Print  
Thánh Gioan Brébeuf và các bạn tử đạo trong công cuộc truyền giáo cho người Huron ở Bắc Mỹ
Bản tin ngày: 19/10/2012   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Năm 1626, vị thừa sai đầu tiên đặt chân đến xứ sở của người Huron là Thánh Gioan Brébeuf. Đến năm 1650, Cha Ragueneau - một linh mục Dòng Tên khác - lại đưa nhóm thừa sai cùng với 300 tân tòng Huron rời bỏ quê hương của họ đến định cư tại Québec. Trong khoảng thời gian 25 năm giữa hai sự kiện ấy, các thừa sai Dòng Tên đã miệt mài chia sẻ cho 25.000 người Huron Tin Mừng cứu độ, cũng như cùng gánh chịu những giờ phút hấp hối của dân tộc nhỏ bé ấy. Cha Ragueneau nói: “Chúng tôi đã dành cho xứ sở ấy trọn trái tim và nước mắt. Xứ sở ấy đã thấm đỏ những giọt máu vinh quang của anh em chúng tôi.” Chính cha Brébeuf và nhiều thừa sai Dòng Tên khác đã thực sự sống và chết như thế giữa người Huron.
 
1.
GIÁO ĐIỂM

Huron là tên gọi người Pháp đặt cho một nhóm thổ dân da đỏ sống vào nửa đầu thế kỷ XVII tại vùng đất ngày nay gọi là Midland, nằm giữa bờ vịnh Georgian (trên hồ Huron, một trong Ngũ Đại Hồ) và hồ Simcoe, thuộc tỉnh Ontario, nước Canada. Lãnh địa của người Huron trải rộng từ bắc xuống nam chừng 40km, từ đông sang tây chừng 50km. Tại sao lại gọi tên họ là Huron? Trong tiếng Pháp, hure có nghĩa là đầu một con vật, như đầu heo rừng chẳng hạn. Hình như nhóm thổ dân da đỏ này thường trang điểm đầu và mặt thành những đầu thú rừng nên những người Pháp đầu tiên gặp gỡ họ đã gọi tên như thế để phân biệt họ với những nhóm thổ dân khác sống trên cùng một lãnh thổ.

Chúng ta còn nhớ lại việc Christophe Colomb đặt chân đến Châu Mỹ năm 1492, đánh dấu sự khởi đầu cho những giao lưu giữa châu Âu và châu Mỹ. Trong lúc người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đổ xô chiếm đất ở Nam Mỹ sau đó, thì người Hà Lan và người Pháp lại tìm đến Bắc Mỹ. Suốt thế kỷ XVI, các nước thực dân tranh giành nhau các thuộc địa, lúc lặng lẽ, lúc khốc liệt. Đồng thời với việc chiếm đất giành dân giữa các chính quyền ấy, các thừa sai công giáo và tin lành cũng từ châu Âu đến truyền giáo cho những nhóm dân bản xứ.

Năm 1534, Jacques Cartier chiếm lãnh thổ Canada cho nước Pháp; từ đó người Pháp bắt đầu buôn bán với thổ dân và cũng đưa một số di dân Pháp qua lập nghiệp. Năm 1603, Samuel Champlain đến Canada, lập thành phố Québec, và thiết lập bộ máy cai trị của Pháp. Từ năm 1598, người Pháp bắt đầu truyền giáo cho các thổ dân. Năm 1611, hai thừa sai đầu tiên của Dòng Tên đến Bắc Mỹ là Massé và Biard; nhưng hai năm sau lại bị người Anh trục xuất. Năm 1615, các thừa sai dòng Phanxicô đến Trois-Rivières thuộc tỉnh Québec hiện nay, khởi sự việc truyền giáo cho người da đỏ, chủ yếu là dân Algonquin, chiếm đa số ở Canada. ‘Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít’, thế là các cha Phanxicô đã mời Dòng Tên đến chia sẻ công việc.
Năm 1625, đoàn thừa sai đầu tiên của Tỉnh Dòng Pháp gồm 5 linh mục đến Canada, trong đó có cha Brébeuf lúc ấy 32 tuổi. Chính ngài sẽ là thủ lãnh và linh hồn của công cuộc truyền giáo cho sắc dân Huron. Nhưng khi ngài qua đời, công cuộc này cũng chấm dứt.

Ở Bắc Mỹ thời ấy, tình trạng chính trị rất phức tạp. Hai sắc dân địa phương lớn là người Algonquin (trên phần đất Canada ngày nay) và Iroquois (trên phần đất hiện nay thuộc Hoa Kỳ) có thể nói là không đội trời chung. Đó là những dân tộc bán khai, có nhiều tập tục tốt, nhưng thường rất tàn ác.

Lúc ấy người Pháp ở Canada thì liên minh với dân Algonquin; còn người Hà Lan ở Hoa Kỳ thì liên minh với dân Iroquois. Hai nước thực dân này không chỉ tranh giành nhau về quyền lợi kinh tế mà còn xung đột nhau về tôn giáo, vì người Pháp theo Công giáo, trong khi người Hà Lan theo Tin Lành. Do đó, nhiều khi họ đã gây đổ máu cho hai sắc dân da đỏ địa phương vì quyền lợi của thực dân da trắng.

Còn người Huron lại là một thành phần đặc biệt. Xét về chủng tộc, họ là một nhánh của dân Iroquois. Tuy nhiên, họ không giống các dân khác - kể cả Algonquins và Iroquois - nhóm này tương đối định canh định cư, chứ không du canh du cư. Về mặt chính trị và kinh tế, thay vì liên minh với người Hà Lan và Iroquois, người Huron lại gắn bó với người Pháp và Algonquin, nên bị người Iroquois coi là kẻ phản bội.

Lúc mới đến Canada, Cha Brébeuf đi theo đoàn người Algonquins du mục để học ngôn ngữ và phong tục của họ. Sau đó, ngài quyết định đến với người Huron, vì chỗ ở của những người này ổn định hơn, do đó việc truyền giáo sẽ thuận lợi hơn. Sau cuộc hành trình nhiều khó khăn trên 800km, chủ yếu bằng đường sông Saint-Laurent đầy thác ghềnh, ngài đã cùng hai cha khác đến được làng Tuansê của người Huron ngày 29-8-1626, đúng ngày lễ tử đạo của Thánh Gioan Tẩy Giả, bổn mạng của ngài. Ít lâu sau, hai cha kia phải trở lại Trois-Rivières, để lại một mình ngài giữa 30.000 người Huron.

Điều cần thiết trước tiên là phải làm quen với ngôn ngữ và tập quán của dân Huron trước khi truyền giáo cho họ. Học tiếng Huron chẳng phải là điều dễ: họ chỉ có 8 phụ âm và không có một âm môi nào. Vì thế, khi nói, miệng họ chẳng mấp máy, phải cố nghe những âm phát ra từ cuống họng, như tiếng nước chảy róc rách. Cũng thế, họ chẳng có một từ trừu tượng nào. Hơn thế, cả đến những từ cha hay con  cách chung cũng không có, mà phải ghép thành cha tôi, cha nó, con anh, con họ mà thôi. Vì vậy, muốn dịch được Kinh Dấu Thánh Giá, phải rất vững về thần học Chúa Ba Ngôi: ‘Nhân danh Cha chúng tôi, và Con của Ngài, và Thánh Thần của các Ngài.’ Sau này, cùng với một số thừa sai khác, Cha Brébeuf còn tạo nên chữ viết cho người Huron, và năm 1639, đã soạn ra Từ điển Huron-Pháp nữa.

Người Huron thường khoẻ mạnh, thông minh, hiếu khách, tự chủ. Đàn ông chỉ mặc vỏn vẹn một cái khố và đính một chùm lông trên đầu. Trên người họ xăm nhiều hình thù dễ sợ. Đàn bà thì mặc áo váy cẩn thận hơn. Họ sống trong những nhà lá hai mái, dài trên dưới 20 mét. Trong nhà, các gia đình sống chung đụng với nhau, chẳng có gì ngăn cách gia đình này với gia đình kia, hay chỗ ngủ với bếp. Chỉ ở hai đầu hồi mới có cửa ra vào, ngoài ra chẳng có cửa sổ nào hết, nên trong nhà thường tối mịt và ngột ngạt. Đã thế lại còn nấu nướng và đốt lửa ngay trong nhà. Dân tộc này sống nhờ săn bắn, đánh cá và trồng tỉa. Thức ăn chính của họ là bắp (ngô). Đồ ăn sống hay chín đối với họ không quan trọng, chỉ là để thay đổi khẩu vị. Họ ngủ ngay trên đất, thu lá cây làm đệm lót. Họ chẳng quan tâm mấy đến vệ sinh: một vũng nước nhỏ có thể vừa làm chỗ tắm giặt, rửa tay chân, rửa thịt cá, rồi lại lấy nước uống hay nấu canh. Vì thế, bệnh dịch dễ phát sinh và có khi lây lan giết chết cả mấy làng.

Trong xã hội Huron, ai nấy đều bình đẳng, không phân chia giai cấp. Ba cấp cộng đồng của họ là làng, bộ tộc và dân tộc. Họ coi cộng đồng như gia đình mở rộng. Quyền quyết định các vấn đề trong cộng đồng thuộc về những người cao tuổi. Thủ lãnh của cộng đồng chỉ thi hành, và mọi người phải tuân lệnh. Tuy nhiên, cũng có một số điều mà các thừa sai sau này sẽ phải vất vả nhiều để giúp người Huron vượt qua. Trước hết, họ coi việc nói dối và trộm cắp là bình thường. Thứ đến, mặc dù trên lý thuyết họ theo chế độ một vợ một chồng, nhưng trong thực tế, ngoài quan hệ vợ chồng, các quan hệ nam nữ của họ rất bừa bãi. Sau nữa, họ trả thù rất dã man và ăn thịt kẻ thù. Chính Thánh Isaac Jogues sau này gặp một chuyện giở khóc giở cười. Có một người Huron đến xin theo đạo, ngài nói chưa thể rửa tội được vì người ấy có hai vợ. Lần sau người ấy trở lại xin rửa tội và cho biết đã giết và ăn thịt một bà vợ rồi!

Về tín ngưỡng, người Huron không phân biệt thiêng và tục, dân sự với tôn giáo. Theo họ, vũ trụ này do hai vị thần làm ra: thần Iouskeha coi sóc mặt trời và đem lại những điều tốt lành cho con người; còn thần Aetaentsic coi sóc mặt trăng và đem lại những điều xấu. Ngoài ra, mỗi vật như sông, núi, đất, người, thú vật, cây cỏ đều có thần riêng gọi là Oki. Người Huron cúng lễ cho các thần tuỳ theo những nhu cầu. Tuy nhiên, họ không có đền đài hay nghi lễ nào. Theo họ, hồn và xác con người chỉ tạm thời dính vào nhau; khi ngủ, hồn đi gặp các thần. Vì thế, họ coi giấc mơ là điều hết sức quan trọng. Mọi sự, họ đều làm theo giấc mơ; còn các phù thuỷ chuyên môn giải mộng. Họ tin rằng người chết được đưa về phía tây sống với hai vị thần coi sóc mặt trời và mặt trăng. Cứ 12 năm, họ tổ chức lễ tôn kính người chết rất long trọng.

Giữa năm 1529, sau hơn 2 năm chung sống với người Huron, Cha Brébeuf đã thông thạo ngôn ngữ và tập quán của người Huron; lại còn được đặt tên Huron là Echon và được đối xử như một thành viên của làng. Nhưng ngay lúc đó, ngài lại phải trở về Pháp vì thực dân Anh đã hất cẳng người Pháp khỏi Canada, trục xuất mọi cư dân Pháp khỏi thuộc địa này.

Năm 1631, người Pháp tái chiếm tỉnh Québec; Tỉnh dòng Pháp lại gửi người tiếp tục công cuộc truyền giáo mới khởi sự. Năm 1633, Cha Brébeuf trở lại Canada. Ngày 7-7-1634, cùng với hai cha Davost và Daniel, ngài trở lại khu vực người Huron để chính thức bắt tay vào công cuộc truyền giáo.
 
2.
TRONG DÂN

Khởi đầu, Cha Brébeuf dựng một căn nhà riêng cho các thừa sai tại làng Ihonataria, ngay bờ vịnh Georgian, vì không thể sống trong ngôi nhà dài rất lộn xộn và thiếu vệ sinh. Hơn nữa các thừa sai cần có nhà riêng để tổ chức đời sống cho thích hợp. Nhìn từ phía ngoài, nhà của các thừa sai chỉ khác nhà người Huron bởi cây Thánh Giá và có nhiều cửa. Bên trong, các cha còn chia thành các phòng riêng, phòng khách, nhà nguyện, nhà bếp. Hằng ngày, các ngài đến gặp gỡ dân chúng tại nhà của họ. Hai thừa sai mới phải lo học ngôn ngữ và phong tục, còn Cha Brébeuf đã có thể bắt đầu giảng giải cho dân chúng về ơn cứu độ.

Trong xã hội Huron, những người già nắm quyền quyết định mọi sự. Vì thế, Cha Brébeuf chọn ưu tiên đến với những người già. Ngài trình bày cho họ về linh hồn bất tử, về thiên đàng, hoả ngục, về luật Chúa và tội lỗi. Tất cả những điều ấy đều mới mẻ đối với họ, vì người Huron nghĩ rằng sau khi chết là về với các thần, chẳng có thưởng phạt chi hết. Như thế, giáo lý của Cha Brébeuf đụng chạm sâu xa đến truyền thống của họ. Tuy nhiên, đa số những người già vẫn gắn bó với niềm tin truyền thống, chỉ có vài người hỏi phải làm gì để được lên thiên đàng.

Về phần Cha Daniel, ngài tập họp trẻ em lại tập hát, dạy giáo lý và cầu nguyện, cứ như các em là con cái gia đình Công giáo vậy. Chẳng bao lâu, nhiều người đã sẵn sàng đón nhận Tin Mừng, nhưng cũng có những người chống đối quyết liệt. Riêng cha Brébeuf vẫn luôn lạc quan: “Chúng tôi đặt hy vọng nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đổ máu để cứu chuộc người Huron cũng như các dân tộc khác. Nhờ Chúa Giêsu Kitô, chứ không nhờ vào sức riêng của mình, chúng tôi hy vọng một ngày nào đó sẽ được thấy Đạo Thánh Chúa trổ sinh hoa trái rực rỡ trên mảnh đất này.”

Tuy nhiên, như cha Brébeuf đã kinh nghiệm được từ giai đoạn sống trước đây với người Huron: hai vấn đề quan trọng mà người Huron phải đối đầu là bệnh dịch và hạn hán. Tháng 4-1635, đã tới mùa tỉa bắp mà trời vẫn chưa mưa. Các phù thủy giải thích nguyên do hạn hán là vì cây Thánh Giá trong nhà các thừa sai. Thế là dân chúng kéo đến bắt các thừa sai nộp cây Thánh Giá, nếu không sẽ đốt nhà và giết các thừa sai. Cha Brébeuf cố trấn tĩnh họ rằng ngay cả các thừa sai hay các phù thủy đều không thể làm cho trời mưa hay nắng, chỉ Thiên Chúa mới có quyền. Do đó, nếu dân chúng bỏ đời sống tội lỗi mà tôn thờ Thiên Chúa thì trời sẽ mưa. Họ cam kết nghe theo lời ngài. Ngài mời họ làm tuần 9 ngày kính Thánh Giuse: ngay sau đó, trời đổ mưa nên nhiều người đã bắt đầu tin Chúa.

Sau lễ tôn kính người chết năm 1636, Cha Brébeuf bắt đầu một dự án mới là gửi một số trẻ em đến Trois-Rivières học tập, hy vọng sau này các em sẽ trở nên những tông đồ cho chính dân tộc của mình. Thuyết phục mãi, ngài mới có được hai gia đình cho hai con trai đi. Hai Cha Davost và Daniel đã đưa hai em nhỏ về Trois-Rivières và đón ba thừa sai mới lên khu truyền giáo là các Cha Isaac Jogues, Charles Garnier và Chastellain.

Khi các thừa sai mới vừa đến thì trong làng đang có một cơn dịch. Khởi đầu là cha Isaac Jogues lên cơn sốt và nằm liệt giường. Để chữa bệnh, các ngài chỉ có lá cây, còn khi nào sốt cao thì lể. Để Cha Isaac được yên tĩnh và tránh cho bệnh khỏi lây lan, Cha Brébuef đóng cửa không cho người Huron đến thăm. Dân làng hết sức bất bình, vì theo tục lệ của họ, không những không được từ chối khách đến thăm mà còn phải để các phù thủy đến nhảy múa trừ bệnh tật nữa. Thế là ngài buộc lòng phải mở cửa đón tiếp họ, nhưng không chấp nhận cho các phù thuỷ đến nhảy múa. Chẳng bao lâu, bệnh dịch lan tràn làm nhiều người chết. Các thừa sai đi chữa bệnh và rửa tội cho những người hấp hối. Các phù thủy liền tung tin rằng các cha dùng nước độc để giết người. Các bô lão liền họp lại và thông báo với Cha Brébeuf: “Nếu các thừa sai còn đổ nước lên đầu ai thì sẽ bị giết chết.”

Khi làng Aenon bị bệnh dịch, những người lãnh đạo làng mời Cha Brébeuf đến vấn kế. Được dịp, thánh nhân trình bày luôn cho họ về Chúa sáng tạo và cứu chuộc, tấn công việc thờ bụt thần, việc giải mộng của các phù thủy, lối sống tội lỗi, kêu gọi họ từ bỏ những tập tục xấu để tin thờ Chúa và giữ luật Chúa. Họ trả lời rằng mỗi dân tộc có một niềm tin riêng, vì thế cố gắng của cha Brébeuf không đạt được kết quả nào. Sau đó, làng Ossossanê cũng bị nạn dịch và mời ngài đến vấn kế. Dân làng này hứa sẽ làm theo điều ngài chỉ, tức là tôn thờ Chúa và giữ luật Chúa; họ còn hứa sẽ dựng nhà thờ nữa. Thế là ngài rửa tội được khoảng 50 người. Nhưng khi cơn dịch qua đi, họ lại quay về nếp sống cũ, quên hết lời hứa.

Đầu năm 1537, có một tộc trưởng đến xin rửa tội, Cha Brébeuf quyết định chuẩn bị chu đáo và tổ chức lễ rửa tội thật long trọng. Ngày 7-6, nhằm ngày lễ Chúa Ba Ngôi, một buổi lễ tưng bừng đã diễn ra, thu hút rất đông người Huron đến dự. Sau lễ, các thừa sai còn mời họ ăn tiệc. Nhân dịp này, các ngài trưng bày rất nhiều ảnh tượng đạo khiến dân chúng tò mò đặt câu hỏi và các ngài giải thích. Thế là có nhiều người hiểu biết hơn về đạo. Sau lễ rửa tội long trọng ấy, Cha Brébeuf quyết định rời nhà các thừa sai từ làng Ihonatiria đến làng Ossossanê để thuận lợi cho việc mở rộng truyền giáo.

Các thừa sai vừa mới đến Ossossanê thì một trận dịch lại lan tràn khắp vùng. Tệ hại hơn nữa là làng Ossossanê bị nặng hơn các làng khác. Người Huron đổ tội cho các cha đã mang đại dịch đến. Đại hội bô lão các làng được triệu tập tại Ossossanê để bàn định việc chiến tranh với người Iroquois, đồng thời cũng để quyết định luôn số phận của các thừa sai. Không tìm được bằng cớ để kết tội các cha, họ cho biết không bảo vệ các cha nữa, nếu ai giết các cha thì mặc! Lúc ấy, Cha Ragueneau ở Québec tới báo tin cho biết bệnh dịch ở vùng dân Algonquin còn dữ dội hơn, và mạng sống người Pháp ở Trois-Rivières luôn bị đe doạ bởi người Iroquois. Ngài lại còn cho biết một số người Pháp có ý định gieo bệnh dịch nhằm tiêu diệt các sắc dân địa phương để chiếm đất. Với những mâu thuẫn dồn dập ấy, số phận các thừa sai như cá nằm trên thớt.

Trong hoàn cảnh đó, Cha Brébeuf quyết định phân tán các thừa sai thành hai nhóm: các Cha Mercier, Garnier và Ragueneau ở lại Ossossanê; còn các Cha Pijart, Jogues, Chastellain và ngài về lại Ihonatiria. Mấy tháng sau bệnh dịch qua đi sau khi đã giết hại rất nhiều người. Riêng làng Ossossanê chết mất một nửa. Nhưng dân làng lại đi làm ăn bình thường và không còn nghĩ đến việc giết các thừa sai. Cha Brébeuf nghĩ ra một cách thức làm việc tông đồ mới: đó là tổ chức mời cơm các bô lão, sau bữa ăn thì bàn chuyện làng nước và chính ngài cho ý kiến. Bằng cách ấy ngài hướng dẫn họ từng bước đến gần với Tin Mừng.

Ít lâu sau, lại có thêm Cha Daniel trở lại, Cha Brébeuf quyết định cho hai Cha Jogues và Chastellain đến ở tại một nơi đông dân nhất nhưng cũng thù nghịch nhất với các thừa sai, là làng Têanaustayê.
 
3.
TU VIỆN THÁNH MẪU


 
Tu viện Thánh Mẫu được xây dựng năm 1634,
bị thiêu huỷ năm 1649, được phục chế năm 1855

Năm 1538, Cha Giêrônimô Lallemant từ Trois-Rivières đến làm bề trên khu truyền giáo thay cho Cha Brébeuf. Mặc dầu mới đến xứ sở Huron lần đầu, chưa biết mấy về ngôn ngữ và tập tục địa phương, cha đã quyết định thay đổi nhiều điều.

Đầu tiên, Cha cho thành lập Tu viện Thánh Mẫu, có nhà nguyện, có phòng thuốc, có hàng rào bao quanh, để trở thành một trung tâm truyền giáo. Kể từ đó, các thừa sai ở trong tu viện, 4 giờ sáng thức dậy, cầu nguyện và dâng lễ. Sau đó toả đi các làng, 4 giờ chiều trở về tu viện để ngủ nghỉ, không tiếp khách nữa. Thứ đến, ngài lập ra bậc ‘hiến sinh’, bao gồm các thanh niên Pháp theo giúp các thừa sai từ trước đến nay: Cha Lallemant cho họ khấn khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục, bao lâu họ còn theo giúp các cha, để họ được gắn bó với các thừa sai và được hoạt động truyền giáo. Họ được ăn, ở và làm việc chung với các thừa sai, nhưng được tự do bỏ về bất cứ lúc nào.

Cha Lallemant cũng phân công lại các thừa sai. Các ngài lần lượt đến các làng, chuyện trò với dân chúng và rửa tội cho những ai đã được chuẩn bị chu đáo. Thực ra, hạt giống các ngài đã gieo vãi trước đó trong mồ hôi và nước mắt đã không uổng công: nhiều người trong các làng đã xin theo đạo. Các ngài cũng tổ chức những buổi cầu nguyện và dâng thánh lễ. Mặc dù thỉnh thoảng hãy còn xảy ra những trận dịch, nhưng phản ứng của người Huron không còn hung dữ như trước đây nữa. Nhiều người, trong đó có cả các bô lão, đã biết nhìn và giải thích mọi sự theo đức tin. Có thể nói khu truyền giáo Huron đang bước vào giai đoạn nhiều hứa hẹn. Số các thừa sai đã lên đến 13 cha, và số hiến sinh cũng lên đến 14.

Đến năm 1640, Cha Lallemant quyết định mở rộng công cuộc truyền giáo đến những dân sống bên cạnh người Huron như dân Thuốc Lào và dân Trung Lập, theo cách gọi của người Pháp.

Thế là cha Brébeuf dẫn đầu nhóm thừa sai gồm hai linh mục và hai giáo dân lên đường đến với dân Trung Lập. Người Huron không ủng hộ kế hoạch này vì từ trước đến nay, họ vẫn đứng ra làm trung gian buôn bán giữa người Trung Lập và người Pháp để kiếm lợi. Nay nếu các cha Pháp trực tiếp đến với người Trung Lập thì coi như họ mất một mối lợi. Vì thế, họ khuyên các cha đừng đi, lại còn từ chối dẫn đường. Dù thế, các cha vẫn nhất quyết đi. Người Huron bèn đến tuyên truyền với người Trung Lập rằng các thừa sai sẽ mang bệnh dịch đến và đổ nước lên đầu để giết người. Sau nhiều ngày lặn lội vất vả, các thừa sai bị xua đuổi và chẳng thu được thành quả nào. Tệ hơn, Cha Brébeuf bị trượt ngã trên băng làm gãy xương bả vai trái.

Sau thất bại này, một biến cố nữa báo hiệu những giờ phút đen tối sắp ập đến trên giáo điểm Huron. Đó là năm 1642, Cha Isaac Jogues dẫn một đoàn người Huron đi Québec xin tiếp tế lương thực, thuốc men và súng đạn để có thể tự vệ. Trên đường về, đoàn thuyền nhỏ gồm 10 chiếc chở 40 người bị lọt vào ổ phục kích của người Iroquois trên hồ Saint-Pierre. Ngoại trừ vài người trốn thoát, phía Huron thiệt mạng 3 người, 23 người bị bắt cùng với cha Jogues, hiến sinh Goupil và một hiến sinh khác. Tất cả bị dẫn độ về bộ lạc Mohawk nằm trên lãnh thổ tiểu bang New York của Hoa Kỳ ngày nay. Tại đó, hiến sinh Rênatô Goupil bị giết chết bằng búa trong lúc đang dạy cho một trẻ da đỏ làm dấu Thánh Giá. Đây là vị tử đạo tiên khởi tại Bắc Mỹ. Toàn thể tù binh người Huron đều bị xử tử, riêng Cha Jogues và hiến sinh còn lại bị giữ làm nô lệ. Nguy cơ bị người Iroquois tấn công giờ đây không chỉ còn là một bóng ma, mà đã hiển hiện trước mắt.

Năm 1644, Cha Ragueneau được chỉ định làm bề trên giáo điểm. Ngài thấy Tu viện Thánh Mẫu tuy tạo sự yên tĩnh cho các thừa sai nhưng lại cách ly các ngài khỏi người Huron. Nếu như bị người Iroquois tấn công thì tu viện sẽ bị cô lập, không sao đứng vững được, và các thừa sai sẽ bị tàn sát hết. Vì thế, ngài cho giữ nguyên tu viện, nhưng chỉ cắt đặt một vài thừa sai lo hậu cần và điều hành tại đó, còn các thừa sai khác chia ra sống tản mác trong các làng. Sinh hoạt của các thừa sai như hồi sinh, nhộn nhịp trở lại, báo hiệu một mùa gặt hái sắp đến chăng? Tuy nhiên, giờ thử thách của giáo điểm cũng đang kề cận.

Thực vậy, trong lúc tại giáo điểm, các thừa sai vẫn hăng say dạy giáo lý và rửa tội cho người Huron, và hạt giống đức tin đã nảy mầm tươi tốt, thì cha Jogues lại thất bại trong sứ mạng dàn xếp hòa bình giữa người Huron và người Iroquois. Ngài được người Hà Lan giúp trốn khỏi bộ lạc Mohawk để về Pháp, rồi ngài lại trở lại Canada. Tại Trois-Rivières, từ tháng 6.1645 đến tháng 5.1646, đại biểu 3 dân tộc Algonquin, Iroquois và Pháp hội đàm để thỏa hiệp chung sống hoà bình. Cha Jogues được cử làm sứ giả của người Pháp đến thăm hữu nghị người Algonquin. Mọi sự diễn ra tốt đẹp. Ngài muốn đi thêm một bước nữa là hòa giải người Iroquois với người Huron. Nhưng lần này, ngài và hiến sinh Lalande bị người Iroquois giết ngày 18 và 19-10-1646, tại địa điểm ngày nay là Auriesville, tiểu bang New York của Hoa Kỳ.
 
4.
ÁN TỬ

Mặc dù Cha Jogues bị giết ngay tại thủ phủ của dân Iroquois, nhưng người Pháp không phản ứng chi hết, vì cứ lý, ngài đi với tư cách riêng, và bị ám sát chứ không bị kết án chính thức. Thực ra, người Pháp cũng ngại đụng chạm đến người Iroquois vì đứng sau những người này là người Hà Lan. Thế là coi như người Huron bị bỏ rơi.

Sau khi Cha Jogues tử đạo, tình hình tại giáo điểm ngày càng bi đát. Khu vực người Huron gần như bị cắt đứt liên lạc với người Pháp. Nếu trước đây người Iroquois chỉ chặn đường, thì giờ đây họ đem quân đến trực tiếp đe dọa và tấn công. Những người đi săn, đi lưới cá, đi buôn bán thường bị người Iroquois bắt giết và ăn thịt, nên không ai dám đi xa kiếm sống. Ngay cả trong làng cũng không yên, vì thỉnh thoảng người Iroquois đến cướp bóc và tàn sát. Nạn đói bắt đầu trở nên nghiêm trọng. Đã có nhiều người chỉ có cây cỏ mà ăn để sống qua ngày. Một số người chạy đến tận Trois-Rivières nương nhờ người Pháp. Số khác dọn đến gần Tu viện Thánh Mẫu để được an toàn và được cung cấp lương thực.

Đứng trước tình hình ấy, các thừa sai ra sức củng cố đức tin các tân tòng, rửa tội cho các dự tòng, tổ chức dâng lễ và cầu nguyện, để sẵn sàng với bất cứ điều gì xảy đến. Cha Ragueneau cho biết: “Đạo Chúa có những bước tiến vượt bậc, các tín hữu ngày càng lớn lên cả về số lượng lẫn đức hạnh… Vì vậy, xin gửi đến đây thật nhiều thừa sai.” Ở nhiều nơi, vì bị người Iroquois đe dọa, người Huron bỏ nguyên cả làng để đi nơi khác. Một số người ngoại đổ trách nhiệm cho các thừa sai: vì người Huron không cúng thần nên bị thần phạt. Cha Brébeuf một mình coi 5 làng gần Tu viện Thánh Mẫu, ngày đêm vất vả giúp đỡ đoàn chiên non nớt đang lo âu. Các cha khác mỗi người mỗi nơi cũng hết lòng với người Huron, không ai nghĩ đến việc bỏ trốn. Thực tế, đạo Chúa đã trở nên đạo của 7.000 trong số 10.000 người Huron còn lại.

Thừa sai đầu tiên hy sinh tại giáo điểm Huron là Thánh Antôn Daniel. Sáng sớm ngày 4-7-1648, 1.000 chiến binh Iroquois trang bị súng và cung tên, bất chợt tấn công làng Tênaustayê, cách Tu viện Thánh Mẫu chừng 20km. Làng này có 400 gia đình tức khoảng 2.000 người. Lúc đó, những người có thể chiến đấu lại đi vắng. Khi làng bị tấn công, cha Daniel vừa dâng lễ xong, ngài vội vàng rảy nước rửa tội tập thể cho tất cả các dự tòng, rồi bảo họ chạy trốn. 700 dân làng bị giết hoặc bị bắt. Cha Daniel bị bắn tên đầy người rồi bị một viên đạn súng hoả mai vào ngực. Ngài ngã gục ngay cửa nhà thờ, trên người còn mặc áo lễ.
 

Tháng 3-1649, đến phiên Thánh Gioan Brébeuf và Thánh Gabriel Lallemant. Cha Lallemant này là cháu Cha Giêrônimô Lallemant, mới đến giáo điểm năm 1648 và được cử giúp Thánh Gioan Brébeuf. Sáng ngày 16, sau khi đã “làm cỏ” xong làng Thánh Inhã, 1.000 tay súng Iroquois tấn công sang làng Thánh Luy, nơi hai vị thừa sai đang ở. Nghe tin quân địch tới, các ngài rửa tội cho dự tòng, giải tội cho mọi tín hữu, rồi sai đưa 500 phụ nữ và trẻ em chạy trốn hết. Riêng các ngài cùng với 80 trai tráng quyết tâm bảo vệ làng. Sau 2 đợt tấn công, người Iroquois chiếm được làng. Họ dẫn các ngài và các tù binh về nhà thờ làng Thánh Inhã. Tại đó, các ngài bị tra tấn dã man: Thánh Gioan Brébeuf qua đời chiều hôm ấy và thánh Gabriel Lallemant qua đời sáng hôm sau.

Sau khi Thánh Gioan Brébeuf tử đạo, xứ sở người Huron tàn lụi không có gì cứu vãn nổi. Thật vậy, hầu hết 15 làng đã trở nên hoang vắng: số thì tản mác sang các dân chung quanh, số khác chạy đến với người Pháp ở Québec, chỉ còn mấy trăm người không biết chạy đi đâu nên phải đến nương nhờ Tu viện Thánh Mẫu. Tình hình thật nguy hiểm vì nếu người Iroquois tấn công tu viện thì mọi người sẽ chết hết. Cha Ragueneau đành quyết định bỏ Tu viện Thánh Mẫu: các thừa sai chia nhau đến giúp người lánh nạn, còn Tu viện rời đi nơi an toàn. Các thừa sai muốn đến đảo Ekaentoton trên vịnh Georgian vừa để thoát tầm kiểm soát của người Iroquois, vừa dễ đi lại với Québec, nhưng những bô lão Huron lại chọn đảo Ahoendoê gần hơn, để chuẩn bị lực lượng chiếm lại xứ sở. Thế là ngày 14-6-1649, các thừa sai cho thiêu huỷ Tu viện Thánh Mẫu rồi đưa 300 người dân đến nơi họ chọn.

Hai vị tử đạo cuối cùng tại giáo điểm Huron là Thánh Carôlô Garnier và Thánh Noel Chabanel. Các ngài đang ở với dân Thuốc Lào khi người Iroquois tấn công vào làng ngày 7-12-1649. Nhà cửa bị đốt hết, rất nhiều người bị bắt, người già và trẻ em bị tàn sát. Cha Garnier đang thăm các lều thì bị bắn vào bụng, bị bỏ nằm trong vũng máu, rồi bị đánh bằng rìu hai bên thái dương cho tới chết. Cha Chabanel lúc ấy đang ở làng khác đã tìm đến những người chạy loạn để giúp đỡ họ. Ngang đường ngài bị một người dân Thuốc Lào bội giáo dùng rìu giết chết rồi liệng xác xuống sông.

Vào tháng 3-1650, hai toán người Huron trên đảo Ahoendoê mà các thừa sai gọi là đảo Thánh Giuse, đi săn thú và bắt cá chẳng may bị lọt vào tay người Iroquois và bị tàn sát hết. Ngay sau đó, hai đội quân người Iroquois chuẩn bị tấn công người Huron trên đảo Ahoendoê. Dân chúng đòi bỏ đảo mà đi Québec. Cuối cùng, các cha phải quyết định bỏ giáo điểm để cứu lấy số sót của cả một dân tộc, và họ buộc phải lên đường ngay, trước khi bị vây hãm. Ngày 10-6-1650, các ngài đưa số sót 300 người Huron trên tổng số 30.000 dân, rời đảo Ahoendoê. Hơn một tháng rưỡi sau, ngày 28-7, họ đến Québec bình an.
 
5.
BẠN ĐƯỜNG

Năm 1637, đứng trước nguy cơ bị sát hại, Thánh Brébeuf đã thay mặt 7 thừa sai giữa người Huron viết cho Cha Lejeune, Bề trên Dòng Tên ở Canada, lá thư như sau:
 
Kính thăm cha,

Kính chúc cha bình an của Chúa Kitô.

Có lẽ chúng con sắp được đổ máu và hiến dâng mạng sống cho Thầy nhân hậu của chúng ta là Chúa Giêsu Kitô. Dường như Chúa nhân lành muốn nhận hy sinh này của con để đền bù bao nhiêu tội lỗi con đã phạm, cũng như để ân thưởng chúng con ngay từ bây giờ, với tất cả những công việc các cha đã làm ở đây và với những ước nguyện cao cả, nồng nàn của các cha.

Con nghĩ là điều ấy cũng có thể sẽ không xảy ra, một đàng vì quá khứ xấu xa của con khiến con hoàn toàn bất xứng với ân huệ trọng đại như vậy; đàng khác, nhờ ơn Chúa, một số linh hồn tốt lành đã sốt sắng đón nhận hạt giống Tin Mừng, bất chấp việc mọi người nói xấu và bách hại chúng con. Vì thế con tin là Chúa nhân từ không để người ta sát hại những người thợ của Chúa.

Dù sao, con xin thưa với cha là tất cả các cha ở đây rất bình an và sẵn sàng đón nhận những điều sắp xảy đến. Riêng phần con, xin thưa thật với cha là con chưa sợ hãi cái chết như vậy chút nào. Dù người ta quyết định thế nào và đối xử thế nào đi nữa, thì nhờ ơn Chúa, chúng con sẽ ráng chịu đựng vì danh Chúa. Chúa nhân từ có thương chúng con cách riêng mới để chúng con chịu đựng điều này điều kia vì yêu mến Chúa. Chính giờ đây chúng con thấy mình đang thực sự theo Chúa. Ngợi khen Chúa muôn đời, vì mặc dầu thua kém nhiều người khác, chúng con được chọn đến xứ sở này để vác Thánh Giá phụ Chúa. Nguyện cho ý Chúa được nên trọn trong mọi sự! Nếu Chúa muốn cho chúng con chết vào giờ này, thì đây là giờ hạnh phúc cho chúng con. Nếu Chúa muốn giữ chúng con lại cho một việc gì khác, xin ngợi khen Chúa. Nếu cha được tin Chúa đã ân thưởng chúng con vì những việc nhỏ bé - đúng hơn đó mới chỉ là ao ước - thì xin cha hãy ngợi khen Chúa, vì chúng con chỉ muốn sống hay chết cho Chúa, theo ơn chính Chúa ban cho chúng con.

Ngoài ra nếu có ai sống sót, con đã sắp đặt tất cả mọi việc phải làm. Con nghĩ là các cha cũng như những người giúp việc nên đến ở với những người thân thiết nhất ở đây. Con đã cho đem đến nhà ông Phêrô, bổn đạo đầu tiên ở đây, tất cả những vật dụng phòng thánh, cũng như đặc biệt cho cất giấu từ điển và mọi thứ liên hệ đến ngôn ngữ thổ dân ở một nơi an toàn.

Sau hết, xin cha cũng như tất cả quý cha, khi dâng lễ cầu nguyện, đừng quên chúng con, để Chúa tỏ lòng từ bi với chúng con, dù chúng con sống hay chết.

Tất cả chúng con, ở đời này cũng như đời sau, là những tôi tớ hèn mọn và thương mến cha trong Chúa Giêsu Kitô.

Gioan de Brébeuf
Phanxicô Giuse Le Mercier
Phêrô Chastellain
Carôlô Garnier
Phaolô Ragueneau

Tại nhà Đức Mẹ Vô Nhiễm, làng Ossossanê, ngày 28-10
Cha Phêrô Pijart và Cha Isaac Jogues ở nhà Thánh Giuse cũng một lòng một ý với chúng con như vậy.

Lá thư do Thánh Gioan de Brébeuf soạn và một số thừa sai cùng nhau ký tên trên đây, được coi như bản di chúc của các ngài. Những khó khăn tại giáo điểm Huron đã không làm các ngài chùn bước, nhưng còn giúp các ngài đạt được ước nguyện cùng đau khổ  với Chúa Kitô, cùng vinh quang với Chúa Kitô của Linh Thao. Qua cuộc sống và cái chết của các ngài, chúng ta thấy nổi bật hai chặng đường Nhập Thể và Vượt Qua của Chúa Giêsu.

Nếu khi đến Nam Mỹ, thực dân Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha thường áp dụng chính sách đồng hoá thổ dân - cả về tôn giáo - nhiều khi bằng bạo lực, thì người Anh, người Hà Lan và đặc biệt là người Pháp ở Bắc Mỹ, thường áp dụng đường lối ôn hoà hơn: không dùng bạo lực, không đồng hoá, nhưng chung sống hoà bình. Chính vì vậy công cuộc truyền giáo ở Bắc Mỹ cũng khó khăn và chậm chạp hơn. Chẳng hạn tại giáo điểm Huron, thánh Gioan de Brébeuf và các thừa sai Dòng Tên khởi đầu bằng việc đến sống với thổ dân, học ngôn ngữ và phong tục của họ, cùng ăn, cùng ở với họ. Các ngài hoàn toàn không dựa vào sức mạnh quân sự của người Pháp, cũng không có ý đồng hoá họ với người Pháp. Chỉ mình cha Giêrônimô Lallemant nghĩ rằng người Huron ngu đần và mọi phong tục của họ đều do ma quỉ, tất cả các thừa sai khác đều cho rằng họ thông minh, có nhiều đức tính và nhiều phong tục tốt.
 

Ngay từ đầu, Thánh Gioan de Brébeuf sống chung trong nhà người Huron và được họ coi như một người dân trong làng. Ngay cả khi làm nhà riêng, các thừa sai cố giữ dáng vẻ bên ngoài như các nhà dân địa phương, chỉ bài trí lại bên trong cho thuận tiện hơn với đời sống tu trì và tông đồ mà thôi. Các ngài cũng chia sẻ với thổ dân từng miếng ăn, manh áo, viên thuốc, cho đến những khốn khổ do thiên tai, địch hoạ. Mặc dầu chưa dám đóng khố và xăm mình, nhưng các ngài đã mang tên do thổ dân đạt, thánh Gioan de Brébeuf là Echon, thánh Isaac Jogues là Ondessonk. Khi di chuyển trong rừng, các ngài tuân giữ kỷ luật cách nghiêm túc và cùng mang vác những vật nặng như mọi người. Tóm lại, các thừa sai đã đến với người Huron như những người bạn, như những người anh em, không có một chút bóng dáng nào của nhà cai trị.

Tuy nhiên, các ngài không chấp nhận hoà đồng với người Huron trong những gì nghịch với Tin Mừng, như cương quyết chống lại thói nam nữ giao du bừa bãi, tệ nạn trả thù, giết và ăn thịt kẻ thù, cùng những tập tục mê tín dị đoan khác. Trái lại, các ngài luôn kiên nhẫn và nhất quyết rao giảng Tin Mừng về Đấng Sáng Tạo, Đấng Cứu Chuộc, Đấng Thánh Hoá, cũng như kêu gọi người Huron thay đổi đời sống. Tin Mừng nhiều khi đã gây nên những phản ứng gay gắt nơi thổ dân. Bao nhiêu lần các ngài bị kết án, bị xua đuổi, bị đốt nhà, bị doạ giết. Nếu không có một tình yêu cao cả và một niềm tin lớn lao, ắt không ai chịu nổi những căng thẳng như vậy hết tháng này đến năm khác. Đặc biệt các ngài đã chịu tử đạo chứ không trốn tránh. Chắc chắn các ngài không muốn bỏ đoàn chiên trong lúc nguy khốn, vì mục tử phải hy sinh mạng sống cho đoàn chiên. Nhưng có điều gì đó còn hơn thế nữa. Phải nói là mầu nhiệm Thánh Giá đã khắc ghi đậm nét trong tâm tưởng các ngài. Không phải là các ngài thích chịu đau khổ hay chịu chết, nhưng vì các ngài tin rằng đó là con đường đưa người môn đệ đến gần với Thầy Chí Thánh nhất. Sự kiện các vị tử đạo này cùng chia sẻ cái chết bi thảm của một dân tộc, cho thấy rằng Chúa muốn số phận của một người mục tử phải nên một với số phận của đoàn chiên. Chính các ngài thật là những con chiên vô tội chịu sát tế làm hiến lễ cứu chuộc dân mình, và hơn nữa, để nên một với hiến tế của Chiên Thiên Chúa trên Thánh Giá.

Nhập Thể và Vượt Qua là hai mầu nhiệm lồng vào nhau trong cuộc sống và cái chết của Chúa Giêsu Kitô: điều này rất đậm nét trong Linh Thao, chiếc nôi đã sinh ra và nuôi dưỡng các vị tử đạo này. Hẳn là khi tập Linh Thao, các ngài đã chiêm ngắm Chúa Giêsu nhập thể rong ruổi từ thôn quê đến thành thị để rao giảng Tin Mừng, mời gọi mọi người theo Chúa, và chính các ngài đã đáp lại bằng việc dâng mình cho Chúa. Rồi các ngài cũng đã được Chúa dẫn đi từ hang đá Bêlem nghèo hèn đến thập giá đau thương. Sau hết, các ngài đã đón nhận Tin Mừng Phục Sinh và nhận lệnh lên đường làm chứng cho Chúa. Do lòng yêu mến Đức Kitô thúc bách, các ngài đến với người Huron để chia vui sẻ buồn với họ, đồng thời khát khao chia sẻ cuộc đời nghèo hèn, chịu lao nhọc và bất công với Chúa, với hy vọng được cùng đau khổ với Chúa, cùng vinh quang với Chúa. Giữa những anh chị em em người Huron với đời sống bán khai, các ngài đã thấy Chúa trong mọi sự và thấy mọ sự trong Chúa, và đã đồng hành với họ trên đường về nhà Cha. Tóm lại, Chúa Thánh Thần đã làm cho các ngài thực sự trở thành những người bạn đường của Chúa Giêsu vác Thánh Giá trên con đường cứu giúp những anh chị em phải vác thập giá.

Năm 1930, Đức Piô XI đã tôn phong hiển thánh các vị tử đạo của Bắc Mỹ là sáu linh mục Dòng Tên: Gioan de Brébeuf, Isaac Jogues, Antôn Daniel, Gabriel Lallemant, Carôlô Garnier và Noel Chabanel, cùng 2 hiến sinh: Rênatô Goupil và Gioan de Lalande.
 
Đền kính Các Thánh Tử Đạo Bắc Mỹ tại Midland, Canada
Viết xong tại Đền Các Thánh Tử Đạo Midland Canada 
Ngày 14-8-2012
 
+ Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ
Giám mục Bắc Ninh
In ngày: 24/11/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print