“Rất có khả năng 2013 sẽ nằm trong số 10 năm có nhiệt độ cao nhất kể từ năm 1850”, báo Guardian trích báo cáo của Cơ quan Khí tượng Anh. Đây là báo cáo dựa trên nghiên cứu của cơ quan này, phối hợp cùng Đại học East Anglia, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA).
Nhiệt độ toàn cầu sẽ cao hơn mức trung bình từ năm 1961-1990 khoảng 0,57 độ C, cũng theo Met Office. Nguyên nhân là do sự thay đổi tự nhiên cũng như khí hậu và hiện tượng Trái đất ấm dần lên do khí thải nhà kính, Reuters dẫn lời chuyên gia Dave Britton.
Tuy nhiên, nhiệt độ toàn cầu tăng không có nghĩa là tất cả các vùng trên Trái đất sẽ nóng hơn - một số vùng sẽ nóng hơn hay lạnh hơn tuỳ thuộc vào sự biến đổi của khí hậu, cũng theo ông Britton. Trong số 12 năm nóng nhất trong lịch sử, có đến 11 năm thuộc về giai đoạn từ năm 2001 đến nay, trong đó năm 2012 xếp thứ 9, theo dữ liệu của Tổ chức Khí tượng Quốc tế.
Dự báo của Met Office cũng trùng khớp với dự báo của các nhà khoa học Nga. Tuy nhiên, Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời một số nhà nghiên cứu cho rằng kể từ năm 2014, nhiệt độ trung bình sẽ hạ xuống và sau đó sẽ bắt đầu một kỷ băng hà mới.
Tuần trước, một báo cáo bị tiết lộ từ Uỷ ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu cho thấy vào năm 2100, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng đến 4,8 độ C so với mức trung bình hiện nay.
Các nhà khoa học đã cảnh báo tình trạng nhiệt độ ngày càng tăng do khí thải nhà kính từ việc đốt nhiên liệu hoá thạch của con người sẽ khiến mực nước biển dâng cao và những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Lượng khí carbon dioxide thế giới thải ra đã đạt mức kỷ lục năm 2011, dẫn đầu là Trung Quốc.
Năm 2012 cũng chứng kiến nhiều trận thiên tai khác thường. Tại Mỹ, siêu bão Sandy tàn phá bờ đông, trong khi một số bang của nước này trải qua hạn hán chưa từng có trong nửa thế kỷ qua. Trong khi đó ở Nga, mùa đông lạnh nhất từ năm 1938 với nhiệt độ thấp hơn trung bình 10-15 độ C đã khiến ít nhất 123 người thiệt mạng.