Print  
Hôn phối Công giáo
Bản tin ngày: 30/12/2012   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo

Theo tài liệu thống kê của các phương tiện truyền thông Mỹ, thì tại Hoa Kỳ cứ 5 đôi kết hôn thì 2 đôi xin toà cho ly dị, nghĩa là gần một nửa. Hơn nữa, người ta còn hô hào tự do đồng tính luyến ái, lựa chọn giới tính thai nhi, nạo thai, tránh thai và hàng trăm ngàn hình thức phá hoại gia đình khác. Tình thế thật thê thảm. Đúng như lời Chúa Giêsu phán: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môisen đã cho phép các ông ruồng rẫy vợ, chứ thuở ban đầu không có thế đâu” (Mt 19,8).

Ở Việt Nam ngày xưa (trước  năm 1950) không có quan niệm ly dị. Luân lý Khổng Mạnh coi trọng gia đình, luôn cổ vũ tinh thần vợ chồng chung thuỷ, con cái thảo hiếu, trên kính dưới nhường, gia phong hoàn hảo, bàn thờ tổ tiên luôn nghi ngút khói hương. Nhưng ngày nay, vì ảnh hưởng văn minh Tây phương, tự do cá nhân quá đáng, nên nhiều chuyện đau lòng xảy ra trong gia đình, ngoài xã hội: ông ăn chả, bà ăn nem, vợ chồng giết nhau, con cái đâm chém cha mẹ vì những lý do cỏn con. Tệ hơn nữa là điều này trở nên phổ biến, chuyện như cơm bữa nơi xã hội, cầm tờ báo “công an” lên tay các bạn sẽ đọc được những tin tức như thế. Nói cho đúng từ “ly dị” không có trong ngôn ngữ Việt Nam cổ. Tiếng này chúng ta mượn từ chữ Hán và gọi là Hán Nôm, để dịch từ divorce của Tây phương. Hậu quả là gia đình Việt Nam đang băng hoại. Trước tình hình như thế tôi cảm thấy rất bức xúc, nên viết vài lời để trình bày tư tưởng về hôn nhân theo quan điểm Công giáo. Thực tế, tôi đã từng nói truyện trong các đám cưới. Gần đây tôi đã hàn gắn được đôi vợ chồng trên bờ vực đổ vỡ. Số là người vợ dan díu với ông giám đốc, người chồng đòi ly thân. Sau khi nghe tôi giải thích bằng những tư tưởng đó, thì cô vợ quỳ xuống xin lỗi chồng và hứa từ nay sẽ tuyệt đối trung thành, người chồng tha thứ và họ ra về vui vẻ.

1. Hôn phối là một khế ước trọn đời: khế ước có 2 loại: tạm thời và vĩnh viễn. Giao kèo tạm thời thiên hạ gọi là thuê mướn. Tôi thuê một thửa ruộng để cày cấy, hết thời hạn tôi trả lại cho chủ cũ. Trường hợp tôi mua hẳn thửa ruộng thì được quyền cày cấy vĩnh viễn. Hôn phối Công giáo thuộc loại giao kèo thứ hai: trọn đời. Chưa từng thấy đôi vợ chồng nào thuê mướn thân xác nhau trong một thời gian, hết hạn thì trao người phối ngẫu lại cho gia đình họ. Vậy thì hôn phối là giao ước trọn đời. Tôi nói trọn đời chứ không phải vĩnh cửu, đời đời kiếp kiếp. Hôn nhân chỉ tồn tại ở đời này, là việc thuộc đời này, chứ đời sau không có. Chúa Giêsu mặc khải trong Tin Mừng theo Thánh Matthêu (12,23): “Quả thế, trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như  các Thiên thần trên trời”, hoặc trong Luca (20,29): “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau tức là sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng”.

Hai người nam nữ làm giao ước với nhau trên căn bản yêu thương, sinh sản con cái và vui hưởng hạnh phúc. Người Công giáo coi đây là ơn gọi chung của nhân loại và vì Thiên Chúa đã thiết lập, nên Ngài điều khiển. Hội Thánh thi hành nhiệm vụ này. “Sự gì Thiên Chúa liên kết, loài người không được phân ly”. Có những ơn gọi khác nữa, như đi tu, dâng trọn đời cho Chúa, khấn hứa 3 lời khuyên Phúc Âm (khó nghèo, khiết tịnh  và vâng lời). Tuy nhiên, theo kinh nghiệm, đời sống lứa đôi không phải là chuyện dễ dàng, nhưng có đầy gian nan, cam go và thử thách. Tính tình hai người khác nhau, thuộc hai gia đình khác nhau, suy nghĩ khác nhau, sở thích khác biệt, kinh tế gia đình khác nhau, nên việc hoà hợp là rất khó. Họ chỉ có thể dung hoà, nhưng nhiều khi cũng còn nhiều va chạm.

Một nguyên tắc chung có thể giúp đỡ đôi vợ chồng giải quyết những mâu thuẫn: đó là múa gậy vườn hoang: nếu một người múa thì được tự do, muốn múa ra sao mặc ý, nhưng nếu có hai người cùng múa thì nhất định phải hạn chế tự do, không thể lúc nào cũng múa theo ý mình. Thực tế, hai vợ chồng phải bổ túc cho nhau, yêu thương, phục vụ, làm tông đồ cho phần rỗi của nhau. Sống ích kỷ chỉ đưa đến đổ vỡ, vợ chồng giống như hai viên bi chạy trên một vòng xoắn ốc. Nếu chạy hướng đồng tâm về Đức Chúa Trời, hai viên sẽ gặp nhau, tan biến vào nhau và vào Thiên Chúa. Ngược lại, họ chạy ly tâm, hướng ngoại, tìm vật chất, sống ích kỷ, thu quén thoả mãn cho mình thì dần dần họ xa nhau, cuối cùng đổ vỡ là điều không tránh khỏi. Người ta còn ví hạnh phúc hôn nhân như cái bánh ngọt, hai người ăn dần rồi sẽ hết, chẳng còn gì để mà ăn. Nhưng nếu họ coi như cái hố, hai người cố gắng xây đắp, kết quả là cái hố dần dần trở thành trái núi cao, hạnh phúc gia đình tràn trề. Thiên hạ coi thấy mà thèm thuồng.

2. Trên căn bản tình yêu: khi lấy nhau đôi tân hôn nào cũng hướng đến hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc thật chỉ có nơi Đức Chúa Trời. Cho nên họ kẻ trên bàn thờ gia tiên như sau: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8). Không hiểu người khác nhìn thấy suy nghĩ thế nào? Riêng tôi hiểu như sau: Thiên Chúa tồn tại vĩnh cửu nên tình yêu của Ngài đời đời kiếp kiếp. Đôi tân hôn ngầm chỉ tình yêu, hạnh phúc của họ vĩnh viễn và ước ao luôn được như vậy. Tuy nhiên, thực tế nhiều đôi vợ chồng chia tay nhau. Tại sao lại như vậy? Xin trả lời Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu, còn chúng ta chỉ chia sẻ tình yêu đó, tựa tàn lửa san sẻ từ ngọn lửa, hay ngọn nến Phục Sinh thắp lên từ ngọn lửa phục sinh. Nếu chúng ta không biết chăm sóc, nó sẽ tắt ngúm. Nếu biết chăm sóc nó sẽ tồn tại mãi. Vậy Thiên Chúa là Tình Yêu. Chúng ta chia sẻ tình yêu với Thiên Chúa, còn giới tính với súc vật. Xin nhớ rõ điều đó, kẻo lầm, ngõ hầu suy nghĩ và hành sử cho đúng với phẩm giá làm người. Có thời kỳ người ta khinh rẻ thân xác, đến độ coi là tội lỗi, ngày nay, ngược lại, dung dưỡng xác thịt quá đáng, tôn thờ, làm đẹp, nuôi dưỡng và trăm ngàn lạm dụng khác.

Thực ra, thân xác là do Thiên Chúa dựng nên, chúng ta phải tôn trọng nó. Nhưng từ khi hai ông bà nguyên tổ phạm tội, nó đã hư hỏng và trở nên lăng loàn, cần phải chế ngự như lời Chúa Giêsu dạy: “Hãy qua cửa hẹp mà vào Nước Trời”. Ngài còn nêu nhiều gương sáng về khổ chế, tỉnh thức và cầu nguyện, nhất là dâng mình chịu chết trên thập giá cho nhân loại.

Ngay khi tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa đã truyền con người chế ngự, trong đó có than xác mình, cho nên con người phải làm chủ cả bản thân, dung dưỡng quá đáng là không nên. Xét trong vũ trụ, định luật khổ chế có mặt khắp mọi nơi. Những hữu thể vô cơ muốn sống đời thực vật, thì phải để cho rễ cây hút lên thân lá, biến thành dưỡng chấp nuôi cây. Thực vật như rau cỏ phải để cho hàm răng động vật nghiền nát thì mới bước lên đời sống có di chuyển. Động vật muốn suy nghĩ thì phải hy sinh để con người nuốt vào dạ dày, tiêu hoá thành xương thịt, thì mới có thể khôn ngoan. Như vậy, con người phải trải qua khổ chế, hy sinh để sống đời tinh thần, chống lại định luật này, thì không có tiến triển. Cho nên vợ chồng phải biết hy sinh, bổ túc cho nhau, mới có thể sống đời yêu thương, nuôi dạy con tốt.

Kinh Thánh nhiều lần lấy tình yêu hôn nhân làm biểu tượng cho tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại, ví du: Tiên chi Hôsê, Diễm ca, Thánh ca… Trong thư Êphêsô, Thánh Phaolô viết: “Người làm chồng hãy yêu thương vợ mình, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và đã hiến mình vì Hội Thánh… mầu nhiệm này thật cao cả, tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (Ep 5,25). Như vậy, tình yêu vợ chồng đứng làm ví dụ cho tình yêu Thiên Chúa và Giáo Hội. Chúa Kitô yêu thương Hội Thánh bằng tình yêu khắng khít và trung tín. Nó có tính chất bền chặt đời đời, kiếp kiếp, một mầu nhiệm không hiểu thấu được. Tuy nhiên, biểu tượng cụ thể của nó là tình yêu vợ chồng. Đáng tiếc thay, nhiều linh hồn không nắm bắt được khía cạnh này, nên sống không xứng đáng với ơn gọi gia đình.

3. Đơn hôn (monogamy). Đơn hôn là một vợ một chồng. Người phương Tây hiểu điều này dễ hơn người phương Đông. Vì thuộc truyền thống lâu đời của họ. Đông phương thực hành đa hôn (polygamy) tức nhiều vợ hoặc nhiều chồng cùng một lúc. Xã hội cổ Việt Nam quan niệm hạnh phúc là đông con nhiều cháu, nên thường lấy nhiều vợ. Châm ngôn có những câu “trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng” - “đàn ông năm bảy lá gan, lá ở cùng vợ, lá toan cùng người”. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương than: “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung, kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”.

Hội Thánh ngăn cấm đa hôn vì lý do nhân phẩm. Người ta hoàn toàn bình đẳng về phẩm giá làm người, dù là nam hay nữ. Đó là quan niệm của Giáo Hội từ ngàn xưa và dần dần được nhiều nền văn minh chấp nhận. Tuy nhiên không phải tất cả. Đạo Hồi đánh giá phụ nữ thấp, nên họ cho phép đàn ông có thể lấy 4 vợ. Ở Trung Hoa, Ấn Độ, đàn ông có thể kết hôn với vài ba phụ nữ cùng lúc, để có đông con, nhiều cháu. Các súc vật, đồ vật không có giá trị như con người, nên chúng ta có thể sở hữu nhiều cá thể. Chúng ta được phép mua nhiều quần áo, mũ nón, trâu bò hay nhà cửa vì những thứ đó không có phẩm giá như con người. Còn mọi người đều bình đẳng với nhau về nhân phẩm. Nếu người đàn ông cùng lúc sở hữu nhiều đàn bà, hoặc ngược lại người phụ nữ cùng một lúc có nhiều chồng thì bình đẳng không còn nữa. Người ta đã biến con người thành đồ vật hay súc vật. Chế độ nô lệ sai lầm ở điểm này. Vậy một vợ một chồng đáp ứng đầy đủ và rõ ràng quan niệm về bình đẳng giới. Tuy nhiên, thời đại ngày nay thiên hạ quan niệm loài người chỉ là súc vật thượng đẳng, không có linh hồn. Hậu quả là họ sống buông thả, dung tục, hủ hoá, mèo chuột, vô luân, tội ác. Một quan lớn vừa cười vừa phát biểu: “Gái cơ quan, giường bệnh viện”. Ý ông muốn nói giường bệnh viện có nhiều người nằm. Gái cơ quan cũng vậy. Hết ý kiến. Văn chương các dân tộc có nhiều câu chuyện rất cảm động về lòng chung thuỷ vợ chồng. Hylạp có câu truyện nàng Penelope trong tác phẩm Illiad bằng thơ của Thi sĩ Homer. Chồng nàng là Ulysses đi đánh trận thành Troja 3 năm chưa thấy trở về. Nhiều người quyền thế đến cầu hôn nàng làm vợ. Vì sợ họ nên nàng khôn khéo khất lần đến khi nào dệt xong tấm vải trên khung cửi sẽ trả lời. Nhưng ban ngày nàng dệt, ban đên lại tháo ra, cứ thế cho đến khi Ulysses trở về.

Đức Giám mục Fulton J. sheen thuật lại hai câu chuyện tương tự lấy từ lịch sử nước Nga thời sa hoàng, và hai chuyện từ lịch sử nước Pháp trong cuốn “Three to get married” (Hôn phối tay ba) mà tôi đã dịch sang tiếng Việt, quý vị có thể tìm đọc chi tiết, ở đây tôi chỉ lấy lại cây chuyện xảy ra ở nước Pháp để làm tiêu biểu.

Tên nàng là Sophie-Charlotte Wittelsback(1847-1897), 19 tuổi, đã đính hôn với hoàng tử xứ Bavaria (Đức). Nhưng ông này tỏ dấu hiệu điên khùng, nên việc cưới xin không thành. Ít lâu sau, nàng gặp Ferdinand Philip của miền Orland. Philip là quận công tỉnh Alencon. Hai người yêu nhau và thành hôn lần đầu, cũng là lần cuối. Tuy nàng bị bệng trầm cảm gia truyền, nhưng nhờ tình yêu thắm thiết của chồng, nàng thắng vượt được khó khăn. Khỏi bệnh, nàng tham gia Dòng Ba Phanxicô và tích cực làm việc bác ái tông đồ. Một lần họ đi thăm viếng Rôma, nhìn thấy ở nghĩa trang cổ, trên một ngôi mộ, có hàng chữ “Sophronia, ước chi em sống”. Hình như có linh tính, Ferdinand đọc đi đọc lại hàng chữ đến thuộc lòng. Sau này khi vợ chết, ông đổi thành “Sophie, em sẽ sống”.

Số là trong một cuộc triển lãm từ thiện ở Paris, gian hàng của nàng bị hoả hoạn. Khách tham quan cố gắng thoát ra ngoài. Nhưng gian hàng chỉ có một lối ra hẹp nên rất chậm và nguy hiểm. Người ta cố lôi nàng ra, nhưng nàng từ chối và tiếp tục điều khiển cho thiên hạ chạy ra trước, nàng nói: “Cứu người khác đã, tôi sẽ là kẻ cuối cùng”. Một dì phước đứng gần Sophia trông thấy ngọn lửa lan tới, kêu lớn: “Lạy Chúa tôi, một cái chết khủng khiếp”. Nữ bá tước Sophie trả lời: “Tôi nghĩ chỉ ít phút nữa, chúng ta sẽ được nhìn thấy tôn nhan Thiên Chúa”. Rồi nàng ôm chặt một em bé vào lòng, quay mặt em vào ngực để em không trông thấy cái chết ghê sợ.

Chồng nàng thoát được ra ngoài, nhưng ông ngất xỉu vì khói đen dày đặc. Vài ngày , ông tỉnh lại ở một bệnh viện. Người ta kể cho ông nghe cái chết rùng rợn của vợ, ông lẩm bẩm: “Sophie ơi, em đang sống”.

4. Là một bí tích: đối với người Công giáo, đời sống hôn nhân là một bí tích, Chúa Giêsu đã thiết lập, để ban ơn thánh bề trong, giúp đỡ đôi vợ chồng vượt thắng những khó khăn và trung thành với nhau cho đến chết. Để hiểu rõ hơn, chúng ta nên tìm biết mục tiêu của các bí tích. Tất cả có 7 bí tích để nâng đỡ bảy giai đoạn khác nhau trong cuộc sống tín hữu. Bảy giai đoạn đó là, sinh ra, lớn lên, nuôi dưỡng, bệnh tật, tử vong, điều hành xã hội và kết hôn. Năm bí tích xét theo cá nhân, hai bí tích cho đời sống cộng đồng. Trước hết, khi sinh ra, Giáo Hội có Bí tích Rửa Tội (còn gọi là Thánh Tẩy). Phép Rửa Tội sinh chúng ta vào cuộc sống siêu nhiên, từ lúc ấy chúng ta mới có danh nghĩa thờ phượng Thiên Chúa và chịu các bí tích khác. Tiếp đến là lớn lên, nhờ Bí tích Thêm Sức, chúng ta trở thành chiến sĩ Chúa Kitô trong cuộc sống đức tin. Thứ ba, Bí tích Thánh Thể, thường gọi là của nuôi linh hồn. Lương thực phần xác là cơm bánh. Lương thực linh hồn là máu thịt Chúa Kitô như lời Ngài nói: “Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống… Ai ăn thịt và uống máu tôi sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,55). Thứ bốn, Bí tích Thống Hối, về phần xác nhiều khi đau ốm, phải nhờ đến thuốc chữa lành, phần hồn, đau yếu là phạm tội nặng nhẹ và thuốc chữa là Bí tích Hoà Giải, mục đích là nối lại tình nghĩa với Thiên Chúa và Hội Thánh, đền bù những thiệt hại do mình gây nên, cả về tinh thần, cả về vật chất. Thứ năm là Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân: thân xác con người sống lâu thế nào rồi cũng chết, người Công giáo gọi là bước vào đời sau. Về đàng thiêng liêng, chúng ta có Bí tích Xức Dầu để chuẩn bị cho linh hồn thanh sạch mà tiến tới toà Chúa, xoá hết mọi tội và vết “sẹo” do các tội cũ còn để lại.

Xét về đời sống xã hội thì có 2 bí tích: một là truyền thông chức thánh, gọi tắt là truyền chức. Hội Thánh là một tổ chức, vừa hữu hình vừa vô hình. Vô hình thì có Chúa Giêsu là đầu, tín hữu là chi thể. Chúa Giêsu gọi mình là thân cây nho, tín hữu là cành, cành nho sống nhờ thân nho. Chúng ta sống nhờ ơn thánh Chúa. Về mặt hữu hình, Hội Thánh gồm nhiều tín hữu, hay nói ngược lại: Chúng ta là Hội Thánh như lời Đức Phaolô VI nói: “We are the Church”. Tổ chức này có trật tự phục vụ, gọi là hàng giáo phẩm. Đứng đầu là đức thánh cha cư ngụ ở Rôma, các hồng y, giám mục ở khắp thế giới, các linh mục, phó tế giúp việc, tương tự như tổ chức xã hội dân sự có các vua chúa, tổng thống, nguyên thủ quốc gia, thủ tướng, tỉnh trưởng, quan chức, nhân viên… phức tạp hơn nhiều và không cần chức thánh ban ơn bề trong, chỉ việc bổ nhiệm là đủ. Giáo Hội cần đến chức thánh để thi hành nhiệm vụ thiêng liêng, từ thế hệ này đến thế hệ kế tiếp, bằng cách đặt tay như trong công vụ các Tông đồ dạy.

Cuối cùng là Bí tích Hôn Phối nhằm mục đích sinh sản và giáo dục con cái, biến chúng thành công dân Nước Trời, nhờ đó mà Giáo Hội tồn tại mãi cho đến tận thế. Hồi giáo cho phép đàn ông cưới tới 4 vợ, để có nhiều con cái, nhằm bành trướng tôn giáo mình. Nhưng như thế là hạ phẩm giá phụ nữ, coi phụ nữ như súc vật. Công giáo không chấp nhận được ý tưởng đó. Chúng ta truyền giáo bằng phương pháp khác, nhân bản hơn. Người ta đặt câu hỏi: Chúa Giêsu lập Bí tích Hôn Phối từ khi nào? Ở tiệc cưới Cana, lúc Chúa biến nước thành rượu ngon, hay lúc Ngài tuyên bố: “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly”? Chẳng ai trả lời dứt khoát. Vì không biết rõ, theo các nhà thần học uyên bác, thì một số bí tích Chúa Giêsu nói rõ ràng, như Bí tích Thánh Thể, bí tích trao ban tác vụ linh mục ở bữa tiệc ly, Bí tích Rửa Tội khi người sai các Tông đồ đi truyền giáo. Số khác chỉ nói chung chung ý định của Thiên Chúa như Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, Bí tích Thêm Sức, Bí tích Hôn Phối. Vì thế, Giáo hội Tin lành không nhận tất cả 7 bí tích.

Chúng ta đã thấy chỗ đứng của Hôn phối Công giáo. Nó là một giao kèo trọn đời, không tháo cởi được đồng thời là một bí tích chuyển ơn Chúa cho đôi tân hôn để thắng vượt khó khăn, để chu toàn nhiệm vụ. Ai lại đi tháo cởi một bí tích? Bên Tin Lành họ tháo cởi, bởi họ coi hôn phối không phải là bí tích. Mục tiêu của bí tích rất quan trọng, giúp đỡ Giáo Hội tồn tại ở thế gian cho đến tận thế. Như vậy, đôi hôn phối làm vinh quang Thiên Chúa, ngay ở đời này, đáng được Ngài ban ân thưởng. Trước khi kết hôn người tín hữu phải suy nghĩ, cầu nguyện và học hỏi thấu đáo về ơn gọi của mình, chẳng nên vội vã, kẻo mắc sai lầm. Triều thiên của cha mẹ là con cái, như lời Đức PIO XII nói trong Thông điệp Casti Connubii gởi các gia đình Công giáo, muốn được như vậy, chúng ta phải coi hôn phối tay ba, tức hai vợ chồng và Thiên Chúa, chứ không đơn giản chỉ tay đôi giữa anh và em, còn loại trừ Ngài ra ngoài. Hai cái ly rỗng, chẳng thể làm đầy cho nhau, phải cần đến chiếc ấm chuyên. Cũng vậy hai trái tim muốn yêu thương nhau, phải nhờ Thiên Chúa, là nguồn mạch tình yêu. Trước khi kết hôn, họ là hai cá thể anh và em, khi đã kết hôn, họ gọi nhau là “chúng mình”. Cái khối tình này phải được Thiên Chúa chúc phúc, bảo vệ và làm cho tăng trưởng bền vững. Một triết gia ngoại giáo nói: “Muốn  biết hạnh phúc là gì thì hãy hỏi đạo đức”. Ý ông muốn bảo, chỉ những người sống đạo đức mới cảm nghiệm hạnh phúc. Áp dụng vào hôn nhân, hai vợ chồng muốn hạnh phúc thì không nên bỏ lần hạt Mân Côi, kinh sách sáng tối, lễ lạy, hội đoàn, thờ thánh. Các gia đình Công giáo hạnh phúc thực đều thi hành những việc đó, vì nhờ vậy, họ xin ơn trên trợ giúp và bảo vệ, ngõ hầu họ bền vững yêu thương nhau, và yêu thương bạn bè, con cái, láng giềng. Ước gì mọi gia đình đều được như vậy. Amen.

Lễ Thánh Gia, 30.12.2012

Fr. Thomas Thuý, OP
In ngày: 08/12/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print