm cả việc hiểu biết những thay đổi trong cách vận hành mà các truyền thông mới đang bày ra. Vì thế, để điều tiết những ảnh hưởng tiêu cực và gia tăng tối đa những khía cạnh tích cực của truyền thông, cần phải có giáo dục truyền thông, để đem lại sự thăng tiến cho cá nhân và cộng đoàn.

Trong hai thập kỷ vừa qua, chúng ta nhận thấy ảnh hưởng ngày càng lớn của kỹ thuật đến lối sống và tương quan của chúng ta. Chúng ta học để áp dụng những lý thuyết của tương tác mạng, nhiệm vụ đa diện của cá nhân và cộng đoàn, đôi khi chúng ta nghĩ bổn phận chỉ gắn liền với những máy móc. Chúng ta thậm chí phải đổi một vài sự sắp đặt của chúng ta theo “hệ sinh thái truyền thông”.

Tuy nhiên, chúng ta cần đề phòng sự trớ trêu mà tu sĩ chúng ta đang bị rơi vào. Chúng ta không chịu nổi trước cám dỗ phải luôn luôn chạy theo những kỹ thuật truyền thông mới nhất. Chúng ta thường giải thích hợp lý về những trang thiết bị đắt tiền “để nối kết với mọi người hoặc với những đối tượng giáo dục, cách riêng với những người ở xa”. Chúng ta lơ là trong việc thúc đẩy những mối tương quan với những người xung quanh chúng ta. Giáo dục truyền thông không chỉ cổ vũ chúng ta sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sứ vụ giáo dục, nhưng còn phát huy nền văn hoá truyền thông nhằm thúc đẩy tương quan với con người và cả cộng đoàn.

Những phương tiện truyền thông ngày càng tăng gấp bội và ngày càng phức tạp trong một vài năm gần đây. Hơn nữa, chúng ta tin rằng truyền thông không chỉ đơn thuần là những dụng cụ cho sứ vụ của chúng ta. Nhưng nó còn hình thành lối sống và lối suy nghĩ của chúng ta. Chúng cũng tác động đến cách chúng ta tương quan với nhau ở mức độ nào.

Chia sẻ với tư cách là một tu sĩ đã chứng kiến một số những chuyển đổi, tôi nhận thấy kỹ thuật cũng trở nên địa điểm gặp gỡ và hội họp của chúng ta. Một số thành viên của chúng ta chỉ gặp nhau khi lướt truyền hình. Các anh em không có thời gian hoặc không có cơ hội để nói chuyện với nhau thì giờ đây có thể nói chuyện qua Internet. Trong giới hạn của truyền thông, các phương tiện có thể hữu dụng nhưng không đủ. Chúng ta phải kiên trì để việc sử dụng thường xuyên các phương tiện truyền thông không ảnh hưởng đến việc truyền thông bên trong với anh chị em.

Một cách thực tế, chúng ta được mời gọi để tự giáo dục truyền thông, trước hết là:

* Nuôi dưỡng mối tương quan và những cuộc gặp gỡ.

* Thắng vượt những mâu thuẫn và rào cản liên vị.

* Học biết chú ý đến nhu cầu thông tri và được lắng nghe.

* Phát huy đối thoại.

* Ngày càng cởi mở và tôn trọng những khác biệt.

* Khám phá ý nghĩa của gia đình và đời sống cộng đoàn hơn.

* Sử dụng truyền thông cách tích cực.

Tôi may mắn biết trước rằng nhiều người trong các bạn giữ vị trí có ảnh hưởng lớn. Vì thế, chúng ta đến với nhau để cùng nhau tìm hiểu “việc tự đào luyện để có thể huấn luyện người khác”.

Khi tôi nói về truyền thông trong bối cảnh cộng đoàn, tôi rút ra những nguyên tắc từ cả nguồn đời sống tu trì lẫn khoa học xã hội. Tôi cũng sẽ đối chiếu đặc biệt với kinh nghiệm cá nhân của riêng tôi trong cộng đoàn và những nghiên cứu của tôi về khoa học và truyền thông. Những ví dụ tôi đưa ra không phải là những thành công dù rằng tôi cảm thấy may mắn được thưởng nếm (và vẫn đang thưởng nếm) tinh thần gia đình của chúng ta. Tôi phải nói rằng suy nghĩ này được sinh ra từ những nỗ lực thực hành của cá nhân những nguyên tắc làm cho các tương quan cộng đoàn tốt hơn, ngay cả những thất bại cũng giúp tôi suy nghĩ đến điều trên. Tôi không có ý đối chiếu với bất kỳ khủng hoảng hay mâu thuẫn cụ thể nào đang xảy ra với bạn hay trong tỉnh dòng của các bạn.

Đối với những người trong số các bạn đang làm việc trực tiếp trong lĩnh vực đào luyện như tôi, tôi hy vọng rằng chia sẻ này có thể làm gia tăng niềm ao ước truyền thông tốt hơn của các bạn để có thể thúc đẩy những mối tương quan gần gũi với những người các bạn đang có trách nhiệm. Kinh nghiệm chắc chắn sẽ tạo cho các ứng sinh những hình mẫu cho sự phát triển sâu xa hơn và những tương quan ý nghĩa hơn. Kế hoạch và những kỹ năng như vậy sẽ thẩm thấu từ từ theo thời gian.

Cộng đoàn, mâu thuẫn và truyền thông

Tôi đã thay đổi tựa đề 4 lần. Vì là tu sĩ, tôi xin chân thành chia sẻ về những mâu thuẫn mà tôi có thể đã tránh được nếu tôi chịu khó thực hành thường xuyên hơn những gì tôi chỉ dẫn người khác làm. Các bạn có thể nhìn thấy trước những giải pháp của tôi khi đề cập đến truyền thông như “loại nào, sự khẩn cấp và tại sao” sẽ hiện về trong trí của các bạn, trong sự chia sẻ và niềm ao ước thăng tiến các cộng đoàn của các bạn.

Cộng đoàn

Đối với các bạn, “Cộng đoàn là gì?”

Văn kiện “Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn” dành cho các Hội dòng Đời sống Thánh hiến và Hiệp hội Tông đồ (1994) đưa ra chính xác bản chất của Cộng đoàn tu trì. Tôi xin tóm tắt đôi nét về cộng đoàn tu trì từ những gợi ý mà văn kiện cung cấp. Cộng đoàn tu trì được xem như:

Một sự tham dự vào và chứng tá có phẩm chất của mầu nhiệm Giáo Hội.

Trong cơ cấu của cộng đoàn, những động cơ, những giá trị riêng biệt được thể hiện cụ thể và liên tục cảm nhận được hồng ân của tình huynh đệ mà Đức Kitô đã ban cho toàn thể Giáo Hội.

Một cơ cấu sống động của tình hiệp thông huynh đệ được mời gọi để cùng chung sống theo một đoàn sủng riêng biệt.

Một sự thể hiện của tình hiệp nhất do tình yêu Thiên Chúa tạo ra, thêm vào đó là trở nên một chứng tá thiết yếu cho việc loan báo Tin Mừng.

Tôi cũng xin trích một đoạn từ cuốn sách “Cộng đoàn và sự trưởng thành” của Jean Vanier:

“Nhiều người tin rằng đời sống cộng đoàn được dệt từ một loạt những vấn đề cần giải quyết. Và một cách ý thức hay vô thức, họ đợi chờ một ngày mà tất cả những căng thẳng, mâu thuẫn và vấn đề do mọi người gây ra sẽ được giải quyết, và ngày đó không còn thêm vấn nạn nào nữa! Nhưng càng sống đời sống cộng đoàn, chúng ta càng khám phá được rằng đời sống chung không nằm ở chỗ giải quyết các vấn đề nhưng là chúng ta học biết sống với những vấn đề cách kiên nhẫn. Những vấn đề lớn nhất sẽ không được giải quyết. Với thời gian, sự thấu hiểu và trung thành lắng nghe, các vấn đề sẽ tự động được xoá bỏ khi chúng ta ít lưu ý đến chúng. Nhưng rồi sẽ vấn có những vấn đề khác xảy ra!”.

Khi tôi sử dụng từ “cộng đoàn”, tôi muốn nói đến “Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn”, như Vanier đã sử dụng: “Cộng đoàn là một nhóm những cá nhân đã bỏ môi trường của mình để sống với những người khác dưới một mái nhà, và làm việc với cái nhìn mới về con người, về những tương quan của họ với nhau và với Thiên Chúa”.

Định nghĩa này giới hạn, cũng như chỉ tập trung vào những thí dụ và ứng dụng của tôi mà thôi. Nhưng tôi chắc chắn rằng các bạn có thể mở rộng “cộng đoàn” thành một thực tại rộng lớn hơn nhiều, bao gồm cả những người đời đồng hành với các bạn trong sứ mệnh giáo dục tuỳ theo bối cảnh công cuộc.

Chúng ta biết rằng thiếu hoặc sử dụng sai lầm truyền thông sẽ có ảnh hưởng lớn trên các cộng đoàn. Chúng ta cùng nhau nhắc lại phân tích trích từ “đời sống huynh đệ trong cộng đoàn”.

Ở nhiều nơi, người ta cảm thấy có nhu cầu truyền thông mật thiết hơn giữa các tu sĩ chung sống trong cùng một cộng đoàn. Sự thiếu sót hay giảm sút truyền thông thường dẫn tới sự suy giảm tình huynh đệ: nếu chúng ta biết ít hay không biết gì về đời sống của anh em hay chị em mình, thì họ sẽ là người xa lạ với chúng ta, mối liên hệ sẽ trở nên vô danh, đồng thời tạo nên sự cách biệt và cô đơn thực sự và rất thực tế. Một số cộng đoàn phàn nàn về phẩm chất nghèo nàn trong việc chia sẻ cơ bản những gia sản thiêng liêng. Truyền thông chỉ diễn ra chung quanh những vấn đề và những khó khăn thứ yếu mà hiếm khi chia sẻ về những gì sống động và cốt lõi của hành trình thánh hiến.

Những hậu quả này có thể tệ hại, vì lúc đó kinh nghiệm thiêng liêng mang màu sắc cá nhân một cách tinh tế. Tâm trạng tự mãn trở nên quan trọng hơn; thái độ thiếu nhạy cảm với sự phát triển của người khác; và rồi dần dần người ta đi tìm kiếm những mối quan hệ có ý nghĩa ở bên ngoài cộng đoàn.

Vấn đề này cần được đề cập tới một cách rõ ràng. Một mặt, nó đòi hỏi một đường lối khéo léo và thận trọng mà không phải dùng đến áp lực; nhưng mặt khác cũng đòi hỏi lòng can đảm và óc sáng tạo, tìm kiếm những cách thức và phương pháp khả thi giúp mọi người học biết chia sẻ những hồng ân của Thần Khí cách đơn sơ và đầy tình huynh đệ, để những hồng ân này có thể thực sự thuộc về tất cả và là phúc lợi cho tất cả (x. 1 Cr 12,7).

(Trích Tông huấn Đời sống Thánh hiến trong Cộng đoàn, số 32).

Kinh nghiệm của chúng ta cho thấy biết bao thay đổi mà cộng đoàn tu trì hôm nay trải qua so với quá khứ. Những biến đổi đó đưa đến hoàn cảnh tích cực nhưng cũng có những trạng huống liên tục thách đố các thành viên của cộng đoàn tu sĩ.

Chúng ta tìm cách đối chiếu một vài thách đố để chúng ta có thể tương quan tốt hơn với người khác và thi hành sứ vụ cách hữu hiệu.

Chúng ta sẽ không đề cập đến những thách đố gặp phải trong đời sống cộng đoàn, nhưng chỉ nhắc đến những vấn đề mà chúng ta đã biết khi cần đến những tiếp cận truyền thông mới. Cách đặc biệt, chúng ta đang tìm kiếm những cách thức tốt hơn để đối diện với những điều kiện của mâu thuẫn. Trong khi những quan niệm về mối dây liên kết cộng đoàn và những giải pháp cho vấn đề mâu thuẫn cộng đoàn cơ bản là giống nhau, chúng ta nhận thấy có nhiều quan điểm xã hội cần phải được phân tích để thăng tiến cách chúng ta tương tác, đối thoại, sửa lỗi huynh đệ, vâng phục và cách mời gọi vâng phục.

Mâu thuẫn

“Mâu thuẫn” là gì?

Những hoàn cảnh mâu thuẫn xuất hiện thường xuyên trong đời sống hàng ngày, cá nhân và tập thể. Những mâu thuẫn này có thể nhỏ hoặc lớn; trong cộng thể hay ngoài cộng thể. Thậm chí chúng ta có thể nói rằng việc đào luyện làm cho chúng ta  hòa hợp những giá trị, niềm tin và thái độ giống nhau trước những điều xảy ra, mâu thuẫn có thể bùng nổ do rất nhiều chuyện khác, ngay cả những chuyện nhỏ.

Những cộng đoàn địa phương thường xuyên phải đối diện với những vấn đề xảy ra liên quan đến nhân sự, phân phối trách nhiệm, sự phát triển ưu tiên và hoà hợp với thời khoá biểu chung. Tất cả đều hàm chứa những điều có thể dẫn đến một vài hiểu lầm hoặc thông tri sai lạc.

Mâu thuẫn không kiểm soát được là một mối đe doạ không chỉ cho sự bình an, nhưng còn đe doạ cả niềm tin tưởng và thanh danh của cả nhóm. Xét về năng lực sản xuất thì mâu thuẫn đó làm cho nhóm kém hiệu quả. Hầu hết những bất đồng chung làm xoá mất sứ điệp mà chúng ta cố gắng đem lại qua chứng tá của đời sống.

Mâu thuẫn là gì?

1.      Một trạng thái đấu tranh mở, thường kéo dài; một cuộc chiến đấu hay chiến tranh.

2.      Một trạng thái bất hoà giữa các cá nhân, ý tưởng hay mối quan tâm xung khắc, đối nghịch nhau; một sự va chạm.

3.      Về mặt tâm lý: Một cuộc đấu tranh tâm lý, thường là vô thức, hệ quả của một sự trái ngược hoặc làm việc cùng nhau nhưng lại có những xung động, ước muốn hay khuynh hướng loại trừ.

4.      Sự đối nghịch giữa các tính cách hay sức mạnh trong một công việc, nhất là sự đối nghịch đó thúc đẩy hoặc hình thành nên một hành động mưu mô.

Mâu thuẫn tiềm ẩn tồn tại những nơi, những lúc con người giao tiếp với nhau. Khi các cá nhân được tổ chức lại thành nhóm để tìm kiếm một mục đích chung, thì khả năng xảy ra mâu thuẫn gia tăng. Mâu thuẫn thường có ý nghĩa tiêu cực đối với nhiều người, nhưng không phải mâu thuẫn nào cũng giống nhau. Chúng ta đối diện với mâu thuẫn ở nhiều cấp độ. Chúng ta bất đồng với gia đình, với các thành viên trong nhóm và bạn bè. Mâu thuẫn thường hiếm khi giải quyết cách dễ dàng. Đa số những mâu thuẫn đều được giải quyết khi các cá nhân làm việc trên những khác biệt.

Cá nhân có thể không thích một vài người nào đó mà họ thường xuyên tiếp xúc, nhưng họ cũng có thể bỏ qua những hành vi mỗi ngày của người đó cho tới khi những cảm xúc mạnh bùng ra. Trong đời sống cộng đoàn, những hoàn cảnh mâu thuẫn thường không thể tránh được, sớm hay muộn thì cũng sẽ lộ ra.

Chúng ta cần hỏi xem:

* Điều gì gây ra mâu thuẫn trong các cộng đoàn và trong các nhóm của cộng đoàn?

* Làm thế nào có thể giảm thiểu tối đa hay giải quyết tốt nhất các mâu thuẫn cộng đoàn và nhóm?

* Các nhóm nên lợi dụng mâu thuẫn thế nào để biến thành một chiến lược đem lại những thay đổi thoả đáng?

Tôi hiểu rằng vẫn cần phải có khía cạnh tu đức khi đối diện với mâu thuẫn. “Tha thứ và quên đi” là những giải pháp tốt. Nhưng tôi sẽ không bàn đến những chọn lựa trên, không phải bởi vì tôi thấy chúng không thỏa đáng. Điểm nhấn tôi đang muốn đề cập chính là cách tiếp cận chung của xã hội. Đây là cách thức mà những người không chuộng những can thiệp đạo đức vẫn có thể tìm thấy những giải pháp có thể thực hiện được.

Những loại mâu thuẫn

Mâu thuẫn liên quan đến trách nhiệm

Những thành viên có thể không đồng ý với nhau về vai trò và trách nhiệm đang thực hiện. Họ trái ngược nhau về cách thức thực hiện và tiến hành những sinh hoạt. Chúng ta gọi đó là “mâu thuẫn trách nhiệm”. Nó có thể được ngăn chặn bớt nếu việc phân chia và trao bổn phận được rõ ràng, cụ thể. Những mâu thuẫn trách nhiệm có thể nảy sinh trong khi tiến hành các bổn phận vì nhờ đó mà có thể làm rõ những điều cần thực hiện và sắp xếp.

Mâu thuẫn liên vị

Một khía cạnh khác của mâu thuẫn là những mối tương quan liên vị trong cộng đoàn. Hạn từ mâu thuẫn liên vị được sử dụng để nói đến sự bất đồng mà đa số mọi người gọi là “sự va chạm cá nhân”. Sự va chạm này mang nhiều nét tương phản liên quan quan đến những cá tính đôi khi trái ngược nhau của các thành viên. Mâu thuẫn loại này thường thể hiện qua những vi thường không diễn tả thành lời; có thể là tình trạng lạnh lùng hay tránh tiếp xúc. Mâu thuẫn liên vị thường khó tránh khỏi và phải được giải quyết sao cho duy trì nhóm trong tình trạng tốt nhất.

Có một vài vấn đề xảy ra liên quan đến điều này. Người ở vị trí này thì không chịu thực hiện theo hệ thống đề ra. Cá nhân khác đứng ở vị trí đối kháng có thể sống mà không cần nối lại lỗ hổng tương quan đang xảy ra. “Họ đã trưởng thành đủ” hay “thời gian sẽ giải quyết” là những lỗi thường xảy ra. Một số mâu thuẫn liên vị của chúng ta đôi lúc còn bị phức tạp hoá vì một truyền thống tổ chức xưa cũ, là thuyên chuyển cá nhân đi nơi khác thay vì giải quyết các vấn đề cá nhân và cộng thể của họ. Như thế, càng làm ảnh hưởng sâu xa hơn đến nhiều thành viên, ngay cả đến những người đời cộng tác trong các hoạt động của chúng ta.

Mâu thuẫn liên quan đến phương pháp và tiến trình

“Mâu thuẫn tiến trình” tồn tại khi các thành viên trong nhóm bất đồng về cách thức hoàn thành mục tiêu của nhóm. Trong trường hợp của chúng ta, chúng ta thường có những cách “truyền thống” để thực hiện. Việc sắp xếp thời gian để làm rõ các tiến trình, hình thức và truyền thống, thậm chí phải cập nhật một vài điều nếu cần thiết sẽ là điều tốt. Nhiều lần, những người mới đến với ý tốt lại đe doạ phá bỏ sự đều đặn đã có, khi đề nghị một vài điểm thích nghi hay phương thức khác. Trong khi những Tu hội “lâu đời” như của chúng ta thường không bao giờ quá vội vàng thử những ý tưởng mới, chúng ta cũng không nên quá chậm chạp trong việc nhận ra những sự đổi mới hiệu quả và đáng giá.

Những nguyên nhân mâu thuẫn

Mâu thuẫn có thể kéo theo việc đe doạ đến những giá trị. Các thành viên cộng đoàn tu trì có thể tranh cãi với nhau về việc cắt nghĩa các luật lệ, tính chính xác của việc thực hành, những giải pháp phóng khoáng hay những khuynh hướng quá mức.

Mâu thuẫn có thể xảy ra liên quan đến mục tiêu hay cách thực hiện sứ mệnh. Trong khi hầu hết mâu thuẫn là kết quả của của  việc có mục tiêu đối lập nhau, thì vẫn có một số xung khắc nảy sinh từ những cách thức khác biệt để đạt tới cùng mục tiêu.

Mâu thuẫn liên quan đến chính sách hay những khác biệt khi áp dụng quy luật

Một số căng thẳng xảy ra khi các cộng đoàn của chúng ta phát triển và những thực tại mới xuất hiện.

Mâu thuẫn cũng có thể ảnh hưởng đến cách hành xử: một sự thay đổi trong cách hành xử mà chúng ta không định trước hay không thích ứng kịp đó là chấp nhận “sự mới mẻ” của người anh em (với kinh nghiệm và tiến trình đào luyện mới), họ có thể có những lối suy nghĩ, lối nhìn và thực hiện sứ mệnh rất khác với chúng ta.

Những khía cạnh tích cực của Mâu thuẫn

Mâu thuẫn có những hậu quả thống nhất và không thống nhất

Không phải tất cả mọi mâu thuẫn đều xấu và không phải tất cả mọi sự hợp tác đều tốt. Nhưng khi nói mâu thuẫn có những hiệu quả tích cực, chúng ta không có ý cổ võ mâu thuẫn như một tiến trình thường xuyên để đạt tới những kết quả tích cực.

Người ta vẫn có khuynh hướng xem mâu thuẫn là một sức mạnh tiêu cực chống lại sự hoàn thành mục tiêu của nhóm hay cộng đoàn. Mâu thuẫn có thể nguy hiểm nhưng cũng có một số chức năng tích cực tiềm ẩn, tùy thuộc vào những cá nhân liên quan trong khi xảy ra vấn đề. Không phải mọi loại mâu thuẫn đều đem lại lợi ích cho nhóm, và mâu thuẫn có thể không đem lại cùng một chức năng cho mọi nhóm. Nhưng việc giải quyết tốt mâu thuẫn có thể thực hiện và đem lại hiệu quả tích cực cho các nhóm.

Có 3 hiệu quả tích cực của mâu thuẫn:

1.      Gia tăng phẩm chất của những quyết định.

2.      Thúc đẩy sự tham gia thảo luận.

3.      Xây dựng các mối tương quan và sự gắn kết nhóm.

Mâu thuẫn có thể làm tăng lên phẩm chất của những quyết định. Giả sử một cộng đoàn đang thảo luận về việc nhận học sinh vào trường. Một thành viên không tán thành về số lượng học sinh. Vậy phải làm gì? Các thành viên sẽ tiếp tục khẳng định lại những quyết định trước hay sao? Đa số là các thành viên phải tìm thêm thông tin để giải quyết mâu thuẫn. Dữ liệu mâu thuẫn nhau sẽ phát sinh nhu cầu tìm thêm thông tin hỗ trợ.

Bài học truyền thông: chúng ta hãy học biết diễn tả ý kiến hoặc sự phản đối trong một cách thức mang tính xây dựng nhiều hơn và đối đầu ít hơn. Chúng ta hãy tìm thêm thông tin để làm cho quyết định được thực hiện tốt hơn

Mâu thuẫn giữa các thành viên có thể làm gia tăng sự tham dự trong mỗi nhóm khi các thành viên hợp nhất trong một mục tiêu chung. Tuy nhiên, chúng ta luôn phải nhớ rằng những mâu thuẫn không kiềm chế được có thể thúc đẩy việc đào luyện của nhóm với những ý tưởng trái ngược nhau. Những thời điểm sau mâu thuẫn cũng phải được theo dõi và xem xét. Quá tin vào khả năng “tự chữa lành” của các cộng đoàn cũng có thể nguy hại. Những mâu thuẫn bên trong khiến các nhóm tranh đấu không còn chia sẻ những giá trị cơ bản, sẽ đe doạ những mối tương quan tốt và thậm chí còn làm gián đoạn công việc nữa.

Một trong những “phản ứng phụ” rõ ràng của mâu thuẫn trách nhiệm và hoạt động chính là sự sôi nổi. Mặc dù vẫn có một số cảm giác tiêu cực khi mâu thuẫn xảy ra, nhưng chúng cũng là bằng chứng của sự tham dự đông đảo. Thành viên của nhóm nóng giận cũng được nhưng ít ra là họ đã tham gia vào thảo luận nhóm. Một sự tranh luận đúng có thể là liều thuốc hiệu quả cho sự thờ ơ lãnh đạm. Sự tham dự của cá nhân sẽ giúp cho nhóm ngày càng gắn bó với nhau hơn.

Bài học truyền thông: chúng ta hãy sắp xếp để luôn có sự tham dự. Chúng ta hãy cung cấp những không gian gặp gỡ và giải quyết mâu thuẫn. Một sự hoà quyện tốt giữa sự tranh đua lành mạnh và hợp tác sẽ xảy ra.

Mâu thuẫn có thể dẫn đến những tương quan tốt hơn và sự gắn bó nhóm sâu xa hơn, giúp cho các thành viên và nhóm khác nhau trong cộng đoàn xích lại gần nhau khi họ hợp nhất để giải quyết một mối nguy chung. Điều đáng buồn là khi một mối nguy chung lại được làm hoà.

Chúng ta đã nói ở trên rằng việc xây dựng sự hợp nhất nhóm qua mâu thuẫn liên vị không phải là con đường của chúng ta. Tuy nhiên, nếu nó xảy ra thì cũng không được phép để nó kéo dài quá lâu. Giả như một thành viên trở nên vô cùng giận dữ trong một cuộc thảo luận nóng nảy và xúc phạm đến một thành viên khác cách trực tiếp hay gián tiếp; nếu sự tín nhiệm cá nhân và nhóm vẫn còn tồn tại và thành viên vừa nêu trên không để ý đến sự loại trừ đó, nhóm có thể tăng trưởng qua sự xung khắc trên. Các thành viên trong nhóm học biết rằng họ có thể có khó khăn với nhau, ngay cả những va chạm về tính khí và nhóm làm việc nữa, nhưng phải giải quyết chúng. Đối với những ai biết khéo léo tách rời việc tranh luận ra khỏi những tấn công vào cá nhân, họ sẽ tìm được những lời đầy ý nghĩa: “Nhóm biết đấu tranh với nhau sẽ biết ở lại với nhau”.

Những hậu quả tiêu cực của mâu thuẫn

1.      Mâu thuẫn có thể gia tăng sự cay đắng, ghét bỏ và chia rẽ trong nhóm (cùng lớp hay cộng đoàn) và có những hậu quả kéo dài đến sự hợp tác trong tương lai giữa cá nhân và những người có quan điểm đối lập.

2.      Mâu thuẫn trong nhóm hay cộng đoàn thường dẫn đến căng thẳng bên trong và đổ vỡ.

3.      Sự bận tâm của các thành viên có thể làm xao lãng mục tiêu và hướng năng lực cũng như bận tâm đó thành mâu thuẫn.

Cách chúng ta quen dùng

Là một tu sĩ, việc đào luyện và cơ cấu của chúng ta thông thường sẽ giúp phát triển sợi dây gắn bó cho phép mọi anh em cảm thấy mình được tham dự mạnh mẽ và ý thức thuộc về. Chúng ta có một vài loại “vòi phun nước cứu hoả tự động” để hạ nhiệt mâu thuẫn và những cảm xúc hận thù được xem là mối đe dọa cho sự hợp nhất cộng đoàn. Nhưng ngay cả khi Hệ thống dự phòng được áp dụng theo cách này cũng có thể có những hậu quả tiêu cực. Những cảm giác thù địch không nói ra được có thể dồn nén lại và bùng phát vào một lúc nào đó. Nếu mâu thuẫn nổ ra lập tức, nó có thể khá mạnh. Theo các nhà khoa học xã hội Coser và Rosenberg, chúng có thể xảy ra vì 2 lý do:

* Mâu thuẫn xảy ra không chỉ để giải quyết vấn đề ngay lúc đó nhưng nó là hệ quả tất yếu của những mối bất bình mà trước đó đã bị từ chối khi diễn tả.

* Tính cách của các thành viên trong nhóm ảnh hưởng đến chiều hướng của cuộc đấu tranh và có thể đe doạ tận gốc rễ của mối tương quan. Phải lưu ý rằng các nhóm gắn kết chặt chẽ có khuynh hướng làm lắng dịu mâu thuẫn ngay, nhưng cũng có trường hợp xảy ra là nhóm càng gần gũi với nhau thì mâu thuẫn càng mạnh.

Vì thế, chúng ta cần phải nhìn thật kỹ “hệ thống” của chúng ta để ngăn ngừa những sự dồn nén căng thẳng có thể dẫn đến thù hận. Tôi bảo đảm rằng có một số truyền thống tu đức khiến chúng ta tập trung chú ý vào những điều kiện có thể dẫn đến “sự tan vỡ” và giới hạn những mâu thuẫn vào những sự kiện xảy ra.

Tóm tắt ảnh hưởng của mâu thuẫn, có thể nói rằng có nhiều ảnh hưởng khác nhau không thể đoán trước được. Nhìn chung, mâu thuẫn có thể:

* Nguy hiểm cho cá nhân và nhóm

* Có những kết quả tích cực

* Giúp vạch rõ và làm sáng tỏ những vấn đề của cộng thể để gia tăng phẩm chất của những quyết định

* Làm tăng sự cay đắng, ghét bỏ và chia rẽ

* Gia tăng sự hợp nhất, gắn bó và liên đới trong nhóm

* Kiện cường những biên giới của nhóm

* Làm suy yếu hoặc phá đổ nhóm

* Gia tăng căng thẳng trong nhóm hoặc giữa các nhóm

* Tái cấu trúc nhóm

* Dẫn đến sự liên kết với các nhóm khác

* Phá vỡ những kênh hợp tác bình thường

* Trở thành bạo lực

Như chúng ta biết, mâu thuẫn có một vài khía cạnh tích cực. Tuy nhiên, mâu thuẫn mang tính phá đổ khi nó làm tiêu hao năng lực của các thành viên. Nó có thể làm nhiễu tiến trình của nhóm và tạo nên nhiều sự thù địch giữa nhau, khi các thành viên trong cộng đoàn trở nên bất mãn và không thể làm việc chung với người khác.

Trong khi vẫn có nhiều nghiên cứu về việc tổ chức và mâu thuẫn, tôi thực sự ao ước chúng ta là tu sĩ phải quan tâm một cách nghiêm túc xem KHI NÀO, Ở ĐÂU VÀ TẠI SAO MÂU THUẪN XẢY RA trong các cộng thể, để khéo léo ngăn ngừa chúng trước khi xảy ra.

Điều tiết mâu thuẫn bằng truyền thông

“Truyền thông” đối với bạn là gì?

Truyền thông bao gồm cả lĩnh vực khoa học lẫn tôn giáo. Lawrence Frey, Carl Botan, Paul Friedman và Gary định nghĩa truyền thông bằng cách diễn tả bản chất của tiến trình mà không thành kiến với bất kỳ hình thức kiểm soát nào:

Truyền thông là kiểm soát những sứ điệp vì mục đích tạo nên ý nghĩa.

Định nghĩa này cho chúng ta ý nghĩa lẫn động lực để giải quyết các mâu thuẫn.

Trong phần cuối này, tôi ước muốn thảo luận về cách tiếp cận với những giải pháp nhằm mục tiêu kích thích sự tham sự và ao ước phát huy những kỹ năng hữu hiệu khi đương đầu với mâu thuẫn. Trong những tổ chức như cộng đoàn tu trì của chúng ta rất tự hào với những thành ngữ như “tinh thần gia đình, đức ái huynh đệ, sự hiệp thông và  đoàn sủng thân tình”, việc giải quyết mâu thuẫn không chỉ là một chiến lược. Nhưng nó nói lên “chúng ta là ai và chúng ta sống cho điều gì”. Không phải chỉ là cách thức thực hiện sứ vụ của chúng ta, nhưng ngay cả nội dung của sứ vụ (mà phương tiện truyền đạt chính là những sứ điệp). Không thực tập điều này giữa chúng ta với nhau sẽ vừa làm giới hạn khả năng quản lý tốt các nhóm được trao phó, vừa làm cho chúng ta không trung thành với căn tính của mình.

Những tổ chức tu trì được khuyến khích “xoay sở mâu thuẫn theo hướng xây dựng bởi lẽ sự mâu thuẫn không bao giờ có thể tự giải quyết hoàn toàn”. Tôi biết rằng từ “xoay sở” làm cho nhiều người trong chúng ta khó chịu, cũng như những từ “lên kế hoạch, tổ chức, sắp đặt” đã từng gây khó chịu như thế.  Nhưng nếu chúng ta cứ tránh những từ ngữ như thế và những quy tắc của nó cũng gây nên những vấn đề. Chúng ta cần phải đối diện với sự thật khi mâu thuẫn xảy ra, chúng ta cần phải xoay sở sao cho nó trở nên tích cực chứ không để sức mạnh tiêu cực đe doạ phá huỷ cộng đoàn và mục tiêu của chúng ta.

Nhà khoa học xã hội Boulding nêu ý kiến về cách mà hầu hết cá nhân và tổ chức giải quyết mâu thuẫn:

(1)  Không truyền thông = tránh

(2)  Truyền thông kiểu quyền bính = chinh phục

(3)  Truyền thông đối thoại = giải pháp từng bước, bao gồm cả việc hòa giải và/hoặc dàn xếp và/hoặc thưởng phạt

Tránh mâu thuẫn thường dẫn đến sự thù địch gia tăng và sau đó gây ra những vấn đề trầm trọng hơn cho cả nhóm.

Hơn nữa, đối với một tu hội như chúng ta luôn đề cao phương pháp (và linh đạo) “Hệ thống Dự phòng”, chúng ta phải có khả năng không chỉ ngăn cản mâu thuẫn trước khi xảy ra, nhưng còn có khả năng “chụp” lấy nó khi nó còn “mới chớm”. Chúng ta phải xấu hổ nếu để cho những tình trạng mâu thuẫn cứ tiếp tục phát triển đến không kiểm soát được trước khi bắt tay vào giải quyết, khi đó mọi sự đã quá trễ để có thể giải quyết cách êm đẹp và bằng những phương thế huynh đệ.

Chinh phục hay loại trừ thường là cách giải quyết của những thế kỷ trước đây. Theo ý kiến của tôi thì không nên hoặc hoạ hiếm mới sử dụng cách này trong thời đại hôm nay. Một vài cơ hội có thể mời gọi sự vâng phục theo truyền thống xưa. Hy vọng là việc làm này phải đi kèm với sự phân định rõ ràng.

Giải pháp hoà giải và/hoặc dàn xếp là cách hợp tác phổ thông và phù hợp với Hiến luật của các dòng tu[1]; và cũng là phương pháp phù hợp nhất trong những chương trình phát triển cộng đoàn. Nó cũng là phương pháp tốt nhất cho chính chúng ta.

Xin giới thiệu thoáng qua về giải pháp đối thoại khi giải quyết mâu thuẫn bên trong và giữa các thành viên cộng đoàn:

1.      Nhận biết và ý thức mâu thuẫn đang tồn tại

* Đừng làm ngơ và xem như nó đã biến mất

2.      Phân tích tình trạng tồn tại

* Biết chính xác mâu thuẫn đó là gì. Nó có liên quan đến những giá trị, mục tiêu, phương tiện, phạm vi hay là liên quan đến tất cả những điều này?

* Phân tích hành vi của những nhóm liên quan: các thành viên trong nhóm/cộng đoàn.

* Tìm xem những mâu thuẫn tương tự đã được giải quyết ra sao.

3.      Tạo điều kiện truyền thông

* Mở đường cho việc thảo luận tự do và tham dự của tất cả các thành viên liên quan.

* Khích lệ truyền thông chính xác và phản hồi. Hỗ trợ thông tin và sự kiện.

* Lắng nghe và đặt câu hỏi.

* Để tự do diễn tả. Những bất đồng mang tính xây dựng không nên bị xoá bỏ.

* Duy trì mức độ làm việc lý trí, mục tiêu (chứ không phải là cảm xúc).

* Bàn luận trên sự kiện chứ không phải dừng lại ở người này hay người kia.

* Tế nhị để giữ “thể diện” cho đôi bên.

4.      Thương lượng

* Đây cũng phải là một từ dễ nghe, có lẽ vì chúng ta nghĩ rằng đức ái huynh đệ đã đủ là một giải pháp cho mọi vấn đề. Ở đây, việc khám phá những mối quan tâm chung, hay những điểm đồng nhất chung” được nhấn mạnh cách đặc biệt.

5.      Thích ứng, củng cố, khẳng định.

6.      Sống với mâu thuẫn. Không phải tất cả mọi mâu thuẫn đều có thể giải quyết.

Đôi lúc cá nhân hay nhóm không cảm thấy dễ dàng giải quyết mâu thuẫn. Có lẽ thời điểm chưa phù hợp hoặc cái giá phải trả quá cao. Giải pháp lúc đó là dàn xếp hay đầu hàng. Nếu một bên không sẵn sàng dàn xếp hay đầu hàng thì mâu thuẫn lại vẫn tiếp tục.

Một vài hay đa số các vị phụ trách cộng đoàn nhận thấy mâu thuẫn đều gây rắc rối và khó chịu. Ngay cả bề trên giỏi nhất cũng luôn tìm bình an bằng mọi giá. Nhưng không phải lúc nào trong cộng đoàn cũng có được điều đó. Học để biết sống với mâu thuẫn cũng là một nhiệm vụ thực sự của cộng đoàn. Như các nhóm có liên kết chặt chẽ đã chứng tỏ qua hàng bao thế kỷ rằng các cộng đoàn có thể sống với mâu thuẫn khi tất cả đều xác nhận nó cũng cần thiết.

Chia sẻ những điều trên, tôi hy vọng rằng đời sống cộng đoàn của nhiều người trong chúng ta mang chở một ý nghĩa rộng lớn hơn nhờ truyền thông tốt hơn. Ước chi các cộng đoàn của chúng ta trở thành một tập thể luôn tiến bước trong sự khôn ngoan. Ước chi cộng đoàn trở thành nơi mà chúng ta sau khi bị tan vỡ lại cảm thấy được yêu thương. Ước chi đời sống cộng đoàn là thời gian cử hành, trưởng thành trong tình yêu và an bình, hòa giải và tha thứ, nơi đó mỗi thành viên không chỉ cảm thấy mình phục vụ nhưng còn được anh chị em nâng đỡ. Ước chi mọi người biết lúc nào nên nói, lúc nào nên nghe, và biết lúc nào nên đọc lại hành trình.

Tôi đã bắt đầu chia sẻ với những lời của Jean Vanier, tôi cũng xin mượn lời của ông mà kết luận:

Điều quan trọng đối với tôi và mỗi người chúng ta là trưởng thành trong sự khôn ngoan của cộng thể, không bao giờ nép mình sau những lời sáo rỗng, luật lệ, nguyên tắc. Sự trưởng thành có nghĩa là lắng nghe Thiên Chúa cách liên tục và sâu xa, lắng nghe con người và cộng đoàn, vì tất cả đều trưởng thành và sống qua những khủng hoảng và căng thẳng, để có thể sinh hoa trái và trao ban sự sống.

Cầu chúc cho mỗi người chúng ta biết đầu tư hồng ân mà Thiên Chúa ban để truyền thông cách sâu xa, làm cho cộng đoàn chúng ta sống và làm việc, luôn canh tân ý thức của chúng ta về những điều bất ngờ và kỳ diệu.

 



[1] Ngày càng có nhiều tổ chức tìm kiếm không chỉ những phương pháp nhưng cả những cách tổ chức truyền thống của dòng tu bởi lẽ họ thấy hiệu quả cao và hữu hiệu.

In ngày: 24/11/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print