Một mùa Vu Lan báo hiếu nữa lại về, mời quý thính giả cùng Hoà Ái lắng lòng nghe tâm sự của những người con dành cho đấng sinh thành của mình.
Mẹ già như chuối ba hươngMở đầu là lời bộc bạch của một người con vừa chập chững bước chân vào đời mà không có mẹ dắt tay đi cùng.
“Em nghĩ tới mẹ em lúc em đi học về, lúc em đói bụng. Nghĩ hồi trước về nhà, đi học về, có mẹ nấu đồ ăn, có cơm sẵn cho mình ăn. Bây giờ, đi học về, ngồi gặm bánh mì thui thủi một mình hay nấu mì gói. Em nhớ mẹ trong lúc đi làm, khi bị người ta nói này nói kia. Mình nghĩ lúc ở nhà, ba mẹ la mình thì mình giận, nghĩ là không thương mình. Rồi bây giờ, đi ra ngoài đi làm, người ta khó khăn với mình thì mình cũng phải chịu thôi, không nói lại được. Nên nghĩ lại thấy thương nhớ mẹ.”Lời tâm tình vừa rồi của cô bạn nhỏ Kiều Hạnh cũng là tâm sự của nhiều bạn trẻ - những chú chim non vừa bay ra khỏi tổ, tự một thân một bóng phải vật lộn, chống chọi lại mọi thứ để tồn tại trong khoảng không gian bao la vô tận mà trước đây bầu trời xanh trong với những ước mơ bay bổng từng thu hút và đầy quyến rũ để các chú chim luôn khao khát mau được bay ra khỏi tổ một cách tự do, độc lập.
Trong suy nghĩ non tơ khi còn nhỏ, cô bé Kiều Hạnh không định nghĩa được thương yêu mẹ là như thế nào. Tuy nhiên, mỗi khi bụng đói và nghe câu hát “mẹ già như chuối ba hương, như xôi nếp một, như đường mía lau” là Kiều Hạnh nghĩ ngay đến mẹ. Ở cạnh mẹ, em luôn có cảm giác mẹ của em thật “ngon và ngọt” như những cây trái làng quê này.
Những ngày đầu tiên xa nhà vào đại học, cũng cảm giác nhớ mẹ da diết mỗi khi đói thì hình ảnh của mẹ không hấp dẫn như những món ăn hồi xưa nữa. Giờ đây, du học tận Hoa Kỳ, Kiều Hạnh không thể tranh thủ cuối tuần về quê để được sà vào lòng mẹ. Những giọt nước nước mắt tủi buồn nơi xứ xa khi đói lòng khiến cô gái bé bỏng này nghị lực hơn để mau sớm học hành thành tài và trở về bên mẹ dù giờ đây câu hát “mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi” luôn ám ảnh mình.
Phận mồ côiPhận mồ côi, dù không muốn cũng không được, cô Thuỷ, một đứa con lai được một gia đình giàu có ở Pleiku nhận nuôi khi người mẹ trẻ của cô mang cho lúc cô tròn 8 tháng tuổi. Là một con bé nhỏ thó với gương mặt của một người Tây phương da trắng, cô Thuỷ tự hỏi không biết có nét nào được di truyền từ mẹ của mình.
Sau ngày 30-4-1975, dù được gia đình nhận nuôi thương yêu hết lòng, nhưng cô Thuỷ phải trải qua những ngày cơ cực khốn khó của một “thân phận dư thừa” ở Việt Nam sau những ngày chiến tranh. Đời sống tình cảm thương yêu của gia đình vẫn không bù đắp được cảm giác lạc lõng, cô đơn, trơ trọi của mình.
Sau khi ổn định cuộc sống mới cùng chồng và 4 đứa con ở Hoa Kỳ, cô Thuỷ bắt đầu hành trình đi tìm mẹ. Trước khi về lại thành phố Pleiku năm 2000, cô Thuỷ đã đăng báo tìm mẹ trong suốt 2 năm ròng. Được gặp gỡ với nhiều bà mẹ cùng những lời lý giải đầy nước mắt vì sao họ phải quyết định lìa bỏ núm ruột của mình, cho đến nay, người mẹ ruột cô Thuỷ hằng ngóng trông vẫn chưa xuất hiện. Hình ảnh người mẹ không chân dung vẫn luôn hiện diện từng giây phút trong tâm tưởng của cô Thuỷ cùng với khát khao tìm mẹ vẫn luôn cháy bỏng trong lòng.
Không trách cứ, không than phiền về phần số mồ côi nhưng giờ đây là một bà mẹ đơn thân của 4 đứa con, cô Thuỷ chắc chắn một điều là cô sẽ luôn mở rộng vòng tay bao phủ che chở cho con mình dù bất cứ điều gì nghiệt ngã nhất xảy ra trong đời. Cô Thuỷ tâm tình:
“Bởi vì Thuỷ không có anh em ruột, không có cha mẹ ruột, mấy đứa con là ruột thịt của Thuỷ, rất là thương, rất là quý. Cho nên dù có gì đi nữa thì cũng ráng mà nuôi, không bỏ con mình. Mình đã thiếu mẹ và đã thiếu cha rồi, mình cũng nghĩ tới trong trường hợp như vậy thì con mình sẽ khổ như thế nào và những sự mong muốn của chúng như thế nào. Vì vậy, Thuỷ không bao giờ nghĩ tới chuyện bỏ con mình cho một người nào khác mặc dù những người xin về nuôi dưỡng chúng kỹ lưỡng.”Nỗi đau mất mẹKhông là phận nữ nhi thường được cho là yếu đuối trong cảm xúc, ca sĩ Vũ Vinh Quang thật sự bị sốc khi mẹ đột ngột từ giã cuộc đời lúc anh 20 tuổi. Chàng sinh viên năm thứ 2 đại học bị mất phương hướng và đã trốn tránh tất cả với nỗi đau mất mẹ quá lớn này. Đã hơn 15 năm trôi qua, chàng ca sĩ vẫn nhớ như in những lời nói dịu dàng của mẹ nhắc nhở con cái về phòng ngủ sớm khi cả nhà quây quần bên nhau trong đêm định mệnh ấy.
Hình ảnh mẹ vẫn bàng bạc hiện diện và theo cả vào giấc mơ mỗi đêm. Định cư ở Mỹ được 3 năm, Vũ Vinh Quang càng nhớ mẹ nhiều hơn bao giờ hết, anh chia sẻ:
“Những lúc gặp nhiều rắc rối trong cuộc sống, gặp những điều không ưng ý, hay là khi qua đây, mỗi khi làm việc vất vả quá, những lúc cảm thấy cô đơn, buồn quá thì Quang nghĩ đến mẹ nhiều. Ngay cả trong giấc ngủ, từ lúc qua đây đến giờ đã 3 năm rồi, Quang nằm mơ thấy mẹ liên tục. Nói chung, thường những lúc mình cảm thấy chán nản trong cuộc sống thì Quang hay mơ đến mẹ, giống như là mẹ tạo cho mình niềm tin động viên vậy đó.”Hai câu thơ của Trần Trung Đạo:
“Ví mà tôi đổi thời gian được Ðổi cả thiên thu tiếng mẹ cười”như nói thay ước muốn của tất cả những người con trên thế gian này. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù được ở gần đấng sinh thành mỗi ngày chia sẻ buồn vui, dù nước mắt lăn dài trên gối chiếc với nỗi lòng ngậm ngùi tiếc thương, dù hy vọng mong manh có một ngày được cất lên 2 tiếng “Mẹ ơi!” thì những người con vẫn mãi đầm ấm một tình mẫu tử thiêng liêng bất biến vì:
“Con dù lớn vẫn là con của mẹĐi hết đời lòng mẹ vẫn theo con.”