Print  
Tin tổng hợp
Bản tin ngày: 08/09/2012   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
ĐTC mời gọi các thần học gia và chuyên viên Thánh Mẫu học góp phần suy tư và đề nghị mục vụ cho Năm Đức Tin

CASTEL GANDOLFO - Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI mời gọi các thần học gia và chuyên viên Thánh Mẫu học đóng góp suy tư và đề nghị mục vụ, để cho Năm Đức Tin sắp khai mở trở thành thời điểm ơn thánh, trong đó đức tin tinh tuyền của Mẹ Maria trở thành đèn pha định hướng và là mẫu gương của sự trưởng thành Kitô.

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến tại nhà nghỉ mát Castel Gandolfo trưa 8-9, dành cho các tham dự viên Đại hội Thánh Mẫu học Quốc tế lần thứ 23. Hiện diện trong buổi tiếp kiến cũng có Đức Hồng y Angelo Amato, Tổng trường Bộ Phong Thánh, và Đức Hồng y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Văn hoá, cũng như vị chủ tịch và các giới chức của Hàn lâm viện Giáo hoàng Thánh Mẫu Quốc tế.

Đại hội có đề tài là “Thánh Mẫu học từ Công đồng Chung Vatican II. Tiếp nhận, tổng kết và các viễn tượng”. Đức Thánh Cha đã nhắc lại sự kiện Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan XXIII muốn khai mạc Công đồng Chung Vatican II vào ngày 11-10, cùng ngày Công đồng Chung Êphêxô công bố Đức Maria là “Theotókos” (Mẹ Thiên Chúa) hồi năm 431.

Đức Thánh Cha nói: Như anh chị em biết ngày 11-10 tới đây Giáo Hội cũng bắt đầu Năm Đức Tin, mà tôi đã tuyện bố với Tự sắc “Cánh cửa Đức tin”, trong đó khi trình bày Đức Maria như là mô thức, mẫu gương của đức tin, tôi khẩn nài sự che chở và bầu cử đặc biệt của Mẹ trên con đường của Giáo Hội, và phó thác cho Mẹ thời gian ơn thánh này. Hôm nay, Giáo Hội cũng vui mừng cử hành lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria, toàn thánh, rạng đông sự cứu rỗi của chúng ta.

Nhắc lại kỷ niệm là chuyên viên thần học gia trẻ tham dự Công Đồng, Đức Thánh Cha cho biết ngày 29-10-1963 các nghị phụ đã bỏ phiếu chấp nhận lược đồ trình bày gương mặt và vai trò của Đức Mẹ trong bối cảnh của Giáo Hội, thay vì cho ra một tài liệu riêng. Vì thế, Hiến chế Tín lý về Giáo Hội dành một chương để nói về Mẹ Thiên Chúa, trong đó gương mặt của Mẹ Maria được đọc lại và tái đề nghị từ Lời Chúa, từ các văn bản của truyền thống giáo phụ và phụng vụ, cũng như từ suy tư thần học và tu đức, và xuất hiện trong tất cả vẻ đẹp và sự đặc biệt lồng khung trong các mầu nhiêm nền tảng của đức tin kitô. Đức tin của Mẹ được hiểu trong mầu nhiệm tình yêu và sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Sự cộng tác của Mẹ vào chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa và vào sự trung gian duy nhất của Chúa Kitô được khẳng định và đặt trong việc nhấn mạnh đúng đắn, khiến cho Mẹ trở thành mô thức và điểm quy chiếu cho Giáo Hội. Giáo Hội nhận ra nơi Mẹ chính mình cũng như ơn gọi và sứ mệnh của mình. Sau cùng, lòng tôn sùng bình dân đối với Mẹ được dưỡng nuôi bởi các quy chiếu Kinh Thánh và Giáo phụ. Tuy không trình bày tất cả các đề tài liên quan tới gương mặt của Mẹ Thiên Chúa, nhưng văn bản công đồng cung cấp chân trời giải thích nòng cốt cho mọi suy tư đến sau về thần học, cũng như tu đức và mục vụ, với sự quân bình giữa lý lẽ thần học và tâm tình mộ mến. Giờ đây, việc tiếp tục suy tư là nhiệm vụ của các thần học gia và chuyên viên Thánh Mẫu học. (SD 8-9-2012)

Buổi canh thức cầu nguyện Kitô - Hồi giáo tại thủ đô của Liban

BEIRUT - Chiều ngày 12-9 tới đây, các tín hữu Kitô và Hồi giáo sẽ tham dự buổi canh thức trong thủ đô Beirut của Liban, để cầu xin Thiên Chúa và Đức Maria che chở chuyến viếng thăm Liban của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI.

Buổi canh thức, do nhiều nhóm đối thoại Kitô và Hồi giáo tổ chức, có chủ đề là “Cùng nhau trong hoà bình, tình yêu, tự do và an ninh” sẽ diễn ra tại “Vườn của Đức Maria”, gần quảng trường Viện Bảo tàng Quốc gia Beirut. 4 đoàn bạn trẻ cầm nến sáng và cờ Liban sẽ xuất phát từ 4 hướng trong thủ đô và sẽ gặp nhau lúc 8 giờ tối tại Vườn của Đức Maria. Chương trình buổi canh thức cầu nguyện bao gồm các bài đọc cũng như các lời cầu xin cho chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI được tất cả mọi người đón nhận như một phúc lành của Chúa trên dân nước Liban.

Linh mục Antoine Dapu, Thư ký Uỷ ban Đối thoại với Hồi giáo của Hội đồng Giám mục Liban, cho biết buổi canh thức cầu nguyện cũng nhắm mục đích chứng minh cho thế giới thấy trong thời điểm lịch sử này, Liban có thể là một quốc gia của sự chung sống giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo.

Tham dự buổi canh thức cùng với các tín hữu Kitô và Hồi giáo cũng sẽ có đại diện của chính quyền và đại diện của tất cả mọi cộng đoàn tôn giáo khác trong nước.

Trong các ngày qua, trong mọi giáo phận toàn Liban đã có hàng trăm buổi cầu nguyện suy tư được tổ chức để giúp mọi người chuẩn bị tinh thần đón tiếp Đức Thánh Cha. Cha Dapu nói: Tất cả mọi người dân Liban, và tất cả mọi giới lãnh đạo chính trị, xã hội và tôn giáo, kể cả lực lượng Hezbollah, người Druse và các vị lãnh dạo chính trị Sunnít, đều chờ đợi chuyến viếng của Đức Thánh Cha, và coi đây như là một ơn lành cho đất nước Liban, giúp vượt thắng mọi chia rẽ.

Cha Marwan Tabet, người phối hợp chuyến công du của Đức Thánh Cha, cho biết cách đây 2 tháng người ta đoán Đức Thánh Cha sẽ không thực hiện chuyến viếng thăm này. Nhưng khi Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chi Toà Thánh, chính thức tái xác nhận, thì Giáo Hội và các giới chức chính quyền đã tích cực duyệt xét lại mọi chi tiết. Tuy viếng thăm Liban, nhưng Đức Thánh Cha viếng thăm toàn vùng Trung Dông. Các hãng máy bay đã quyết định cung cấp các chuyến bay đặc biệt để chở tín hữu từ các nước Giordania, Ai Cập, Irak và Syria đến Liban.

Đức cha Kyrillos William, Giám mục Công giáo Copte Assiut, cho biết tín hữu hân hoan chuẩn bị đón tiếp Đức Thánh Cha. Sự hiện diện của ngài tại Liban có ý nghĩa rất lớn đối với toàn vùng Trung Đông. Nó cho thấy Giáo Hội toàn thế giới gần gũi với các Kitô hữu Trung Đông. Tuy các Kitô hữu chỉ là một thiểu số, nhưng chứng tá tình yêu thương huynh đệ của họ rất được quý chuộng. Các cơ sở giáo dục và bác ái xã hội của các Kitô hữu phục vụ tất cả mọi người không phân biệt ai. Vì thế, hy vọng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ giúp củng cố tự do tôn giáo và đối thoại liên tôn. Tổng thống Liban đã tuyên bố ngày 15-9 là quốc lễ. (FIDES 7-9-2012; SD 7.8-9-2012)

Giáo hội Peru khích lệ đối thoại để giải quyết vụ tranh chấp tại Cajamarca

CAJAMARCA - Đức cha Miguel Cabrejos Vidarle, Tổng Giám mục Trujillo bên Peru, bày tỏ vui mừng trước quyết định của chính quyền thu hồi lệnh giới nghiêm trong vùng Cajamarca, và ngài khích lệ các phe liên hệ đối thoại để giải quyết các tranh chấp.

Từ nhiều tháng qua, dân chúng vùng Cajamarca đã kịch liệt chống lại chương trình khai thác một loạt các quặng mỏ của hàng Mỹ Conga trong vùng, vì họ sợ chúng làm ô nhiễm các nguồn nước và môi sinh. Các vụ đụng độ giữa dân chúng và các lực lượng an ninh đã khiến cho nhiều người bị thiệt mạng và bị thương. Tình hình căng thẳng đã khiến cho chính quyền ra lệnh giới nghiêm.

Trong một thông cáo công bố những ngày vừa qua, Đức Tổng Giám mục Cabrejos mời gọi mọi phe liên hệ trong vụ này cố gắng tiếp tục cuộc đối thoại để phân tích các vấn đề còn tồn động liên quan tới sự tiến bộ và hạnh phúc của người dân toàn vùng Cajamarca. Tin địa phương cho biết ngày 12-9 này dân chúng toàn vùng sẽ tổ chức một cuộc biểu tình lớn chống chính quyền. Hiện nay cảnh sát chống bạo động vẫn trấn ngữ nhiều nơi trong thành phố Cajamarca. (FIDES 7-9-2012)

Giáo hội Bolivia cử hành Ngày Di cư và Tị nạn

SANTA CRUZ - Chúa Nhật 9-9 hôm nay, Giáo hội Bolivia cử hành Ngày Di cư và Tị nạn với chủ đề “Di cư và tái truyền giảng Tin Mừng”. Đức Hồng y Julio Terrazaz TGM Santa Cruz sẽ chủ sự thánh lế bế mạc vào ban chiều, theo sau là hội chợ do Văn phòng Mục vụ cho Người Lưu động tổ chức.

Bà Maria Videla, Đặc trách Văn phòng Mục vụ Toàn quốc cho Người Lưu động, cho biết tín hữu Bolivia đi tới đâu cũng đem theo đức tin, lòng đạo đức và các giá trị văn hoá tôn giáo tới đó. Hiện nay, có ít nhất hơn 3 triệu người Bolivia sống tại hải ngoại, đông nhất là bên Argentina với 1,2 triệu, Brasil, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ 600.000. Ngoài ra, cũmg có người di cư Bolivia sống tại các nước Thuỵ Điển, Phần Lan, và Hà Lan.

Trong các ngày này tại Santa Cruz cũng diễn ra đại hội quốc tế lần thứ 4 về nạn buôn bán người, với sự tham dự của nhiều chuyên viên quốc tế đến từ nhiều nước khác nhau. Mục đích của đại hội là đề ra các đường lối trợ giúp các nạn nhân và ngăn chặn nạn buôn người tại Bolivia. (FIDES 7-9-2012)

Nạn buôn bán trẻ em tại Trung Quốc và Á châu

Ngày mồng 6-7-2012, Bộ Nội vụ Trung Quốc cho biết cảnh sát đã phá vỡ hai tổ chức buôn bán trẻ em, bắt giữ 802 người và giải thoát 181 trẻ em nạn nhân. Cuộc lùng bắt các tổ chức buôn bán trẻ vị thành niên được thực hiện trong 15 tỉnh Trung Quốc. Thông cáo Bộ Nội vụ nêu bật rằng trong số các người bị bắt giữ cũng có một số tay anh chị, lãnh tụ của các băng đảng tội phạm.

Người ta còn nhớ rằng hồi năm 2011, khi nổ ra vụ 19 thiếu nữ Hoa được cứu thoát trong khi họ đang bị đem bán sang chợ mại dâm ở Angola, Phi châu, Bộ Nội vụ Trung Quốc đã thú nhận rằng mỗi năm có hàng chục ngàn thiếu nữ và trẻ em vị thành niên được cứu thoát khỏi thị trường tình dục.

Trong các năm qua, các tổ chức buôn bán trẻ em tại Trung Quốc đã hoạt động mạnh và tổ chức chặt chẽ hơn mạng lưới buôn bán trẻ em vị thành niên. Họ lợi dụng tối đa việc đi lại trong nước đễ dàng hơn, cũng như các lỗ hổng hậu quả trầm trọng của chính sách “mỗi gia đình một con” của nhà nước cộng sản Bắc Kinh, cho phép phá thai và lựa chọn phái tính, khiến cho thế quân bình giữa con số các trẻ nam và trẻ nữ ngày càng chênh lệch, tạo ra thảm cảnh gần 50 triệu đàn ông thanh niên không cách gì kiếm ra vợ. Và tình trạng này làm nảy sinh ra thị trường buôn bán phụ nữ, một tệ nạn thê thảm khác tại Á châu, trong đó có cả Việt Nam.

Liên quan tới tệ nạn buôn bán trẻ em tại Trung Quốc, mới nhất là vụ một phụ nữ tỉnh Sa Thị có thai 7 tháng bị bắt tới nhà thương phá thai, vì chị không có tiền hối lộ để có thể giữ lại đứa con trai thứ ba một cách bất hợp pháp. Vụ này bị báo chí phanh phui và trong các ngày sau đó 2 nhân viên nhà nước liên luỵ đã chính thức xin lỗi vì hành động sai trái của mình. Họ đã mất việc vì bị sa thải ngay tức khắc, và 5 người liên luỵ khác nữa bị nhà nước trừng phạt. Nhưng qua luật sư, người chồng của bà cho biết ông đòi phải được bồi thường, và đưa các kẻ có tội ra toà.

Nạn buôn bán trẻ em tại Trung Quốc gia tăng, đôi khi là để cung cấp cho dịch vụ nhận nuôi con bất hợp pháp, hay gia tăng số trẻ em của một số cơ cấu để nhận được trợ giúp của chính quyền, nhưng nhất là để cung cấp cho thị trường mại dâm, buôn bán cơ phận người, hay công nhân nô lệ trong các hãng xưởng chui. Nghĩa là có cả một mạng lưới tổ chức tội phạm hoạt động với sự đồng loã của các cấp chính quyền và tình trạng không bị luật pháp trừng phạt.

Tuy nhiên, vài tin tức vụn vặt trên đây của Trung Quốc, một quốc gia có hơn 1,4 tỷ người, chỉ là cái chỏm nổi nhỏ xíu của núi đá băng buôn bán trẻ em khổng lồ chìm sâu dưới lòng biển Á châu, đặc biệt trong vùng Đông Nam Á.

Từ trước tới nay, Ấn Độ vẫn có nạn cha mẹ quá nghèo và nợ nần phải bán con để trả nợ. Qua đó hàng trăm ngàn trẻ em trở thành nô lệ của các chủ nhân. Các em phải làm việc như nô lệ trong các xưởng dệt thảm, và bị chủ xích chân vào máy dệt để khỏi chạy trốn. Khách hàng các nước Tây Âu mua các bức thảm dệt rất đẹp do Ấn Độ sản xuất, không hề biết rằng chúng được làm bằng máu, mồ hôi và nước mắt khổ nhục của hàng trăm ngàn trẻ em công nhân nô lệ.

Tại Trung Quốc và các nước vùng Đông Nam Á, các tổ chức buôn bán trẻ em đang từ từ trở thành một mạng lưới đa quốc gia. Đây là mạng lưới buôn bán trẻ em từ Campuchia sang Thái Lan để bắt các em sống bằng nghề ăn xin; từ Bangladesh sang Pakistan để cung cấp cho thị trường tình dục.

Đó cũng là số phận khốn khổ của các bé gái Việt Nam và Myanmar bị bán sang Campuchia và Thái Lan, hay các bé gái Nepal bị bán sang Ấn Độ để trở thành nô lệ tình dục. Ngoài ra còn có các đường dây buôn bán trẻ gái và thiếu nữ trong nội địa tại các nước như Thái Lan, Campuchia, Philippines và Ấn Độ hằng năm thu vào các khoản tiền rất lớn. Tệ nạn này cũng xảy ra bên Indonesia, nhất là từ các vùng nông thôn lên các thành phố lớn và các trung tâm du lịch.

Các trẻ gái và thiếu nữ Lào bị bán sang Thái Lan thường là để giúp việc trong các gia đình, hay làm việc trong các hãng xưởng, là một thực tại khiến cho các em chịu các số phận giống như hàng trăm ngàn trẻ em nô lệ lao động bên Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh. Trong số hàng trăm triệu người hâm mộ môn bóng đá bên Tây Âu và trên thế giới, có rất ít người biết rằng hàng chục triệu trái banh được tung vào thị trường quốc tế hằng năm có dính máu, mồ hôi và nước mắt khổ đau của các trẻ em công nhân nô lệ Pakistan và Bangladesh.

Và có hàng chục ngàn phụ nữ Việt Nam, Myanmar và Bắc Hàn bị bán sang Trung Quốc cho các vụ hôn nhân cưỡng bức, trong khi thanh niên Myanmar thì bị thu hút sang Thái Lan để bị khai thác trong kỹ nghệ đánh cá. Và sau cùng có hàng ngàn trẻ em Việt Nam bị bán sang Trung Quốc để thoả mãn thị trường nhận con nuôi bất hợp pháp. Và các mục tiêu thường là khai thác tình dục ở các nước rất xa. Đó là trường hợp các trẻ em vị thành niên Bangladesh và Pakistan bị bán sang các nước Ảrập vùng Vịnh, cũng như các trẻ em Indonesia bị bán sang Hà Lan, Đức và Áo. Trong khi các trẻ em Philippines bị bán sang Hoa Kỳ, Costa Ricca và New Zealand, và các trẻ em Thái Lan bị bán sang các thị trường Nam Phi, Đức và Thuỵ Sĩ. Thế mới biết thế giới càng văn minh duy vật bao nhiêu, thì lại càng tàn ác, man rợ, tồi bại và vô luân bấy nhiêu!


Linh Tiến Khải
RV
In ngày: 18/04/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print