Print  
Tin tổng hợp
Bản tin ngày: 09/08/2013   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
ĐỨC THÁNH CHA GỬI SỨ ĐIỆP CHO ĐẠI HỘI KHOÁNG ĐẠI THƯỜNG NIÊN CỦA HỘI HIỆP SĨ COLOMBO TẠI TEXAS, HOA KỲ 
 
SAN ANTONIO - TEXAS – Hôm 6-8-2013, Đại hội Thường niên lần thứ 131 của Hội Hiệp sĩ Colombo đã khai mạc tại San Antonio thuộc bang Texas, Hoa Kỳ.

Trong sứ điệp gửi đại hội, Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi các hoạt động bác ái, các lý tưởng cao quý của Hội và khích lệ các thành viên bảo vệ đức tin.

Trong sứ điệp do Đức Hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Toà Thánh, ký tên, có đoạn viết: “Trong thời đại có nhiều thay đổi văn hoá và xã hội nhanh chóng này không thể để thất bại việc che chở các ơn của Thiên Chúa bao gồm sự bảo vệ gia tài chân lý và các sự thật luân lý vĩ đại do Tin Mừng dạy dỗ và được lý trí xác nhận, chúng là nền tảng của một xã hội công bằng và trật tự.”

Đức Thánh Cha cũng nhắc lại tầm quan trọng và tinh thần trách nhiệm của các hiệp sĩ trong Giáo Hội và khích lệ mọi người tiếp tục làm chứng cho bản chất đích thực của hôn nhân và gia đình, sự thánh thiêng và phẩm giá bất khả xâm phạm của sự sống con người.

Hơn 2.000 đại biểu đến từ Bắc và Trung Mỹ, quần đảo Caribê, Phi châu, Á châu và Âu châu đã tham dự đại hội cùng với khoảng 11 hồng y, giám mục và 100 linh mục, tu sĩ, để kiểm điểm những thành quả đã đạt được và vạch ra những chiến lược mới.

Trong năm 2012, Hội Hiệp sĩ Colombo đã thu được hơn 167 triệu Mỹ Kim và cống hiến 70 triệu giờ phục vụ thiện nguyện tại nhiều nơi trên thế giới.

Thánh lễ khai mạc đại hội đã do Đức cha Gustavo Carcia-Siller, Tổng Giám mục Texas, chủ sự. Trong bài giảng, Đức cha ca ngợi những chương trình thiện nguyện của Hội Hiệp sĩ Colombo tại khắp nơi trên thế giới và kêu mời các hiệp sĩ tiếp tục cứu giúp những người di dân tị nạn.

Trong diễn văn khai mạc, Hiệp sĩ Tối cao Carl Anderson đã tổng kết các thành quả đạt được và đề ra những hướng đi tương lai cho Hội. Trong năm nay, Hội Hiệp sĩ Colombo dã góp phần quyết định cho nhiều sáng kiến liên đới, chẳng hạn như đóng góp tái thiết Haiti, quốc gia bị trận động đất kinh hoàng vào ngày 12-1-2012 tàn phá hầu như bình địa.

Hội Hiệp sĩ Colombo được Linh mục Michael McGivney thành lập hồi năm 1882 tại Giáo xứ New Haven, bang Connecticut, Hoa Kỳ, hiện có hơn 1,5 triệu hiệp sĩ thành viên, đông nhất là tại Hoa Kỳ, Canada, Philippines và Mexico. (Linh Tiến Khải, SD, CNA 06-08-2013; CNA 7-8-2013).

ĐỨC THÁNH CHA GỬI ĐIỆN TÍN CHIA BUỒN VỚI GIA ĐÌNH CÁC NẠN NHÂN VỤ NỔ TẠI ROSARIO, ARGENTINA
 
VATICAN - Trong điện tín gửi Đức cha José Luis Mollaghan, Tổng Giám mục Rosario, Argentina, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đau đớn chia buồn với gia đình các nạn nhân của vụ nổ một toà nhà trên đại lộ Oronho y Salta tại Rosario và bày tỏ sự gần gũi tinh thần của ngài.

Vụ nổ đã xảy ra ngày mồng 7-8-2013 khiến hàng chục người thiệt mạng, hơn 60 người bị thương và 16 người bị mất tích.

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha bày tỏ tình liên đới và bảo đảm cầu nguyện cho các nạn nhân được an nghỉ và cho những người bị thương mau bình phục. Sứ điệp của Đức Thánh Cha đã được đọc trong buổi đi kiệu và Thánh lễ kính Thánh Cayetano, bổn mạng của “Bánh ăn và Việc làm” của người dân Argentina. (Linh Tiến Khải, SD 8-8-2013)

CÁC GIÁO HỘI KITÔ ZIMBABWE GÓP PHẦN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KẾT QUẢ CUỘC BỎ PHIẾU BẦU TỔNG THỐNG
 
ZIMBABWE - Linh mục Frederick Chiromba, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Zimbabwe, bày tỏ hy vọng các Giáo hội Kitô có thể giữ vai trò quyết định trong việc tìm một giải pháp hoà bình cho tình hình căng thẳng trong nước hiện nay.

Cha Chiromba đã tuyên bố như trên với Hãng Thông tấn Công giáo CNS hôm 6-8-2013.

Tại Zimbabwe, tình hình căng thẳng nhiều từ sau cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống hôm 31-7-2013. Kết quả cho thấy Liên hiệp Quốc gia Phi châu Zimbabwe - Mặt trận Ái quốc của Tổng thống mãn nhiệm Robert Mugabe thắng lớn, chiếm đa số tuyệt đối tại Quốc hội. Đối thủ là ứng cử viên Morgan Tsvangirai của phong trào thay đổi dân chủ thua cuộc, nhưng nhất định không chịu chấp nhận kết quả này, mặc dù các đoàn quan sát viên quốc tế cũng như trong nước cho rằng cuộc bầu cử đã diễn ra cách trong sạch và tự do.

Nhiều cuộc biểu tình phản đối kết quả cuộc bỏ phiếu đang diễn ra tại các thành phố trong nước. Người ta sợ rằng Zimbabwe sẽ rơi vào cảnh hỗn loạn đẫm máu như đã từng xảy ra trong cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống hồi năm 2008.

Chính vì thế, những ngày vừa qua, các Giáo hội Kitô đã lên tiếng khẩn thiết kêu gọi hai đảng phái hãy chấp nhận kết quả cuộc bỏ phiếu và giải quyết các sai lầm đã xảy ra trong tinh thần đối thoại ôn hoà.

Theo Cha Chiromba, điều cốt yếu là các công dân nước Zimbabwe cần đồng hành trong hiệp nhất để tìm kiếm chân lý và đạt đến một thoả hiệp. Cha nói: “Đảng đối lập cảm thấy bị lừa gạt, nhưng mọi phản đối đều phải đi theo những đường lối đúng đắn.” (Mai Anh, CNS 06-08-2013)

ĐỨC GIÁM MỤC ISLAMABAD-RAWALPINDI LIÊN ĐỚI VỚI CÁC NẠN NHÂN VỤ NỔ BOM TẠI KARACHI
 
KARACHI - Đức cha Rufin Anthony, Giám mục Islamabad-Rawalpindi, đã bày tỏ liên đới và chia buồn với gia đình các nạn nhân của vụ nổ bom khủng bố tại Karachi của Pakistan.

Sáng ngày mồng 8-8-2013, bom đã nổ gần một sân đá banh, trong khi trận đấu kết thúc và mọi người bắt đầu ra về, khiến cho ít nhất 11 người thiệt mạng và 26 người khác bị thương, trong đó có nhiều trẻ em từ 6 tới 15 tuổi.

Giới quan sát viên cho biết quả bom nhắm vào ông Jawaid Nagori, Bộ trưởng tiểu bang Sindh.

Đức cha Anthony tuyên bố: Chúng ta đang phải đối đầu với một thực tại thê thảm mới. Vụ khủng bố này nhằm khuynh đảo hoà bình trong một nước trở thành nạn nhân của nạn khủng bố phá hoại.

Linh mục John James, thuộc Tổng Giáo phận Lahore, cho biết đây là vụ khủng bố đẫm máu nhất tại Karachi trong năm nay. Cho tới nay, các vụ khủng bố đã khiến cho hàng ngàn thường dân vô tội bị thiệt mạng. Với hơn 13 triệu dân Karachi là thành phố lớn nhất nước Pakistan, trong đó có các băng đảng tội phạm, các đại điền chủ, các tay buôn bán ma tuý và các tay anh chị du đãng, các nhóm chính trị cạnh tranh nhau và phong trao Hồi giáo cực đoan. Hồi tháng 3 năm nay, vụ hom nổ tại quận Abbas Town đã khiến cho 45 người thiệt mạng và phá huỷ nhiều dinh thự, nhà cửa.

Với hơn 180 triệu dân, trong đó có 97% theo Hồi giáo, Pakistan là quốc gia đông người Hồi thứ hai trên thế giới, sau Indonesia. 80% tín hữu Hồi theo hệ phái Sunnít, 20% theo hệ phái Sciít; Ấn giáo chiếm khoảng 1,85%; Kitô giáo 1,6%; và đạo Sikhs chiếm 0,04%. Bạo lực chống lại các tôn giáo thiểu số là cảnh xảy ra thường ngày trên khắp nước. Trong 8 tháng đầu năm 2012, đã có 2.200 người bị sát hại trong tỉnh Punjab, mạn bắc Karachi, và trong tỉnh Sindh của miền nam. (Linh Tiến Khải, ASIA NEWS 7-8-2013).

CƠ HỘI CHO CÔNG LÝ TẠI BANG CỦA ẤN ĐỘ SAU NHIỀU NĂM BẤT ỔN

Sự đau khổ bùng lên như nước chảy ra từ con suối. Người phụ nữ thở dài nhớ lại khi bà nghe người ta nói con trai bà bị tai nạn, nhưng kỳ thực con bà đã bị bắn chết trên đường phố, thi thể găm nhiều viên đạn. Một người cha chứng kiến tận mắt đứa con 12 tuổi của mình đã bị cảnh sát đá ngã xuống đất và bắn vào lưng.

Một thiếu niên cảm thấy không thể tâm sự với bạn học rằng anh trai của mình, một vận động viên tài năng, đã bị cáo buộc là một chiến binh và bị cảnh sát giết chết, mặc dù không có bất kỳ bằng chứng nào.

Trong nhiều thập kỷ, người dân tiểu bang Manipur, đông bắc Ấn Độ, đã mất những người thân yêu vì tình trạng bạo lực đan xen giữa phiến quân ly khai và hoạt động chống nổi dậy rầm rộ của chính phủ.

Các nhà hoạt động cho biết hàng trăm người đã bị hành quyết ngoài vòng pháp luật bởi lực lượng an ninh, nhưng không ai chịu trách nhiệm.

Nhưng giờ đây sự thay đổi có thể bắt đầu. Vào đầu năm nay, một cuộc điều tra do Toà án Tối cao Ấn Độ thực hiện phát hiện 6 trường hợp - là một điển hình trong hơn 1.500 trường hợp được xác định bởi các nhà hoạt động trong thời gian từ 1979 đến 2010 - lực lượng an ninh đã giết người vô cớ mà “không bị trừng phạt”.

Hôm thứ Ba, các nhà hoạt động trở lại toà án tối cao ở Delhi để theo đuổi việc truy tố những người chịu trách nhiệm các vụ giết người. Thân nhân 6 người đàn ông thiệt mạng đã bay từ Manipur đến ngồi hàng ghế đầu của toà án.

“Chúng tôi hy vọng sự thật sẽ chiến thắng”, ông Khumbongmayum Lata Devi, có đứa con trai Orsonjit 19 tuổi bị bắn chết vào năm 2010, cho biết. “Chính quyền bang đã bưng bít sự thật quá lâu.”

Bang Manipur bị bạo lực làm rúng động trong hơn 50 năm, là nơi xảy ra các cuộc đối đầu giữa các nhóm ly khai vũ trang và hoạt động chống nổi dậy của chính phủ.

Hàng chục ngàn cảnh sát, binh lính và lực lượng bán quân sự đã được gửi đến tiểu bang giáp biên giới Myanmar.

Các nhà hoạt động nói rằng tuyên bố Manipur là “khu vực bất ổn” và việc thực thi Đạo luật Đặc quyền cho Quân đội, đạo luật nhỏ, nhưng đã mở đường cho quân đội tham gia vào các hoạt động trong những khu vực này, điều đó có nghĩa lực lượng vũ trang thường hành động mà không chịu trách nhiệm. Tình hình tương tự cũng đang tồn tại tại bang Kashimir ở miền bắc.

“Cần có một ban hình sự đặc biệt xem xét những trường hợp này… Cần phải bồi thường thoả đáng cho các gia đình và các rào cản pháp lý mà những thân nhân của nạn nhân đang đối mặt - như Đạo luật Đặc quyền cho Quân đội - cần phải dỡ bỏ”, ông Babloo Loitongbam, tổ chức Cảnh báo Nhân quyền, có trụ sở tại Imphal, thủ phủ bang Manipur, cho biết.

Cảnh sát đưa ra lý do rằng 6 nạn nhân trẻ tuổi đó là thành viên của các nhóm chiến binh khác nhau thực hiện tống tiền và tấn công đồn cảnh sát, họ đã bị giết chết trong cuộc đấu súng hay “chống lại” lực lượng an ninh.

Nhưng cuộc điều tra do Nitte Santosh Hegde, cựu thẩm phán toà án tối cao, đứng đầu cho thấy không ai trong số những người này có tiền án, tiền sự và không có bằng chứng thuyết phục họ là thành viên các tổ chức bị cấm.

Trong mỗi trường hợp, nạn nhân đã bị giết chết không phải là do đấu súng và cũng không phải “thực hành quyền tự vệ”. (The Independent, UCAN)


RV/UCAN
In ngày: 18/04/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print