THÁNG HOA: DÂNG KÍNH ĐỨC MẸ MARIA (ngày 14)
***
CẦU CHO NHỮNG NGƯỜI ĐANG NGÃ LÒNG
HOẶC ĐỊNH TÂM LÌA BỎ GIÁO HỘI
XIN CHO HỌ BIẾT NHÌN LÊN MẸ
ĐỂ HIỆP THÔNG CÁC ĐAU KHỔ VÀ BÓNG TỐI ĐỨC TIN
ĐANG ĐÈ NẶNG TÂM HỒN HỌ
VỚI BẢY SỰ THƯƠNG KHÓ MẸ PHẢI CHỊU VÌ TỘI LOÀI NGƯỜI
***
NGÀY MƯỜI BỐN
ÐỨC MẸ LÀM GƯƠNG ĐỨC KHÓ KHĂN
1. Từ thuở nhỏ, Ðức Mẹ đã hiểu biết giá trị đức khó khăn, nên Người khấn giữ nhân đức ấy từ lúc còn thơ ấu. Theo Linh mục Casiniô: Ðức Mẹ thuộc dòng họ vua Ðavít, nên Người dâng vào đền thờ và làm phúc cho kẻ khó khăn, chỉ giữ lại một phần nhỏ để nuôi mình.
Chính Ðức Mẹ đã nói sự ấy cho chị Brigitta rằng: “Mẹ đã khấn giữ đức khó khăn từ thuở nhỏ, của cải cơ nghiệp ông cha để lại, Mẹ đã phát cho người nghèo khó cả”.
Thánh Giuse, bạn Người cũng là người khó khăn. Vàng bạc ba vua dâng lúc sinh Chúa trong hang Belem, Người cũng dùng để giúp đỡ người nghèo đói.
Khi dâng Chúa Con vào đền thờ, Ðức Mẹ theo thói người túng nghèo, lấy đôi chim câu để chuộc con.
Chẳng những Ðức Mẹ không xấu hổ, không giấu mà còn muốn người đời biết mình là người nghèo khó nữa.
Lúc sinh Chúa Giêsu, khi đem Người trốn, Ðức Mẹ đã chịu thiếu thốn mọi sự.
Sau khi Chúa về trời, Ðức Mẹ sống một đời thiếu thốn với môn đệ Gioan. Khi chết chỉ có áo cũ trối lại cho chị em họ mà thôi.
2. Người đời hay miệt thị khinh chê người nghèo đói. Tục ngữ rằng: “Người đời chuộng của chuộng công. Nào ai có chuộng tay không bao giờ”.
Thật, chẳng nhân nghĩa gì hơn nhân nghĩa tiền.
Thói đời thì thế, nhưng Chúa Giêsu, là Chúa của mọi vật thì trái hẳn lại. Người phán: “Phúc cho người khó khăn, vì Thiên đàng là của họ”.
Chẳng những Chúa khen cùng chúc phúc cho người khó khăn mà chính Chúa đã sống cuộc đời khó khăn hơn ai hết, từ khi sinh trong hang đá Belem, đến lúc chết gục trên thánh giá, không còn một tấm vải che thân.
Vậy nếu ta gặp bước khó khăn, ta hãy lấy làm vinh dự vì được sống cuộc đời như Chúa và Ðức Mẹ xưa. Hơn nữa, ta hãy xem, biết bao đấng thánh đã từ biệt phú quý, sang trọng để sống cuộc đời nghèo khó noi gương Chúa và Ðức Mẹ.
Nếu Chúa ban cho ta giàu có, dư dật, ta đừng đem lòng trìu mến quá lẽ. Hãy dùng nó mà giúp đỡ kẻ bần hàn. Hãy dùng nó như chiếc thang giúp ta bước lên thiên đàng. Ai làm phúc cho người nghèo khổ, ấy là cho Thiên Chúa vậy, sau này Chúa sẽ trả lại bội hậu trên thiên đàng.
Lạy Mẹ, xin Mẹ giúp chúng con sống cuộc đời khó khăn, không mê tham của cải hư hèn, một biết dùng nó cho đẹp lòng Chúa và giúp ích cho hồn và xác chúng con.
Thánh tích
Có nhiều tích chuyện làm chứng Ðức Chúa Giêsu giả làm người hành khất.
Lúc Thánh Mactinô còn thanh niên và chưa trở lại đạo: thời kỳ tại ngũ, đóng ở tỉnh Ambianô (nước Pháp), gặp một người hành khất tả tơi. Người này xin Mactinô chiếc áo vì đang mùa đông giá lạnh, Mactinô thấy y rét run cầm cập khốn nạn quá, động lòng thương. Nhưng tiền không có, Mactinô liền tuốt gươm cắt đôi áo đang khoác cho y một nửa.
Ðêm sau, lúc đang ngủ, Mactinô thấy Chúa Giêsu mặc nửa chiếc áo khoác, đã cho người hành khất hôm trước, hiện ra cùng với các sứ thần chầu chực chung quanh. Ðồng thời nghe thấy Chúa nói cùng sứ thần: “Nửa áo này, là của Mactinô, bổn đạo mới, chưa rửa tội đã cho ta đấy”. Nói đoạn Chúa biến đi.
Bấy giờ, Mactinô hiểu biết ngay: làm phúc cho người nghèo khổ cũng là như giúp đỡ chính Chúa Giêsu vậy.
Sau đó, nhờ ơn Chúa giúp, Mactinô chịu rửa tội, rồi từ biệt thế gian dâng mình cho Chúa, sau làm giám mục, khuyên được nhiều người trở lại đạo. Mactinô sống thánh thiện, sau được phong thánh và làm nhiều phép lạ.
Ngày xưa, Ðức Giáo hoàng Grêgôriô Cả và Thánh Luy, vua nước Pháp có lòng thương yêu người nghèo khó lắm. Cứ ngày thứ bảy các ngài dọn tiệc cho họ ăn mà chính mình giúp bàn như tôi tớ.
Phần chúng ta có hết tình thương giúp kẻ nghèo khổ không?
TÔN VINH CẢM TẠ MẸ MARIA
ĐẤNG PHÙ HỘ UY QUYỀN TRONG NHỮNG LÚC TUYỆT VỌNG
Lòng tôn sùng yêu mến chuỗi mai khôi luôn giữ một vai trò đặc biệt trong đời sống Giáo Hội. Tình đại chúng của chuỗi mai khôi đã thăng trầm từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhưng trong những thời biến loạn, tín hữu Công giáo luôn quay về với chuỗi mai khôi. Chuỗi mai khôi không phải là sự tôn sùng bình thường. Nó là một vũ khí đầy quyền uy, có khả năng đánh bại những kẻ thù không đội trời chung của Kitô giáo. Người Công giáo luôn có thói quen chạy đến tìm nương náu nơi Mẹ Maria trong những lúc khó khăn. Ước mong các quốc gia Kitô giáo ngày càng trung thành với việc lần chuỗi mai khôi, với việc sùng kính ấy mà cha ông chúng ta có thói quen thực hành.
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
Triều yết chung tháng 10-2008