Print  
Hôn khi chúc bình an
Bản tin ngày: 28/08/2012   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
EMTY (RÔMA, 28-8-2012, Zenit.org) - Một độc giả ở Canberra, Úc, nêu câu hỏi: Vị hôn thê của tôi và tôi đã nhìn thấy các cặp vợ chồng, khi chúc bình an trong thánh lễ, đã trao cho nhau nụ hôn trên má thay vì bắt tay. Vị hôn thê của tôi thích ý tưởng này như là một dấu hiệu đặc biệt giữa các cặp vợ chồng. Đây có phải là điều nên khuyến khích, hay nên ngăn cấm? Mối quan tâm duy nhất của tôi là việc đó có thể là một lời chúc độc quyền (mà tôi không thể chia sẻ với những người khác) khi việc chúc bình an được coi là một cái gì đó mà bạn cần chia sẻ với những người xung quanh.

Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, Giáo sư Phụng vụ tại Đại học Regina Apostolorum, giải đáp:

Các quy định rất cởi mở đối với cách thức chúc bình an. Bản Hướng dẫn Tổng quát trong Sách Lễ Rôma, số 82, viết:

“Nghi thức Chúc Bình an là việc mà Giáo Hội mong muốn sự bình an và hiệp nhất cho Giáo Hội và cho toàn thể gia đình nhân loại, và tín hữu bày tỏ với nhau sự thông hiệp trong Giáo Hội và thể hiện tình bác ái lẫn nhau trước khi kết hiệp trong Bí tích Mình Thánh Chúa”.

“Về việc chúc bình an cho nhau, cách thức này được Hội đồng Giám mục đặt ra sao cho phù hợp với văn hoá và phong tục của từng dân tộc. Tuy nhiên, điều thích hợp là mỗi người trao cử chỉ chúc bình an cho những người gần nhất và với một thái độ chừng mực”.


Đối với Bản Hướng dẫn Tổng quát này, Huấn thị Redemptionis Sacramentum nói chi tiết hơn: “[số 72] Điều thích hợp là mỗi người trao cử chỉ chúc bình an cho những người gần nhất và với thái độ chừng mực. Linh mục có thể thực hiện cử chỉ chúc bình an cho các thừa tác viên nhưng luôn ở trên cung thánh, để không làm trở ngại việc cử hành phụng vụ. Linh mục làm cử chỉ đó chỉ vì một lý chính đáng là ngài muốn mở rộng cử chỉ chúc bình an với một số ít tín hữu’. Liên quan đến việc chúc bình an cho nhau, cách thức này được Hội đồng Giám mục đặt ra sao cho phù hợp với tâm tính và phong tục của tín hữu, và cách thức đó phải được Toà Thánh công nhận”.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong Tông huấn Sacramentum Caritatis đã đưa ra những phản ánh sau đây trong sự soi sáng của Thượng Hội đồng Giám mục năm 2005 về Thánh Thể: “Dấu chỉ Bình an”.

“[49] Tự bản chất, Thánh Thể là bí tích bình an. Trong Thánh Lễ, chiều kích của Mầu nhiệm Thánh Thể thể hiện cách cụ thể qua cử chỉ chúc bình an. Hẳn nhiên, cử chỉ này có giá trị cao đẹp (x. Ga 14,27). Trong thời đại của chúng ta, vốn đầy dẫy sợ hãi và xung đột, cử chỉ này trở nên đặc biệt hùng hồn, khi Giáo Hội ngày càng ý thức được trách nhiệm của mình để thành khẩn cầu xin ơn bình an và hiệp nhất cho Giáo Hội và cho toàn thể gia đình nhân loại. Chắc chắn có một niềm khao khát bình an khôn nguôi luôn ngự trị trong tâm hồn mọi người. Giáo Hội bày tỏ niềm hy vọng cho bình an và hoà giải được gia tăng nơi mọi người nam nữ thiện chí, hướng đến Đấng là Nguồn Bình An của chúng ta” (Ep 2,14), Đấng có thể đem bình an đến từng cá nhân và các dân tộc khi tất cả những nỗ lực của con người không đạt được. Vì thế, chúng ta có thể hiểu được những cảm xúc thường được thấy trong các cử chỉ chúc bình an trong cử hành phụng vụ. Dù vậy, Thượng Hội đồng Giám mục đã có những cuộc thảo luận về sự phù hợp và hạn chế hơn trong cử chỉ này, là cử chỉ có thể bị phóng đại và gây ra sự chia trí cách nào đó trong cộng đoàn ngay trước khi Rước Lễ. Nên nhớ rằng không mất mát gì khi cử chỉ chúc bình an biểu lộ sự chừng mực nhằm giữ bầu khí trang nghiêm trong khi cử hành phụng vụ, chẳng hạn như khi cử chỉ này giới hạn chỉ với những người bên cạnh”.

Sau khi Thượng Hội Đồng có một số thảo luận và tham vấn rộng rãi về khả năng thay đổi thời điểm chúc bình an, kết quả chung không thuyết phục và có khuynh hướng chung là giữ vị trí truyền thống trước khi Rước Lễ.

Từ những tài liệu trên, chúng ta có thể nói như sau:

- Nếu Hội đồng Giám mục đã đưa ra quy định về hình thức thể hiện cử chỉ chúc bình an, và quy định này được Toà Thánh công nhận, thì hình thức này là bắt buộc.

- Nếu các giám mục không đưa ra quy định, thì khi ấy cử chỉ chúc bình an cần được thực hiện theo phong tục địa phương, tới những người gần nhất, và trong một cách thức chừng mực.

- Phong tục địa phương có thể khác nhau. Ở một số nước, một cái cúi đầu kèm theo nụ cười là phổ biến, ở những nơi khác lại là một cái bắt tay, ở những vùng khác thì mọi người cùng nắm tay nhau và cúi chào.

- Cũng có thể lập luận rằng trong một số nền văn hoá, một nụ hôn nhẹ trên má giữa vợ chồng là một cử chỉ thích hợp, trong khi một cái bắt tay vẫn là cử chỉ chính thức. Các phong tục địa phương cũng có thể ghi nhận sự biểu lộ khác biệt trong các cử chỉ của những người thân trong gia đình hoặc với người khác, miễn là cử chỉ đó không gây khó chịu.

Nói cách khác, không có lý do lý giải tại sao cử chỉ phải có tính cách phổ biến nếu phong tục địa phương sẵn sàng chấp nhận sự khác biệt, miễn là tránh những cử chỉ không cần thiết và quá đáng.


Cao Nguyên
In ngày: 28/03/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print