Print  
Tự tử vì Facebook: Người Việt trẻ đang bị bỏ rơi?
Bản tin ngày: 07/07/2013   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
'Nếu bạn có tư duy cởi mở, có khả năng phân tích và phản biện trước mọi thông tin mà bạn tiếp nhận, biết kiên định với các giá trị của bản thân thì sẽ không xảy ra những trường hợp tự tử như bạn nữ sinh vừa rồi', Hoàng Đức Minh bình luận.

Hoàng Đức Minh (sinh năm 1990), được biết đến như là một trong những thủ lĩnh trẻ tuổi nhất về môi trường của Việt Nam. Từ năm 18 tuổi, Hoàng Đức Minh đã là Giám đốc Chương trình nâng cao nhận thức về môi trường và biến đổi khí hậu (RAECP), và nay là tổ chức Hành động vì tương lai - Action4Future.

Ở tuổi 19, Minh đã trở thành một trong những đại diện đầu tiên của Việt Nam tham gia vào các hội nghị, diễn đàn quốc tế về môi trường như Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về BĐKH COP 15 tại Copenhagen, Đan Mạch.

Ngoài ra, gần đây Minh còn được biết đến với vai trò một huấn luyện viên về nghệ thuật tranh biện, một khái niệm khá mới mẻ ở Việt Nam, nhưng đang được giới trẻ đặc biệt quan tâm.

Mời tham gia cuộc "tranh biện" với thủ lĩnh môi trường về một "môi trường" khác.

Vụ việc mới của bản chất cũ

Trong một thế giới bùng nổ thông tin và công nghệ, giới trẻ hiện nay có quá nhiều phương tiện để thể hiện mình. Ở mặt tích cực, giới trẻ - với lợi thế cập nhật công nghệ, người trẻ dễ dàng PR bản thân, có thể rút ngắn quãng đường tiếp cận với cơ hội công việc, trên thực tế, nhiều bạn trẻ nổi danh trên mạng đã dễ dàng bước vào thị trường thật.

Nhưng mặt khác, Internet, những mạng xã hội cũng đem lại nhiều vấn đề khác. Là một "người trẻ", bạn nghĩ gì về "hiện tượng Bà Tưng" và đặc biệt, câu chuyện đau lòng về một nữ sinh lớp 12 Trường THPT Hai Bà Trưng, huyện Thạch Thất, Hà Nội, tự tử vì bị ghép ảnh trêu đùa trên Facebook?


Tôi nghĩ rằng Internet không đem lại nhiều vấn đề mới, phần lớn các vụ việc như "Bà Tưng" hay vụ nữ sinh tự tử vì Facebook đều có bản chất là những vấn đề cũ mà thôi.

Theo tôi Internet là một nền tảng, một công cụ thúc đẩy sự phát triển của xã hội, chính vì thế nó cũng thúc đẩy cả những mặt trái, những khuyết điểm của xã hội.

Trong xã hội trước đây, vẫn có những cô gái phải gánh chịu các định kiến, phải bỏ nhà ra đi hoặc tự tử vì chửa hoang, vì không còn trinh tiết... Trong dân gian, chúng ta vẫn có những "Thị Màu" cũng là lỗi "show hàng" theo cách riêng của cô ta đó thôi.

Thời nào cũng có những vấn đề như vậy, có điều Internet giúp cho sự phô bày dễ dàng hơn, và thúc đẩy quá trình đó lan tỏa nhanh chóng, sâu rộng hơn mà thôi. Tôi nghĩ đây là cơ hội, cũng chính là thách thức, chúng ta có thể lấy làm động lực để đầu tư giải quyết triệt để những vấn đề này.

Tôi có cảm giác sự bùng nổ công nghệ - thông tin giống như cơn sóng khổng lồ ào đến, trong khi giới trẻ Việt chưa có sự chuẩn bị. Bản lĩnh chọn lọc và đối diện với cơn sóng ấy chưa có.

Ở một nước Á Đông, vẫn tồn tại những phán xét khắt khe, nhiều bạn gái (kể cả bạn trai) đã phải nhận hậu quả cho những phút giây bồng bột của mình với mạng xã hội (khoe ảnh, khoe clip nhạy cảm) bằng những cuộc hôn nhân bất hạnh, hoặc cách giải quyết bi thảm (tự tử). Bạn có nghĩ đã đến lúc nên đưa những nội dung này vào các buổi thảo luận "kỹ năng sống" chưa?


Tôi nghĩ đây chính là bản chất vấn đề mà chúng ta đang quan tâm. Cái các bạn trẻ cần không chỉ là "kỹ năng sống". Chúng ta phải làm gì khi bị tung "ảnh nóng" lên mạng, phải làm gì khi một câu phát ngôn bị "ném đá" như trường hợp em Đỗ Nhật Nam... điều đó có thể được đưa vào những giáo trình dạy kỹ năng sống, nhưng nếu chỉ như vậy thì không bao giờ đủ cả.

Theo tôi, vấn đề cốt lõi ở đây là "giá trị sống", là "thế giới quan", là bản lĩnh của mỗi người. Nếu bạn có tư duy cởi mở, có khả năng phân tích và phản biện trước mọi thông tin mà bạn tiếp nhận, biết kiên định với các giá trị của bản thân thì sẽ không xảy ra những trường hợp tự tử như cô nữ sinh vừa rồi. Chính "giá trị sống", "thế giới quan" của mỗi người sẽ quyết định vì sao "bà Tưng" lại nổi tiếng vì tung clip, hay vì sao GS Ngô Bảo Châu lại muốn nghiên cứu khoa học.

Tôi nghĩ chúng ta có thể không dạy cách các bạn trẻ sử dụng Facebook hay Internet thế nào cho an toàn, nhưng chúng ta nhất định phải làm sao cho thế hệ tương lai tự trả lời được các câu hỏi như "thế nào là hạnh phúc?", hay "chúng ta sinh ra để làm gì?"

Người Việt trẻ đang bị bỏ rơi!

Trong thời đại bùng nổ thông tin và (có phần) hỗn loạn về tư tưởng hiện nay. Vấn đề gì lớn nhất giới trẻ đang phải đối mặt, theo bạn?

Có nhiều vấn đề, nhưng tôi cho rằng vấn đề nổi lớn nhất giới trẻ đang bế tắc trong thời điểm hiện tại là mâu thuẫn thế hệ, phổ biến nhất trong việc chọn nghề. Tôi từng được rất nhiều bạn chia sẻ các bạn ấy bị kẹt giữa việc chọn nghề nghiệp tôi muốn hay bố mẹ tôi muốn.

Thế hệ trẻ muốn đuợc di chuyển, các bố mẹ chỉ muốn ổn định, từ đó nảy sinh mâu thuẫn rất lớn giữa 2, thậm chí 3 - 4 thế hệ. Nhiều bạn trẻ mạnh mẽ vượt qua được để đi theo sự đam mê.

Nhóm thứ hai không làm được như vậy. Họ bị chi phối từ tư tưởng hiếu thảo, không muốn làm bố mẹ buồn; hoặc họ không độc lập về tài chính, dẫn đến không độc lập tư tưởng.

Nhóm thứ ba muốn làm vui lòng cả hai và trở nên mông lung, chơi vơi mất định hướng. Họ chẳng đam mê hoặc thiết tha gì, nhưng cũng không tuyệt đối nghe lời bố mẹ. Tuy nhiên tôi cho rằng trong khoảng 5 - 20 năm nữa nhóm mạnh mẽ, cá tính sẽ chiếm đa số. Người trẻ tuổi lúc đó sẽ tự định hướng rõ ràng hơn và thành công, giống như trường hợp Huyền Chip, tác giả cuốn Xách ba-lô lên là đi chẳng hạn, những cá nhân điển hình và có sức ảnh hưởng như vậy sẽ góp phần thay đổi nhận thức giới trẻ và phụ huynh của họ.

Nhưng hình như những người như Huyền Chip không có nhiều, mà người ta thấy nhiều hơn những bạn trẻ than vãn trên Facebook, hoặc la hét đón ngôi sao Hàn Quốc, những tiếng nói trẻ mạnh mẽ sắc sảo, quan tâm đến trách nhiệm với xã hội đang ở đâu? Phải chăng người trẻ bây giờ đang thờ ơ với thời cuộc?

Tôi muốn đính chính, thực sự thì Huyền Chip và các bạn fan hâm mộ của K-Pop đều có điểm chung, ấy là họ khác biệt và họ sẵn sàng đấu tranh vì sự khác biệt đó, vượt qua những rào cản định kiến của xã hội. Khác chăng là về giá trị và con đường mà họ đặt niềm tin vào mà thôi.

Tôi mới viết một bài viết lấy tựa đề "Vâng - Chúng tôi đang tự đốt đuốc mà đi", trong đó tôi có đặt ra câu hỏi rằng phải chăng giới trẻ Việt đang bị bỏ rơi. Chương trình giáo dục thì nhàm chán, cứng nhắc, bao năm nay vẫn một bộ sách giáo khoa. Học sinh phải học rất nhiều, mà học xong rồi không biết để làm gì! Sinh viên tốt nghiệp thì làm trái ngành, hoặc thất nghiệp. Trong khi không ai chỉ vạch cho họ con đường nào nên hay không trải nghiệm!

Thế nhưng có thật là chúng tôi đang bị bỏ rơi không khi mà chúng ta có Kênh 14, có các bộ phim Hàn Quốc, có các công ty bán hàng đa cấp, có những lớp học làm giàu... Rõ ràng có quá nhiều thứ đang đóng vai trò dẫn dắt, định hướng cho giới trẻ đấy chứ?

Có một điều nguy hiểm ở chỗ, dường như định hướng của giới trẻ ngày nay phụ thuộc quá nhiều vào môi trường phát triển đầy tính tình cờ của họ. Nếu người đầu tiên họ gặp là một chính trị gia chẳng hạn, người trẻ đó sẽ hướng suy tư của họ đến vấn đề chính trị. Nếu họ gặp nhà khoa học, họ sẽ có những suy nghĩ về nghiên cứu. Nhưng sẽ ra sao nếu người họ gặp là tội phạm, hoặc chẳng có ai ảnh hưởng mạnh mẽ đến họ cả, người trẻ sẽ rơi vào trạng thái lơ lửng bất định.

Không thể nói giới trẻ thờ ơ với thời cuộc. Vấn đề là xã hội hiện nay không có một xu hướng rõ ràng nào để thu hút người trẻ, cả tích cực và hay tiêu cực, khiến họ bị phân hoá. Hướng họ chọn không phải họ tự thân lựa chọn, mà chủ yếu bị tác động bởi môi trường.

Gần đây có nhiều cụm từ khủng hoảng: khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng truyền thông, khủng hoảng giá trị... khủng hoảng nào gần với giới trẻ hiện nay nhất?

Khủng hoảng niềm tin, nó bao trùm tất cả những cái khác. Khi không có niềm tin thì mọi yếu tố khác đều khủng hoảng tất, đồng thời khi người ta thiếu niềm tin thì cũng khó mà có thể tìm ra lối thoát cho những khủng hoảng còn lại. Chúng ta có quá nhiều người phê phán nhưng không có người đưa giải pháp, hoặc nếu có chỉ đưa giải pháp cho người khác.

Ví dụ chúng ta có rất nhiều bài báo về các vấn đề xã hội, nhưng người viết không đưa ra kết luận cho độc giả, mà luôn đặt câu hỏi cơ quan chức năng sẽ (phải) làm gì. Điều này chỉ càng khiến người ta ỷ lại, không coi có phần trách nhiệm của mình, do đó chẳng ai cần có ý thức hơn, rằng họ nên ứng xử thế nào cho phù hợp, phải có trách nhiệm thế nào với cộng đồng.

Cũng như giới trẻ cần người định hướng, xã hội cần người tìm giải pháp, hơn là người chê trách. Cá nhân tôi cho rằng dù vào thời điểm nào thì xã hội chúng ta đều có rất nhiều điểm sáng, các bạn hãy nhìn vào những điểm sáng ấy và tập trung năng lượng của mình cho những công việc tích cực.

Hoàng Hường thực hiện

Tuần VN
In ngày: 21/11/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print