Print  
Tin tổng hợp
Bản tin ngày: 05/08/2013   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
LỄ TOÀN XÁ TẠI ASSISI

ASSISI - Ngày mồng 2-8-2013, hàng chục ngàn tín hữu đã đến Nhà nguyện Porziuncola tại Assisi tham dự Thánh lễ do Đức cha Domenico Sorrentino, Giám mục sở tại, chủ sự, để lãnh ơn toàn xá trong ngày lễ tha thứ mồng 2-8.

Ngày toàn xá này đã được Đức Giáo hoàng ban cho Thánh Phanxicô năm 1216, với mục đích giúp tín hữu sống kinh nghiệm lòng xót thương của Thiên Chúa, là Đấng tha thứ hết mọi tội lỗi cho họ, ban cho họ sức mạnh, lòng can đảm và sự kiên trì để dấn thân trên con đường nên thánh. Thánh Phanxicô thường nói: “Tôi muốn gửi anh chị em tất cả lên Thiên Đàng.”

Đức cha Sorentino nói ngày nay hơn bao giờ hết con người cần đến lòng thương xót dịu hiền của Chúa và sự gần gũi của Người. Đây là lý do thúc đẩy tín hữu lũ lượt tuốn về Assisi để lãnh ơn toàn xá. Kinh nghiệm được tha thứ này cũng giúp thay đổi các tương quan với tha nhân. Mỗi khi chúng ta phạm tội, con tim của cúng ta trở thành chai cứng hơn một chút; và vì trái tim cứng cỏi nên chúng ta khó sống kinh nghiện tha thứ và không tha thứ cho nhau.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rất nhiều đến lòng thương xót và tình yêu thương dịu hiền của Thiên Chúa, và ngài khuyến khích chúng ta đừng sợ hãi sự dịu hiền của Thiên Chúa cũng như sống dịu hiền với nhau.

Lễ ơn toàn xá năm nay có sắc thái đặc biệt, vì cũng là dịp chuẩn bị cử hành lễ của Thánh Phanxicô ngày mồng 4-10 tới đây với sự hiện diện của Đức Thánh Cha. (Linh Tiến Khải, RG 2-8-2013)

VIỆC CHIẾM ĐẤT ĐAI CỦA NGƯỜI PALESTINE VÀ BỨC TƯỜNG PHÂN RẼ LÀ CÁC CHƯỚNG NGẠI CHO TIẾN TRÌNH HOÀ BÌNH
 
GIÊRUSALEM - Linh mục Raed Abusahliah, Giám đốc Caritas Giêrusalem, coi các vụ xây làng chiếm đất của người Palestine và bức tường ngăn cách là các bãi mìn ngăn cản tiến trình thương thuyết hoà bình giữa hai nước Israel và Palestine.

Bình luận về tin Israel và Palestine tái thương thuyết hoà bình dưới sự điều họp của Hoa Kỳ, cha nói đó là một sự kiện tích cực, kể cả điều kiện phải đi tới một thoả hiệp nội trong vòng 9 tháng. Tuy nhiên, theo cha, các điều kiện trong đó diễn tiến cuộc thương thuyết không cho phép hy vọng nhiều, vì còn có qúa nhiều chướng ngại ngăn cản hoà bình.

Phía Palestine quá yếu vì không được sự ủng hộ của lực lượng Hamas. Phía Israel thì cứ làm theo ý mình và đặt mọi người trước các sự việc đã rồi qua các vụ xây làng lấn đất. Cha sợ rằng giải pháp “hai quốc gia hai dân tộc” là điều không thực hiện được, vì có hàng trăm làng người Do Thái xây trên đất của người Palestine với hàng ngàn người sống trong đó. Ngoài ra còn có bức tường ngăn cách giữa hai bên, mà chính quyền Do Thái tiếp tục xây, nhiều chỗ lấn sang đất của người Palestine, và họ sẽ đề nghị như ranh giới mới, không tôn trọng ranh giới có hồi năm 1967.

Riêng đối với các tôn giáo, Cha Abusahliah cầu mong thoả hiệp bảo đảm quyền tự do của các tín hữu thăm viếng các nơi thánh. Sau Thoả hiệp Oslo, việc lui tới các nơi thánh đã không được bảo đảm. Biết bao nhiêu thành phố Palestine kể cả Ramallah đều bị bao vây bởi các trạm kiểm soát của người Do Thái. Vì thế, cần có sự bảo đảm quốc tế liên quan tới quyền lui tới các nơi thánh. (Linh Tiến Khải, FIDES 31-7-2013)

GIÁO HỘI CÔNG GIÁO AI CẬP CẢNH BÁO TÂY ÂU TRƯỚC THÁI ĐỘ GIAN DỐI CỦA CÁC LỰC LƯỢNG HỒI GIÁO QUÁ KHÍCH
 
MINYA - Đức cha Boutros Fahim Awad Hanna, Giám mục Giáo phận Công giáo Minya, cảnh báo các chính quyền Tây phương đề phòng thái độ gian dối của các lực lượng Hồi cuồng tín xuyên tạc tình hình tại Ai Cập.

Đức cha nói với Hãng Thông tin Fides của Bộ Truyền giáo rằng các chính quyền Tây phương đánh giá quá cao việc đâm rễ sâu của Hồi giáo chính trị tại Ai Cập, và bây giờ họ có thái độ hàm hồ trước các quang cảnh phát xuất từ cuộc cách mạng ngày 30-6. Trong khi các lược lượng Hồi giáo xuyên tạc rằng các Kitô hữu nắm giữ vai trò quan trọng trong cuộc nổi dậy này chống lại họ.

Trong các ngày vừa qua, các địa chỉ trên mạng ủng hộ nhóm các Anh em Hồi giáo dán nhãn hiệu “Cộng hoà Quân đội Tawadros” cho Đức Thượng phụ và Giáo hội Chính thống Ai Cập và vu khống các Kitô hữu là những người đã linh hứng cho cuộc đổi dậy của nhân dân Ai Cập lật đổ chính quyến của Tổng thống Morsi. Sự thật là đã có trên 30 triệu người dân Ai Cập xuống đường biểu tình đòi Tổng thống Morsi phải từ chức vì sự bất lực của chính quyền trong việc giải quyết các vấn đề của quốc gia. Trong khi Kitô hữu chỉ được 10 triệu. Dĩ nhiên là cũng có các Kitô hữu trong số những người biểu tình. Cuộc cách mạng của nhân dân Ai Cập đã bùng nổ ngày Chúa Nhật, trong lúc đó thì người trẻ Kitô gặp nhau tại các nhà thờ để tham dự thánh lễ cầu nguyện cho quê hương đất nước.

Theo Đức cha Boutros Hanna, với việc lèo lái sự thật và chiến dịch vu khống này, các lực lượng Hồi quá khích một đàng biện minh cho sự thất bại chính trị của họ, đàng khác sẽ dùng nó để biện minh cho các khủng bố phá hoại của họ trong chương trình tấn công các Kitô hữu và các nơi thờ tự của Kitô giáo, sau các vụ biểu tình phản đối của họ tại các quảng trường toàn nước và trong các thành phố pháo đài của đảng các Anh em Hồi giáo.

Đức cha Hanna cũng phê bình thế giới Tây phương là đã chỉ chú ý tới các lực lượng Hồi giáo và không thấy rằng họ đã thắng cử chỉ vì nhân dân Ai Cập không muốn bỏ phiếu cho các tướng lĩnh thuộc chính quyền cũ của Tổng thống Hosni Mubarack. Nghĩa là họ đã chọn sự dữ nhỏ hơn. Đức cha Hanna cũng cho biết bà Đại sứ Hoa Kỳ tại Ai Cập hằng ngày gửi tường trình về Hoa Kỳ và khẳng định một cách sai lầm rằng, tại Ai Cập, Đảng các Anh em Hồi giáo là lực lượng duy nhất được nhân dân ủng hộ. (Linh Tiến Khải, FIDES 1-8-2013)

Ý THỨC YÊU NƯỚC VÀ TINH THẦN DÂN CHỦ CỦA NHÂN DÂN MALI
 

BAMAKO - Tổ chức Caritas Mali đã ca ngợi ý thức yêu nước và tinh thần dân chủ trưởng thành của nhân dân Mali trong cuộc bỏ phiếu vừa qua.

Trong thông cáo công bố ngày 28-7-2013, tổ chức Caritas Mali khẳng định rằng mặc dù thời gian chuẩn bị đã rất ngắn ngủi và trong một bối cảnh chính trị xã hội khó khăn, nhưng người dân Mali đã tỏ ra gắn bó với các cơ cấu quốc gia và tinh thần chung sống hoà bình giữa mọi người. Cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống ngày 28-7-2013 đã điễn ra trong bầu khí hoà bình, và cầu mong đà tiến ý thức yêu nước này được duy trì trong các biến cố tương lai của quốc gia.

Tổ chức Caritas Mali cũng cám ơn 153 bạn trẻ thiện nguyện làm quan sát viên cuộc bầu cử do Caritas Mali tổ chức. Các bạn đã viết một trang mới trong lịch sử của Giáo hội Công giáo Mali trong dấn thân thăng tiến hòa bình, công lý và việc cai trị tốt.

Trước khi có cuộc bầu cử, Caritas Mali đã phát động các chương trình giáo dục công dân và giáo dục bầu cử, để gây ý thức cho dân chúng biết tầm quan trọng của quyền lợi và bổn phận bầu cử, cũng như ý thức tôn trọng các cơ cấu và cung cách bỏ phiếu trong an bình.
 
Tổ chức Caritas Quốc tế cũng đã khích lệ chính quyền chuyển tiếp và nhân dân Mali dấn thân làm sao để cuộc bầu cử tổng thống diễn ra trong bầu khí trong sáng an ninh và thanh thản.

Tổ chức Caritas Quốc tế đã đưa ra lời kêu gọi trên đây nhân khoá họp thứ 23 của Uỷ ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về Mali. Caritas Tây Ban Nha cũng nhiệt liệt ủng hộ lời kêu gọi trên đây của Caritas Quốc tế.

Caritas Tây Ban Nha đã bắt đầu cộng tác với Caritas Mali từ năm 2005, theo sau nạn hạn hán và cào cào châu chấu khiến cho Mali bị mất mùa. Từ đó tới nay, tổ chức Caritas của hai nước này cộng tác với nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo và yểm trợ Mali trên 3 bình diện: yểm trợ các chương trình phát triển nhằm đương đầu với các nguyên do gây ra nạn nghèo đói như các chương trình nông nghiệp, cung cấp nước và các phương tiện y tế vệ sinh, thăng tiến sức khoẻ và giáo dục. Loại trợ giúp thứ hai là củng cố các toán nhân viên của Caritas Giáo phận tại Mali. Caritas Tây Ban Nha đã tham dự “chiến thuật cho Sahel” nhằm củng cố các liên hệ giữa các mục đích nhân đạo và phát triển dài hạn, đặc biệt là giảm số người thiếu dinh dưỡng. (Linh Tiến Khải, FIDES 27-7-2013; 1-8-2013)

CÁC TU SĨ PHẢI TRỞ THÀNH TIẾNG NÓI VÀ HOẠT ĐỘNG TIÊN TRI TRONG XÃ HỘI 
 
PORT MORESBY - Đức cha Francesco Sarego, Giám mục Giáo phận Goroka của Papua Tân Guinea, kêu gọi khoảng 2.000 tu sĩ nam nữ có mặt tại đây, hãy là tiếng nói tiên tri, sẵn sàng tố giác các bất công xã hội.

Đức cha Sarego, thuộc Dòng Thừa sai Ngôi Lời, mời gọi các tu sĩ gia tăng sự hiện diện trong những vấn đề liên quan chặt chẽ đến đời sống xã hội và quốc gia, chẳng hạn như án tử hình và công cuộc tiếp đón người di dân tị nạn. Một linh mục Dòng Ngôi Lời khác, Cha Victor Roche, cũng hoàn toàn đồng ý với Đức cha Sarego và kêu gọi các tu sĩ trở thành tiếng nói tiên tri, nhất là về vấn đề giết người vì tội phù thuỷ, một tệ nạn lớn trong xã hội Papua.

Nữ tu Maria Turner, hoạt động tại Papua Tân Guinea từ nhiều năm nay, nhận định rằng “các tu sĩ thường phát biểu ý kiến bằng chính hoạt động của mình, nhất là qua chứng tá và cách thức sống”. Các tu sĩ làm việc phục vụ trong xã hội Papua Tân Guinea cho nạn nhân bạo lực, phục vụ người tàn tật, người bệnh liệt kháng, và những người nghèo khổ vô gia cư hay nghiện ngập đủ loại. (Mai Anh, FIDES 26-07-2013)

TỔ CHỨC TRỢ GIÚP CÁC GIÁO HỘI ĐAU KHỔ MỞ CHIẾN DỊCH CỨU TRỢ TÁI THIẾT 4 GIÁO PHẬN TẠI CỘNG HOÀ TRUNG PHI BỊ CƯỚP BÓC
 
BANGASSOU - Tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ vừa quyết định mở chiến dịch cứu trợ khẩn cấp cho 4 giáo phận thuộc Cộng hoà Trung Phi của Phi châu, bị phiến quân Hồi giáo quá khích Seleka tấn công và cướp bóc trong thời gian gần đây.

Trong một tuyên ngôn, Đức cha Juan José Aguirre, thừa sai người Tây Ban Nha, Giám mục Bangassou, cho biết các nhóm Hồi giáo quá khích thuộc Liên minh Seleka, từ Tchad và Sudan tràn qua Cộng hoà Trung Phi cướp bóc. Họ dùng thứ vũ khí duy nhất là bạo lực. Họ xông vào nhà cưỡng hiếp phụ nữ, chém giết và cướp bóc tất cả những gì có thể mang đi được như chăn mền, tủ lạnh, ti vi và phá nát những gì còn lại. Khoảng 200 người đã bị giết. Dân chúng hoảng sợ tìm cách trốn chạy đi nơi khác. Phiến quân cũng đã cướp đi hơn 50% tài sản của Giáo Hội địa phương, nhất là các phương tiện di chuyển của các thừa sai như xe hơi hay xe gắn máy để biến chúng thành vũ khí tấn công.

Ngân khoản chiến dịch của Tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ sẽ được dùng vào việc tái thiết các cơ sở bị tàn phá như trường học và trạm y tế nhi đồng, mua thuốc men, lương thực và các phương tiện chuyên chở cho Giáo Hội địa phương. (Mai Anh, FIDES 300713)

ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC SANTIAGO DE CILE LÊN ÁN BẠO LỰC VÔ LÝ
 
SANTIAGO - Đức cha Ricardo Ezzati, Tổng Giám mục thủ đô Santiago de Cile, đã mạnh mẽ lên án nhóm người phò phá thai đột nhập và phá phách Nhà thờ Chính toà thủ đô.

Trong thông cáo phổ biến ngày 27-7-2013, Đức Tổng Giám mục Ezzati đã than phiền vì một nhóm người vô chính phủ phò phá thai chống sự sống đã tấn công Nhà thờ Chính toà, hành hung nhiều tín hữu, tàn phá và gâu thiệt hại cho gia tài nghệ thuật và tôn giáo của ngôi đền thờ chính của quốc gia.

“Thái độ bạo lực, bất khoan nhượng, vô lý và phạm thánh của họ là một xúc phạm trầm trọng đối với Thiên Chúa và cộng đoàn của những người tin nơi Chúa Kitô. Nhà thờ Chính toà là nơi công cộng, rộng mở và đã được tuyên bố là đền đài quốc gia, nơi mỗi ngày có hàng trăm tín hữu tới cầu nguyện, nhưng trong thời gian qua cũng đã bị đe doạ đặt bom và tấn kích. Chúng tôi cầu mong trong tương lai có thể được hưởng sự bảo vệ mà chúng tôi có quyền được”, thông cáo viết.

Đức Tổng Giám mục Santiago de Cile cũng đã báo cho tín hữu toàn nước biết rằng các luật sư của tổng giáo phận đã đệ đơn tố cáo lên toà án chống lại các tác giả của cuộc tấn kích này. (Linh Tiến Khải, FIDES 27-7-2013)

TÍN HỮU KITÔ SUDAN BỊ BÁCH HẠI
 
KHARTUM - Cải đạo từ Hồi giáo trở thành Công giáo có thể là điều vô cùng nguy hiểm tại Sudan, kể từ khi miền Nam Sudan trở thành một quốc gia độc lập hồi tháng 7-2011.

Theo một số tổ chức thiện nguyện phi chính phủ địa phương, Tổng thống Sudan Omar Al Baschir đã nhiều lần tuyên bố ý hướng tăng cường luật Sharia Hồi giáo, biến nước này thành một quốc gia toàn tòng Hồi giáo.

Theo luật Sharia, từ bỏ Hồi giáo để đi theo một tín ngưỡng khác có thể bị kết án tử hình, mặc dù chưa có ai bị xử tử vì tội này trong 20 năm gần đây. Khoảng 170 người đang bị tù hay bị kết án vì tội cải đạo tại Sudan trong khoảng năm 2011 đến 2012. Một tín hữu Kitô vùng cao nguyên Nuba trốn ra khỏi Sudan đã tiết lộ rằng chính quyền Sudan lùng bắt các Kitô hữu cải đạo. Chính người này cũng bị câu lưu ngày 23-2-2013, và bị nhân viên an ninh thẩm vấn lâu dài. Mọi điện thoại di động và máy tính của ông bị tịch thu. Người ta muốn ông khai báo tên tuổi của những người Hồi theo Kitô giáo.

Một bản tin do nhóm có tên gọi là Barnaba Team, dấn thân bảo vệ tín hữu Kitô và quyền tự do tín ngưỡng trên toàn thế giới, gửi đến Hãng Thông tấn Fides, khẳng định rằng việc bách hại tín hữu Kitô tại Sudan, hiện nay có 98% tổng số dân chúng là người Hồi, đã gia tăng mạnh sau khi Nam Sudan tách ra thành một quốc gia độc lập. Các thánh đường bị phá huỷ, các học viện Kitô bị đóng cửa, tín hữu bị truy nã giam cầm. Những ngoại kiều người Kitô bị trục xuất và sách báo Kitô bị tịch thu. Cuối tháng 6 vừa qua, cảnh sát đột nhập vào các văn phòng của Giáo hội Tin Lành Presbyteriana viện cớ kiểm soát hành chính với mục đích cưỡng đoạt tài sản. Tháng 4 trước đó, chính quyền Sudan tuyên bố là sẽ không cấp giấy phép cho xây cất cơ sở tôn giáo nào mới cả. (Mai Anh, FIDES 26-07-2013)

TUYÊN NGÔN CỦA CÁC VỊ LÃNH ĐẠO CHÍNH THỐNG GIÁO VỀ TÍN HỮU KITÔ TRUNG ĐÔNG
 
MATXCƠVA - Các vị thượng phụ và đại diện Chính thống giáo địa phương tụ họp tại Matxcơva để mừng kỷ niệm 1025 năm nước Nga chịu phép Rửa, đã công bố một tuyên ngôn chung bày tỏ lo âu về tình trạng các tín hữu Kitô tại Trung Đông.

Tuyên ngôn đã được Đức Thượng phụ Kirill nhân danh mọi người hiện diện trao cho Tổng thống Nga Vladimir Putin trong buổi hội kiến hôm 25-7-2013 tại Điện Kremlin.

Trong tuyên ngôn, các vị lãnh đạo Chính thống giáo viết: “Chúng tôi, những người lãnh đạo chính thống có mặt tại Matxcơva để mừng kỷ niệm 1025 năm nước Nga chịu Phép Rửa, cảm thấy có bổn phận phải lên tiếng bảo vệ các anh em Kitô hữu của chúng tôi đang chịu bách hại vì đức tin ở nhiều nơi trên thế giới. Mỗi ngày, hàng ngàn tín hữu tin vào Chúa Kitô bị tra tấn hành hạ, bị đuổi ra khỏi gia cư, biết bao nhiêu người bị giết chết tại Nigeria, Pakistan, Afganistan và Ấn Độ. Tại Kosovo, các đền thánh bị xâm phạm. Tại Trung Đông, tình trạng thật đáng lo âu. Ở Lybia, các Kitô hữu hầu như biến mất. Tại Irak, Kitô hữu bị tấn công khủng bố đến độ chỉ còn khoảng 1/10 trong tổng số 1,5 triệu Kitô hữu trước đây ở lại trong nước. Tình hình Ai Cập cũng không kém báo động, làn sóng xuất huyết Kitô tiếp tục gia tăng. Đau đớn thống khổ đè nặng trên hàng ngàn gia đình vô tội. Vào tháng 9-2010, một cuộc họp của các vị lãnh đạo Kitô trong vùng đã diễn ra tại đảo Chypre, trong đó các vị đã bày tỏ lo âu sâu xa về tình hình Trung Đông và về tương lai của Kitô giáo tại đây. Sự lo âu này cũng đã được lặp lại trong những kỳ họp tương tự vào tháng 8-2011 ở Giorgia và tháng 3-2012 ở Chypre. Tình trạng hiện nay càng thê thảm hơn ở Syria. Trong cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn, các Kitô hữu cũng như tín hữu các tôn giáo khác đang bị các nhóm dân quân dùng mọi phương thế để tàn sát không nương tay. Các cảnh bạo lực ghê tởm, hành quyết không cần xét xử, bắt cóc, hạ nhục xảy ra như cơm bữa, không tôn trọng cả giáo quyền như trong truyền thống đặc thù của vùng Trung Đông. Các phương tiện truyền thông thế giới im lặng làm ngơ trước thảm kịch của các Kitô hữu Trung Đông.

Tuyên ngôn của các vị lãnh đạo Chính thống bày tỏ tình liên đới với các Giáo hội Kitô bị bách hại, và kêu gọi các thành phần tham chiến cũng như tất cả những ai có ảnh hưởng chính trị hãy góp phần ngăn chặn làn sóng bạo lực giết hại dân lành, ngăn chặn chiến tranh và thăng tiến hoà bình. Hãy giải thoát các giáo sĩ hay các thường dân đang bị bắt cóc giam cầm. Như là môn đệ của Thiên Chúa hằng sống, chúng tôi nguyện xin Người ban ơn hoà bình và tình yêu huynh đệ cho vùng đất Trung Đông yêu quý.” (Mai Anh, CSD 4369)

ĐỨC HỒNG Y TGM ABUJA BÊN NIGERIA BÀY TỎ ĐAU BUỒN TRƯỚC CÁC CUỘC KHỦNG BỐ 
 

VATICAN - Đức Hồng y John Onayekan, Tổng Giám mục Abuja của Nigeria, bày tỏ đau buồn trước các vụ tấn công khủng bố mới đây làm cho ít nhất 12 người thiệt mạng tại vùng Kano, bắc Nigeria.

Ngày 29-7-2013, một loạt các vụ đặt chất nổ khủng bố đã xảy ra tại Kano, thành phố lớn hàng đầu mạn bắc nước Nigeria. Đức Giám mục sở tại John Namaza Niyiring đã cho Hãng Thông tấn Fides biết là các vụ nổ xảy ra tại Sabon Gari, có nghĩa là đô thị mới, nơi có nhiều người Nigeria gốc miền Nam, đa số là tín hữu Kitô sinh sống. Con số nạn nhân chưa được rõ, nhưng theo giới chức chính quyền có ít nhất 12 người chết. Nhà chức trách điều tra cũng cho biết thủ phạm của các vụ khủng bố này là nhóm hồi giáo quá khích Boko Haram, và cảnh giác rằng có thể sẽ có thêm nhiều vụ khủng bố mới khác trước khi kết thúc tháng chay tịnh Ramadan.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, Đức Hồng y John Onayekan, Tổng Giám mục Abuja, bày tỏ lo âu và đau buồn, đồng thời khẳng định rằng tất cả những gì đang xảy ra chứng minh là cần phải gia tăng những liên hệ giữa các cộng đoàn dân chúng khác nhau trong toàn xã hội Nigeria, làm sao để mọi người hiểu được rằng đây không là cách thức đúng thực để tôn kính Thiên Chúa và để xây dựng một xã hội mới. Theo giới chức điều tra, các quả bom được đặt gần một quán giải khát, nơi có đông đảo dân chúng đang tụ họp ăn uống. Hình như một số người cho rằng nơi nào có bán rượu, nơi ấy trở thành một tiêu đích nhắm đến. Đức Hồng y cũng cầu mong chính quyền Nigeria thực sự đưa ra những câu trả lời thích đáng cho tình hình căng thẳng hiện nay, nhất là các nhà chính trị. Nếu chúng ta không thành công trong việc xây dựng một cuộc đối thoại chân thành để kiến tạo hoà bình giữa chúng ta, thì vẫn luôn còn những hành vi thê thảm như vừa xảy ra. (Mai Anh, RG/FIDES 300713)

TỐI CAO PHÁP VIỆN PHILIPPINES KÉO DÀI BIỆN PHÁP NGƯNG ÁP DỤNG LUẬT VỀ SỨC KHOẺ SINH SẢN
 
MANILA - Tối cao Pháp viện Philippines vừa quyết định kéo dài việc hoãn hiệu lực đạo luật về sức khoẻ sinh sản.

Với 8 phiếu thuận và 7 phiếu chống, các thẩm phán Tối cao Pháp viện Philippines đã ra lệnh tiếp tục duy trì quy chế cũ cho đến khi có lệnh mới, ngăn chặn hiệu lực của đạo luật về sức khoẻ sinh sản đang bị nhiều tầng lớp dân chúng Philippines phản đối, trong đó có Giáo hội Công giáo.

Với quyết định này, Tối cao Pháp viện Philippines muốn có thời gian dài hơn để cứu xét tính chất bất hợp hiến của “Luật Sức khoẻ Sinh sản”. Theo luật này, chính quyền Philippines có thể dùng ngân khoản công cộng để phân phát thuốc ngừa thai, cho các chuyên viên sản khoa giảng dạy môn giáo dục tính dục trong các trường tiểu học, khích lệ các gia đình chỉ nên có 2 người con. Luật này được quốc hội Philippines chuẩn y hồi năm 2012, sau 14 năm bàn thảo và tu chính, nhưng bị Tối cao Pháp viện hoãn hiệu lực lần đầu cho tới ngày 17-7-2013, và vừa gia hạn thêm cho đến khi có lệnh mới.

Luật sức khoẻ sinh sản được sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc và Nhi đồng Thế giới UNICEF. Các tổ chức này cho rằng tỉ lệ sinh sản cao có liên hệ chặt chẽ với nạn nghèo đói tại Philippines. Tử số tại Philippines là 221 trên 100.000 vụ sinh nở, với khoảng 5.300 người chết mỗi năm: Philippines cũng có số người trẻ vị thành niên sinh con đứng vào hạng cao nhất các nước Đông Nam Á. (Linh Tiến Khải, OSS.ROM. 18-07-2013)

TỔ CHỨC TRỢ GIÚP GIÁO HỘI ĐAU KHỔ TỐ GIÁC HỒI GIÁO QUÁ KHÍCH LAN TRÀN TẠI BANGLADESH
 
DHAKA - Bangladesh là một quả bom sẵn sàng nổ tung bất cứ lúc nào: một quốc gia nghèo mạt với những vấn đề xã hội trầm trọng, trong đó yếu tố tôn giáo quá nhiều khi bị lạm dụng vào những mục tiêu chính trị.

Tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ đã đưa ra lời tố cáo trên đây trong thông cáo phổ biến các ngày vừa qua. Mới đây, bà Véronique Vogel, người phụ trách phân bộ Á châu của tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ, đã viếng thăm Bangladesh và đã tỏ ra lo âu trước những căng thẳng xã hội chính trị và các hậu quả của chúng trên cuộc sống của các Kitô hữu. Làn sóng quá khích gia tăng trong nước, nhất là tại Giáo phận Dinajpur, nơi mà các tín hữu bị người Hồi giáo quá khích tấn công nhiều lần. Bà Vogel nói: Trong những tháng trước đây, Hồi giáo quá khích tấn công các cộng đoàn Phật tử và nay đến lượt các tín hữu Kitô.

Đức cha Sebastian Tudu, Giám mục Dinajpur, đã gửi thư đến tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ bày tỏ lo âu vì các làng mạc Kitô trong vùng đang phải sống trong sợ sệt. Cách đây hơn một tháng, chủng viện liên giáo phận vùng này đã bị một nhóm quá khích đột nhập tìm giết linh mục giám đốc học viện và 25 chủng sinh, nhưng may mắn mọi người đều thoát được. Hiện nay vẫn còn 30 cảnh sát viên canh gác giữ gìn an ninh cho làng Bulakipur, nơi có trụ sở chủng viện, mặc dù các chủng sinh đã được chuyển đi nơi khác. Ngoài ra, 3 làng lân cận có đa số dân là tín hữu Kitô cũng bị cướp phá và tấn công. (Linh Tiến Khải, OSS.ROM.18-07-2013)

RV
In ngày: 26/04/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print