Print  
Chậm một bước... dài, nhưng chưa quá muộn
Bản tin ngày: 09/05/2013   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội 2013, nói chuyện thời sự truyền thông 2013, hẳn là không giống như 5, 10 năm trước.

Vâng, thời sự truyền thông hôm nay, ngay lúc này, hẳn phải đáng nói đến là “các mạng xã hội kỹ thuật số”. Cám ơn Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đánh giá đúng mức tầm quan trọng tích cực của “các mạng xã hội kỹ thuật số”. Nào là mở ra một quảng trường mới, một không gian công cộng mà mọi người chia sẻ các ý tưởng, thông tin, ý kiến, và cũng là nơi phát sinh những mối tương quan và hình thái cộng đồng mới. Nhưng để duy trì sự thiện hảo của các trang mạng xã hội, điều ĐTC quan tâm là: xây dựng một tổ ấm “hoà hợp trong gia đình nhân loại” nhờ đánh giá đúng đắn và tôn trọng nhau; người tham dự, người đưa tin phải là đáng tin cậy khi chia sẻ các suy nghĩ, thông tin và cả việc thông truyền chính bản thân mình; các mạng xã hội phải là hiện thân của những khao khát chính đáng của con người, phải được nuôi dưỡng và phát triển nhờ những khao khát chính đáng của con người là: tìm đến hạnh phúc vĩnh cửu.

ĐTC cũng nhìn nhận sự hình thành một loại văn hoá mới do các mạng xã hội tạo nên đang là một thách đố lớn cho những ai muốn nói về sự thật và các giá trị.

Như thế có nghĩa là “loại văn hoá mới” ấy đang nghiêng về những ảo tưởng, phù vân và giá trị của nó là chóng vánh.

Từ đoạn mở đầu của Sứ điệp với cụm từ “hình thành một loại văn hoá mới do các mạng xã hội tạo nên”, có thể là cũng đủ làm cho mỗi chúng ta, những người làm công tác truyền thông Công giáo thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, không thể không nhức nhối, khi nhìn chính thực trạng “văn hoá mới” không tốt đẹp đang hoành hành giữa lòng Giáo hội Việt Nam.

Chậm một bước... dài

Có thể là chúng ta đã chậm một bước, không phải là bước ngắn, mà là một bước khá dài, đến nỗi, không theo kịp bước truyền thông xã hội với nhiều tác hại.

Linh mục chánh xứ TN, thuộc GP. Phan Thiết, cho biết mối bận tâm mục tử của ngài về tình hình con chiên hiện nay: "Tất cả lao vào việc làm ăn kiếm sống. Chúa thương cho Thanh Long trúng vụ, được giá, nhờ vậy nhà nào cũng sắm sửa được nhiều thứ. Đặc biệt, số computer tại nhà đã có khá nhiều. Cũng đã có nhiều nhà sắm laptop, Ipad cho các em. Điện thoại di động có thể nối mạng thì vô kể. Nhưng, họ đã làm gì với những phương tiện Chúa ban? Các em thiếu nhi chúi mũi vào game, nghiện game, bỏ học, ít đi nhà thờ, xao lãng học giáo lý, suốt ngày chơi game ở tiệm Internet, máy tính nhà, laptop, cả trên điện thoại di động… Thanh thiếu niên lớn hơn một tí thì vì nghiện mạng xã hội Facebook, twitter, chat mà trở nên ngơ ngơ ngẩn ngẩn, chẳng tập trung việc gì ra việc gì. Trung niên, có khi cả người lớn tuổi, thì lục lọi cho được những trang sex rồi lén lút xem tới xem lui, cuối cùng là nghiện sex. Đã vậy, hình ảnh, phim ảnh khiêu dâm trên các trang mạng tải về rồi lưu vào điện thoại di động như là mode mới mẻ, hiện đại nhất của những người sành điệu có văn hoá mới."

Vâng, các mạng truyền thông xã hội thế giới đang nhan nhản và không ai cấm cản được ai truy cập và cũng không cần biết ai sẽ người vướng vào căn bệnh nghiện trầm kha: nghiện game, nghiện mạng xã hội, nghiện sex đang làm ung thư cả một thế hệ.

Bỏ Chúa, bỏ lễ, bỏ xưng tội rước lễ, bỏ đời sống bí tích, vợ chồng bỏ nhau, con cái bỏ học, bỏ công ăn việc làm, bỏ những việc đạo đức chính đáng, bỏ tất cả thực tại mà lao vào thế giới văn hoá hư ảo cũng vì các cơn nghiện nguy hiểm ấy.

Mẹ em NVB nói: “Tối nào cháu cũng đòi chơi game. Không cho chơi là nổi loạn. Khi đã chơi mà bảo ngưng thì còn nổi loạn hơn.” Em bỏ học giáo lý vì nói giáo lý viên dạy chán quá. Đã có lần em thưa với cô giáo lý viên rằng: “Thưa cô, em không có tội gì để xưng cả. Trong mười điều răn Đức Chúa Trời và 6 luật điều Hội Thánh dạy, không có điều nào nói về việc cấm chơi game.”

Ông H. than phiền: “Con nó đi học ở Sài Gòn, trông nó về thăm nhà. Nó về, mừng con khoẻ. Nhưng rồi buồn vời vợi. Chẳng biết nó làm gì trên cái laptop của nó suốt ngày, gần như suốt đêm. Hôm nào cũng hơn 2 giờ sáng mới ngủ, và 9, 10 giờ sáng mới thức dậy, lại mở laptop! Hỏi ra mới biết nó học cái gì trên phây-xơ-búc!”

Chị H đến trình với cha xứ về việc chị không thể sống Bí tích Hôn Phối với chồng chị, anh N, chỉ vì một lý do đơn giản: đêm nào anh cũng xem phim sex, yêu cầu chị xem và thực hiện như phim.

Nhưng chưa quá muộn

ĐTC rất tế nhị khi ngài nói: “Nền văn hoá do các mạng xã hội tạo nên và những thay đổi về hình thức và phong cách truyền thông đang đặt ra những thách thức lớn lao cho những ai muốn nói về sự thật và các giá trị.”

Thực ra, cũng đang có không ít các trang mạng Công giáo hiện hành, nhưng nói về “sự thật và các giá trị” thì chưa hẳn nổi bật. Hầu hết là Giáo lý, Lời Chúa, tin tức Giáo Hội… chưa đủ sức thu hút một lượng độc giả truy cập đáng kể. Hoặc là, chưa được giới thiệu rộng rãi cho giáo dân. Ngay cả các linh mục quản xứ, đôi khi cũng quá hờ hững đến nỗi xem việc vào các trang mạng Công giáo là vô bổ, nếu không nói là chỉ để giúp dọn bài giảng, bài giáo lý, theo dõi tin tức…

Thực là một thách thức lớn lao cho những người làm công tác truyền thông Công giáo tại Việt Nam, một đất nước nhỏ bé đang phải hứng chịu sự tàn phá khủng khiếp của các trang mạng hình thành một nền văn hoá phù vân, hư ảo, không Thiên Chúa.

Đúng là việc sử dụng truyền thông Công giáo của chúng ta đã “chậm một bước… khá dài, nhưng chưa phải là quá muộn.

Ngày truyền thông năm nay, qua sứ điệp của ĐTC thật tế nhị nhưng rất thành khẩn đặt cho chúng ta một “xem, xét, làm” khá cấp bách. Không dám lạm bàn xa xôi, lớn lao chuyện thế giới, tôi chỉ dám xin đặt vấn đề cấp bách nhất ngay Giáo hội địa phương của tôi, GP. Phan Thiết mến yêu, qua đó tri ân cách riêng Cha chính xứ TN đã có niềm trăn trở thức thời.

- Nội dung trang mạng Giáo phận không nên ngần ngại đăng tải những bài thời sự về tác hại của các trang mạng xã hội. Chẳng hạn như:


- Kính mời các linh mục coi xứ giới thiệu, chuyển tải, hoặc cho học hỏi tại các giáo xứ mình, đặc biệt các huynh trưởng, giáo lý viên.

- BTT GP nên tổ chức những buổi nói chuyện về tác hại của các trang mạng xã hội cho các giới trong giáo phận, đồng thời cỗ vũ mọi người truy cập trang mạng giáo phận, các trang mạng Công giáo, các trang mạng hữu ích.

- Mở các cuộc thi viết cho các giới. Nội dung cuộc thi có thể là “Tác hại của game”, “Tác hại của các trang mạng xã hội” hoặc “Giáo dục con cái sử dụng vi tính, và truy cập thông tin…”

- Từ gia đình đến giáo xứ, từ các giáo lý viên đến các Hội Gia Trưởng, Bà Mẹ Công Giáo, ra sức khuyến khích các em thiếu nhi truy cập các trang mạng Công giáo và hữu ích, cổ vũ việc tham gia các cuộc thi “Giáo lý trên mạng”, “Thiếu nhi sống và viết về việc Sống Lời Chúa”.



Thiết tưởng những đề nghị trên đây sẽ không đơn giản đối với những ai không tha thiết, không thành tâm, không trăn trở như linh mục quản xứ kia, nhưng lại là việc khả thi nếu tất cả cùng có tinh thần “dấn thân” cho công cuộc tái lập lại một nền văn hoá mang giá trị vĩnh cửu, Văn hoá Kitô giáo, như ĐTC tha thiết: “Phương tiện thông tin xã hội đang cần đến sự dấn thân của tất cả những ai ý thức được tầm quan trọng của đối thoại, của tranh luận có lý trí, của lập luận logic; cần đến sự dấn thân của những người đang tìm cách vun trồng những hình thức phát biểu và diễn đạt, có khả năng đưa dẫn những người tham gia công việc truyền thông hướng đến những khát vọng cao quý nhất.”

Ước gì, mỗi chúng ta sẽ thực sự dấn thân để hiện thực mong ước của ĐTC Bênêđictô XVI trong Sứ điệp của ngài nhân Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 47: “Mạng xã hội: Cửa vào sự thật và đức tin; những không gian mới cho việc loan báo Tin Mừng”.


PM. Cao Huy Hoàng
In ngày: 21/11/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print