Print  
Chuyện ngày xưa… Chuyện ngày nay…
Bản tin ngày: 08/02/2012   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo

Chuyện ngày xưa… Chuyện ngày nay…

mong manh

Ngày xưa ngày xửa ngày xưa, khi tôi còn là một đứa trẻ mặc quần không đũng, trí khôn thu nhận còn mập mờ, tôi thấy có những “ông” mà nghe người ta gọi là thầy, thỉnh thoảng hay đến nhà tôi chơi rất là thân ái, vui vẻ, mộc mạc. Rồi một hôm trong làng xảy ra vụ cháy lớn, vì là thôn quê nên hầu hết mái tranh vách đất, khi cháy gần đến nhà tôi thì tôi thấy có “ông” cầm dao, “ông” cầm liềm đến dỡ mái tranh nhà tôi xuống. Các “ông” hy vọng dỡ mái tranh xuống để ngọn lửa không thể bén sang cháy nhà cha mẹ tôi được. Nhưng may mắn thay, lửa cháy và khói ngút trời thiêu rụi gần hết nửa làng, khi sắp cháy lan đến nhà tôi thì dân làng dập tắt được. Ngày hôm sau, “các ông” mà được gọi là thầy lại vui vẻ đến nhà tôi lợp mái nhà lại cho gia đình bố mẹ tôi. Lớn lên tôi đã được gặp gỡ, tiếp xúc và biết “các ông” đó là ai và có “ông” (gần 90 tuổi rồi, nên gọi ông là phải) vẫn còn sống, sống ngay bên cạnh phòng tôi.

Ngày tôi còn là cậu giúp lễ, nhà quê đặc sệt, nên khi cha xứ mua máy phát điện thắp sáng cho nhà thờ thế mà tôi đã thấy hạnh phúc sướng điên lên được. Hạnh phúc mặt trời bé con là thế đấy! Nhìn ngắm những bóng đèn nê-ông 6 tấc sáng trắng do bàn tay của một ông thầy hơi già ở Sài Gòn về thiết kế hệ thống dây điện, bóng điện, công tắc điện... tôi í à cứ phục lăn. Ông thầy vừa chịu khó lại vừa vui vẻ dễ tính nên cũng dễ “bắt” cảm tình. Sau này đi tu tôi mới biết rõ thầy là ai và thầy có một tấm lòng nhân ái mà anh em vẫn nhớ câu “Caphe chúc chúc đi thầy” (thầy người miền Nam). Ngày tiễn biệt thầy đến nơi an nghỉ cuối cùng, có người anh em đi bên cạnh quan tài của thầy còn “đùa” với thầy câu: “Caphe chúc chúc đi thầy”.

Ngày còn là chú đệ tử còm nhom ngô ngố, từ nhà quê tới nhà dòng Gò Vấp, đường dài 300 cây số, những cuộc hành trình thật gian nan vất vả bởi vì thời buổi chiến tranh. Visi làm sập cầu, đắp ụ, ngả cây chặn đường, gài mìn và những cuộc hành quân đụng độ... luôn làm ách tắc giao thông, kẹt xe nằm đường mấy ngày hoặc cả tuần lễ để chờ giải toả. Những thời gian như thế, chúng tôi (trong xứ những anh em cùng tu Đa Minh) thường phải lên Đà Lạt vô nhà Bá Đa Lộc ăn chực nằm chờ những chuyến xe vội vàng tranh thủ khi đường xá được giải toả. Đón tiếp chúng tôi không ai khác, lại một ông thầy hơi già, đêm ngày trụ trì tại đó. Thầy nuôi cơm, cho ở phòng gối ấm nệm êm những ngày chờ trực. Những buổi sáng trời Đà Lạt sương mù lạnh thấu xương, thầy vẫn dậy sớm chiên cơm tráng trứng cho “thượng khách” là thằng chú đệ tử này xơi. Tôi thì cứ ung dung xơi tốt mà chẳng nghĩ ngợi gì, bởi chẳng bao giờ thấy thầy tỏ ra khó chịu hay nhăn nhó. Đã có những lần thầy nói anh em rủ nhau ra ăn cơm tiệm rồi nói họ ký sổ để thầy thanh toán với họ sau. Không biết thầy nhìn, thầy đọc thấy gì và thầy hy vọng trông chờ gì vào chú đệ tử gầy gò khẳng khiu đen đủi đen đui này? Tương lai của nó có huy hoàng sáng láng rực rỡ lắm không đây? Tương lai có làm nên cơm cháo gì cho Dòng không? - Thế sao lúc đó thầy vẫn cứ tiếp đãi ân cần quá sức lẽ mình? Có lẽ niềm tin của thầy lớn lắm thì phải? Ngày hôm nay tôi đọc được nơi thầy ở đó cũng là một tấm lòng vàng đối với Dòng mà thầy đã chọn đã dâng hiến. Thật bất ngờ, ngày nhắm mắt xuôi tay, một nhạc sĩ có hạng đã viết cho thầy một bản nhạc như một dấu ấn in vào lòng anh em. Lời Cuối Cho Người: “Kìa người nằm đó bình yên như ngủ say. Sáng nay người không thức dậy, dọn bàn thờ lễ Cha trên trời. Chiều về giáo xứ chợt vang vang tiếng chuông, nhà nhà thổn thức đôi dòng lệ xót thương... Sáng nay người không thức dậy, mà nhìn từng bé con đến trường. Từ rày xin nước uống gọi ai đây hỡi em, chợt nhoè trang sách đôi dòng lệ tiếc thương. ĐK: Vâng, xin người cứ ngủ cùng với thời gian hôm nay. Gánh phong trần trao tay chúng tôi xin nhận lấy hết đấy...”.

Năm tôi tiếp bước tiến vô tập viện, lại gặp những thầy già. Có thầy lo cho những bữa cơm hằng ngày. Có thầy chuyên may áo dòng, khâu vá quần áo giày dép... Tâm trạng của tôi lúc đó cứ đơn sơ ngây thơ vô tình hưởng dùng những đặc ân, y như chuyện tự nhiên phải thế mà chẳng có nghĩ ngợi và cũng chẳng quan tâm nhận biết những người đang giúp đỡ mình là ai.

Những năm Học viện là những năm đất nước mới đổi thay. Sự nghèo đói, thiếu thốn, hoang mang lo lắng sợ sệt... cùng chung số phận Quê hương Đất nước. Một thầy già chạy chợ lo những bữa cơm cho anh em hằng ngày. Một xe Honda, một rờmoọc, vượt mấy cây số mới đến chợ, bất kể trời mưa nắng cặm cụi để có những mớ rau củ hành... ổn định những bữa cơm canh để các thầy trẻ yên tâm học hành. Mỗi lần từ chợ về là thấy bờ vai ướt đẫm mồ hôi, thế mà thầy già vẫn cứ vui vẻ xề xoà mà không hề kêu ca than trách.

Những người có tấm lòng vàng đó bây giờ hầu hết không còn hiện diện nữa nhưng tấm lòng của các thầy vẫn còn mãi trong ký ức của tôi. Những con người đã đi qua cuộc đời tôi nay còn lại những hình ảnh đẹp, những kỷ niệm, những dấu ấn còn in sâu đậm mãi trong tôi.

Chuyện ngày xưa của tôi là thế đấy. Còn chuyện ngày nay thì... lại kể những gì mắt thấy, tai nghe, tay đụng chạm. Người tốt, người có tấm lòng thì vẫn cứ tốt vẫn cứ có tấm lòng mãi, cho dù thời gian năm tháng có phôi phai; cho dù thân xác đã ngả về chiều, hoàn cảnh, môi trường, nhà ở, đất nước, con người chung quanh có đổi thay mà lòng người vẫn không thay đổi.

Khi tôi còn nhỏ, với các ngài, tôi mới chỉ nhận thức được đức tính tôn tốt, tấm lòng vang vàng. Nhưng hôm nay tôi có cơ hội để nhận rõ hơn. Không phải chỉ là đức tính hay tấm lòng vàng nơi những con người đó có được do tự nhiên sẵn có hay gồng mình tập luyện nhưng là cả một bề sâu đức tin, bắt nguồn từ một Tình Yêu, từ một Thiên Chúa nhân hậu mà các ngài nhận làm gia nghiệp đời mình. Trung thành bền bỉ kiên trì trong tương quan với Đấng mà các vị đã chọn, đã hiến dâng. Kế đến phải kể là tinh thần Dòng, lời khấn Dòng, kỷ luật Dòng... các ngài đã miệt mài chu toàn trong tinh thần khiêm tốn quên mình để hăng say phục vụ.

Âm thầm lặng lẽ chìm sâu trong cộng đoàn, đó là cuộc sống của các vị hôm nay. Nhiều lúc tôi tự trách mình, sao lại cứ vô tình lơ mơ với những vị ngay bên cạnh mình, có khi sát ngay phòng mình (người hàng xóm) mà không quan tâm nhớ đến. Nhiều khi vì công việc mải mê mà chẳng còn để ý đến ai, cả tuần lễ chẳng hỏi han lấy đôi câu nhưng các ngài cũng vẫn chẳng đòi hỏi gì, chẳng bắt người khác phải bận tâm, vẫn cứ xoá mình theo dòng thời gian. Cuộc sống với những công việc mải mê ngược xuôi làm cho tôi ra như quên thực tại bởi tuổi trẻ còn đang hăng hái nhiều chuyện cần phải làm, đang náo động cuống cuồng chạy tới chạy lui... nên dễ làm quên đi bầu khí âm thầm lặng lẽ chung quanh.

Các ngài vẫn như chiếc bóng êm đềm đều đặn lặng lẽ lướt qua, cuộc sống chìm sâu trong thinh lặng như được chuẩn bị đi vào sự thinh lặng quên lãng ngàn thu. Các ngài tĩnh tâm triền miên, ngày này qua ngày khác như cơn gió lướt qua hè. Không kêu ca, than phiền trách cứ ai, không nhận định phê phán người này bậc nọ, không muốn ai phải phiền hà. Những bữa cơm hằng ngày luôn có mặt đúng giờ; thức ăn mặn nhạt nóng lạnh chua cay không lẩm bẩm kêu ca, không đòi hỏi, không thích ăn đồ ăn riêng. Tuổi trẻ sống bên cạnh luôn gây ồn ào, náo động, hay lộn xộn, thích thay đổi mà tuổi già vẫn cứ đón nhận không thở than. Một mẫu gương kỷ luật giờ giấc thật nghiêm túc lúc nào cũng có mặt trước mọi người... Buổi sáng, sau khi ăn sáng về, ra cổng Đền giúp đỡ người nghèo, thăm nom người tàn tật; trở về tập thể dục bằng chiếc xe đạp đạp tại chỗ... và rồi cả ngày âm thầm ra vào nhà nguyện; đều đặn đi bách bộ dọc theo các hành lang để giữ sức khoẻ. Luôn tôn trọng người khác và không phiền hà gì đến ai. Có dịp tôi hỏi nài là ngài có tiếc nuối gì về đời tu không? Ngài đã trả lời một cách dứt khoát là không, bởi từ nhỏ đi tu tới bây giờ vẫn được mọi người thương mến (được mọi người thương mến chưa hẳn là do hình dáng, năng khiếu bên ngoài, biết cư xử khéo léo mà còn có cái gì bên trong nữa kìa...). Tôi xin ngài nói về Chúa cho tôi nghe, Thiên Chúa mà ngài đang sống với, đang cầu nguyện với? Ngài trả lời là con chỉ biết sống còn nói thì con... “vụng” lắm (câu này đã làm cho tôi suy nghĩ nhiều, bởi vì người bên cạnh tôi thì sống cầu nguyện, còn tôi thì vào lớp định nghĩa cầu nguyện là gì, thế nào là cầu nguyện, cầu nguyện có mấy cách, cầu nguyện có cần thiết không, tại sao ta phải cầu nguyện... ra khỏi lớp thế là hết. Người đã sống cầu nguyện thì không cần biết định nghĩa cầu nguyện là gì chứ không phải là “vụng” đâu). Tôi lại gạn hỏi những lúc đời tu của tôi đang lên cơn ngán ngẩm là đối với ngài, những ngày sống đều đặn buồn tẻ thế này lòng ngài có buồn chán không? Ngài lại nhoẻn miệng cười hở 10 cái răng… giả mà trả lời cách mạnh mẽ rằng không buồn tí ti nào. Câu trả lời làm cho tôi buồn thêm bởi “ổng ý” tu thế nào mà tài khéo thế, hay là “ổng ý” dối lòng mình, “ổng ý” không buồn làm sao cảm thông được tôi??? Nhưng với câu trả lời đơn sơ chân thực như thế, quả thật ngài không buồn chút nào vì nếu cứ buồn ngày này qua ngày khác thì chắc hẳn nét mặt ngài đã thiên sầu địa thảm mất rồi và hễ nói ra thì sặc mùi bất mãn kinh niên, hoặc thở dài phát phiền chuẩn bị vào nằm hòm... Đây ngược hẳn lại, lúc nào cũng thấy tươi rói mới chết chứ! Tôi hỏi ngài rằng tu ngày nay khác ngày xưa lắm không? Ngài trả lời là khác lắm, ngày xưa kỷ luật nghiêm minh, tu đâu ra đó... thế nhưng ngài cũng không phàn nàn thất vọng ngán ngẩm lối sống tu ngày nay... Ngày nay “tu” cỡ nào ngài theo tới đó. Ngài đã bảo thế!?

Chuyện ngày xưa chuyện ngày nay là thế đấy! Với tôi những gì mắt thấy tai nghe tay chân đụng chạm... Xin bộc bạch kể lại. Tắt một điều: Từ bình minh tới lúc chiều tà - Tất cả chỉ là một Tình Yêu.

 

In ngày: 21/11/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print