ĐỨC HỒNG Y TỔNG TRƯỞNG BỘ CÁC GIÁO HỘI ĐÔNG PHƯƠNG PHÊ BÌNH CÁC BẠO LỰC CHỐNG CÁC TÍN HỮU KITÔ BÊN AI CẬP VATICAN - Đức Hồng y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương, đã mạnh mẽ phản đối các vụ bạo lực chống lại các tín hữu Kitô bên Ai Cập, và mời gọi cầu nguyện cho các anh chị em này đang là nạn nhân của những bạo lực không thể chấp nhận được.
Đức Hồng y đã đưa ra lời phản đối và kêu gọi trên đây trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình Ý ngữ Đài Vatican ngày 20-8-2013. Đức Hồng y nói qua đối thoại và hòa giải có thể tìm ra giải pháp cho tình trạng kinh khủng tại Ai Cập hiện nay. Tất cả các vụ cướp bóc và tàn phá các nhà thờ Kitô do các nhóm Hồi cuồng tín chủ mưu đều là các vi phạm trầm trọng chống lại thiểu số Kitô giáo. Sự tái sinh của đất nước Ai Cập phải được thực hiện trong sự tôn trọng bản vị con người, tất cả mọi tôn giáo và quyền tự do tôn giáo. Tôn giáo và niềm tin không thể biến thành chiến tranh và bạo lực được. Người ta sẽ không thể nào dùng sức mạnh, bạo lực hay khủng bố phá hoại hoặc quyền lực quân đội để giải quyết các vấn đề nền tảng của lòng tin.
Đức Hồng y Sandri cũng bày tỏ tình liên đới và gửi lời chào thăm huynh đệ tới Đức Thượng phụ Tawadros II của Giáo hội Chính thống Ai Cập và Đức Thượng phụ Naguib của Giáo hội Công giáo Copte. (Linh Tiến Khải, RV/RG 19-8-2013)
CÁC GIÁM MỤC BOLIVIA PHẢN ĐỐI DỰ LUẬT CHO PHÉP PHÁ THAI LA PAZ - Hội đồng Giám mục Bolivia vừa trao một tài liệu cho Toà Bảo Hiến nước này, trong đó, các Giám mục cương quyết nói không với dự luật cho phép phá thai và yêu cầu thăng tiến quyền sống.
Tài liệu của Hội đồng Giám mục Bolivia được công bố trong tư cách thiện chí, để góp ý kiến về các khía cạnh luật pháp giúp Toà Bảo Hiến quyết định về đề nghị của bà nghị sĩ Patricia Mancilla yêu cầu toà tuyên bố 13 điều khoản trong bộ luật dân sự là bất hợp hiến để có thể cho phép tự do phá thai. Tài liệu của Hội đồng Giám mục Bolivia khẳng định rằng không có lý do thực tiễn nào chứng minh tính chất bất hợp hiến của các điều khoản nói trên, trong khi có nhiều quy chế quốc gia cũng như quốc tế quyết tâm bảo vệ mọi sự sống. Quyền sống là quyền của tất cả mọi người, không trừ ai, ngay từ khi mới thụ thai trong lòng mẹ. Chính vì thế, theo quan niệm chính trị xã hội, y khoa và khoa học, văn hoá, gia đình, luật pháp, cũng như dưới ánh sáng đức tin Công giáo, không có một lý do nào có thể biện minh cho việc sát hại một người, nhất là khi đây là một người yếu đuối không thể tự vệ. Chính vì thế, Giáo hội Công giáo luôn quyết tâm thực thi ơn gọi thánh thiêng của mình là thăng tiến sự sống con người và chấp nhận bảo vệ toàn vẹn quyền được sống. (Mai Anh, RV/SD 17-08-2013)
CÁC GIÁM MỤC ẤN ĐỘ KÊU GỌI ĐẨY MẠNH SỨ ĐIỆP CÔNG LÝ XÃ HỘI TẠI ẤN VÀ NÓI KHÔNG VỚI CUỘC CHẠY ĐUA VŨ TRANG NEW DELHI - Trong sứ điệp gửi cho tín hữu toàn nước nhân “Ngày cho Công lý” 18-8-2013, Hội đồng Giám mục Ấn Độ mời gọi đẩy mạnh sứ điệp công lý xã hội, khước từ chạy đua vũ trang, và tái đào sâu Thông điệp Hoà bình dưới thế của Đức Gioan XXIII nhân kỷ niện 50 năm ban hành.
Trong sứ điệp, Uỷ ban Công lý, Hoà bình và Phát triển của Hội đồng Giám mục Ấn Độ mời gọi tín hữu Ấn hãy hướng mọi hoạt động của họ theo các giá trị căn bản được nêu lên trong Thông điệp Hoà bình dưới thế, đó là chân lý, công lý, tình yêu và tự do. Sứ điệp viết: Thông điệp Hoà bình dưới thế đề cao một linh đạo mới và một nền văn hoá hoà bình, khởi đầu từ việc nhìn nhận phẩm giá con người và từ sự tôn trọng tất cả các quyền con người trong mọi quan hệ nhân bản. Nguyên tắc này cần được khẩn cấp áp dụng trong các môi trường xã hội Ấn Độ, cùng với đối thoại như phương thế giải quyết mọi tranh chấp.
Tài liệu của Hội đồng Giám mục Ấn còn nhắc lại nhiều đoạn trong thông điệp kêu gọi tài giảm vũ khí và khẳng định rằng: những đường hướng vừa nói có ý nghĩa đặc biệt trong thực tại Ấn Độ ngày nay. Ấn Độ hiện là quốc gia nhập cảng nhiều vũ khí nhất thế giới và là một trong số 24 nước không ký vào thoả ước Liên Hiệp Quốc về tài giảm vũ khí quốc tế hồi tháng 4-2013.
Đây là lần thứ 30 ngày cho nền công lý được cử hành tại Ấn Độ, thường là vào Chúa Nhật sau Lễ Quốc khánh của Ấn Độ 15-8. Ngày này nhắm mục đích thức khơi dậy ý thức của mọi người và của các cơ cấu trước các thực tại xã hội và đáp trả các đòi hỏi công lý. (Mai Anh, RV/FIDES 19-08-2013)
NGÀY GIÁO LÝ VIÊN CỦA GIÁO HỘI BRAZIL BRASÍLIA - Chúa Nhật 25-8-2013, Giáo hội Brazil sẽ cử hành Ngày Giáo lý viên trong mọi giáo phận toàn nưởc. Mục đích là để ghi ơn và khích lệ các giáo lý viên đã có công rất lớn trong việc xây dựng và củng cố Giáo Hội.
Đề cập đến tầm quan trọng đặc biệt của giáo lý viên, các Giám mục Brazil tự hỏi: Giáo Hội chúng ta sẽ ra sao nếu thiếu vắng các giáo lý viên hiện diện đông đảo tại cả những vùng ngoại ô hay xa xôi hẻo lánh. Ngày Giáo lý viên trong Năm Đức Tin mang một âm hưởng rất đặc biệt, vì đươc cử hành chỉ vài tuần lễ sau Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Rio De Janeiro, với sự hiện diện của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Trong sứ điệp công bố nhân Ngày Giáo lý viên, Đức cha Jacinto Bergmann, Tổng Giám mục Giáo phận Pelotas, kiêm Chủ tịch Uỷ ban Linh hoạt Kinh Thánh Giáo lý, nhấn mạnh rằng “chúng ta không thể không nhớ lại những gì xảy ra cách đây mới một tháng. Tiến trình Kinh Thánh - Giáo lý, mà Ngày Quốc tế Giới trẻ khởi động, thu hút biết bao giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân, nhất là người trẻ, quây quần chung quanh Đức Thánh Cha Phanxicô như là một giáo lý viên với những cử chỉ và lời nói rất đơn giản, nhưng đã đánh động tâm lòng chúng ta như một cách thức truyền giáo mới, hướng thẳng đến con tim của người trẻ và của tất cả mọi người, đem lại niềm vui, sự can đảm và hy vọng. Đây chính là sự đúc kết hoàn hảo nhất của chương trình giáo lý dựa trên kinh nghiệm sống, trên Thánh Kinh và cộng đoàn như đã được khẳng định trong tài liệu về giáo lý tân cải các Giám mục Brazil ban hành cách đây 30 năm. (Mai Anh, RV/OSS.ROM. 19-08-2013)
TỔ CHỨC CARITAS ANH QUỐC PHÁT ĐỘNG DIỄN ĐÀN CÔNG LÝ TỘI PHẠM LONDON - Phân bộ xã hội của tổ chức Caritas Anh quốc vừa đề ra một Diễn đàn cho nền công lý tội phạm, với chủ đích cung cấp tiếng nói cho các nạn nhân, nhưng đồng thời cho cả các tù nhân và thân nhân gia đình của họ nữa.
Cơ quan này sẽ chính thức ra mắt ngày 10-9-2013 tại Nhà thờ Chính toà Thánh Giorgio ở Southwark, London, thủ đô Anh quốc.
Đức Cha Richard Moth, Đặc trách Mục vụ Nhà tù, sẽ thuyết trình tại buổi giới thiệu, cùng với đại diện của các tổ chức thiện nguyện làm việc với các tù nhân, với gia đình nạn nhân và một số người tù. Diễn đàn sẽ bao gồm cả mọi người hoạt động trong môi trường này, nhưng với sự chú ý đặc biệt dành cho lĩnh vực công lý và cho các phụ nữ nạn nhân bạo hành.
Tổ chức Caritas nói: Mọi tín hữu Công giáo phải nghĩ đến công lý tội phạm như nguyên do gây ra bất ổn xã hội, nhìn nhận rằng Giáo Hội không những cống hiến cho mọi người giáo huấn luân lý đạo đức và xã hội, nhưng còn sở hữu kinh nghiệm cụ thể trong lãnh vực này nữa. (Mai Anh, RV/SD 17-08-2013)
TÌNH HÌNH TRUNG PHI VẪN THÊ THẢM BANGUI - Linh mục Anastasio Roggero, Dòng Cát Minh cho biết tình hình chính trị xã hội tại Trung Phi vẫn căng thẳng, và trong thủ đô Bangui vẫn xảy ra các vụ tra tấn trả thù, khiến cho nhiều người chết.
Cha Roggero đã làm việc truyền giáo tại Trung Phi từ 40 năm qua, cuộc đảo chính cách đây 10 năm đã khiến cho nhiều ngưới chết và nay lực lượng du kích quân Seleka nắm quyền đang trả thủ.
Trong tuyên ngôn công bố những ngày vừa qua Hồi đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã khẳng định rằng cuộc khủng hoảng tại Trung Phi đang là một đe doạ nghiêm trọng cho toàn vùng, vì thế, Hội đồng đang cứu xét các khá thể giúp ổn định tình hình Trung Phi.
Theo Cha Roggero, đàng sau cuộc khủng hoảng của Trung Phi có bàn tay của các tổ chức buôn kim cương và khai thác dầu hoả. Nhưng Trung Phi chỉ là một quồc gia có tên trên bản đồ địa lý. Còn trong thực tế từ ngày độc lập cách đây 50 năm, đất nước này đã không bao giờ có khả năng dùng tiền của mình để xây một trường học hay một nhà thương. Dân nghèo Trung Phi không phản ứng. Nhưng họ không thể chỉ chờ đợi các trợ giúp từ người khác. Rất không may cho Trung Phi là giờ đây các giới chức chính trị lại theo các người đã chiến thắng.
Cha Roggero hiện đang hoat động cho dự án lớn tại Bangui: trồng 20 mẫu rừng và 110 mẫu dầu cọ, nhưng cha không trông thấy tương lai nào cho đất nước Trung Phi. Là quản lý của dòng từ năm 1975 tới nay, cha cho biết đã chưa thấy chính quyền đưa ra dự án phát triển nào cả, 95% dân chúng trong các làng mạc sống như cách đây 2.000 năm.
Trong khi Trung Phi là một đất nước tuyệt vời, nó đã có thể là một thiên đàng dưới đất, vì có rừng, có mưa, có đảo, và không bị các tai ương thiên nhiên. Trung Phi có hết mọi sự nhưng không tiến lên được. (Linh Tiến Khải, RV/RG 18-8-2013)
ĐỨC GIÁM MỤC LUXOR ĐAU BUỒN VÌ DÂN CHÚNG THIẾU THỰC PHẨM LUXOR - Đức cha Youhannes Zakaria, Giám mục Giáo phận Công giáo copte Luxor, Ai Cập, rất đau buồn, vì phải chứng kiến cảnh dân chúng thiếu thực phẩm, mà không thể làm gì để trợ giúp họ.
Đức cha Zakaria đã cho biết tình hình tại Luxor cũng căng thẳng tuy không bằng Minya, Assiut hay thủ đô Cairo. Mọi hàng quán đều đóng cửa, cả người giàu cũng không thể mua thực phẩm, và dân chúng Kitô cũng như Hồi giáo đều sợ không dám ra ngoài vì không có an ninh. Chính Đức cha cũng bị cô lập trong Toà Giám mục.
Sau khi bị đuổi khỏi các đường phố trung tâm Luxor, các người Hồi biểu tình phò ông Morsi đã kéo nhau tới Toà Giám mục và la hét: “Kitô hữu phải chết.” May mà cảnh sát đã tới kịp thời để cứu Đức cha. Ngày 16-8-2013, Đức cha cũng đã bị các người Hồi biểu tình tấn công.
Vì lý do an ninh Đức cha đã bãi bỏ các chương trình cử hành lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời ngày 22-8. Mọi nhà đều đóng kín và từ 20 ngày nay Đức cha cũng chỉ quanh quẩn trong Toà Giám mục. Các lực lượng an ninh khuyên Đức cha không nên ra ngoài.
Theo Đức cha, lý do khiến cho các nhóm Hồi phò ông Morsi tấn công các Kitô hữu vì họ cho rằng tín hữu Kitô là nguyên do của vụ quân đội truất phế ông. Đức cha công nhận là trong số những người tham dự biểu tình cũng có các Kitô hữu, nhưng trên toàn nước đã có hơn 30 triệu người biểu tình chống chính sách Hồi giáo hoá Ai Cập và các bất lực của chính quyền Morsi đã không làm được gì sau một năm cầm quyền.
Đức cha Zakaria cũng cho biết đã có hơn 80 nhà thờ và trường học Kitô bị đốt phá. Tại Ai Cập, từ Alessandria cho tới Assuan Giáo hội Công giáo điều khiển 200 trường học, nơi các trẻ em hồi và Kitô học chung với nhau. Theo Đức cha, chỉ có đối thoại và tôn trọng nhau mới giúp dân nước Ai Cập ra khỏi tình trạng thê thảm này. (Linh Tiến Khải, FIDES 20-8-2013)
GIÁO HỘI NICARAGUA CỬ HÀNH TUẦN LỄ BÁC ÁI MANAGUA - Từ ngày 18 đến 25-8-2013, Giáo hội Công giáo Nicaragua cử hành tuần lễ bác ái với khẩu hiệu: “Bác ái là một vuốt ve của Giáo Hội dành cho dân Chúa.”
Trong một suy tư công bố nhân Tuần lễ Bác ái, Đức cha Sócrates René Sándigo Jirón, Giám mục Giáo phận Juigalpa, Chủ tịch Caritas Nicaragua, nhấn mạnh: bác ái không thể là một cử chỉ đôi khi mới có, nhưng phải là một thái độ sống thường xuyên. Tín hữu phải suy tư sâu xa hơn về nạn nghèo đói hoành hành trong nước, và truy lùng gốc rễ của hiện tượng này. Tuần lễ Bác ái năm nay nằm trong khuôn khổ Năm Đức Tin, vì thế, Đức cha đặt trọn hy vọng vào con tim quảng đại của các tín hữu, để Giáo Hội có thể tiếp tục vuốt ve những người nghèo đói trong xã hội Nicaragua.
Vào ngày 22-8-2013, sẽ có một cuộc lạc quyên trong toàn nước. 40% số tiền quyên góp sẽ được dùng để bảo trợ các chương trình bác ái của các giáo xứ và 40% khác dành cho các giáo phận trong nước, nhất là trong lãnh vực kinh tế, y tế, dinh dưỡng và giáo dục. Tại Niưaragua, nạn nghéo túng khiến cho số trẻ em bỏ học và phải lao động để kiếm sống gia tăng. (Mai Anh, CSD 19-8-2013)
CÁC NỮ TU BỊ LÀM NHỤC CÔNG KHAI KHI BẠO LỰC Ở AI CẬP GIA TĂNG
Sau khi đốt trường học thánh Phanxicô, những người Hồi giáo kéo 3 nữ tu diễu hành trên đường phố như những “tù nhân chiến tranh” cho đến khi một phụ nữ Hồi giáo cho họ tá túc. Hai người phụ nữ khác làm việc tại trường cũng bị xâm hại tình dục.
Trong vòng 4 ngày trong khi lực lượng an ninh giải tán 2 trại biểu tình ngồi của những người ủng hộ tổng thống bị phế truất Mohammed Morsi, người Hồi giáo đã tấn công hàng chục nhà thờ cùng với nhà cửa, cửa hiệu của cộng đồng Kitô giáo thiểu số. Chiến dịch hăm doạ này là lời cảnh cáo đối với các Kitô hữu nhằm chặn đứng các hoạt động chính trị.
Kitô hữu chiếm 10% trong 90 triệu dân số, từ trước tới nay chịu đựng sự phân biệt kỳ thị và bạo lực ở Ai Cập nơi có người Hồi giáo chiếm đa số. Các cuộc tấn công gia tăng sau khi người Hồi giáo lên nắm quyền vào cuộc nổi dậy Mùa Xuân Ảrập 2011 lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak, khuyến khích thêm các thành phần cực đoan. Nhưng Kitô hữu chịu nhiều áp bức hơn từ khi Tổng thống Mohammed Morsi bị phế truất ngày 3-7, châm ngòi cho làn sóng giận dữ là Phong trào Huynh đệ Hồi giáo ủng hộ Tổng thống Morsi.
Gần 40 nhà thờ đã bị phá hoại và đốt cháy, 23 nhà thờ khác bị tấn công và hư hại nặng từ hôm thứ Tư. Bạo loạn bùng phát sau khi quân đội Ai Cập được sự hậu thuẫn chính quyền lâm thời tấn công giải tán hai trại người biểu tình kêu gọi khôi phục quyền lực tổng thống Morsi, đã giết chết nhiều người biểu tình và gây ra các cuộc xung đột trên cả nước. (UCAN/ Huffington Post)
MYANMAR KHÔNG KIỂM SOÁT ĐƯỢC BẠO ĐỘNG CHỐNG HỒI GIÁO
Một báo cáo mới nhất hôm 20-8 cho hay chính quyền cải cách Miến Điện đã thất bại trong việc ngăn chặn bạo lực tôn giáo khiến 250.000 người mất nhà cửa kể từ giữa năm 2012 đến nay, nhiều người trong số này là người Hồi giáo.
Tổ chức Physicians for Human Rights (PHR) có trụ sở tại New York cho biết các cuộc điều tra của họ xác nhận các báo cáo về văn hoá miễn hình phạt sau các vụ xung đột giữa cộng đồng Hồi giáo thiểu số Rohingyas và Phật giáo đã khiến hàng trăm người chết ở bang miền tây Rakhine hồi tháng 6 năm ngoái.
“Làn sóng bạo lực chết chóc tại Miến Điện đã lan ra khỏi Rohingya, tàn phá các cộng đồng Hồi giáo trên khắp cả nước” - ông Bill Davies, nhà nghiên cứu của tổ chức PHR Myanmar và là một trong những tác giả của báo cáo - cho biết.
Bạo lực chống Hồi giáo diễn ra tại 28 thành phố và thị trấn khắp nước từ khi bạo lực nổ ra tại Rakhine hồi năm ngoái, theo báo cáo PHR.
Mặc dù cả người Phật giáo chiếm đa số và người Hồi giáo bị giết chết và bị sơ tán khi xung đột lan rộng, nhưng người Hồi giáo chịu đựng gánh nặng các vụ tấn công, bị trừng phạt quá đáng và cảnh sát rất chậm chạp trông việc bắt giữ tội phạm, báo cáo nói thêm.
Một video do Đài BBC ghi lại cuộc bạo lực phe phái ở miền trung Meiktila hồi tháng 4 cho thấy nhân viên cảnh sát đứng nhìn nhiều Phật tử đánh một người đàn ông Hồi giáo, trong khi một người đàn ông Hồi giáo khác bị bỏ mặc cho bị đốt cháy trên đường.
Tổ chức PHR ghi hình cảnh sát đứng xem một nhóm Phật tử có vũ trang giết chết ít nhất 20 trẻ em Hồi giáo và bốn giáo viên tại Meikhtila.
“Chính quyền Myanmar không những đã thất bại trong việc bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, mà còn tạo ra một văn hoá miễn hình phạt rất nguy hiểm khích động vi phạm nhân quyền” - Tiến sĩ Holly Atkinson, một tác giả của báo cáo.
Phát ngôn viên chính phủ Ye Htut không bình luận gì về những tuyên bố của tổ chức PHR.
Ông Aung Zaw Win, nhà lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo tại Mandalay, cáo buộc chính phủ cải cách của Tổng thống Thein Sein đã đối xử không công bằng và không giữ lời hứa bảo vệ người Hồi giáo, chiếm khoảng từ 4 đến 10% tổng dân số.
“Cho đến bây giờ, chính phủ mới chỉ nhìn xem tình hình và chưa có nỗ lực nào để giải quyết vấn đề bằng các biện pháp thích hợp mặc dù tổng thống hứa chính phủ sẽ làm tất cả để hoà giải các vấn đề bạo lực tôn giáo” - ông nói.
Các nhà chỉ trích chính phủ cáo buộc các cơ quan chức năng kể cả quân đội, đã ngược đãi người Hồi giáo tại Myanmar có hệ thống. Nhưng không có bằng chứng nào về cáo buộc này, ông Aung Naing Oo, nhà phân tích chính trị có trụ sở tại Yangon, cho biết.
Ông cho biết thêm: “Chúng tôi nhận thấy các tổ chức chưa sẵn sàng cho tự do ở đất nước này.”
Sự thất bại của Myanmar trong việc chống lại bạo lực nhắm vào người Hồi giáo sẽ được soi xét kỹ lưỡng vào ngày 21-8 khi đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Tomas Ojea Quintana đánh giá tình hình tại cuộc họp báo ở Yangon.
Báo cáo của ông sẽ được đệ trình lên Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 10.
CÓ CHÚT HY VỌNG VỀ LINH MỤC DÒNG TÊN BỊ BẮC CÓC TẠI SYRIA
Nhóm Quan sát Nhân quyền hôm thứ Hai cho hay linh mục Dòng Tên người Ý bị mất tích tháng trước ở miền đông Syria có thể còn sống, sau gần một tuần. Nhóm này nói trước đó rằng ngài đã bị phiến quân có liên hệ với al Qaeda sát hại.
Nhóm Quan sát này có trụ sở tại Anh Quốc trích các nguồn tin thân cận với Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và vùng Cận Đông (ISLL) nghi ngờ những tuyên bố của các nhà hoạt động địa phương và báo cáo do chính nhóm này phát hành rằng cha Paolo Dall’Oglio đã bị giết trong khi bị phiến quân Hồi giáo ISIL bắt giữ.
Cha Dall’ Oglio, người ủng hộ phong trào nổi dậy chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đã bị mất tích tại thành phố Raqqa do phiến quân chiếm đóng hôm 29-7. Các nhà hoạt động ban đầu nói ngài bị các chiến binh ISIL bắt cóc, mặc dầu sau đó một số người cho rằng ngài đến gặp họ để thương thảo ngừng bắn với lữ đoàn người Kurd.
Chưa thể xác nhận ngay thông tin ngài còn sống. Nhóm Quan sát Nhân quyền kêu gọi những ai đang giam giữ cha Dall’Oglio hãy đưa ra bằng chứng là ngài còn sống.
Cha Dall’Oglio phục vụ tại Tu viện Thánh Môsê thành Abyssinian hay Deir Mar Musa trong ba thập niên trước khi bị trục xuất khỏi nước này năm 2012. Một nhà ngoại giao phương Tây nói cha Dall’Oglio đã vào Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng trước.
Ngài là người chủ trương hoà giải các thành phần sắc tộc và tôn giáo lớn tại Syria, đặc biệt là giữa người Kurd và Arab. Cha Dall’Oglio chỉ trích Tổng thống Assad cố ý kích động hiềm khích phe phái và gọi các lực lượng của ông ta là “côn đồ”. (UCAN/Reuters FaithWorld)
|