Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và Giáo sư Phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Trong bài trả lời về việc không nêu danh tánh của Giáo hoàng sau khi ngài nghỉ hưu, cha có nói điều gì đó về việc không nêu danh tánh của một giám mục nghỉ hưu. Trong giáo phận nơi tôi phục vụ, sau khi vị giám mục nghỉ hưu, chúng tôi tiếp tục nêu danh tánh ngài trong Kinh nguyện Thánh Thể là "giám mục danh dự, bishop emeritus,... của chúng con", sau tên của vị giám mục đương nhiệm. Ngay cả vị giám mục đương nhiệm cũng đọc như thế. Thưa cha, có quy tắc nào về điều này không? Chúng tôi có sai lầm khi đọc "cùng với đức giám mục... giáo phận chúng con, và đức giám mục danh dự (emeritus)... của chúng con" trong Kinh nguyện Thánh Thể không?" - Một độc giả
Đáp: Trong thực tế, việc đọc như thế là không đúng. Trong phần trả lời ngày 24-11-2009, chúng tôi đã trích dẫn một bài về đề tài này rồi. Bài viết đã được đăng bằng tiếng Ý trong tờ Notitiae, cơ quan thông tin chính thức của Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích: "Về việc nêu danh tánh đức giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể" (Notitiae 45 (2009) 308-320). Mặc dù đây là một bài nghiên cứu, chứ không phải là một sắc lệnh chính thức, bài viết đã tập hợp tất cả các tài liệu hướng dẫn chính thức về đề tài trên.
Bài báo này nói rõ rằng chỉ có giám mục giáo phận đương nhiệm mới được nêu tên trong Kinh nguyện Thánh Thể. Có thể nêu thêm danh tánh vị giám mục phụ tá, nếu chỉ có một vị mà thôi. Nếu không, các vị được nhắc đến một cách tập thể, chứ không nêu danh tánh.
Lý do cho sự phân biệt này là rằng việc nêu danh tánh giám mục không phải là một vấn đề lịch sự hoặc kính trọng, nhưng là một vấn đề hiệp thông Giáo Hội. Trong Lễ Quy Rôma, chúng ta không chỉ cầu nguyện "cho", nhưng cầu nguyện "cùng với" Đức Giáo hoàng và Đức Giám mục. Nói cách khác, việc cầu nguyện trong sự hiệp thông với Đức Giáo hoàng và Giám mục địa phương hiệp nhất cộng đoàn địa phương với Giáo Hội hoàn vũ, và biểu hiện Giáo Hội trong việc cử hành đặc biệt này.
Một độc giả Ireland hỏi liệu chúng ta có thể dùng danh hiệu, tước hiệu, hoặc tên riêng trong việc nêu danh tánh giáo hoàng và giám mục không. Độc giả này nhắc đến một bài báo bằng tiếng Pháp trong tờ Notitiae 1970, vốn lập luận ủng hộ việc có thể dịch tiếng Latinh thành “cùng với Giám mục Smith của chúng con”.
Độc giả này nhìn nhận rằng bài báo là một nghiên cứu không có lập trường chính thức. Trong thực tế, người ta nhận thấy rằng đề nghị này đã không bao giờ được thực hiện bởi bất kỳ bản dịch chính thức nào.
Tôi tin rằng các nguyên tắc dịch thuật, mà bài báo chủ trương, đã được thay thế bởi các nguyên tắc trong Huấn thị Liturgiam Authenticam của Toà Thánh, vốn đòi hỏi một bản dịch theo nguyên văn. Bản dịch mới bằng tiếng Anh mới cũng đòi hỏi như thế. Ở Ireland, trên nguyên tắc người ta có thể nêu “cùng với Tiến sĩ McCoy, Giám mục của chúng con", nhưng việc này sẽ là rất khó khăn ở Mỹ và các nước nói tiếng Anh khác, vì các nơi này không sử dụng các tước hiệu như vậy.
Do đó, tập tục chung là rằng khi nêu danh tánh đức giáo hoàng và giám mục, người ta chỉ nêu tên mà thôi. Chữ số tương ứng với giáo hoàng đương kim cũng không được đọc. Chẳng hạn, phải đọc “Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô” hoặc “Đức Giáo hoàng Bênêđíctô”, chứ không đọc “Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II” hoặc “Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI”.
Cuối cùng, một độc giả đảo Malta hỏi: "Sau một số kinh nguyện, như chuỗi Mân Côi, Đàng Thánh Giá..., chúng tôi thường cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng để được một ơn đại xá, theo văn kiện về ân xá của Toà Thánh. Thế thì trong thời gian Toà Thánh trống ngôi, chúng tôi có thể cầu nguyện theo ý ai để được ơn đại xá?"
Chắc chắn là không có việc ngưng ơn đại xá trong thời gian Toà Thánh trống ngôi. Bởi vì việc cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng là một yêu cầu để có ơn đại xá, người ta có thể cho rằng các việc cầu nguyện này vẫn được thực hiện, mặc dù người cầu nguyện biết rằng mình đang cơ bản phó thác lời cầu nguyện cho sự quan phòng của Chúa, để áp dụng nó như mình mong ước. (Zenit.org 26-2-2013)
|