Lm. James W. Kinn
The Bible Today
Volume 51, N. 1, 2013
tr. 39-42
Có lẽ câu khẳng định mạnh mẽ nhất trong Kinh Thánh có liên quan đến sự bình đẳng nam nữ trong Giáo Hội được tìm thấy trong thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát:
“Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô.” Ở đây Thánh Phaolô tuyên bố rõ ràng rằng Phép Rửa trong Đức Kitô mang lại cuộc tạo dựng mới mà trong đó sự phân biệt nam nữ bị xoá bỏ; người nữ hoàn toàn bình đẳng với người nam về tư cách thành viên và căn tính trong Đức Kitô.
Tuy nhiên trên bình diện thực tiển, Thánh Phaolô nói rằng người nữ phải phụ thuộc người nam. Không chỉ trong các thư chính thức (x. 1 Cr 14,34-35) mà trong các thư mà tính chính thức bị đặt vấn đề (x. Ep 5,22-24; Cl 3,18) cũng như trong các văn bản mạo danh mà người ta gán cho ngài (x. 1 Tm 2,11-15), Thánh Phaolô khuyên phụ nữ hay các bà vợ phải phục tùng người đàn ông. Những quy tắc này là một phần trong “luật gia đình” của ngài phù hợp với những quy tắc của nền văn hoá Roma và Hy Lạp phổ biến thời bấy giờ.
Rõ ràng có sự xung đột giữa 2 quan điểm này của Thánh Phaolô. Ta phải làm gì trước sự mâu thuẫn này? Các chú giải Kinh Thánh hiện đại nói gì về sự xung đột này? Đức tin Kitô giáo có xem những đoạn văn khuyên đàn bà phụ thuộc đàn ông này là chân lý hay chuẩn mực không? Nếu Kinh Thánh là lời linh hứng của Thiên Chúa thì làm sao mà Kitô giáo tránh khỏi tiếng là một tôn giáo khinh thường phụ nữ?
Những giải phápCác học giả Kinh Thánh hiện đại đề nghị 5 giải pháp cho vấn đề của Thánh Phaolô đối với phụ nữ.
1.
Các bản văn không phải của Thánh Phaolô. Vài học giả Kinh Thánh nói rằng những đoạn văn trên
không chính thức là của Thánh Phaolô và như vậy đây không phải là ý kiến thực sự của ngài. Họ đúng khi lưu ý rằng chỉ có đoạn 1 Cr 14,34-35 thực sự là của Phaolô thôi. Nhưng đoạn này dạy rằng “phụ nữ phải làm thinh trong các buổi họp… họ phải sống phục tùng như chính Lề Luật dạy” khá phù hợp với đoạn 1 Tm 2,11-15: “Khi nghe lời dạy dỗ, đàn bà phải thinh lặng và hết lòng phục tùng… Tôi không cho phép đàn bà giảng dạy, hay thống trị đàn ông.” Như vậy, những đoạn văn chính thức của Thánh Phaolô cũng không tránh khỏi quy tắc phục tùng. Lại nữa, tất cả những trích dẫn trên có thể không chính thức là của Phaolô nhưng dù sao cũng
thuộc quy điển và do đó cũng là những chuẩn mực của Giáo Hội.
2.
Loại bỏ những đoạn văn như vậy. Giải pháp thứ hai là khôn khéo né tránh vấn đề trong thực hành. Vài sách bài đọc gần đây đơn giản chỉ
loại bỏ những đoạn văn rắc rối này ra khỏi phụng vụ hoặc thay bằng những đoạn văn khác. Như vậy, họ đã chọn cách tự kiểm duyệt và như thế tránh khỏi phải thuyết giảng về chúng. Tuy nhiên, sự chọn lựa này cũng không loại bỏ chúng ra khỏi Kinh Thánh và như vậy chúng vẫn được sử dụng như một luận chứng về sự thành kiến và phân biệt đối với phụ nữ.
3.
Những văn bản này phản ánh nền văn hoá Hy La. Giải pháp thứ ba đưa ra câu trả lời chân thực nhất theo chú giải hiện đại. Khi nhìn vào 4 trích dẫn trên, các học giả Kinh Thánh nhận thấy có một mẫu thức chung:
1 Cr 14,34-35: “Phụ nữ phải làm thinh trong các buổi họp… họ phải sống phục tùng…”
1 Tm 2,11-15: “Tôi không cho phép đàn bà giảng dạy, hay thống trị đàn ông…”
Ep 5,22-24: “Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa. Vì chồng là đầu của vợ…”
Cl 3,18: “Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa.”
Quy tắc các bà vợ phải phục tùng chồng là phù hợp với nền văn hoá Hy La ở chung quanh và ngay cả với giáo huấn của các thầy rabbi vào thời đó. Nhiều ví dụ khác được tìm thấy nơi các tác giả như Xenophon, Aristotle, Josephus, Philo và Juvenal. Những giáo huấn như vậy về sự tùng phục vợ chồng thường đi kèm theo những quy tắc tương tự nói về tương quan giữa người chủ và nô lệ cũng như cha mẹ và con cái. Các nền văn hoá Do Thái, Hy Lạp và Roma đều khẳng định rằng trật tự xã hội đòi hỏi sự tùng phục của thuộc cấp đối với thượng cấp của mình. Trật tự trong gia đình như thế đã được phổ biến thành
luật gia đình. Khi Thánh Phaolô và những tác giả mượn danh ngài để đề nghị những quy tắc cho vợ và chồng thì các ngài viết theo thực tiển của bộ luật gia đình. Mặc dù Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng mọi người đều bình đẳng trong Đức Kitô xét như là thành viên của thân thể Đức Kitô, các tác giả Kinh Thánh không cho là những quy tắc trong gia đình này mâu thuẫn với sự bình đẳng cơ bản của Kitô giáo. Giải pháp này hoàn toàn đơn giản và hiệu quả, tuy nhiên không hoá giải được 2 quan điểm này với nhau.
4.
Các đoạn văn này chỉ là những quy tắc thực hành hoặc là quan điểm của tác giả Kinh Thánh. Giải pháp thứ tư cố làm yếu đi sức mạnh của các quy tắc thực hành khi cho rằng tác giả của đoạn 1 Timôthê chỉ nói lên một quy tắc thực hành hoặc
quan điểm cá nhân về đời sống Kitô giáo phù hợp với nền văn hoá của thời đại. Điều đó có nghĩa là toàn đoạn văn 1 Tm 2,8-15 được giới thiệu bằng câu
“Vậy tôi muốn rằng…” (1 Tm 2,8). Như vậy, tác giả không áp đặt một luật lệ nào vào Tin Mừng nhưng chỉ đề nghị một quy tắc thực hành phù hợp với nền văn hoá của thời đại. Giải pháp này có thể làm yếu đi sức mạnh của quy tắc thực hành nhưng nó vẫn còn là một quy tắc đã dẫn đưa đến thành kiến, gây tai hại và áp chế phụ nữ.
5.
“Tìm kiếm chân lý Kinh Thánh”. Giải pháp cuối cùng là trực diện với sự mâu thuẫn. Giải pháp này tiếp cận vấn đề bằng cách phân biệt 2 loại giáo huấn được tìm thấy ở nhiều thời kỳ trong Tân Ước. Từ nhiều thế kỷ qua, người Công giáo đã biết được rằng Kinh Thánh không được linh hứng hoặc không luôn luôn đúng về những vấn đề liên quan đến khoa học hay lịch sử. Tác giả các sách của Kinh Thánh có những hạn chế của con người đối với những yếu tố khoa học hay các chi tiết lịch sử; họ đã sai lầm về những vấn đề như thế. Cũng vậy, không phải tất cả những gì họ dạy đều được xem như là Lời Chúa; vài câu nói chỉ là những lời khuyên của riêng họ về cách sống thực tiễn mà thôi. Vatican II chấp nhận những ý kiến như thế và dạy rằng trong Kinh Thánh chỉ có
sự bất khả sai lầm về phẩm chất mà thôi. Nghĩa là, Kinh Thánh chỉ không sai lầm về những gì phục vụ cho mục đích của Thiên Chúa trong Kinh Thánh mà thôi, đó là ơn cứu rỗi của chúng ta: “Các sách Kinh Thánh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm về chân lý mà Thiên Chúa đã muốn Thánh Kinh ghi lại
“để cứu rỗi chúng ta” (Dei Verbum 3,11). Điều này có nghĩa là phẩm chất của sự không sai lầm chỉ được bảo đảm dành cho những giáo huấn có liên quan đến ơn cứu rỗi của chúng ta. Học giả Kinh Thánh Raymond Brown giải thích: “[Nhiều nhà chú giải hiện nay] chấp nhận linh hứng… nhưng họ không nghĩ rằng vai trò của Thiên Chúa như là tác giả đã loại trừ đi những hạn chế của con người… Những người viết lại bộ sưu tập Kitô giáo này là những người của thế kỷ 1 và đầu thế kỷ 2, họ bị điều kiện hoá bởi thời đại họ sống đang sống, nói với những người thuộc thời đại mình trong một nhãn quan mang tầm vóc phổ quát của thời đại đó.” (
An Introduction to the New Testament, Doubleday 1997). Giải pháp này giải quyết được sự xung đột bằng cách vẫn khẳng định quy tắc tối thượng của Thánh Phaolô về sự bình đẳng người nam người nữ trong Đức Kitô song cũng chừa chỗ đứng cho những luật lệ gia đình thực hành. Những luật này không phải là không sai lầm vì chúng không xuất phát từ Thiên Chúa và chúng cũng không phải là những chân lý chính yếu cho ơn cứu độ của chúng ta.
Đánh giá các giải phápTrong 5 giải pháp này, giải pháp thứ ba và thứ năm là thoả đáng nhất. Giải pháp thứ ba đơn giản chỉ trả lời rằng Thánh Phaolô nói lên quy tắc của mình theo chiều hướng của nền văn hoá Hy La của thời đại; ngài chỉ đưa ra lời khuyên thực hành phù hợp với luật gia đình phổ biến trong thời đại ấy chứ không áp đặt nó như là giáo huấn được linh hứng của Chúa. Giải pháp không phức tạp này có thể làm thoả đáng nhiều người. Giải pháp thứ năm đưa ra câu trả lời thích đáng bằng cách quy chiếu về Vatican II, xác định rằng chỉ những chân lý chủ yếu liên quan đến kế hoạch cứu rỗi đời đời trong Đức Kitô mới được linh hứng, không sai lầm và cần thiết để chúng ta tin.
Giải pháp thứ năm cũng là giải pháp trung thực và chú giải đúng đắn đối với những vấn đề mà những đoạn Kinh Thánh như vậy làm nên Giáo hội Kitô giáo chúng ta. Những đoạn Kinh Thánh như vậy đôi khi được dùng để ủng hộ cho sự sắp xếp quyền lực kiểu gia trưởng, loại bỏ quyền lãnh đạo của phụ nữ và bào chữa cho sự lạm dụng phụ nữ. Cần phải nhận biết và loại bỏ những cách nghĩ sai trái như vậy.
Đến đây, chúng ta có thể phê bình đúng đắn về sách bộ của Thánh Phaolô (Corpus Paulinum) có liên quan đến phụ nữ. Ta có thể tóm tắt 2 ý kiến của quan điểm này như sau: (1)
“… không có nam hay nữ; tất cả chỉ là một trong Đức Giêsu Kitô.” Nhờ Bí tích Rửa Tội trong Đức Kitô, tất cả chúng ta tạo nên một sáng tạo mới mà trong đó tất cả những phân biệt giới tính đều bị loại bỏ, người nữ hoàn toàn bình đẳng với nam giới với tư cách là thành viên cũng như căn tính như nhau trong Đức Kitô. (2) Vào thời đại cũng như ở địa phương mà Thánh Phaolô đang sống, các Kitô hữu được bảo phải tuân theo
bộ luật gia đình thực hành của nền văn hoá Do Thái, Hy Lạp và Roma rất phổ cập vào thời ấy. Những lời khuyên như thế không phải là Lời Chúa được linh hứng. Lúc ấy và ngay cả hiện nay cũng như trong phần lớn thế giới hiện đại, những bộ luật gia đình như thế xem ra không thích hợp với mọi Kitô hữu là những người nhìn nhận chân lý Kitô giáo nền tảng nhất:
“Tất cả là một trong Đức Giêsu Kitô.”