Print  
Thành phố Kontum cần có một con đường mang tên "Nguyễn Do"
Bản tin ngày: 11/12/2012   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo

Kontum mừng kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh (1913-2013). 100 năm, ấy là tính từ thời điểm ngày 9-2-1913, ngày Toàn quyền Đông Dương ra nghị định chính thức thành lập tỉnh Kontum, dưới tên gọi “Tỉnh Mọi Kontum” (Province moï de Kontum)[1], trên cơ sở tái lập vùng lãnh thổ thuộc tỉnh Pleiku Der cũ, bao gồm Đại lý Kontum (Trung tâm Hành chính Kontum) tách từ tỉnh Bình Định, Đại lý Cheo Reo tách từ tỉnh Phú Yên, và Đại lý Đăk Lăk (giảm từ cấp tỉnh xuống thành cấp Đại lý). Thực ra, trước đó từ hơn nửa thế kỷ, từ nửa đầu thế kỷ XIX (năm 1842-1848), nhiều lớp tiền nhân đã đặt chân lên Cao Nguyên, đã cùng với đồng bào các dân tộc bản địa lo tạo dựng, tổ chức hình thành nên Kontum, trước khi người Pháp đến, họ đến chỉ là tiếp tục công việc đã khởi đầu.


Trong tất cả các tài liệu chính thống viết về việc hình thành Kontum từ trước đến nay, đều trân trọng ghi nhận một người trẻ tuổi, can đảm, thông minh, tháo vát… đã làm gạch nối góp phần quan trọng khai mở tấm màn kín thượng du Kontum nối với đồng bằng, để Kontum từ đấy hoà nhập với cả nước. Con người này mang sứ mệnh truyền đạo Công giáo lên Tây Nguyên, và suốt trọn cuộc đời đã gắn bó với Kontum, góp phần tạo lập nên những làng mạc, nông trại đầu tiên trên miền đất này giúp ổn định cuộc sống cho dân chúng, và từ những cơ sở ban đầu đó, Kontum dần dần phát triển để có diện mạo như ngày nay. Người đó chính là Nguyễn Do, tức Thầy Sáu Do hay Linh mục Nguyễn Do, Cha Do; hay Bok Lành như người dân tộc Thượng nơi đây thường gọi - rất cụ thể theo bản tính hiền lành của ngài.


Công việc làm, đức hạnh, những đóng góp của Cha Do đối với Kontum, chúng ta có thể đọc thấy trong rất nhiều tác phẩm đã xuất bản: từ những chứng từ của các đồng sự trong cuộc, của những người đương thời, và cả những ghi chép, tìm hiểu đối chứng của kẻ hậu sinh bao gồm các học giả Tây-Việt, đồng bào Kinh-Thượng, Lương-Giáo, cùng hàng trăm bài báo, bài nghiên cứu in trong các tạp chí, báo chí từ trước đến nay… Có thể kể một số tác phẩm có giá trị lịch sử như: Les Sauvages Bahnars (P. Dourisboure, Paris 1929; bản dịch “Dân Làng Hồ”, Saigon 1972; TGM Kontum tái bản, NXB Đà Nẵng 2008), Hạnh Đức Cha Thể (R.P. Tardieu, Nhà In Lang-song, Quinhon 1907), Hlabar Tơbang (ấn bản tiếng Bahnar, Nhà In Hnam trưng Cuénot, Kontum – từ 1911), Mở Đạo Kontum (P. Ban và S. Thiệt, Nhà In Quinhon, 5.1933), Kontum tỉnh chí (Võ Chuẩn, Nam Phong Tạp Chí số 191-194, 10/1933-05/1934), Mọi Kontum (Nguyễn Đổng Chi và Nguyễn Kinh Chi, nhà in Mirador – Huế 1937), Cao Nguyên Miền Thượng (Cửu Long Giang – Toan Ánh, Sài Gòn 1974)…; các bài viết trong các tạp chí trước đây như Đô Thành Hiếu Cổ (Bulletin des Amis du Vieux Huế), Phụ nữ ngày nay…; một số sách và tạp chí sau 1975 như Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Nghiên cứu Tôn giáo)…


Tựu trung các tài liệu đều khẳng định vai trò tiên phong của Cha Do, xét trên cả 2 bình diện: truyền đạo Công giáo đến với đồng bào Thượng, và quy tụ lớp người Kinh đầu tiên hình thành nên làng Tân Hương - làng người Kinh đầu tiên của tỉnh Kontum, tiền thân thành phố Kontum ngày nay[2]. Đánh giá bao trùm trong các tác phẩm này là Cha Do là một con người đạo đời hài hoà, được mọi thành phần dân chúng Kontum thương mến, kính phục.


Vậy Cha Do là ai? Chúng ta có thể lược lại đôi dòng tiểu sử, tuy chưa thật đầy đủ nhưng khá chân thực, được hai tác giả Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi (giải thưởng Hồ Chí Minh 1996) ghi lại trong tác phẩm “Mọi Kontum”, xuất bản năm 1937. Theo đó, trong lớp người Kinh đầu tiên lên Kontum “có Cha Do là người có công lao hơn cả, lịch sử đáng kể lại để làm gương cho người sau”.


“Nguyên xưa cha Do là con một nhà mộ đạo Thiên Chúa ở làng Đồng Hâu, phủ Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Người có tính hiền hậu, thông minh và nhẫn nại. Thuở nhỏ được chọn đi học trường cố ở đảo Pinang, đậu đến chức thầy năm. Sau trở về tỉnh nhà được vào sở Gò Thị giúp việc cho các cha cố.


Vào khoảng cuối niên hiệu Thiệu Trị và đầu niên hiệu Tự Đức, ở nước ta có lệnh bắt đạo một cách dữ dội. Người giáo phải trải qua một thời kỳ khủng bố gớm ghê. Buổi ấy vị Giám mục Cuénot ở Gò Thị muốn kiếm một chỗ ở trên dãy Trường Sơn, trước để cha cố lên giảng đạo cho người thổ trước trên ấy, sau để giáo dân có nơi tị nạn. Nhưng thời bây giờ, ngoài con đường An Sơn, mà đã có lính phòng triệt nghiêm nhặt, thời không có nẻo nào lên Mọi được nữa. Vị giám mục bèn uỷ thác cho Thầy Do đi kiếm một con đường khác lên Mọi để khỏi tiết lộ mưu cơ ra.


Thầy Do chẳng quản khó nhọc và gian nan, khi trá hình làm đầy tớ, khi tự làm nhà lái buôn, lên Mọi xem xét tình thế và kiếm ra một lối mới ở Trạm Gổ (phía bắc An Khê)[3].


Kiếm ra được đường lối rồi, Thầy Do về trình cho kẻ bề trên và dẫn các cố cùng người tuỳ tùng lên. Thầy cũng ở lại giúp việc.

 

Năm 1852, Thầy Do trở về Bình Định, học thêm và thi đậu chức thầy cả. Đường đường một vị linh mục, cha Do mới trở lên Kontum, cùng các cố Tây, đem hết tài lực ra thi thố: nào giảng đạo, nào lập làng, nào dạy vẽ cày bừa cho người Mọi.


Cha Do ở luôn trên Kontum hơn 20 năm. Đến năm 1872, thụ bịnh nặng, phải trở xuống đồng bằng và qua đời ở cố hương.


Cha Do chẳng những là một vị linh mục lỗi lạc mà lại là một tay ngoại giao khôn khéo. Thì như khi ra về Annam, là lúc đã bị thần chết nắm tánh mạng rồi, thế mà muốn lấy cảm tình của dân Mọi đối với người Nam ta làm ăn trên đó, Cha Do còn cho giết voi khoản đãi họ. Người Mọi ngày nay vẫn còn nhắc đến luôn. Họ thường khen rằng: “Bok Lanh rơgei jat manat kon nhôn bi tui” (Ông Lành có lòng rộng rãi thương chúng ta khôn cùng).


Người Pháp cũng khâm phục tài Cha Do lắm. Chúng tôi xin thuật lời khen sau này của hai vị truyền giáo để chứng thực việc ấy. Cố Dourisboure, là bạn thân của Cha Do, có nói: “Đứng trước những cảnh ngộ khó khăn mà người khác chắc phải ngã lòng nản chí, thời lòng phấn đấu của ông ấy tăng lên bội phần. Tôi đã từng thấy người đó gặp nhiều điều nguy hiểm mà vẫn bình tĩnh như không có sự gì xảy đến”. Ông Giám mục Charbonnier thời nói: “Cha Do là người đầu tiên trong bọn thợ lên đắp nền xây móng cho Hội Thánh xứ Mọi Mường, vừa mới tạ thế năm nay. Thật là một sự thiệt hại lớn cho chúng ta. Ông ấy là một vị linh mục siêng năng, làm việc không quản mệt nhọc, mà nhất là những lúc phải làm rạng danh Đức Chúa Cha thời không có điều khó gì là ổng không làm được. Danh tiếng lừng lẫy khắp nơi, chẳng những người bên giáo thương yêu mà người bên lương cũng kính trọng…”.


Đến năm 1907, bổn đạo Kontum cất hài cốt Cha Do ở Đồng Hâu lên táng ở nghĩa địa Kontum, để tỏ lòng thương nhớ ân nhân lớn của họ[4].


Rút lại mà nói thời Cha Do chẳng những làm rạng danh cho mình mà lại làm vẻ vang cho tổ quốc biết bao!”.


(x. Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi, “Mọi Kontum”, NXB Mirador Huế 1937, tr. 9-11).

 

Có một điều rất trăn trở và cũng thật buồn đó là cho đến hiện nay, thành phố Kontum chưa có con đường nào mang tên vị ân nhân này. “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là đạo lý từ ngàn đời của dân tộc Việt. Thành phố Kontum ngày nay có hàng trăm con đường mới được mở ra, nhiều con đường mang tên những nhân vật lịch sử địa phương, mà nhiều cái tên hẳn còn xa lạ với đa số quần chúng. Nhân vật lịch sử thì không nhất thiết phải là danh nhân, nhưng mỗi người đều có vai trò riêng trong một bối cảnh lịch sử nhất định. Trong bối cảnh của Kontum thời kỳ sơ khai, Cha Do - với 24 năm (1848-1872) sống và làm việc ngay tại trung tâm Kontum, đã đóng góp một vai trò khá quan trọng.


Một điều không bình thường, là khi đề cập đến vấn đề này thì từ các cấp các nghành đến các vị lãnh đạo chính quyền thường có tâm lý “né tránh”. Có lẽ đây là sự lúng túng xuất phát do định kiến có sẵn, cho rằng các giáo sĩ và giáo dân truyền  đạo lên Kontum đã đóng vai trò “khai phá đường đi” cho chủ nghĩa thực dân phương Tây xâm nhập lên Kontum. Đây là một đánh giá sai lạc của một số người nào đó hoặc một số vị trong chính quyền, chứ không phải của giới sử học. Trên thực tế, thực dân Pháp chiếm Việt Nam vào nửa sau thế kỷ XIX, khi chế độ phong kiến Việt Nam đã trở nên suy yếu, và sau khi đánh chiếm được Sài Gòn và các tỉnh miền Đông Nam Bộ (1862), thì việc Pháp dòm ngó và tiến lên Tây Nguyên là một diễn biến tất yếu khách quan. Trong bối cảnh lịch sử ấy, song song với quá trình xâm nhập của thực dân Pháp, cũng đúng vào thời điểm các giáo sĩ và giáo dân trong lúc chạy trốn sự bắt đạo của triều đình nhà Nguyễn, đã mở đường lên Kontum tìm nơi định cư và thực thi lý tưởng truyền giáo của họ. Lý tưởng truyền giáo này đã được Đức Giám mục Cuénot Thể ấp ủ từ rất lâu (1838-1839) , từ trước khi quân Pháp đặt chân lên đất Việt Nam. Trên bình diện rộng hơn, theo các nhà sử học: “Cũng như vậy, cho rằng Giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) hay Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneax de Béhaine) làm môi giới giữa Pháp và triều Nguyễn là những tên thực dân phản động lại càng sai lầm hơn về mặt quan điểm lịch sử. Bằng cớ là sang thời Minh Mạng (từ năm 1820), Thiệu Trị, các vị vua con, vua cháu này chẳng những không hợp tác với Tây mà còn thực hiện chính sách giết đạo tàn khốc (chứng tỏ không thân Pháp) để giải quyết cái di sản trớ trêu của lịch sử, và cũng chỉ trong khoảng thời gian đó các nhà vua mới có thể dám làm như vậy (dù không phải là việc làm đúng, tốt), do mối ân tình giữa vua cha (Nguyễn Ánh) với Bá Đa Lộc cùng một số tướng tá người Pháp coi như đã “sạch nợ giang hồ” (x. Gs. Trần Văn Chánh, Tản mạn về quan điểm, phương pháp và thái độ nghiên cứu sử học, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển 2011).


Cũng chẳng cần nghiên cứu sâu xa như các nhà sử học, chỉ cần phán đoán theo lương tri thông thường, Cha Do đã sống giữa trung tâm Kontum suốt 24 năm, ai ai cũng biết ngài, di sản tinh thần và vật chất ngài để lại cho đồng bào Kinh-Thượng, đến ngày nay vẫn còn cảm nhận rất rõ. Thật mâu thuẫn khi người ta ca ngợi các công trình tôn giáo đặc sắc hàng trăm năm tuổi như Nhà thờ Gỗ, Chủng viện Kontum, Nhà thờ Tân Hương… nhưng lại chưa kính trọng đủ con người đã đặt nền móng đầu tiên và vững chắc để những công trình ấy ra đời và tồn tại qua thời gian.


Thật ra, trước 1975, ở Kontum đã từng có một con đường được đặt tên “Bok Do”, nhưng từ sau Ngày Giải Phóng, con đường Bok Do không hiểu vì sao đã được đổi thành một tên khác[5]. Chúng ta đã từng nghe nhiều nhà sử học, và những người dân yêu mến Kontum đau xót lên tiếng về việc tên của những địa danh, làng mạc, đường phố tại Kontum từ sau Giải phóng đến nay đã bị làm cho “tan nát”. Những tên làng xưa hàng trăm năm như Tân Hương, Phương Nghĩa, Phương Quý, Phương Hoà… gắn với những làng quê yên bình từ bao đời, gởi gắm ước vọng thương yêu, no ấm, hạnh phúc; hay những đường phố như Bok Do, Bok Kiểm (tức Bok Kiơm), Câu Tài… gợi nhắc các bậc tiền hiền thuở lập làng, dựng phố; hay tên gọi các làng của người dân tộc… đã bị xoá bỏ một cách vô tội vạ, mặc dầu những tên gọi hay nhân vật lịch sử ấy chẳng có gì làm phương hại đến “chính nghĩa cách mạng”[6]. Thật là bất công và không trung thực với lịch sử, nếu chỉ vì những sự kiện ấy có liên quan đến đạo Công giáo!


Trên thực tế, nhiều nhân vật lịch sử Công giáo khác đã được đặt tên đường tại nhiều tỉnh thành trong nước Việt Nam. Chỉ riêng tại TP.HCM chẳng hạn, ngoài vị thừa sai nước ngoài A. de Rhodes (quận 1, Thủ Đức), còn có đường (Đức Hồng Y) Trịnh Như Khuê (Bình Chánh), các đường (Đức Giám Mục) Nguyễn Bá Tòng (Tân Bình), Hồ Ngọc Cẩn (Tân Bình), Nguyễn Văn Bình (quận 1), các danh nhân Công giáo Nguyễn Trường Tộ (quận 4, 9, Phú Nhuận, Tân Bình, Thủ Đức), Trương Vĩnh Ký (Tân Bình), Mai Lão Bạng (Tân Bình), Hàn Mặc Tử (Tân Bình)… Hay gần đây (năm 2011), Linh mục Đặng Đức Tuấn (quê quán huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định, mất 1874), người đồng hương cùng thời với Cha Do (mất 1872) và có mối quan hệ thân tình với Cha Do, đã được đặt tên cho một con đường tại Huế, cùng một lượt với các tên tuổi khác như Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Hoà thượng Thích Tịnh Khiết, Sư bà Tôn Nữ Diệu Không…(x. Báo Tuổi Trẻ 18.3.2011, tr. 13). Tất cả họ, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo, khi có những đóng góp nhất định đều được xã hội công nhận.


100 năm thành lập tỉnh (1913-2013), cũng vừa tròn 165 năm Nguyễn Do đặt chân lên Kontum (1848) lập nên làng Rơhai (Dân tộc+Kinh) – đơn vị hành chính theo chế độ định cư đầu tiên, để sau này cùng với nhiều làng khác được thành lập qua thời gian, Kontum tiến dần đến hình thức hành chính cấp tỉnh (9/2/1913) . Kỷ niệm mốc lịch sử này, ước mong các cấp các ngành quan tâm đưa vấn đề lên bàn hội nghị, để Kontum sớm có một con đường mang tên Nguyễn Do. Một con đường trong thành phố Kontum, dù chỉ nhỏ và ngắn, nhưng khá trang trọng, càng gần dòng sông Đăk Bla càng có ý nghĩa. Bởi lúc sinh thời, bước chân của con người ấy không chỉ rong ruổi trên những nẻo đường trên bộ, mà còn từng chèo sõng ngược xuôi dòng Krong Blah (Đăk Bla) để khám phá ra vùng đồng bằng rộng lớn, đẹp đẽ, nơi đã trở thành thị xã, rồi thành phố trung tâm tỉnh lỵ Kontum ngày nay[7].


Một điều nữa được sử sách ghi lại, mà khi nghĩ đến không khỏi chạnh lòng, đó là “Cha Do đã làm một con đường rất đẹp nối liền hai làng Rơ Hai và Đak Kấm” (x. P. Dourisboure, Dân Làng Hồ, NXB Đà Nẵng 2008, tr. 141). Cứ xét theo vị trí địa lý và bối cảnh lịch sử qua dòng thời gian, thì có lẽ không con đường nào khác hơn chính là con đường Trần Phú trung tâm thành phố Kontum ngày nay. Con đường Trần Phú ngày nay vẫn giữ nguyên vị trí là một trong những con đường đẹp và tiện lợi nhất, không chỉ nối liền trung tâm thành phố (làng Rơ Hai xưa – nhà thờ Tân Hương nay) với xã Đăk Kấm ở hướng Bắc, mà còn mở ra các hướng Đông - Tây. Và trong tương lai, nếu dự án mở rộng khu vực phía Nam đường Nguyễn Huệ được triển khai, con đường Trần Phú nối dài chạy dọc theo bờ sông Đăk Bla, cho đến tận cầu treo Kon Klo, sẽ làm cho diện mạo thành phố Kontum thay đổi đáng kể, rộng lớn hơn, đẹp đẽ hơn…Con người ấy đã có công khai mở những con đường “rất đẹp” cho Kontum, chẳng lẽ lại không xứng đáng được đặt tên cho một con đường nào đó để mà kỷ niệm, để mà tưởng nhớ??!!


Xét cho cùng, nghĩa cử này nếu trở thành hiện thực thì cũng chẳng có ý nghĩa gì đối với người đã khuất, nhưng lại thật có ý nghĩa đối với người sống. Chúng ta và thế hệ tương lai con cháu chúng ta cần phải biết ơn tiền nhân đã từng chịu bao nhiêu hy sinh gian khổ, lập làng dựng phố, để hôm nay ta có phố nhỏ Kontum, và có tỉnh Kontum biết bao yêu quý tự hào! Biết ơn và kính trọng tổ tiên ông bà cha mẹ, biết trân quý, gìn giữ phát huy những thành quả tinh thần và vật chất mà cha ông truyền lại, đó là bài học đạo lý đầu tiên và căn bản nhất của mọi cá nhân, mọi gia đình, mọi thiết chế xã hội.


Cho tới chừng nào thành phố Kontum chưa có con đường mang tên “Nguyễn Do”, thì dù có kỷ niệm 100 năm hay hơn nữa, lịch sử phát triển của Kontum vẫn sẽ còn nhắc nhớ mãi, và chúng ta là kẻ hậu sinh vẫn sẽ còn “mắc nợ” - món nợ “ân tình” đối với người đã khó nhọc góp công vào buổi đầu cho sự phát triển của dòng lịch sử ấy.

 

Chính vì vậy, thành phố Kontum cần, và rất cần có một con đường mang tên “Nguyễn Do”. 




         

-------------------


[1] “… sous le nom de province moï de Kontum”, x. Nguyệt San “Thuộc Địa”, Paris 1913, trang 293.


[2] x. P. Ban và S. Thiệt, “Mở đạo Kontum”, tr. 91-92, và 233. Tên gọi làng “Tân Hương” là tên gọi về sau. Vào năm 1874 khi mới thành lập, làng Tân Hương được gọi là Trại Lý, sau là Gò Mít.


[3] Trạm Gò (phía Bắc An Khê).


[4] Hiện nay tro cốt của cha Do được đặt trong Nhà nguyện của Chủng viện Kontum, đường Trần Hưng Đạo, TP. Kontum.


[5] Đường Nguyễn Văn Trỗi trước Toà Giám mục ngày nay.


[6]. Xem thêm: Tạ Văn Sỹ, “Ngồi nhớ tên xưa”, Tạp ký Kontum, NXB Văn Học 2012, tr. 86).


[7] x. Dourisboure, Dân Làng Hồ, NXB Đà Nẵng 2008.


Kontum ngày 15-11-2012


Còn 86 ngày nữa đến ngày kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh Kontum


Minh Sơn
gpkontum.wordpress.com
In ngày: 21/11/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print