Print  
Nhịp cầu
Bản tin ngày: 08/02/2012   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo

NHỊP CẦU

Ngày 24/4 đánh dấu một thời khắc lịch sử tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long: Khánh thành cầu Cần Thơ, chiếc cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á, nối hai bờ Sông Hậu. Hàng ngàn người đã đổ về cầu Cần Thơ để chứng kiến giây phút lịch sử này. Ngay sau khi kết thúc buổi lễ, người dân đã ùa lên Cầu, để muốn là những người đầu tiên đứng trên cây cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á này. Đến tối cùng ngày, hàng triệu người đã đổ về tham quan cây cầu lịch sử này, khiến giao thông khu vực ùn tắc nghiêm trọng. Mãi gần 22 giờ, các tuyến đường ở quận Cái Răng hướng về cầu Cần Thơ vẫn bị phong toả bởi một biển người và không có lối thoát.

Những chiếc phà qua lại nơi đây gần 100 năm nay đã gần lui vào dĩ vãng. Một giai đoạn mới đã được mở ra: Đôi bờ Sông Hậu với những ước mơ đã được nối liền.

Nối kết một ước mơ

Đã từ lâu lắm rồi, vượt dòng Hậu Giang luôn là một trở ngại đáng kể trên quốc lộ 1A xuôi về những tỉnh đồng bằng sông cửu long. Mặc dù những con phà tận tuỵ ngày đêm đưa khách sang sông, nhưng nó tỏ ra đuối sức trước nhu cầu lưu thông ngày càng nhiều, nhất là khi kinh tế ngày càng phát triển. Những dòng xe nối đuôi nhau nhiều cây số và đợi nhiều giờ để qua phà đã trở thành quen thuộc, nhưng vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều tài xế. Chính vì thế mà đôi bờ Sông Hậu cứ càng thêm xa cách.

Ông Ba Hưng chậm rãi kể: “Từ đây ngó qua Cần Thơ thấy vậy mà... xa vời vợi, bởi vì muốn qua phà phải đợi 3-4 giờ. Cho nên ai có việc phải đi thì cứ bao đò từ bên này sang, hoặc bốc điện thoại gọi đò dọc bên Ninh Kiều, cồn Ấu đưa đón, mỗi lượt đi tốn 30.000 đồng. Nhiều hôm gặp giông khói đèn (giông có mây đen - PV), sợ lật ghe phải quay trở vô chờ qua cơn giông mới dám đi. Bây giờ cầu đã xây xong, đứng bên này nhìn qua sao thấy gần quá, vù một cái đã sang tới Cần Thơ. Ao ước của tôi hồi thanh niên, bây giờ tới đời cháu, đời chắt mới thành sự thiệt” (Báo Tuổi Trẻ 19/04/2010).

Theo số liệu (Báo Tuổi Trẻ ngày 19/04/2010) của cụm phà Hậu Giang cho thấy vào thời điểm hiện nay, bình quân mỗi ngày có khoảng 8.000 lượt ôtô, 30.000 lượt môtô và 60.000 hành khách qua lại phà Cần Thơ. Năm 2004, khi tình trạng kẹt xe tại phà Cần Thơ còn chưa gay gắt như hiện nay, các nhà kinh tế đã ước tính mỗi ôtô khi vượt sông Hậu bằng cầu Cần Thơ sẽ nhanh hơn so với đi phà khoảng 32 phút, từ đó tiết kiệm chi phí vận hành khoảng 20.400 đồng, giảm mất mát giá trị hàng hoá 12.394 đồng (thời giá năm 2004). Còn theo ước tính mới nhất của Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, sau khi thông cầu Cần Thơ (24-4-2010), thời gian vượt sông sẽ rút ngắn so với đi phà trung bình khoảng 60 phút/xe.

Để nối kết ước mơ trên, hàng ngàn kỹ sư và công nhân đã làm việc cật lực ngày đêm trong suốt gần 2000 ngày. Lúc cao điểm (tháng 11-2008 đến tháng 5-2009) trên công trường có 180 kỹ sư, trong đó 50 người Nhật và hơn 1.000 công nhân kỹ thuật người VN, Thái Lan và Philippines (nguồn: Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận).

Cầu Cần Thơ có tổng chiều dài toàn tuyến 15,25km, tổng mức đầu tư 4.832 tỉ đồng, trong đó phần cầu chính dài 2,75km, rộng 23,1m, tĩnh không thông thuyền 39m, hai trụ chính có độ cao 164,8m, với 216 sợi dây văng. Với nhịp chính dài 550m, đứng hàng thứ nhất Đông Nam Á và thứ 7 thế giới (tính đến thời điểm khánh thành 24-4-2010).

Một trong những phần việc khó khăn nhất là thi công hai trụ tháp dây văng có hình chữ Y ngược, hai chân khép vào vừa nhằm thu hẹp diện tích bệ trụ vừa tạo vẻ đẹp thanh thoát nhưng chắc chắn. Để có móng trụ vững chắc, nhà thầu phải ghim xuống lòng sông mỗi chân trụ 36 cọc bêtông khổng lồ, mỗi cọc có đường kính lên tới 2,5m, sâu 94m, được coi là cọc dài nhất trên cả nước từ trước tới nay. Chỉ tính riêng mỗi cọc đã tiêu tốn đến 45 tấn cốt thép, toàn loại có đường kính 38mm, cây nào cây nấy to gần bằng cổ tay và hơn 500m3 bêtông.

Đây chính là những nền tảng vững chắc làm nên nét đẹp và biểu tượng của cầu Cần Thơ. Tuy nhiên điều này thường ít được biết đến. Người ta đầy xúc cảm khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoành tráng của nó những ít ai quan tâm đến việc làm thế nào để có được một công trình tầm cỡ như vậy. Ngoài tiền bạc, giá trị của cầu Cần Thơ còn được xây dựng trên mồ hôi, công sức và kể cả tính mạng của biết bao con người.

Cầu Cần Thơ giờ đã nối kết đôi bờ Sông Hậu. Nối những con đường, nối những ước mơ. Nó đang mở ra một viễn cảnh phát triển mới. Sẽ tươi đẹp và đầy hứa hẹn trong tương lai, đặc biệt cho những con người sống trong vùng Đồng bằng sông Cửu long này.

Đức Maria, nhịp cầu nối con người với Thiên Chúa

Tháng 5 về làm ta liên tưởng đến một chiếc cầu khác không kém phần lộng lẫy và quan trọng. Chiếc cầu nối liền con người với Thiên Chúa trong đời sống thiêng liêng. Chiếc cầu mang tên Maria.

Chúng ta vẫn biết và xác tín rằng, Đức Giêsu Kitô là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người. Đó chính là con đường mà con người phải đi qua để đạt đến hạnh phúc vĩnh cửu, “vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12).

Tuy nhiên, trên con đường đó luôn có những phương tiện làm cho cuộc hành trình trở nên nhanh và dễ dàng hơn. Một trong những phương tiện tuyệt vời nhất đó nhờ cây cầu Maria. Cũng như từ gần 100 năm nay, các chiếc phà vẫn ngày đêm đưa khách vượt dòng sông Hậu. Người ta vẫn lưu thông qua lại hai bờ sông Hậu đấy thôi, nhưng khó khăn, tốn nhiều thời gian và công sức. Nay với cây cầu Cần Thơ, việc qua lại đã trở nên thật dễ dàng. Với nhịp cầu Maria “Ad Jesum per Mariam” mà Thánh Louis Marie Grignion de Montfort xác tín và cổ vũ một cách đặc biệt, con đường đến với Chúa trở nên dễ dàng và chắc chắn hơn. Bớt sóng gió và rủi ro hơn.

Đức Maria thật sự là một nhịp cầu mà Thiên Chúa dùng để đến với con người. Thật vậy, ngay khi Đức Maria thưa xin vâng với Sứ thần, Thiên Chúa đã đi vào lịch sử con người thông qua cung lòng Đức Maria. Người đã nhận sự cưu mang, nuôi nấng và dưỡng dục của Đức Maria. Và cuộc đời của Người từ khi nhập thể cho đến mãn cuộc đời dương thế không bao giờ vắng bóng Đức Maria.

Tại tiệc cưới Cana, khi con người lâm vào tình trạng âu lo, thì cũng chính Đức Maria đã đóng vai trò chiếc cầu nối giữa những gia nhân với Đức Giêsu, để hoá giải những khó khăn gặp phải và bảo đảm cho niềm vui của bữa tiệc cưới được trọn vẹn.

Vâng, chính Thiên Chúa đã đến với con người thông qua nhịp cầu Maria, và chắc chắn Người cũng muốn con người đến với Người cũng thông qua nhịp cầu ấy. Trước khi từ giã thế gian, dưới chân thánh giá, Đức Giêsu đã ký thác con người (mà người môn đệ Đức Giêsu yêu là đại diện) cho Đức Maria: “Đây là con của Bà”, đồng thời cũng kí thác Đức Maria cho con người: “Đây là mẹ của anh” (x. Ga 19,26-27).

Kể từ đó Đức Maria luôn luôn đồng hành với các Tông đồ và Giáo hội trên con đường gặp Chúa và tiến về quê trời. Đức Maria đã cùng với các Tông đồ nơi nhà Tiệc ly để cầu nguyện và đón nhận Thánh Thần (x. Cv 1,14; 2,1). Trong suốt lịch sử Giáo Hội, Đức Maria đã nhiều lần hiện ra để yên ủi và chỉ bảo con cái mình những phương thế để sống đẹp lòng Thiên Chúa. Biết bao vị thánh cũng như các Đức Thánh Cha đã không mệt mỏi cổ võ lòng sùng kính Đức Maria, như là một phương thế để đến với Thiên Chúa.

Tất nhiên Giáo Hội cũng lưu ý con cái mình rằng: “Lòng sùng kính chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại ở một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta” (GH số 67). Thật vậy, lòng sùng kính Đức Mẹ cách chân thật không hệ tại ở việc áo hay sắc mặt Đức Mẹ đổi màu ở nơi này hay rung xâu chuỗi ở nơi kia… mà là sứ điệp Mẹ muốn gửi đến cho con người: đó là cải thiện đời sống. Đó chính là nền móng cắm sâu vào lòng đất, để xây nên cây cầu Maria vững chắc, xinh đẹp và hữu ích thật sự.

Trên con đường về Quê Trời, đôi khi xa xôi diệu vợi, với nhiều cám dỗ, thử thách, đôi khi con người cảm thấy mệt mỏi rã rời… Nhịp cầu Maria làm cho hành trình trở nên dễ dàng, thanh thản và hạnh phúc. Vâng, “trên con đường về quê, mà có bóng Mẹ, con vững thêm lòng tin, tiến lên bình yên. Trên con đường về quê mà có bóng mẹ, con bước đi bình an, vững tin ngày mai…”.

Dom. Ninh Nguyễn Thông Phán

Theo Dựng Lều, số 28

In ngày: 21/11/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print