Print  
Tin tổng hợp
Bản tin ngày: 20/08/2013   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
ĐỨC THÁNH CHA GỬI SỨ ĐIỆP CHO ĐẠI HỘI CÁC DÂN TỘC RIMINI LẦN THỨ 34
 
VATICAN - Trong sứ điệp gửi đại hội các dân tộc lần thứ 34 tại Rimini, miền trung Italia, Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ các tham dự viên tìm ra các phương thức mới để rao truyền Tin Mừng trong thế giới ngày càng tục hoá hiện nay.

Sứ điệp mang chữ ký của Đức Hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Toà Thánh, gửi Đức cha Francesco Lambiasi, Giám mục Rimini. Nhắc lại chủ đề của Đại hội là “Con người sự cấp thiết”, Đức Thánh Cha Phanxicô lặp lại khẳng định của Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Con người là con đường của Giáo Hội.” Con người luôn là một mầu nhiệm không thể bị giản lược vào bất cứ hình ảnh nào mà xã hội và quyền bính tìm áp đặt cho nó. Con người là mầu nhiệm của tự do và ơn thánh, của sự nghèo nàn và cao cả. Con người là con đường của Giáo Hội, bởi vì đó là con đường mà chính Thiên Chúa đã đi qua... Chúa Giêsu Kitô là con người chính của Giáo Hội, nhưng bởi vì Ngài cũng là con đường dẫn đến từng người, nên con người trở thành “con đường đầu tiên và nền tảng của Giáo Hội” (x. Redemtor hominis, 1314).

Khi khẳng định “Ta là cửa” (Ga 10,7), Chúa Giêsu muốn nói rằng Ngài là cánh cửa dẫn tới mọi người và mọi sự. Không qua Chúa Kitô, không tập trung nơi Ngài cái nhìn của tâm trí, chúng ta sẽ không hiểu gì về mầu nhiệm con người. Khi hiểu mầu nhiệm về con người, chúng ta bị bó buộc thay đổi các tiêu chuẩn phán đoán và hành động. Thế giới cũng chú ý tới con người. Nhưng quyền bính kinh tế, chính trị, truyền thông cần tới con người để trường tồn và phô trương, nhưng chúng thường tìm lèo lái các đám đông, dẫn vào các ao ước, và xoá bỏ những gì quý báu nhất mà con người có là tương quan với Thiên Chúa. Quyền bính sợ hãi con người đối thoại với Thiên Chúa, bởi vì cuộc đối thoại ấy khiến cho con người tự do và không thể đồng hoá được.

Và đây chính là sự cấp thiết mà đại hội tình bạn giữa các dân tộc nêu lên: đó là trả con người lại cho chính nó, cho phẩm gia rất cao quý của nó, cho sự duy nhất và qúy trọng của mọi sự sống con người từ lức thụ thai cho tới khi chết tự nhiên. Cần phải tái duyệt xét sự thánh thiêng của con người, và mạnh mẽ nêu bật rằng chỉ trong tương quan với Thiên Chúa, nghĩa là trong việc khám phá ra và gắn bó với ơn gọi của mình, con người mới có thể đạt tầm mức đích thực của nó. Giáo Hội, mà Chúa Kitô đã trao phó cho Lời Ngài và các Bí tích, giữ gìn niềm hy vọng lớn nhất và khả thể đích thực nhất của việc hiện thực đối với con người, ở bất cứ vĩ tuyến và thời đại nào. Trách nhiệm này lớn lao chừng nào, và chúng ta không được giữ kho tàng đó cho riêng mình, mà phải chia sẻ với các anh chị em khác... Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta hãy ra đi gặp gỡ con người thời đại chúng ta, trẻ em người già, người thông thái, người vô học, giới trẻ và các gia đình. Hãy đi tìm gặp họ và gần gũi với từng người, không phải chỉ trong các nhà thờ và các xứ đạo, nhưng chúng ta hãy mang mùi hương tình yêu của Chúa Kitô vào trong mọi môi trường (x. 2 Cr 2,15). Trong các trường học, các đại học, các nơi làm việc, các nhà thương, nhà tù và cả trong các quảng trường, trên đường phố, tại các trung tâm thể dục thể thao, trong các hàng quán, nơi có người lui tới. Chúng ta đừng hà tiện trong việc cho đi điều chúng ta đã nhận được mà không có công nghiệp nào! Chúng ta đừng sợ loan báo Chúa Kitô trong các dịp thuân tiện cũng như không thuận tiện (x. 2 Tm 4,2) với sự tôn trọng và thẳng thắn.

Nhiệm vụ của Giáo Hội và của mọi Kitô hữu là phục vụ con người bằng cách đi tìm nó trong các ngõ ngách xã hội và tinh thần kín ẩn nhất. Và lòng trung thành của Giáo Hội với Chúa Kitô là điều kiện sự đáng tin cậy của Giáo Hội trong sứ mệnh này... (Linh Tiến Khải, SD 18-8-2013)

ĐỨC THÁNH CHA CÁN ƠN ĐỨC HỒNG Y CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BRASIL VỀ CHUYẾN VIẾNG THĂM ĐỀN THÁNH ĐỨC MẸ APARECIDA
 

VATICAN - Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết thư cho Đức Hồng y Raymundo Damasceno Assis, Tổng Giám mục Aparecida kiêm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Brasil, để bày tỏ lòng biết ơn đối với sự tiếp đón nồng hậu dành cho ngài trong chuyến hành hương tại đây nhân Ngày Quốc tế Giới trẻ Rio de Janeiro hồi hạ tuần tháng 7 năm 2013.

Trong sứ điệp đề ngày mồng 2-8-2013, Đức Thánh Cha nói ngài giữ gìn trong tâm trí các hình ảnh của buổi cử hành sâu đậm tại đền thánh Đức Mẹ Aparecida. Đó cũng đã là dịp sống lại các kỷ niệm của hội nghị lần thứ V của Liên Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh và vùng Caribê.

Sau khi bày tỏ lòng yêu mến và sùng mộ đối với Đức Bà Aparecida, Đức Thánh Cha xin Đức Hồng y chuyển lời cám ơn của ngài tới các Giám mục Brasil cũng như các linh mục và phong trào của Giáo Hội đã lo lắng và nỗ lực tổ chức Ngày Quốc tế Giới trẻ rất trôi chảy tốt đẹp.

Đức Thánh Cha cầu mong rằng các hạt giống đã gieo vãi nở hoa cho một mùa xuân mới của Giáo Hội và quốc gia Brasil yêu dấu. Ngài xin Đức Mẹ Aparecida bầu cử cho Giáo Hội và dân nước Brasil. (Linh Tiến Khải, SD 17-8-2013)

ĐỐI THOẠI GIỮA NHỮNG NGƯỜI ĐIẾC
 
Chiều ngày 14-8-2013, sau gần 3 năm không nói chuyện với nhau, phái đoàn của nhà nước Israel và phái đoàn của chính quyền Palestine đã lại ngồi vào bàn thương thuyết hoà bình tại khách sạn Vua Đavít ở Giêrsalem. Hiện diện tại bàn thương thuyết phía Israel có bà Tzipi Livni, Bộ trưởng Tư pháp, và ông Yitzak Molcho, đặc sứ của Thủ tướng Benyamin Netanyahu. Phía Palestine có ông Saeb Erekat thuộc Lực lượng Giải phóng Palestine, ông Mohammed Shtayyeh thuộc Lực lượng Fatah, và phía Hoa Kỳ trong vai điều hợp có ông Martin Indik, đặc sứ của Ngoại trưởng John Kerry.

Hôm trước đó, theo yêu cầu của phía Palestine, chính quyền Israel đã trả tự do cho 26 trên 104 tù nhân chính trị. Họ đã được tiếp đón như những người hùng tại Ramallah và trong dải Gaza, trước sự phẫn nộ của những gia đình người Israel có thân nhân bị thiệt mạng trong các vụ khủng bố của những tù nhân Palestin này.

Trong cùng ngày, Toà Thị chính Giêrusalem đã chấp thuận việc xây thêm 942 căn nhà mới tại Ghilo ở mạn tây Giêrusalem, cộng thêm 1.200 căn, do chính Thủ tướng Netanyahu ký giấy phép ngày 11-8-2013 trong vùng Cisgiordania, trên đất của người Palestine, khiến cho phía Palestine phẫn nộ.

Trên bàn thương thuyết của hai bên là các vấn đề nóng bỏng như: các biên giới của quốc gia Palestine tương lai, các làng mạc người Do Thái xây trên đất của người Palestine trong vùng Cisgiordania, quyền hồi hương của hàng triệu người Palestine tị nạn trong các nước láng giềng, vấn đề của thành Giêrusalem, mà cả hai bên đều muốn coi là thủ đô của mình. Ít giờ trước khi cuộc thương thuyết bắt đầu, đã có các căng thẳng, vì phía chính quyền Palestine tố cáo phía Israel đã cho xây thêm 3.000 căn nhà trên đất của người Palestine từ đầu tháng 7 tới nay.

Tất cả các vấn đề kể trên đã là các nút thắt giằng co giữa hai bên từ 22 năm qua, khiến cho tất cả 13 cuộc thương thuyết trước đó đều thất bại, bắt đầu từ cuộc thương thuyết đầu tiên triệu tập tại Madrid ngày mồng 1 tháng 11 năm 1991. Tiếp đến là tại Oslo năm 1993, Cairo năm 1994, Camp David năm 2000, Taba năm 2001, Aqaba năm 2003, Sharm el-Sheikh năm 2005, Annapolis năm 2007, Gaza năm 2008, Washington năm 2010, tại nhiều thành phố khác nhau năm 2011, 2012 và từ tháng 4 tới nay 2013.

Ngày 17 tháng 7, Ngoại trưởng John Kerry loan báo hai bên sẽ tái nhóm, và hai phái đoàn đã gặp nhau sơ khởi tại Washington trong 2 ngày 29 và 30-7 trước khi chính thức tái mở cuộc thương thuyết tại khách sạn Vua David ở Giêrusalem.

Ông Ban Ki Moon, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, đã khích lệ hai phía Palestine và Israel “kiên nhẫn” trong các cuộc thương thuyết hoà bình, và ông thỉnh cầu cả hai bện làm tất cả những gì có thể, để có các bước tiến cần thiết hầu đi tới thành công, với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế. Ông bảo đảm với hai phe thương thảo sự ủng hộ của Liên Hiệp Quốc đối với cuộc đối thoại mới này, nhằm mục đích đạt một nền hoà bình lâu bền và dựa trên giải pháp hai quốc gia độc lập có chủ quyền thừa nhận lẫn nhau. Ông Ban Ki Moon cũng đã công du một vòng vùng Trung Đông và gặp giới lãnh đạo của cả hai bên.

Về phía mình, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã cầu mong các cuộc thương thuyết kết thúc trong vòng 9 tháng, tức tới tháng 5-2014, và đi tới chỗ thành lập một quốc gia Palestine độc lập, ít nhất là trên nguyên tắc. Ngoại trưởng Kerry cũng thắng thắn phê bình đường lối chính trị xâm lăng đất đai của chính quyền Israel, và cảnh cáo là nó có nguy cơ khiến cho nhà nước Israel trở thành bất hợp pháp trước mắt của cộng đồng quốc tế. Sở dĩ Ngoại trưởng Kerry đã phải dùng đề tài “Israel bất hợp pháp” là vì thủ tướng Netanyahu sợ bị cô lập trên trường quốc tế hơn là sợ bom nguyên tử của Iran.

Nhưng đó chỉ là chuyện phỏng đoán. Thật ra, nút thắt chính là “lập trường ương ngạnh” của cả hai bên đã không bao giờ nhân nhượng nhau, mà chỉ đòi phe bên kia chấp nhận các điều kiện của mình. Cả hai phía đều bị các áp lực rất mạnh cố ý khiến cho cuộc thương thuyết thất bại. Phía Israel có các thành phần không muốn rời bỏ các làng mạc và nhà cửa đã thiết lập trên đất lấn chiếm của người Palestine từ năm 1967 tới nay, và các vùng đất này phải thuộc về quốc gia Palestine.

Với con số hơn 2.000 căn nhà mới được cấp giấy phép xây cất trong 2 tháng qua, cộng thêm 10.000 căn đã được phép trong năm 2012, rồi cộng với hàng chục ngàn căn nhà khác đã xây cất trong 10 năm trước nữa, người ta thấy chính quyền Israel không từ bỏ chính sách xâm lăng đất đai, và luôn luôn đặt phía Palestine và cộng đồng quốc tế trước các sự kiện đã rồi. Ngoài ra, phía Israel cũng không muốn nghe nói đến chuyện hồi hương hàng triệu người Palestine.

Còn phía Palestine, đặc biệt là trong dải Gaza, lực lượng Hamas không muốn có hoà bình với Israel cựu thù và cũng không thừa nhận nước Israel. Tuy yếu thế, nhưng họ vẫn sẵn sàng ăn thua đủ với quân đội Israel. Bằng chứng là trong đêm trước ngày tái khai mở cuộc thương thuyết, họ đã bắn rocket vào vùng Neghev, khiến cho không lực Israel lập tức trả đũa. Tổng thống Mahamoud Abbas của phe Palestine đang phải vất vả đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính, trong khi chính quyền của Thủ tướng Netanyahu thì lại phải liên minh với các đảng phái không muốn nghe nói tới quốc gia Palestine độc lập. Bên cạnh đó là bức tường phân cách cao 5 mét chạy dài từ bắc chí nam, vẫn tiếp tục được phía Israel xây cất để ngăn chặn các vụ khủng bố tự sát. Chính các yếu tố tiêu cực này đã khiến cho mười mấy cuộc đàm phán đều thất bại, Và cả lần này nữa người ta cũng có cảm tưởng đang chứng kiến “cuộc đối thoại giữa những người điếc”. (Linh Tiến Khải)

TƯƠNG LAI NÀO CHO THẾ GIỚI, KHI XÃ HỘI ĐÀY ĐOẠ TRẺ THƠ? 
 
Ngày 31-7-2013, tổ chức UNICEF của Liên Hiệp Quốc đã phát động chiến dịch có khẩu hiệu là “Chấm dứt bạo lực chống lại trẻ em”. Mục đích của chiến dịch là gây ý thức nơi mọi người dân, đặc biệt là giới luật pháp và các chính quyền liên quan tới tệ nạn bạo hành trẻ em. Thống kê của tổ chức UNICEF cho biết hiện nay trên thế giới có 223 triệu trẻ em là nạn nhân của các lạm dụng.

Theo Tổ chức Sức khoẻ Thế giới, trong năm 2012 có khoảng 150 triệu trẻ nữ và 73 triệu trẻ nam dưới 18 tuổi là nạn nhân của các vụ bạo hành và khai thác tình dục. Khoảng 20% phụ nữ và 5-10% nam giới đã từng bị lạm dụng tính dục khi còn bé. Các thống kê cũng cho biết 1/3 các người trẻ có kinh nghiệm tình dục đầu tiên vì bị bắt buộc.

Trẻ em cũng là nạn nhân của chiến tranh xung khắc: các em bị giết, hay bị tàn tật, bị cưỡng bách động viên làm chiến binh, bị hãm hiếp, bị tấn công trong các trường học, không được trợ giúp nhân đạo và bị bắt cóc.

Còn trong gia đình trẻ em cũng là nạn nhân của nạn bạo hành. Hằng năm có từ 133 đến 275 triệu trẻ em phải chứng kiến các cảnh bạo hành giữa cha mẹ của chúng. Có 80-98% trẻ em bị cha mẹ đánh phạt trong gia đình, và có 1/3 các em bị đánh với các vật dụng khác nhau.

Bên vùng Trung Đông và Bắc Phi, giữa các năm 2005-2010 có tới 90% trẻ em từ 2 tới 14 tuổi phải sống kinh nghiệm bạo lưc giáo dục, bạo lực tâm lý và bạo lực thể lý. Có rất nhiều hành vi bạo lực xảy ra trong gia đình, nhưng không bao giờ bị tố cáo.

Trẻ em cũng còn là nạn nhân của bạo lực tại học đường nữa. Đối với nhiều trẻ em, học đường không phải là nơi an toàn, vì các em bị thầy cô đánh phạt với các hình thức tàn ác, và các hạ nhục tâm lý, hay bị bạn bè hành hung. Cũng có trường hợp các em bị bạo lực hay sách nhiễu tình dục nữa.

Trẻ em cũng là nạn nhân của bạo lực trong nơi làm việc. Trên thế giới, hiện nay có khoảng 150 triệu trẻ em tuổi từ 5 tới 14 phải làm việc vất vả, trong đó có 115 triệu em phải làm các việc nặng nhọc, hay với các hoá chất nguy hại cho sức khoẻ, hoặc với giờ làm việc kéo dài. Khoảng hơn 10 triệu phải làm đầy tớ cho các gia đình khá giả hơn, và thường bị đối xử như nô lệ, trong đó có 71% là trẻ nữ. Tất cả các em đều dễ bị thương tích trên các bình diện tâm sinh vật thể lý, và rất nhiều em bị khai thác tình dục. Các em thường bị gia đình cô lập hoá, bị giấu kín khỏi con mắt của công chúng, và tuỳ thuộc nơi các chủ nhân cho việc làm.

Sau cùng, trẻ em còn là nạn nhân của tệ nạn người trẻ nhàm chán hành hạ các bạn học khác, bằng các lời nói và hành động chế nhạo bạo lực. Các trẻ em liên luỵ trong tệ nạn này thường có nguy cơ bị bất ổn về thể lý và tâm lý. Chúng trốn khỏi nhà, nghiện rượu hay nghiên ma tuý, bỏ học, và nhất là có các hành động tự gây thương tích cho chính mình. Các thống kê cuối cùng cho biết có từ 20 tới 65% học sinh là nạn nhân của tệ nạn này.

Ngày mồng 3-8-2013, Hãng Thông tấn Fides của Bộ Truyền giáo đưa tin tại Ấn Độ có trên 11 triệu trẻ em sống trên đường phố trong các thành phố lớn. Đa số các em thường xuyên bị ngược đãi, bị bắt buộc phải lao động, bị khai thác tình dục, bị bán làm nô lệ, cũng như chịu nhiều hình thức bạo lực và lạm dụng khác. Hơn phân nửa các trẻ em này mù chữ không biết đọc viết. Các em là con cái của các gia đình từ nông thôn di cư lên thành thị để kiếm công ăn việc làm. Các trẻ em bụi đời sống trong các thành phố như New Dehli, Mumbai Kolkata, Chennai không có bất cứ bảo đảm pháp lý nào. Cũng có các nghiên cứu khác cho rằng số trẻ em bụi đời tại Ấn Độ lên tới 20 triệu.

Trong bản tin ngày mồng 5-8-2013, hãng thông tin Fides cũng cho biết bên Mexico có hàng triệu trẻ em lao động. Và 60% trên tổng số 3 triệu trẻ em làm việc bỏ học, trong đó có 1,8 triệu em vị thành niên.

Tệ nạn trẻ em lao động cũng trầm trọng tại nhiều nước Á châu khác như Pakistan, và vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Hiện tượng trẻ em bụi đời lan tràn khắp nơi trên thế giới, vì hiện tượng di cư từ đồng quê lên thành thị.

Bên Phi châu, đặc biệt tại các nước có chiến tranh xung khắc như Cộng hoà Dân chủ Congo và Uganda, ngoài cảnh gia đình bị tàn sát hay phân tán, các trẻ em còn bị bắt cóc và xung vào quân ngũ để tập bắn giết nữa. Các em bị bắt buộc dùng ma tuý, bị tẩy não và chịu đủ mọi thứ bạo lực để trờ thành các máy bắn giết.

Từ bao năm qua, các chính quyền trên thế giới và cả cộng đồng quốc tế đã tỏ ra bất lực trước biết bao nhiêu bạo hành và đối xử tàn tệ mà xã hội dành để cho các trẻ em. Và người ta đau đớn lo âu tự hỏi: Thế giới có tương lai nào, khi xã hội đày đoạ trẻ thơ một cách tàn bạo và vô nhân như thế? (Linh Tiến Khải)

ĐỨC VIỆN PHỤ TỔNG QUYỀN DÒNG BIỂN ĐỨC KÊU GỌI TÔN TRỌNG SỰ NHẠY CẢM CỦA NGƯỜI DÂN BẮC HÀN 
 
ROMA - Đức Viện phụ Tổng quyền Dòng Biển Đức Nokter Wolf kêu gọi tôn trọng sự nhạy cảm của người dân Bắc Hàn. Cha coi thoả hiệp giữa hai chính quyền Bình Nhưỡng và Seoul liên quan tới việc mở lại khu kỹ nghệ Kaesong, là dấu chỉ sự bớt căng thẳng giữa hai miền Nam Bắc Hàn.

Khu kỹ nghệ Kaesong nằm trên đất Bắc Hàn cung cấp công ăn việc làm cho 53.000 công nhân Bắc Hàn, và hằng năm thu vào 90 triệu Mỹ kim cho Bắc Hàn. Hồi tháng 4 năm nay, chính quyền Bắc Hàn đã đơn phương quyết định đóng cửa nó.

Đức Viện phụ Wolf vừa mới từ Bắc Hàn trở về Roma, sau khi viếng thăm nhà thương do dòng xây cất tại Bắc Hàn. Nhà thương này có 100 giường đã gần như hoàn thành, bao gồm cả một khu vực sản khoa và trở thành nhà thương của toàn vùng.

Theo Đức Viện phụ, người dân Bắc Hàn muốn được tôn trọng ngang hàng với các quốc gia khác, chứ không chịu các áp đặt và cách đối xử của thế giới Tây phương coi Bắc Hàn là một quốc gia nhỏ bé vô nghĩa. Cha Bề trên Tổng quyền Dòng Biển Đức cho biết khó mà có tin tức từ Bắc Hàn. Cha đã phải vào Bắc Hàn qua ngã đông bắc Trung Quốc, chứ không qua ngã thủ đô Bình Nhưỡng.

Hiện nay cũng có nhiều công trình đầu tư tại Bắc Hàn, nhưng luôn luôn với sự dè dặt và cũng có các vấn đề với nhà nước. (Linh Tiến Khải, RG 15-8-2013)

NGƯỜI DALÍT KITÔ CŨNG PHẢI ĐƯỢC ĐỐI XỬ NHƯ NGƯỜI DALÍT ẤN GIÁO ĐẠO SIKH VÀ PHẬT GIÁO
 

MUMBAI - Trong bức thư gửi Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh ngày mồng 9-8-2013, bà Jayalalitha, Thống đốc bang Tamil Nadu, khẳng định rằng người cùng đinh Dalit Kitô cũng phải được đối xử ngang hàng với các người cùng đinh dalít Ấn giáo, Đạo Sikh và Phật giáo.

Trong cùng ngày tại thủ đô New Dehli, các cộng đoàn Kitô và Hồi giáo cũng cử hành “Ngày đen tối” trước Nhà thờ Thánh Tâm, tưởng niệm ngày 10-7-1950 khi Quốc hội Ấn Độ chấp nhận Hiến pháp liên quan tới các giai tầng xã hội kỳ thị tín hữu Kitô và tín hữu Hồi.

Khoản luật 3 của Hiến pháp Ấn Độ chỉ thừa nhận các quyền kinh tế, giáo dục và xã hội cho người đalít theo Ấn giáo. Sau này, năm 1956 và 1990, nó mới được nới rộng ra cho các người đalít Phật giáo và Đạo Sikh, nhưng vẫn loại trừ người đalít Kitô và Hồi giáo.

Trong thư, bà Jayalalitha nêu bật rằng các căng thẳng xã hội phát xuất từ sự bất bình đẳng này trong xã hội. Và tình trạng này đã ngày càng tồi tệ khiến cho cảm tưởng bị tha hoá gia tăng giữa các cộng đoàn thiểu số. Bà Thống đốc bang Tamil Nadu thuộc giai tầng các Brahmin, tức các tư tế, là giai tầng xã hội cao nhất tại Ấn Độ.

Theo các nghiên cứu, hơn 4.500 năm trước đây dân chúng miền bắc và miền nam Ấn Độ bắt đầu trộn lẫn với nhau, nhưng sự trộn lẫn này đã ngưng cách đây khoảng 2.000 năm, và từ đó sự phân chia giai cấp xã hội bắt đầu. Sau khi Ấn Độ được độc lập năm 1947 và Hiến pháp được soạn thảo, việc phân chia giai tầng xã hội mất đi các ý nghĩa xưa của nó. Tuy nhiên, giới cùng đinh đalít vẫn bị coi như là những người “không thể đụng chạm đến”, và thuộc giai tầng xã hội thấp nhất chỉ được phép làm những công việc thấp hèn. (Linh Tiến Khải, ASIANEWS 13-8-2013)

RV
In ngày: 29/03/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print