Ba Linh mục người BAHNAR đầu tiên
SƠ LƯỢC TIỂU SỬ
BA VỊ LINH MỤC NGƯỜI BAHNAR ĐẦU TIÊN
THUỘC GIÁO PHẬN KONTUM
LỜI NÓI ĐẦU
Tìm hiểu và trình bày tiểu sử của ba vị linh mục người Bahnar đầu tiên là cha Giuse Châu, cha Phêrô Hiâu (Hoá) và cha Antôn Den (Học) như thành quả kết tinh những công sức trong 150 năm từ ngày khởi xướng việc truyền giáo trên vùng Tây Nguyên Kontum đến nay. Tuy nhiên, sử liệu bằng văn bản không còn bao nhiêu, do đó chúng tôi đi tìm hiểu tại chỗ nơi bà con của các ngài cũng như một số linh mục lớn tuổi trong giáo phận, hoặc dựa vào vài văn bản như Échos của giáo phận, tờ Nguyệt san Hlabar Tơbang, Mở Đạo Kontum của cha Phaolô Ban và Simon Thiệt (in tại Qui Nhơn năm 1933)... còn sót lại sau những năm chiến tranh ly loạn. Trong dịp lễ phong chức linh mục cho thầy Calistô Bá Năng Lý, chúng tôi chỉ ghi tóm lược vài nét cơ bản về bản thân của 3 linh mục Bahnar đầu tiên thuộc Giáo phận Kontum. Đi sâu vào chi tiết, chúng tôi sẽ dành cho dịp thuận tiện hơn có phần phụ lục được chú TIK và nữ tu Bernard (Dòng Ảnh Phép Lạ) giúp chúng tôi ghi nhận vào ngày đầu tháng 7 năm nay (1997).
I. MÔI TRƯỜNG ĐÀO TẠO NHỮNG CON NGƯỜI TẬN HIẾN: TRƯỜNG CUÉNOT
Thật là một bất ngờ cho chúng ta là kế hoạch đào tạo linh mục bản xứ cho vùng tuyền giáo, trong đó có người Kinh và dân tộc, được ươm từ mảnh vườn Trường Cuénot này.
Cha Jannin đảm trách việc xây dựng Trường Cuénot ngay từ khi bắt đầu xây dựng (1906) và chính thức làm bề trên Trường từ năm 1908 đến năm 1925.
Trong thời gian này, một số cha Thừa Sai được đầu tư vào việc huấn luyện mọi mặt cho các học trò nhỏ trong trường, như vào năm 1912, cha Hutinet Nhì (người dân tộc gọi là Bok Hu) dù đang phụ trách họ đạo Kon Xơmluh cũng về dạy học trại Trường. Năm 1913, ngài được thuyên chuyển đến nhiệm sở mới là Kon Xơlang; còn cha Bober (người dân tộc gọi là Bok Ber), đang phụ trách họ Kon Hngo - Phương Quý, thay cha Hutinet phụ dạy các học trò mới vào (x. Hlabar Tơbang năm 1913, số 33, tr. 82-82). Còn cha Jannin - bề trên Trường - dạy các học trò cũ, phụ giúp cha có thầy Tam; cha Bober dạy các học sinh mới vào, có các chú Luen, chú Xonh, chú Dơn phụ giúp (x. id, tr. 85). Năm 1914, Đức cha Giáo phận Qui Nhơn cho cha Demeure (Ngữ) trở lại Kontum và vào dạy Trường Cuénot (x. id, năm 1914, số 42, tr. 52). Sau đó có cha Alberty chính xứ Tân Hương đến dạy học tại Trường Cuénot. Trường Cuénot rất quan trọng và được các vị bề trên ưu tiên đầu tư công sức và nhân lực trong việc đào tạo những người phục vụ cho anh em dân tộc sau này.
Thành quả bước đầu của Trường kể từ năm 1913 là một số chủng sinh người Kinh như chú Các, chú Nhứt, chú Thận được gửi xuống Làng Sông hoặc các chú lớn như chú Ngũ, chú Thiên, chú Vững, chú Giàu được gửi xuống Đại Chủng viện Đại An (Qui Nhơn) tu học. Cũng chính từ chiếc nôi nhà trường thân yêu này, vào năm 1914, ba nam sinh người Bahnar là: Giuse Châu (vào Cuénot năm 1911); Phêrô Hiâu (tên Việt gọi Hoá, vào Cuénot năm 1912), và Antôn Den (tên Việt gọi Học, vào Cuénot năm 1912), chưa kể chú Nơng được gửi đến học tại trường Làng Sông.
II. GIA TỘC VÀ HỌ ĐẠO
Ba Trẻ người Bahnar: Châu, Hoá và Den, thuộc họ đạo Kontum, được cha sở lúc đó là cha Giuse Décrouille tuyển chọn từ những gia đình trong họ đạo. Ngài nâng đỡ, hướng dẫn và giới thiệu ba em cho cha Jannin, bề trên Trường Cuénot. Nhưng đâu là những tiêu chuẩn được cha xứ đặt ưu tiên để tuyển lựa những người linh mục tương lai sau này?
Đúng ra, cũng đã có một số em đang theo học Trường Cuénot trước ba em này. Nhưng việc tuyển lựa các em vào ơn gọi đặc biệt hơn - thiên chức linh mục - cần được nhận định, đánh giá cẩn thận từ môi trường gia đình, họ đạo và bẩm tính của các em. Ở đây, nói đến gia tộc của ba em cũng là nói đến họ đạo Kontum vì ông bà, cha mẹ của các em đã kết nối một phần chính yếu đời sống mình với việc hình thành họ đạo Kontum. Nói cách khác, các em thuộc gia đình đặc biệt và hiếm có. Các vị thừa sai rất chú ý đến khía cạnh gia tộc trong việc tuyển chọn và đề cử ba em đầu tiên vào ơn gọi linh mục. Vậy gia tộc của các em này như thế nào? Chúng tôi xin lui về thời kỳ đầu của công cuộc truyền giáo cho anh em dân tộc.
1. Gia tộc
1.1 Giuse Châu
Ông Kuk là ông nội của cha Giuse Châu, thuộc gốc người M’Nong (Đăklăk), và bà nội tên Chính (người Kinh gốc Phú Yên). Gia đình bà Chính đã theo giúp cha Hoá và cha Vận từ những năm 1840 đến 1849 khi các ngài còn truyền giáo tại Thạch Thành (tỉnh Phú Yên). Người dân tộc Hroi ở nơi này bị chết rất nhiều do dịch khí. Vì sợ chết nên họ xin các cha cho họ cúng Yang, nhưng các cha không đồng ý. Họ nổi dậy chống đối và đuổi các ngài cùng với một số người làm đang ở với các ngài ra khỏi buôn làng. Các ngài đành đi dần lên vùng Đăklăk và lập cơ sở truyền giáo cho người M’nong Bu-Tong (từ năm 1850 đến 1855) tại Tinh Su, không xa sông Srépok, trong vùng B. Jen Drom (x. A. Monfleur, Monographie de la Province du Darlac (1930), Hà Nội 1931, tr.7-8). Các ngài ở đây trong một thời gian ngắn và cũng gặp khó khăn do những tập tục mê tín, nhất là một số người giàu có trong buôn làng lại ức hiếp dân; và vì các ngài thẳng thắn phê phán về những hành động độc ác này nên họ đã doạ dẫm các ngài. Đức Cha Cuénot chỉ thị cho các Ngài phải bỏ vùng đất này về nhập vào vùng truyền giáo tại Kontum. Cha Hoá dẫn một số người nhà của cha và vài người M’Nong đã tòng giáo theo ngài về Kontum, trong số đó có gia đình ông Kuk và vợ là bà Chính, cùng đứa con trai là Tai. Cuộc hành trình kéo dài suốt một tháng, cực kỳ khó khăn, nguy hiểm, và cuối cùng họ đã về tới Trung tâm Truyền giáo Rơhai.
Nông trường Kontum lúc đó đang được khai phá và xây dựng, cha bề trên Phêrô Combes (Bê) chỉ định cha Hoá phụ trách nông trường này, quy hoạch vùng đất, quy tụ dân cư và bố trí nhân sự có chỗ ăn chỗ làm, nhất là ổn định đời sống tôn giáo cho vùng đất mới. Vợ chồng ông Kuk, bà Chính và đứa con trai là Tai đã tận tình phụ giúp cha Hoá rất nhiều trong việc xây dựng nông trường kiểu mẫu này.
Tai lập gia đình với cô Hlôi, người H’mong-Tol, Dak Ui. Gia đình trẻ này sinh được 4 người con, hai trai hai gái: cậu Chơ, cô Mar, cô Mơng và cậu út là Giuse Châu, người linh mục tương lai mà chúng ta đang đề cập đến. Ông Tai còn có hai cháu gái tận hiến đời mình trong Dòng Mến Thánh giá Gò Thị: nữ tu Véronique (tên cha mẹ đặt là Maria Mưk, tạ thế ngày 30-3-1962), con ông Chong và Ngech, gọi ông Tai bằng ông nội, và gọi cha Châu bằng chú ruột. Năm 1932, dì đã được Nhà Dòng gửi đến phục vụ tại Tu viện Mến Thánh Giá Tân Hương: dạy văn hoá, giáo lý và nghề cho anh em dân tộc mình. Tại đây, dì được các em dân tộc quý mến; chị Pudentinne (Marguerita Maria Heo), con ông Hlơi và bà Mar, gọi cha Châu bằng cậu ruột, cũng vào Dòng Mến Thánh giá Gò Thị nhờ sự hiện diện của các dì Mến Thánh giá Gò Thị tại tu viện Tân Hương, nhất là do lòng hy sinh và thánh thiện của người chị họ là dì Véronique và cậu là cha Châu. Chị Marguerita Maria Heo gia nhập dòng ngày 17-8-1932, khấn tạm ngày 22-8-1940, khấn trọn ngày 22-8-1952 và qua đời ngày 30-3-1972.
Một dòng tộc được tôi luyện trong đức tin, sống đạo gương mẫu đã dâng hiến con cháu cho Chúa, phục vụ cho anh em dân tộc trên vùng đất quê hương Tây Nguyên.
Chúng ta không lấy làm lạ khi các vị thừa sai đã khôn ngoan cân nhắc tuyển chọn những em trai thuộc gia đình đạo đức, có một đức tin vững chắc như Giuse Châu vào Trường Cuénot để rồi tuyển lựa, chuẩn bị cho em vào thiên chức khó khăn, để làm vinh dự Thập Giá Đức Kitô hơn, trong thiên chức linh mục sau này.
1.2 Antôn Den, Phêrô Hiâu (Hoá)
Cha Den và cha Hoá có họ hàng với nhau.
a. Lịch sử họ Kontum
Ông Bâu là ông nội của cha Antôn Den (ông Bâu vai anh, còn bà ngoại của cha Hoá là H’Byưi vai em. Cha Hoá gọi ông Bâu bằng ông cậu). Ông Bâu và bà H’Byưi là hai anh em ruột cùng cha, là những ngưới đầu tiên tòng giáo và là thành viên của họ Kontum ngay từ ngày đầu xây dựng họ đạo này.
Gốc tích làng Kontum
“Dân làng Kontum bắt đầu theo đạo từ năm 1856. Song trước hết phải biết rằng: cho đến quãng năm 1800, làng Kontum chưa hiện diện trên bản đồ đất nước, chỉ có làng Kontrang-Ôr ở gần bên sông, nơi gọi là Dak Lai, bây giờ là Chuơh-Reng; chỗ đó có cây xoài lớn, vẫn còn cho đến bây giờ. Làng Kontrang-Ôr thời ấy rất đông dân, phỏng chừng có cả ngàn dân số; có nhiều người làm côi cả trong làng như: Mung, Bung, Loih và Yă-Xi. Mung, Bung và Loih có tính ăn chơi, lại hung bạo, chẳng kiêng nể ai, hay sinh sự, làm loạn, nhất là hay đánh người, cướp của, bắt người bán sang Lào. Còn Jăxi có tính nết hiền từ chất phác nên hay bị lũ kia ăn hiếp.
“Jăxi có hai người con trai, là Jơrông và Wông; Jơrông và Wông thấy lũ kia hay hà hiếp dân lành nên muốn trốn khỏi làng, song cũng sợ họ thù hằn, sinh sự, bèn lập mưu uống rượu trộm, không mời lũ kia; cả hai gài rượu, đóng cửa uống, đoạn giả say, la lối om sòm, rồi cầm dao làm bộ như muốn chém nhau; ba tên kia nghe được lật đật chạy đến, thấy vậy, liền nổi giận, quát mắng, rồi đuổi hai người ra khỏi làng. Hai anh em Jơrông và Wông bị lũ kia đuổi thì mừng thầm vì thấy mưu mình lập đã thành công; họ liền ra đi, làm nhà gần chỗ có bàu, gọi là Dak-Tum, và dần dần có nhiều người đến ở đó với họ, nên càng lâu càng thành làng lớn”.
“Các vị truyền đạo đến xứ này, làng đó cũng còn ở gần bàu nhỏ ấy, nên gọi là Kontum (Kon nghĩa là Nước; Tum là Bàu). Đó là gốc tích làng Kontum, hiện giờ là làng có tiếng và tỉnh toà bây giờ cũng gọi là Kontum; (...)
Về sự làng Kontum và làng ấy khởi sự chịu đạo
“Trước này đã nói cha Do đã quy tụ Thượng tứ chiếng mà lập làng Rơhai và trở nên một làng có đông bổn đạo. Sau khi đã lập làng Rơhai, cha quyết định lập một làng nữa; vốn ở gần bàu nhỏ gọi là Dak-tum, phía bên kia đã có làng nhỏ do hai anh em Jơrông và Wông đến lập nghiệp như đã kể trên, làng này lúc bấy giờ gọi là Mơêr. Cha Do sai anh người là thầy Thám và thầy Lai đem trẻ thượng đi phát dọn chỗ gần bàu nhỏ phía bên này gọi là Dak-tum, cách làng Rơhai chừng hơn 1000 thước tây. Vậy hai thầy đã vưng lời cha Do lo coi việc làm rẫy cùng lập nhà cho trẻ thượng nhà ở làm đó, chẳng bao lâu trẻ nhà cho DO đến ở đó làm rẫy cũng đã đông như một xóm nhỏ. Khi cha HÒA bỏ BƠNONG qua , thì Cha PHÊRÔ đương là Cố Chính, Người dạy cho HÒA ở tại xóm nhỏ cho DO khỉ sự lập làng ở đó. Cha Hoá ở đây được ít lâu, người dỗ được làng MƠÊR ở phía bên kia Dak-tum, chạy qua phía bên này ở gần người. Vốn làng MƠÊR đã muốn ở gần Dak-tum cho tiện kiếm cá, nên khi nghe cha khuyên, nó liền chịu ngay; cha bèn chỉ nơi có vọt nước tốt cho chúng nó làm nhà, và từ đó đến rày, ở luôn một chỗ đó cũng gọi là làng KONTUM.”
“Kể sự làng Kontum khỉ sự chịu đạo”
“Lần kia cha Hoá đi dạo vào làng, gặp đứa bé miệng lở tang loang, hôi thối lắm. Người bèn hỏi nó là con ai? Khi nghe là con của Bâu; người bèn lên nhà tên Bâu nói chuyện chơi và hỏi nó: sao con đau vậy không lo chạy chữa may nó có khỏi chăng, để vậy chắc nó sẽ chết... Tên Bâu thưa mình đã tốn kém với con nhiều lắm, song tiền mật tật còn không ra gì. Cha hỏi: mua thứ thuốc gì mà tốn dữ vậy? Nó thưa: chúng tôi có thuốc the gì đâu, chỉ rước Bơjâu cầu phù thuỷ, cúng vái xin thần linh cho nó khỏi, biết mấy bò, mấy heo, nao nhiêu là dê chó, nhưng hết của thì có, còn bệnh nó chỉ trơ trơ, biết sao đặng nữa!! Cha nghe vậy động tình, mở lời an ủi khuyên giải cho nó hiểu sự cúng quải là điều vô ích tốn hao, chớ có nhằm chi... lũ Bơjâu chỉ phỉnh phờ kiếm chát mà thôi, nếu có theo đạo kính thờ Đấng Tạo Hoá ắt Người sẽ phù hộ cho chẳng sai. Khi bấy giờ Bâu không cãi trả gì, song cũng có lẽ trong lòng tưởng có lẽ Chúa kẻ có đạo có khi linh hơn chăng.
“Nói chuyện chặp lâu, cha từ giã ra về cùng lo kiếm thuốc cho nó xức miệng cho con. Cách vài bữa cha kêu các kẻ cả trong làng đến khuyên chúng nó theo đạo. Lúc bấy giờ những người này làm côi cả làng Kontum là Lel, Ngan, Tai, Gel và Bâu; bốn tên kia nghe đến việc theo đạo, thì làm lơ, coi bộ không ưa không thích, còn tên Bâu thì thưa hẳn rằng muốn. Bốn tên kia nghe Bâu muốn theo đạo, thì giận lắm, bèn bỏ ra về nổi trống nhà rông, bắt Bâu trói lại định đem bán cho cha Hoá. Tên Bâu rằng: “Bay bán tao cho ông cũng được; vì con tao lở miệng gần chết mà thần phật không thấy linh thính chi, chỉ đòi ăn báo tao hết của ra nghèo; nên tao định theo Chúa ông Cha ấy coi ra sao, từ này tao không tin thần (Yang) và không thèm cúng nữa. Chúng nó càng thêm giận, mắng trách Bâu cùng rủa thần sẽ không tha, và nói: từ rày sẽ gọi Bâu là tôi mọi Annam. Tên Bâu không lo gì, cứ việc theo đạo, cha Hoá vui mừng quá bội lo dạy dỗ chăm nom, cùng lo săn sóc thuốc the cho đứa nhỏ; chẳng khỏi bao lâu nhờ Ơn Trên nó được an lành, nhưng đành phải mang tật méo, vì bị lở đã lâu nên nặng quá. Mọi làng gọi đứa nhỏ ấy là Huêng (bởi tiếng hueh là méo). Đến sau Huêng khôn lớn, có đôi bạn giữ đạo hẳn hoi cùng sinh được thầy Chơrơng giúp việc nhà trường Kontum đã lâu năm và mới qua đời tử tế cùng Den sau học Pinăng.
Bấy giờ là năm 1856 số người thượng đã chịu phép rửa tội rồi, chưa được bao nhiêu, còn kẻ chịu theo đạo cũng còn ít oi lắm”.
“Làng Kontum trở lại đạo ngày càng nhiều”
“Làng Kontum khỉ sự theo đạo là năm 1856; khi Bâu đã chịu phép rửa tội rồi, thì lại có một trai kia tên là KRUI cũng được nhờ sự sáng đức tin soi cho, mà trở về cùng Chúa. KRUI này là con nhà nghèo khó, hay túng đói; cha mẹ nó là JƠN và HMANG, hay tin dị đoan, nên ít ưa sự đạo. KRUI cả ngày những đi thơ thẩn ngoài đồng bắt cá, thả câu, được tôm cá thường đem vào cha Hoá đổi gạo, nấu ăn; hay hay vô ra chơi nhà các chú, gặp việc chi giúp được cùng giùm, nên các thầy các chú nhà cha cũng thương hay cho chút đỉnh cùng dạy dỗ khuyên lơn nó trở lại đạo; nhờ ơn Chúa, chẳng khỏi bao lâu KRUI mở mắt linh hồn, xin nghe dạy cùng chịu phép rửa tội. Kế đó có tên PEN, GÊM, PINH và mấy chú nữa cũng bắt chước gương lành Ông BÂU và KRUI, bỏ quỷ, lìa ma mà xin trở lại tin thờ Đấng Tạo Hoá. Bấy giờ đã được ít nhà có đạo, nên cha Hoá đặt Bâu làm đầu họ nhỏ ấy và lo giúp việc trong nhà thờ chút đỉnh” (x. Linh mục Phaolô Ban và Simon Thiệt, Mở Đạo Kontum, Quinhơn 1933, tr. 113-119).
b. Dòng họ cha Den
Ông Bâu cùng vợ là bà Dot sinh được ba gái một trai: (1) bà H’Byong, (2) bà H’Byoih, (3) bà Gyơih và (4) ông Huêng. Bốn nhánh gia tộc như sau:
(1) Bà H’Byonh có chồng một người thuộc làng Kon Hngo sinh được ông Dem, bà Diu và ông Dot;
(2) Bà H’Byoih có chồng tên là Non sinh ra bà Chut, ông Nhot và ông Dớk. Dì Niu (Mến Thánh Giá Gò Thị) là con của ông Nhot và bà Phit. Dì có tên thánh trong dòng là Ursule và đã lên phục vụ các em học sinh dân tộc tại Tân Hương vào năm 1932 cùng lượt với dì Véronique (Mưk) và tạ thế ngày 21 tháng 3 năm 1947.
(3) Bà Gyơih có chồng sinh được 3 con, 2 gái 1 trai: bà Nhong; bà Choih và ông Lam.
(4) Ông Huêng lấy bà Oih sinh được 4 người con toàn là trai: Ông Chơrơng (thầy giảng phục vụ trong trường Kontum đã lâu - không con); ông Pel; ông Dơu và Antôn DEN (linh mục).
c. Dòng họ của cha Hoá
Bà H’Byưi (em gái ông Bâu) có chồng tên là Tai sinh được 1 gái và 2 trai: (1) Bà Glel, (2) ông Chep và (3) ông Jơm. Ba nhánh gia tộc như sau:
(1) Bà Glel ưng ông Yap sinh được 1 gái 2 trai: Bà Guơh, cha Phêrô Hiâu (cha Hoá) và ông Hyưt. Trong nhánh bà Guơh còn có nữ tu Dòng Ảnh Phép Lạ tên là Bernard (tên gia đình đặt là Thek) là con bà Hyiư, (gọi bà Guơh là bà ngoại, gọi ông Dem là ông ngoại và gọi cha Hoá là ông cậu).
(2) Ông Chep cưới bà Jơih sinh được 6 người con: bà Jik (bà Jik ưng ông Byơi) sinh 3 gái. Gái út tên Khin là nữ tu Dòng Ảnh Phép Lạ (tên dòng là Noel); bà Jinh; ông Jél; ông Jư; bà Khao và bà Khal.
(3) Ông Jơm có vợ là bà Chôn sinh được 4 người con, 2 trai 2 gái: Ông Jip, bà Jưn, bà Jek và ông Jưi.
2. Thời thơ ấu
Sau khi trình bày phần dòng họ của ba linh mục, trong phần này chúng tôi xin trình bày thời thơ ấu của ba vị linh mục.
2.1 Giuse Châu
Giuse Châu sinh năm 1900 (?) tại họ Kontum, lúc đó Cha Bề trên Vialleton (Cha Truyền) làm chánh xứ. Ông Tai và bà Hlơi đem con trai út đến giếng nước rửa tội xin Cha Bề trên Truyền rửa tội và xin đặt tên thánh Rửa tội cho con là Giuse.
Theo thói quen, khi em bé tương đối cứng cát, bà mẹ cõng con trong tấm vải sau lưng dù phải đi làm rẫy hay đi dự lễ. Bé Giuse đã tiếp xúc với sữa đức tin nơi người mẹ và cộng đoàn giáo xứ. Khi lên 8, 9 tuổi, em bắt đầu đi học chữ, lúc đó có mấy các thầy và chú giáo phu lớp trước (1908) dạy hát và bước đầu nhận mặt chữ cho trẻ hay những bài giáo lý cơ bản... Chữ viết tiếng dân tộc Bahnar do các Cha Thừa sai đã dày công sáng tạo vào những năm đầu giai đoạn truyền giáo.
Công việc dạy tiếng Kinh (nay gọi là tiếng phổ thông hay tiếng quốc ngữ khởi đầu từ thầy Hương. Cuối năm 1884, Cha Bề trên Vialleton (Truyền) xuống Trung Châu, tình cờ gặp lại thầy Hương trước kia đã dạy tiếng Việt cho cha. Thầy trò gặp nhau mừng rỡ chuyện vãn thân tình. Lúc đó, Cha Bề trền Truyền hỏi thầy có muốn lên vùng dân tộc dạy tiếng Việt không, thầy bằng lòng đi. Cha Bề trên xin phép Cha Bề trên Hân (Cha Van Camelbeke) thay quyền Đức Cha. Cha Bề trên Truyền xin phép và được Cha Hân chấp thuận. Hai thầy trò vượt núi và lên ở Kontum và từ đó việc dạy chữ Kinh được khởi sự và còn tiếp tục sau này cho đến thời các em Châu, Den và Hoá đến tuổi đến lớp học. Các em học đọc viết tiếng Bahnar và tiếng Kinh có tiến bộ và đến đợt tuyển các em trai vào trường Cuénot. Cha Bề trên Truyền lần lượt đưa các em vào khi chuẩn bị tương đối đầy đủ những điều kiện cần thiết. Đây là một họ đạo gương mẫu và được tổ chức đầy đủ mọi mặt về văn hoá đạo lý và nếp sống gia đình. Cha Bề trên Vialleton Truyền đảm trách xứ đạo Kontum từ năm 1882 đến 1909. Cha sở kế tiếp (1909-1919) là Cha Giuse Décrouille cũng đặc biệt quan tâm cho các em vào Trường Cuénot, nên số trẻ được đưa vào trường Cuénot khá nhiều so với các sở họ khác, như đầu năm 1911 có 15 em vào trường.
Năm 1911, cậu Giuse Châu được cha sở (lúc đó là Cha Giuse Décrouille) cho nhập Trường Cuénot sớm hơn hai bạn khác là Hoá và Den và được ghi vào danh sách học sinh mới vào (x. Hlabar Tơbang năm 1911, số 3, tr. 22). Đến năm 1913, em Giuse Châu được ghi theo lớp học sinh cũ và được theo học lớp do Cha Bề trên Trường Jannin (Bok Phưk) và thầy Tâm dạy.
2.2 Cha Den và cha Hoá
a. Cha Phêrô Hoá
Sinh năm 1901 tại họ Kontum thời Cha Bề trên Vialleton làm chánh xứ; con ông Glel và bà Yap.
Vào Trường Cuénot năm 1912, trước Antôn Den vài tháng; được trúng tuyển và ghi danh chính thức lớp mới năm 1913 (x. HLABAR TƠBANG, năm 1913, số 30, tr. 58), được theo lớp do Cha Bober (Bok Ber) và các chú Luen, chú Xonh và chú Dơu đảm nhận.
b. Cha Antôn Den (Cha Học)
Sinh ngày 13 tháng 6 năm 1903 tai họ Kontum thời Cha Bề trên Vialleton (Cha Truyền) làm chánh xứ; con ông Huêng và bà Oih.
Vào Trướng Cuénot năm 1912 và được chính thức ghi theo lớp học sinh mới vào (x. Hlabar Tơbang, năm 1913, số 34, tr. 90), theo học lớp do Cha Bober (Bok Ber) và chú Luen, chú Xonh và chú Dơu phụ giúp.
Năm 1914, Cha Bề trên Trường Jannin gửi ba em học sinh: Giuse Châu, Antôn Den và Phêrô Hoá đi tu học tại Trường Làng Sông.
III. MÔI TRƯỜNG ĐÀO TẠO ƠN GỌI
Ngoài việc trao dồi văn hoá và kiến thức, chương trình học tập trong trường Cuénot còn quan tâm đến nhân bản, tình người, giáo lý, đời sống tu đức, và đời sống truyền giáo, như tạo mọi điều kiện cho học sinh đến sống với dân làng mới tòng giáo hay các họ đạo mới thành lập. Trong trường hợp chuẩn bị cho ba em người dân tộc đầu tiên là Giuse Châu, Antôn Den và Phêrô Hoá đi học xa và cam go, thì tình cảm và sự nâng đỡ của Trường rất cần thiết, và cấp thiết hơn.
Chúa nhật 1-11-1914: cuộc tiễn đưa thân tình
Thật thế, trong ngôi trường Cuénot này, 3 em đã quen biết gần gũi với bạn bè cùng dân tộc, cùng tiếng nói, cùng lối sống, được nâng đõ chỉ giáo của các cha, các thầy thân thương và được sưởi ấm tình dân tộc, thì giờ đây như những con chim nhỏ bị đem ra khỏi khu rừng quen thuộc đến nơi xa lạ, không khỏi băn khoăn, lo lắng, ngại ngùng. Chính Cha Bề trên của Trường, các cha, các thầy và bạn bè hiểu được điều đó, và cũng để nâng đỡ các em mạnh dạn ra đi đến tu học tại Làng Sông - một trường đào tạo chủng sinh toàn người Kinh - trước ngày lên đường (ngày 2-11-1914 là ngày bắt đầu ra đi), tại trường Cuénot, một cuộc tiễn đưa đơn sơ ngắn ngủi nhưng trọn lòng cha con, chan chứa tình bạn bè, được ghi lại cách ngắn gọn trong Nguyệt san của Trường có tên là Hlabar Tơbang, ra năm 1914, số 42, tr. 52 như sau:
(Chúng tôi xin tạm phỏng dịch)
“Năm nay có 3 chú học sinh người Bana theo chú Nơng đi xuống ở cùng người Kinh nơi xa xôi là tại trường Làng Sông. Thiên Chúa đã ban cho 3 chú lòng ước muốn học tiếng Latinh; nên các chú đã cố gắng hy sinh, lìa cha mẹ, anh chị em để theo chân Chúa Giêsu. Ba chú đó là: Giuse Châu, Phêrô Hiâu (Hoá), Antôn Den thuộc họ đạo Kontum.
Ba chú này đã từ Trường Cuénot ra đi sáng thứ hai (ngày 2 tháng 11 năm nay (1914) nhập học vào trường Làng Sông (Quinhơn).
Chiều hôm trước đó (vào Chúa Nhật mồng 1 tháng 11), trước khi chia tay với các bạn học, cả ba chú đã đến chào các bạn, có đôi lời như sau:
“Các anh em thân mến. Hôm nay, Thiên Chúa cho chúng tôi sắp lìa xa anh em, nhưng chỉ xa thể xác mà lòng chúng ta vẫn luôn luôn bên nhau. Chúng ta sẽ hiệp lòng trong Trái Tim Chúa Giêsu, xin Người gìn giữ linh hồn chúng ta hằng ngày.
“Hỡi anh em yêu quý. Chúng tôi xin anh em một điều: nếu anh em có thấy chúng tôi vấp phạm lỗi luật nào, hay bất cứ điều sai trái nào, chúng tôi xin anh em tha lỗi cho. Mong anh em cầu nguyện xin Thiên Chúa thương chúng tôi; phần chúng tôi, chúng tôi không bao giờ quên xin Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh cả Giuse phù giúp cho anh em".
Xin kính chào tất cả anh em".
"Sau đó, tất cả học sinh vào nhà nguyện chầu Mình Thánh Chúa; nhưng trước hết, Cha Bề trên Phước đã cho chú Giuse Châu dâng mình cho Thánh Tâm Chúa Giêsu và đặt làm trưởng Hội Liên minh Thánh Tâm Chúa; sau đó Cha làm phép Thánh Giá và đeo cho chú, mà một người trưởng nào cũng suốt đời mang trên mình".
Cha có đôi lời như sau:
"Hỡi các con, cha mong các con cùng với chúng tôi cầu xin Chúa mở tâm trí cho bốn chú này nay đang sống tại trường Làng Sông để họ luôn tin cậy vào Chúa. Và sau này, nếu Chúa muốn, Chúa sẽ thương ban cho họ trở thành linh mục để dạy dỗ chúng ta hầu chúng ta có lòng tin thật vào Chúa. Từ xưa người Bana chưa có ai được Thiên Chúa ban làm linh mục. Chúng ta hy vọng những chú này sẽ làm linh mục. Vì vậy chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa soi sáng tâm trí để họ sau này thành linh mục, và sẽ chỉ đường dẫn lối đưa chúng ta tới quê Thiên đàng".
Ngày 2 tháng 11 năm 1914: Sáng thứ hai (2-11-1914), ba em học trò từ giã các cha các thầy, cha mẹ, bà con và bạn bè ra đi xuống Tiểu Chủng viện Làng Sông tu học.
Năm 1923, sau gần 10 năm tu học tại Tiểu Chủng viện Làng Sông, ba thầy Giuse Châu, Phêrô Hoá và Antôn Den đã được Đức Cha địa phận Đông Đàng Trong (được đổi tên là Quinhơn từ năm 1924) gửi qua học tại Trường Pinăng (Malaysia) vào năm 1923. Phần học tập và tu đức, ba thầy được Bề trên và các cha giáo đánh giá cao và việc học tập rất khá: giỏi về sinh ngữ nhất là cổ ngữ Latinh, các môn triết và thần học không thua kém các bạn đồng lớp; đời sống đạo đức gương mẫu được mọi người khen ngợi và mến thương.
Năm 1930, sau khi học xong môn triết thần học tại Pinăng, ba thầy về nước và về lại địa phận để thực tập cuộc sống mục vụ trương lai. Cha Bề trên vùng Truyền giáo Kontum đã phân chia các Thầy đến giúp những nơi cần thiết như thầy Giuse Châu tại vùng Jrai-Habâu, thầy Antôn Den giúp xứ tại Dak-Kơna, thầy Hoá tại vùng P. Pơnuk (vùng thành Bình - P. Rơngol Khop).
Năm 1931, ba thầy trở lại Đại Chủng viện Đại An (Quinhơn) học thêm tiếng Việt, chuẩn bị thụ phong linh mục.
Ngày 29 tháng 6 năm 1932, 3 thầy tiến chức người dân tộc đầu tiên: thầy Giuse Châu, thầy Phêrô Hoá và thầy Antôn Den nhận thánh chức linh mục. Đây là ngày trọng đại cho toàn vùng Truyền giáo Kontum, ghi đấu ấn một hoài bão đã thành thực hiện: Chúa không thiên vị ai, Ngài chọn những con người Ngài muốn. Người dân tộc hội đủ điều kiện tiến tới bàn Thánh Chúa và trở thành mục tử cho người dân tộc mình. Tờ Báo Toà Thánh đã đăng hình và viết bài có tựa đề “LINH MỤC BAHNAR ĐẦU TIÊN”. Nhưng đây là khởi đầu cuộc hành trình mới vừa đầy vinh dự lại vừa đầy thách đố cho cuộc sống mục vụ như phần thành quả thực tế thừa tác vụ của 3 tân linh mục người dân tộc cũng là thực chất giá trị bao công sức của mọi thành phần dân Chúa đã dày công vun trồng ơn gọi trong mấy mươi năm qua.
Cuộc đời của các ngài được trọn vẹn trong công tác vụ mục dù trải qua mọi thời cuộc khó khăn cũng như trong những vùng hẻo lánh, vất vả và hiểm nguy. Các ngài đã trung thành đến hơi thở cuối cùng. Sau đây, chúng tôi ghi lại vài nét đời sống mục vụ của các ngài.
IV. ĐỜI SỐNG MỤC VỤ
Trong phần trình bày về mục vụ, chúng tôi không đi vào chi tiết, nhưng chỉ liệt kê một số nét cơ bản, tương đối chung liên quan đến một số nơi được các ngài đảm trách vào những thời điểm cụ thể.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin có vài nhận định chung về hoàn cảnh vùng Truyền giáo Kontum (sau này được thành lập thành Địa phận Kontum vào năm 1932) gồm nhiều dân tộc khác nhau: ngoài dân tộc Kinh còn có dân tộc Sơđang, Rơngao, Bahnar, Jơlơng, Jrais và Rađê (vùng Đăklăk), đa ngôn ngữ, với những phong tục khác nhau. Vùng Tây Nguyên từ năm 1932 mới có vài con đường giao thông chính như quốc lộ 19, 14 hãy còn trải đá hay phủ lớp đất gồ ghề, cầu cống chưa xây dựng vững chắc; đến những nơi khác chỉ bằng con đường mòn, thiếu cầu cống, phải lội bộ hay đi bằng ngựa rất vất vả, nhất là vào những tháng mưa bão. Suốt mấy mươi năm trời, vùng đất Tây Nguyên là nơi tranh chấp, chiến cuộc, mất an ninh, nguy hiểm tính mạng, luôn di tản, tránh bom đạn. Thiếu đường giao thông, việc cung ứng nhu yếu phẩm bị hạn chế; vào thời kỳ chiến tranh, cảnh túng cực đói khát, bấp bênh đe doạ hằng ngày. Hằng ngày anh em dân tộc phải sống trong cảnh đói kém về mọi mặt như thất học, mù chữ, bệnh tật đe doạ thật thảm thương!; tật nghiện rượu, tâm tính hay thay đổi, dễ mê tín dị đoan là những nhức nhối, lo lắng, khổ tâm cho người linh mục thừa sai, và cũng là những nguyên nhân của cô đơn và đau khổ của những con người sống chết cho anh em mình. Đó là vài nét phác hoạ nỗi thương tâm của linh mục thừa sai và còn nhân lên gấp bội, đè nặng trong tâm hồn các linh mục người dân tộc mong sao cho anh em đồng chủng thăng tiến mọi mặt mà cảm thấy bất lực trước một khối người trì trệ và vô tình cho sự sống còn dân tộc mình!
1. Cha Giuse Châu
1934 -1936 : Phụ tá sở họ HABÂU đặc trách người Jrai
1936 -1939 : Phó Thanh Bình - P. Rơngol Khop
1939 -1943 : Phó Kontrang Mơnei và Võ Định
1943 -1945 : Sơlang - P. Tơuer
1945 : Kon Bơban
1946 -1949 : Dak-Kang
1949 -1954 : Kon Du
1955 : Qua đời tại nhà thương Kral,
an táng tại nghĩa trang Chí Hoà
Để nói lên sự đóng góp to lớn của Cha Giuse Châu trong cánh đồng Truyền giáo Kontum cho người dân tộc, chúng tôi ghi lại đây nhận xét của Cha chánh xứ Habâu là cha Corompt (cha Hiền) về vai trò của những linh mục Bahnar, trong đó có cha Châu đang phụ trách người Jrai vùng Habâu, được ghi lại trong Compte Rendu địa phận năm 1934, tr. 175 như sau:
“Dù khó khăn trở lại đạo hơn các cư dân khác trên vùng Cao Nguyên này, người Jrai tuy nhiên có khả năng đạt đến một cấp cao về đời sống Kitô giáo.
Các linh mục BAHNAR chúng ta biết hoà hợp sự hiện diện của họ với các dân tộc mà các ngài rao giảng; nhờ dễ thích nghi, các ngài dễ thành công hơn các vị tông đồ trước kia không thể đạt được. Thật vậy, vị thừa sai dù “trở nên như mọi người” vẫn gặp khó khăn, đó là “vách tường chủng tộc màu da”. Như vậy, tôi sung sướng biết rằng công việc của cha Bahnar - Cha Châu - quan tâm đặc biệt các tín hữu người Jrai, mang nhiều kết quả mà tôi không thể đạt được trong giao tế hằng ngày cũng như trong thực hành tôn giáo”.
2. Cha Phêrô Hoá
1933-1939 : Kon Trang
1939-1944 : Phó P. Pơnuk
1944-1945 : Về Lasơn và về tạm trú Kontum
1946 : Phó Phương Hoà
1949 : Qua đời tai nhà thương Kontum
An táng tại nghĩa trang các cha
Nay đã dời đến nghĩa trang mới
Chúng tôi xin chấm phá vài mảng đời linh mục hy sinh của cha, khi cha đi thăm anh em tín hữu người Jrai vùng tây tây nam thị xã Pleiku, giáp ranh với Campuchia, vào những năm 1945-1948 (dựa vào Echos địa phận tháng 7 năm 1948, và tháng 3, tháng 4 năm 1949) tóm lược như sau:
Ngày 19 tháng 3 năm 1945, quân Nhật lật đổ quân Pháp tại Đông Dương. Vài ngày sau, hơn 300 lính Nhật tiến đến Kontum, tiếp quản, tập trung tất cả kiều dân Pháp. Đức cha Sion Khâm và các linh mục thừa sai bị quản thúc tại Chủng viện, rồi bị áp giải về Nha Trang.
Năm 1948, tình thế không tốt hơn các năm trước. Sau khi Đức Giám mục Sion Khâm được trả tự do, ngày 25 tháng 5 năm 1948, ngài sai cha Hiâu (cha Hoá), nguyên trước đó phụ trách Plei Pơnuk (những năm 1939…), đến thăm các làng người Jrai tại Plei-Rơngol và Ia Ba, cách Kontum 150 cây số. Cha lên đường đến Pleiku cùng với chú giáo phu Mor bằng xe tải. Ngày 26, hai cha con phải đạp xe dưới mưa tầm tã đến Plei Rơngol. Xe bị hư, cha và chú Mor phải lội bộ, sau đó bị viên chức sở trà Catecka nghi ngờ tra hỏi. Cha trú đêm tại làng Ia Blang; còn chú Mor đi trước để báo cho dân làng Plei-Rơgnol. Một lần nữa cha lại bị tra xét, nhưng cuối cùng cha cũng đến được Plei Rơngol bình yên. Cha giải tội, ban Mình Thánh Chúa, rửa tội 20 người, chứng hôn 3 đôi, chuẩn khác tôn giáo 5 đôi. Dân làng đến chào cha, vui mừng được Đức cha lo lắng và bản thân cha vượt mọi khó khăn, nguy hiểm đến chia vui sẻ buồn, ban bí tích cho họ.
Sau đó, chủ làng Chư Ty cho voi chở cha đến Ia-Ba. Cha giải tội cho 81 người, trao Mình Thánh Chúa 110 người; rửa tội 17 người; chứng hôn 2 đôi cùng tôn giáo và 4 đôi khác tôn giáo.
Dân làng theo truyền thống chào mừng cha đến thăm với một con heo và 3 ghè rượu, đơn giản nhưng vui vẻ và chân tình.
Ngày 9 tháng 6, cha trở về Plei Rơngol.
Ngày 10, một chiếc xe tải sở trà Catecka chở ngài về Pleiku.
Ngày 12 tháng 6, cha về tới Kontum lúc 9g30.
Kết luận theo bản thông tin Echos như sau:
“Hai làng Plei-Rơngol và làng Ia-Ba vẫn còn trung thành với đạo Chúa; các giáo phu vẫn trung kiên chu toàn trách vụ của mình; không có một biến động trong miền này. Các tín hữu xin cha đến thăm nữa. Cha rất hài lòng cuộc thăm viếng này. Ngài cũng có thể ghi nhận tình trạng họ đạo:
- Plei-Rơngol : có 224 tín hữu, 24 người lương
- Ia-Ba : có 173 tín hữu, 43 người lương
Tạ ơn Chúa”.
Cha Hiâu (Cha Hoá) đã đến lần thứ hai thăm 2 làng Plei-Rơngol và Ia-Ba trong năm 1949. Từ tháng 2 trong năm, phía đông địa phận không còn linh mục nữa. Đường đi nguy hiểm. Dù nguy hiểm, chủ chăn luôn tìm cách vượt mọi khó khăn đến anh em tín hữu vì “tình yêu Chúa thúc bách”. Và ngài kiệt sức do mục vụ và đã qua đời cũng trong năm đó (1949) tại Kontum!
3. Cha Antôn Den
1933-1934 : Được cử làm phó xứ Habâu,
giúp Cha Hiến coi sóc 8 họ đạo chung quanh.
1934-1936 : Coi sóc kon mahar gồm 10 họ đạo.
1936-1938 : Coi xứ Kon-Long-Buk gồm 6 họ đạo.
1938-1939 : Phó xứ Kontum
1939-1941 : Coi xứ Kon Mơnei Kơtu gồm 10 họ đạo.
1942 : Coi xứ Dak Mut, gồm 10 họ đạo.
1943 : Coi xứ Kon Hơring, gồm 14 họ đạo.
1944 : Coi xứ Kon Du, gồm 7 họ đạo.
1945 : Coi xứ Kon Jơdrâp, gồm 7 họ đạo.
1946 : Coi xứ Kon Rơhai, gồm 8 họ đạo.
1853 : Trở về coi Kon Mahar, gồm 10 họ đạo.
1955 : Coi xứ Kon Mah, gồm 10 họ đạo.
1956 : Về dạy tại trường Cuénot.
Cha khởi sự dịch bộ Kinh Thánh sang tiếng Bahnar
Viết báo Hlabar Tơbang
Dịch các sách Phụng vụ
sách Kinh, Hạnh các thánh
Sách Giáo lý... các bản Thánh ca
Hiệu đính Tự điển Bahnar - Việt để đáp ứng nhu cầu Phụng vụ và vừa nâng cao sự hiều biết cho anh em dân tộc
1978 : Sau khi Trường Cuénot trưng dụng,
cha qua sống bên nhà xứ Kontum cho đến lúc qua đời.
1987 : 18 giờ 30 ngày 17 tháng 10, ngài trút hơi thở cuối cùng.
(vừa trọn mừng 55 n ăm linh mục)
Cha Antôn Den sống lâu hơn 2 vị linh mục Bahnar đồng sự. Ngài là linh mục Bahnar đầu tiên tại Việt Nam có một chỗ đứng và vai trò đặc biệt trong lịch sử Truyền giáo tại Việt Nam nói chung và tại Giáo phận Kontum nói riêng.
Suốt cuộc đời, Cha đã âm thầm tận tuỵ trong sứ vụ mục vụ trực tiếp nơi các buôn làng xa xôi, đầy hiểm nguy, và dâng hiến trọn cuộc đời còn lại cho công tác phục vụ Lời Chúa bằng dịch thuật Kinh Thánh và hiệu đính các bản văn Phụng vụ; chuyển đạt Lời Chúa hoặc lịch sử địa phận qua sách báo như Tờ Nguyệt san: Échos hay Hlabar Tơbang.
Những năm tháng cuối đời, cha đã dành trọn ngày sống để tiếp đón anh em thuộc các dân tộc Bahnar, Sơđang, Rơngao, Jrais... từ khắp nơi trong Giáo phận tuốn về. Cha đã ban bí tích Hoà Giải, Lời Chúa và Mình Thánh Chúa cho họ, trong tình thân thương hy sinh và phục vụ. Mỗi giây phút trong cuộc đời của cha là những hạt thánh đức kết thành tràng chuỗi ngọc bằng tình yêu thương và hy sinh quên mình.
***
Ngày 29 tháng 6 năm 1932, 3 thầy Phó tế, người Bahnar đầu tiên: Giuse Châu, Phêrô Hiâu (Phêrô Hoá) và Antôn Den (Anton Học), tiến đến lãnh nhận chức linh mục. Đây là biến cố trọng đại trong lịch sử Truyền giáo Việt Nam được báo Toà Thánh cho đăng hình ảnh các vị tân chức với hàng chữ lớn “LINH MỤC BAHNAR ĐẦU TIÊN”. Đây cũng là một thành quả kết tinh âm thầm và kiên vững của mọi thành phần trong vùng truyền giáo. Khởi sự từ đây, lịch sử Truyền giáo Tây Nguyên sắp bước qua một giai đoạn mới với trọng trách hàng đầu là đào tạo nhân sự sao thích hợp cho cả vùng truyền giáo trong giai đoạn sắp tới: Toà Thánh đã tách mảnh đất Truyền giáo Tây Nguyên ra khỏi Giáo phận Mẹ (Quinhơn) và thiết lập một địa phận mới: giáo phận Kontum với vị Đại diện Tông toà riêng (năm 1833): Đức cha Jannin Phước.
Ngoài 3 vị linh mục đầu tiên người Bahnar thuộc giáo phận thụ phong linh mục vào ngày 29 tháng 06 năm 1932 như vừa trình bày trên, còn có 3 linh mục người Bahnar khác thuộc các dòng như Cha Duai (Kon Maha, Dòng Xitô), Cha Roanh, người Kon Djơreh (Dòng Vincent) và cha Phêrô Tis (họ đạo Mangla, Hội Thừa sai Paris). Sau gần 70 năm, vào ngày 18 tháng 10 năm 2002, một thanh niên người dân tộc Sơđăng sau những tháng ngày trôi nổi lưu lạc, nhưng được Thiên Chúa an bài dẫn dắt đến thiên chức linh mục phục vụ trong Giáo phận Truyền giáo Kontum cho đồng bào mình, thời gian chờ đợi quá lâu, nhưng cách thức dẫn dắt tuyển chọn tân chức đến Núi Thánh Chúa thật huyền nhiệm như chính con người của Thiên Chúa, và vào một thời điểm tuyệt vời, để rao giảng Tin Mừng trên quê hương mình.
Chúng tôi xin mượn lời của Thánh Phaolo Tông đồ để nói về những thành quả của cuộc đời tận hiến cho công cuộc rao giảng Tin Mừng nơi lương dân như phần kết luận sơ lược tiểu sử của BA VỊ LINH MỤC BAHNAR DẦU TIEN trên vùng truyền giáo Kontum: cha Giuse Châu, cha Phêrô Hiâu (cha Hoá) và cha Antôn Den (cha Học), đặc biệt Tân chức Bá Năng Lý. Chúng ta xin dâng tâm tình tạ ơn Thiên Chúa về cuộc đời tận hiến đã viên tròn và trung thành đến hơi thở cuối cùng của các ngài trong tác vụ tông đồ cho người dân tộc anh em:
“Chúa là Vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng cho tôi trong ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện” (2 Tm 4,8).
Lm. Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn