|
Trong Tháng Bảy này, chúng ta sẽ mừng Lễ Chúa Nhật 14, 15, 16, 17 Thường Niên (Năm C), và Lễ Thánh Gicôbê Tông Đồ, Lễ kính Thánh GioanKim và Thánh Anna, là cha mẹ của Đức Maria.
Chúa Nhật 14 THƯỜNG NIÊN (Ngày 7/7): Bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay (Luca 10,1-12,17-20), ghi lại việc Chúa Giêsu chọn thêm 72 người (sau khi đã chọn 12 người mà sau này sẽ là Tông đồ nòng cốt của Giáo Hội lúc ban đầu, trừ Giuđa Iscariốt), và sai các ông đi từng 2 người đến các thành mà Chúa Giêsu sẽ đến sau; đồng thời Chúa Giêsu cũng bảo các ông "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít" và Chúa Giêsu bảo các ông hãy cầu nguyện xin "Chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người." Rồi Chúa Giêsu căn dặn các ông hãy ý tứ trong khi đi rao giảng để dọn đường cho Chúa. Chúa Giêsu nói: "Thầy sai các con đi như chiên giữa sói rừng!" và Chúa Giêsu ra chỉ thị cho các ông những điều phải giữ và những điều phải làm trên đường truyền giáo." Bài Đọc 1 (Isaia 66,10-14) nói lên niềm vui của Dân Chúa được sống trong thành Giêsusalem, thành đô của Dân Chúa, và Chúa chúc lành và ban bình an cho họ và bảo họ hãy vui mừng lên trong Thiên Chúa. Trong Bài Đọc 2 (Galata 6,14-18), Thánh Phaolô tâm tình với chúng ta về đời sống thiêng liêng của Ngài: "Ngài hoàn toàn sống theo con đường Thánh Giá của Chúa Giêsu Kitô... Ngài luôn mang trong mình Thánh Giá của Chúa Giêsu!" Rồi Ngài Chúc lành cho tất cả các tín hữu: "Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ở cùng anh chị em, Amen!"
Chúa Nhật 15 THƯỜNG NIÊN (Ngày 14/7): Trong Bài Phúc Âm Chúa Nhật (Luca 10,25-37), Chúa Giêsu kể Dụ Ngôn rất hay, thường được gọi là dụ ngôn "Người Samaritanô tốt lành".
Chúa Giêsu kể Dụ Ngôn này để cho chúng ta hiểu được thực tế "ai là người anh em thật sự của chúng ta." Câu chuyện như sau: Khi một thầy Thông Luật hỏi Chúa Giêsu "Tôi phải làm gì để được sống đời đời?" Chúa Giêsu bảo ông hãy sống theo lề luật dạy là " yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương yêu anh em như chính mình." Rồi để trả lời câu ông hỏi "Ai là anh em của tôi?" Chúa Giêsu đã kể Dụ ngôn "Người Samaritanô tốt lành" như sau: "Một người đi từ Gierusalem xuống Giêricô và bị bọn cướp bóc lột hết của cải, lại còn đánh cho gần chết. Một thầy Tư Tế và rồi một thầy Trợ Tế đi qua trông thấy nhưng bỏ đi ngay. Trái lại, người Samaritanô, dù chỉ là một người dân bình thường và là người ngoại bang (không phải là người Do Thái), khi thấy cảnh tượng đáng thương đó, đã dừng lại băng bó vết thương cho nạn nhân, đưa vào quán trọ, lại còn đưa tiền cho chủ quán để tiếp tục săn sóc cho nạn nhân cho đến khi ông trở lại.
Sau khi kể dụ ngôn xong, Chúa Giêsu hỏi thầy Thông Luật: "Trong ba người đó, ai là người anh em của nạn nhân?" Thầy Thông luật trả lời: "Kẻ đã có lòng xót thương nạn nhân", và Chúa Giêsu nói với thầy Thông Luật (cũng như mọi người chúng ta): "Ông hãy đi và làm như vậy!"
Danh từ "Người Samaritanô tốt lành" đã đi vào văn chương nhân loại, để chỉ những ai biết thương yêu săn sóc những người đau khổ, những nạn nhân trên thế giới, không phân biệt chủng tộc, màu da, tôn giáo...
Bài Đọc 1 (Đệ Nhị Luật 30,10-14) ghi lại những lời được ghi trong Sách Luật là "hãy vâng giữ các lề luật của Chúa và yêu mến Chúa là Thiên Chúa các ngươi hết lòng, hết linh hồn ngươi".
Trong Bài Đọc 2 (Thơ Côlôssê 1,15-20), Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta hãy tin tưởng vững chắc "chính Chúa Giêsu là người thật nhưng cũng là Thiên Chúa thật, đã có từ trước muôn đời, đã chết trên Thánh Giá để cứu chuộc chúng ta, và đã sống lại và lên trời vinh hiển, và là đầu thân thể mầu nhiệm là Hội Thánh".
Chúa Nhật 16 THƯỜNG NIÊN (Ngày 21/7): Bài Phúc Âm Chúa Nhật (Luca 10,38-42) nói về việc Chúa Giêsu và các Tông đồ đến thăm gia đình bà Martha và bà Maria. Bà Martha đã bận rộn làm đồ ăn để thiết đãi khách, còn "bà Maria thì cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người". Vì thế, bà Martha đã phàn nàn với Chúa: "Sao Thày không bảo em con giúp con với!" Chúa Giêsu đã nói với bà Martha: "Con lo lắng về nhiều chuyện quá, chỉ cần một chuyện mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và không bị ai lấy mất!"
Có nhiều nhà chú giải đã hiểu là Chúa Giêsu có ý muốn nhấn mạnh rằng việc lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành là rất quan trọng trong đời sống thiêng liêng. Cũng có những nhà chú giải hiểu là Chúa Giêsu có ý muốn nhấn mạnh về đời sống hoạt động tông đồ là quan trọng; nhưng đời sống âm thầm cầu nguyện là quan trọng hơn.
Vậy chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta biết hăng say làm việc tông đồ cho Chúa; nhưng những việc tông đồ cần có sự cầu nguyện đi kèm theo mới thành công; vì mọi công việc tông đồ của chúng ta phải có ơn Chúa giúp mới đạt được kết quả .
Trong Bài Đọc 2 (Côlôssê 1,24-28), Thánh Phaolô nói cho chúng ta về biết về đời sống tông đồ của Ngài (để rao giảng Lời Chúa và thánh hoá chúng ta và làm vinh danh Hội Thánh là thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu), luôn đi kèm với những đau khổ mà Ngài "vui sướng phải chịu vì chúng ta".
Bài Đọc 1 (Sách Sáng Thế 18,1-15) nói về việc Thiên Chúa báo tin cho ông Abraham và bà Sara biết là "Bà Sara, vợ ông, sẽ thụ thai và sinh một người con trai, dù hai ông bà đã đến tuổi già và Sara đã hết thời kỳ sinh đẻ; vì đối với Thiên Chúa không có gì là Thiên Chúa không làm được!"
LỄ THÁNH GIACÔBÊ TÔNG ĐỒ (Ngày 25/7): Hôm nay chúng ta mừng lễ kính Thánh Giacôbê Tông Đồ. Thánh Gicôbê là anh em với Thánh Gioan Tông Đồ, và cả hai là con của ông Giêbêđê và bà Salômê (Marcô 15,40; Matthêu 27,59). Thánh Giacôbê mà chúng ta mừng lễ hôm nay là vị Tông đồ chịu tử đạo đầu tiên tại Giêrusalem dưới thời Hêrôđê Agrippa Đệ Nhất, vào khoảng năm 42 hoặc 44 (Theo sách Công vụ Tông đồ 12,2-3).
Các Bài Đọc: Bài Đọc 1 (2 Côrintô 4,7-15); Bài Phúc Âm (Matthêu 20,20-28).
LỄ THÁNH GIOANKIM VÀ ANNA (Ngày 26/7) là cha mẹ của Đức Maria. Bài Đọc 1 (Sách Huấn ca 44,1,10-15). Bài Phúc Âm (Matthêu 13,16-17).
Chúa Nhật 17 THƯỜNG NIÊN (Ngày 28/7): Trong Bài Phúc Âm Thánh Lễ Chúa Nhật hôm nay (Luca 11,1-13), Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha và nhấn mạnh Thiên Chúa là Cha chúng ta, Ngài sẵn sàng nghe chúng ta cầu nguyện với Ngài như người cha nhân từ của chúng ta và Ngài ban cho chúng ta mọi ơn cần thiết phần hồn phần xác. Chúa Giêsu nói: "Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho."
Theo kinh Lạy Cha thì "cầu nguyện không phải chỉ để xin ơn, nhưng trước hết cầu nguyện là để thờ lạy Chúa là cha chúng ta, cảm tạ Chúa vì muôn ơn lành Chúa đã ban cho chúng ta phần hồn phần xác, nhất đã cho chúng ta "sinh ra làm người, cho chúng ta vào Hội Thánh Chúa qua Bí tích Rửa Tội". (Chúng ta nhớ lại Kinh Cám Ơn mà chúng ta thường đọc vào giờ cầu nguyện ban sáng và ban tối.) Rồi ăn năn xin Chúa tha thứ những tội lỗi cho chúng ta; sau đó xin Chúa ban cho chúng ta những điều cần thiết để sinh ơn ích cho phần hồn, phần xác chúng ta.
Có một điều quan trọng đó là cầu nguyện không phải là để "xin Chúa theo ý chúng ta; nhưng để chúng ta biết nhận ra thánh ý Chúa và thực thi thánh ý Chúa".
Trong Bài Đọc 2 (Côlôssê 2,12-14), Thánh Phaolô dạy chúng ta: "Chúng ta đã chịu phép Rửa Tội tức là "đã được mai táng làm một với Đức Kitô, chúng ta cũng được sống lại với Người, bởi đã tin vào quyền năng Thiên Chúa, Đấng đã cho Đức Kitô từ cõi chết sống lại..." Bài Đọc 1 (Sáng Thế 18,20-32) ghi lại việc Thiên Chúa định thiêu huỷ hai thành Sôđôma và Gômôra vì tội lỗi khủng khiếp của họ và Tổ phụ Abraham đã xin Chúa tha thứ cho họ.
Tóm lại, các Bài đọc trong Chúa Nhật hôm nay dạy chúng ta biết về việc cầu nguyện, về sự quan trọng và sức mạnh của sự cầu nguyện để thánh hoá bản thân và làm việc tông đồ.
Xin Chúa là Cha nhân từ, nhờ lời Đức Mẹ, Thánh Giuse, các Thánh Tử Đạo Việt Nam và các Thánh chuyển cầu, ban hoà bình cho thế giới, cho toàn thể Giáo Hội, cho Quê Hương và Giáo hội Việt Nam, cho gia đình chúng ta, cộng đoàn chúng ta, cho mỗi người chúng ta. Amen. Alleluia!
|