CÁC GIÁM MỤC HOA KỲ DẤN THÂN CỐNG HIẾN CHO CON CÁI NGƯỜI DI DÂN NHỮNG CƠ HỘI GIÁO DỤC MỚI WASHINGTON
- Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ cống hiến những cơ hội giáo dục mới cho con
cái các gia đình di dân cũng như gây ý thức và kêu gọi thẩm quyền chính
trị trong nước cải tổ luật pháp hầu mở rộng lĩnh vực đón tiếp và giúp
mọi người dễ dàng hội nhập vào xã hội Mỹ hơn.
Mữ tu Mary Mary Walsh phát ngôn viên của Hội đồng
Giám mục Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng hệ thống giáo dục học đường Công giáo
cống hiến nhiều cơ hội hội nhập lớn cho các gia đình. Các trẻ di dân cần
biết nhiều hơn về các trường học của chúng ta. Vì thế, các linh mục nên
khuyến khích các gia đình đến với các học viện Công giáo và kêu gọi
chính quyền dấn thân hỗ trợ để các bậc cha mẹ được tự do hơn trong việc
chọn lựa hệ thống giáo dục cho con cái, theo kiểu mẫu của bang
Pennsylvania trợ cấp cho các gia đình nghèo muốn chuyển con cái từ
trường công vào các trường tư, có trình độ giáo dục cao hơn.
Từ
nhiều năm nay, các Giám mục Hoa Kỳ cũng cộng tác với những cơ cấu Kitô
khác trong lĩnh vực di dân. Hồi năm 2001, một tổ chức đại kết có tên là
Christian Churches Together đã được thành lập, quy tụ hơn 40 Giáo hội
Kitô trong đó có Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ. Trong kỳ đại hội khoáng đại
sau cùng, triệu tập từ ngày 29-1 đến 1-2-2013, tổ chức đại kết này đã
bày tỏ hy vọng sớm đạt đến một tài liệu về phẩm giá của người di dân nội
trong năm 2013 này. (Mai Anh, CSD 22-08-13)
TỰ DO TÔN GIÁO LÀ CON ĐƯỜNG DẪN TỚI HOÀ BÌNH RIMINI
- Chiều ngày 23-8-2013, tại đại hội tình bạn các dân tộc ở Rimini, Đức
Hồng y Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh đối thoại liên
tôn, đã thuyết trình về đề tài "Tự do tôn giáo như con đường dẫn tới hoà
bình". Ngài khẳng định rằng tôn giáo là sức mạnh giúp xây dựng hoà bình trên thế giới.
Đức
Hồng y nhắc lại lời Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI mạnh mẽ lên án nạn
khủng bố bạo lực đội lốt tôn giáo trong diễn văn nói với ngoại giao đoàn
cạnh Toà Thánh năm 2006. Khủng bố đội lốt tôn giáo có nhiều lý do phức
tạp, như ý thức hệ chính trị trộn lẫn với các ý niệm tôn giáo lệch lạc.
Nó không ngần ngại tấn kích các người vô tội, không phương thế tự vệ,
hay đưa ra các điều kiện vô nhân, gieo kinh hoàng sợ hãi cho dân chúng,
nhằm gây áp lực với các giới hữu trách chính trị, để họ phải tuân theo
các dự án của chính những kẻ khủng bố. Không có gì có thể biện minh cho
các hành động tội phạm xấu xa, dùng tôn giáo làm bình phong, và hạ thấp
sự thật về Thiên Chúa xuống mức độ mù quáng của luân lý tồi bại. Không
thể làm ngơ Thiên Chúa, vì con người là sinh vật tôn giáo. Không có nền
văn minh nào mà không có tôn giáo.
Trong bài tham luận, Đức Hồng y
Tauran nhấn mạnh rằng tự do tôn giáo là một quyền nền tảng của con
người. Nó là sự tự do thiết lập một tương quan cá nhân với sự siêu việt,
tự do thực hành niềm tin của mình một cách công khai, và tự do tuyên
xưng nó. Trong một xã hội và trong một quốc gia nó là quyền của con
người được trật tự pháp lý thừa nhận. Nhà nước phải trung lập trong
nghĩa tích cực, bằng cách bảo đảm sự tự do đó của con người, và phục vụ
công ích. Nhà nước tân tiến dân chủ không thừa nhận tôn giáo nào hết, để
có thể thừa nhận tất cả mọi tôn giáo. Vì thế, quyền tự do tôn giáo lớn
hơn sự tự do phụng tự và cả tự do tư tưởng.
Tiếp đến, Đức Hồng y
Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Đối thoại Liên tôn khẳng định rằng tin không
chỉ là một thực tại cá nhận, mà cũng là một thực tại tập thể của cộng
đoàn tín hữu nữa. Việc lựa chọn một tôn giáo tốt nhất là một hành động
nội tại, trong khi quyết định theo một tôn giáo xác định bao gồm các
hành động bề ngoài: phụng tự, giảng dạy, phổ biến giáo lý... Lựa chọn và
quyết định có một tương quan với Thiên Chúa là hành động quan trọng
nhất con người có thể làm. Nó phải xảy ra, mà không có các áp lực bên
ngoài.
Đức Hồng y Tauran cũng phân biệt giữa tôn giáo là tương
quan tùy thuộc Thiên Chúa và các giáo phái chủ trương thống trị các sức
mạnh siêu nhiên để phục vụ mình. Liên quan tới việc cộng tác giữa Nhà
nước và cộng đoàn tôn giáo ngài ghi nhận rằng nó phải là tương quan tin
tưởng hai chiều, nhằm phục vụ công ích và bảo vệ các giá trị dân chủ,
bảo đảm một số khía cạnh nền tảng của tôn giáo như các biểu lộ của phụng
tự, tự do thành lập hội đoàn và đề nghị đức tin với mọi người.
Sau
cùng, Đức Hồng y Tauran khẳng định rằng niềm tin tôn giáo là một sức
mạnh giúp xây dựng hoà bình. Khi tin nơi phẩm giá duy nhất của con người
và các quyền bất khả nhượng của nó trong việc phục vụ tha nhân và thăng
tiến toàn nhân loại, người ta hiểu khả năng xây dựng hoà bình của tôn
giáo. Các tín hữu là một tài nguyên cho xã hội, vì họ củng cố thiện ích
chung, giáo dục tình huynh đệ và liên đới, chứng minh cho thấy sự khác
biệt là sự phong phú, chứ không phải một nguy hiểm. Với cuộc sống trung
thực của mình, tín hữu nhắc nhở quyền tối thượng của luân lý đạo đức
trên ý thức hê, con người trên sự vật, và trí tuệ trên vật chất. Thật
chí lý lời của Luật gia Luigi Tapparelli người Ý: "Lấy mất đi tôn giáo
khỏi xã hội, con người sẽ mau chóng biến thành hàng hoá." (Linh Tiến
Khải, SD 23-8-2013).
CÁC LÃNH ĐẠO KITÔ VÀ HỒI GIÁO BANG PLATEAU BÊN NIGERIA KÊU GỌI HOÀ GIẢI JOS
- Đức Cha Ignatius Kaigama, Tổng Giám mục Jos của Nigeria, và Imam Hồi
giáo tại đây, Sheik Balarabe Daoud, vừa đưa ra lời kêu gọi chung sức tái
xây cất các thánh đường và đền thờ Hồi giáo bị phá huỷ trong những năm
xung đột gần đây tại bang Plateau, như là nỗ lực thăng tiến hoà giải và
cuộc sống chung hoà bình giữa các nhóm chủng tộc và tôn giáo khác nhau trong nước.
Hai
vị lãnh đạo Công giáo và Hồi giáo đã đưa ra lời kêu gọi chung trên đây
khi kết thúc cuộc gặp gỡ liên tôn những ngày vừa qua tại trung tâm đối
thoại, hoà giải và hoà bình tại Rayfield, gần thành phố Jos. Đã có đông
đảo nhiều nhân vật lãnh đạo hai cộng đoàn tín hữu hiện diện trong cuộc
gặp gỡ. Đức cha Kaigama và Sheik Daoud tuyên bố: Chúng tôi quyết tâm trở
thành khiên thuẫn chống trả sự rạn nứt giữa hai cộng đoàn của chúng
tôi. Trong cuộc gặp gỡ, cả hai bên đã đồng thanh nhấn mạnh trên tầm quan
trọng của việc giáo dục các tín hữu biết tôn trọng giá trị của sự chung
sống hoà bình và chấp nhận lẫn nhau.
Bang Plateau ở mạn bắc
Nigeria từ nhiều năm nay sống trong cảnh căng thẳng vì cuộc xung đột
giữa giới nông dân thường là tín hữu Kitô chiếm đa số và những bộ tộc
sống về nghề chăn nuôi thường là tín hữu Hồi giáo.
Những cuộc
xung đột này mang tính cách bộ tộc và liên quan đến sự kiểm soát đất đai
cày cấy hay chăn nuôi, nhưng lại bị lèo lái hay lạm dụng bởi những
người khích động bạo lực, âm mưu chĩa mũi dùi tấn công vào Giáo Hội.
Plateau không phải là bang duy nhất của Nigeria đang hứng chịu bạo lực
mang tính chất tôn giáo. Nhiều bang khác cũng đang phải đối phó với tình
trạng căng thẳng gia tăng, nhất là với các nhóm hồi giáo quá khích như
Boko Haram. Theo tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ, từ năm 2007 đến
nay, đã có trên 900 Kitô hữu bị thiệt mạng và hơn 100 nhà thờ bị phá huỷ
ở miền Bắc Nigeria. (Mai Anh, SD 4668 210813)
HỘI ĐỒNG ĐẠI KẾT CÁC GIÁO HỘI KITÔ PHÁT ĐỘNG CHIẾN DỊCH CHỐNG GIAN THAM HỐI LỘ TRÊN TOÀN THẾ GIỚI
GENÈVE
- Ngày 22-8-2013, Hội đồng Đại kết các Giáo hội Kitô có trụ sở tại
Genève, Thuỵ Sĩ, đã ra thông cáo kêu gọi tín hữu thuộc hơn 300 Giáo hội
thành viên phát động chiến dịch chống gian tham hối lộ trên toàn thế
giới.
Trong các ngày từ 14 đến 20-10-2013, Kitô hữu toàn thế giới
được mời gọi mạnh mẽ lên tiếng phản đối nạn gian tham hối lộ, trốn thuế
và lừa đảo đang làn tràn khắp nơi, khiến cho cuộc sống của các thành
phần yếu đuối nhất trong xã hội phải thiệt thòi.
Sáng kiến này đã
do một liên minh các tổ chức Kitô có tên gọi là "Thách đố Micah" đề
xướng. Sẽ có một loạt các hoạt động như các buổi canh thức cầu nguyuện,
các cuộc gặp gỡ suy tư, và thu thập chữ ký để gửi đến đại diện các chính
quyền sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11-2014.
Mục
sư Olav Fykse Tveit, Tổng Thư ký Hội đồng Đại kết các Giáo hội Kitô,
cho biết nạn gian tham hối lộ đã đâm rễ sâu và được quảng cáo bởi các cơ
cấu kinh tế và nền văn hoá, cũng như các hệ thống giá trị bị lèo lái
bởi ước muốn tham lam kiếm tìm lợi nhuận. Đương đầu với nạn gian tham
hối lộ có hệ thống là vấn đề bênh vực công lý của Thiên Chúa chống lại
bất công kinh tế. Song song chiến dịch cũng nhắm khích lệ các thái độ
sống tích cực và liêm chính.
Hồi tháng 9-2009, Hội đồng Đại kết
các Giáo hội Kitô cũng đã phổ biến một tài liệu nêu bật sự cần thiết
phải xậy dựng một trật tự kinh tế tài chính mới nhằm bảo vệ các người
nghèo và bị gạt bỏ ngoài lề xã hội. Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính
là cơ may giúp tín hữu Kitô dấn thân hoạt động để chữa lành xã hội đang
lún sâu trong cảnh nghèo đói, thất nghiệp và hố sâu ngăn cách giữa thiểu
số giàu và đại đa số nghèo. Nạn gian tham hối lộ và bất công xã hội là
dấu chỉ mức độ vô luân của một hệ thống chỉ đề cao tiền bạc, quyền bính,
tham lam vô độ và vô nhân. Trong các ngày từ 23 đến 25-8 cũng có hội
nghi quốc tế về nạn gian tham hối lộ và hệ thống kinh tế tài chính liêm chính. (Linh Tiến Khải, SD 23-80-2013)
KITÔ HỮU PHẢI TRẢ GIÁ MẮC MỎ NHẤT VÌ CÁC CHIẾN CUỘC VÙNG TRUNG ĐÔNG BEIRUT
- Đức Hồng y Becharai Rai, Thượng phụ Maronít Antiokia, bày tỏ lo âu vì
thấy các cuộc chiến trong vùng Trung Đông tàn phá toàn vùng, và khiến
cho các Kitô hữu phải trả giá quá mắc mỏ.
Trong cuộc phỏng vấn
đành cho Đài Vatican ngày 23-8-2013, Đức Hồng y nói rằng tất cả những gì
xảy ra trong vùng Trung Đông, tại Ai cập cũng như Syria và Irak, đều có
2 mặt: Tại Irak và Syria, đó là chiến tranh giữa các tín hữu Sunnít và
Schiít; tại Ai cập, đó là chiến tranh giữa các lực lượng Hồi giáo cuồng
tín, trong đó có các nhóm Anh em Hồi giáo, và những người Hồi giáo hoà
hoãn. Có những nước tây phương và cả những nước đông phương khơi lên các
xung khắc này. Từ 1.400 năm nay các Kitô hữu chung sống với các tín hữu
Hồi, và đã phổ biến trong các vùng đất này các giá trị nhân bản, luân
lý, các giá trị của xã hội đa tôn giáo, đa chủng tộc và tân tiến.
Nhờ
sự hiện diện của các Kitô hữu trong cuộc sống thường ngày của các quốc
gia Ảrập này có bầu khí hoà hoãn. Ngày nay, các Kitô hữu Trung Đông đang
chứng kiến sự tàn phá những gì mà họ đã xây dưng trong 1.400 năm qua.
Các tín hữu Kitô phải trả giá mắc mỏ cho các cuộc chiến giữa người Hồi
Sunnít và người Hồi Schiít, giữa các người Hồi hoà hoãn và các người Hồi cuồng tín.
Mỗi
khi có chiến tranh, căng thẳng là người hồi lại tấn công các tín hữu
Kitô, làm như thể các Kitô hữu luôn luôn là con dê đền tội. Bên ai Cập
chính các lực lượng Anh em Hồi giáo đã cướp bóc đốt phá các nhà thờ của
Kitô hữu cũng như tấn công họ. Đó là tâm thức của một số người Hồi. Cứ
mỗi khi có hỗn loạn là họ lại tấn công các Kitô hữu, mà không biết lý do
tại sao. Đó là điều đã xảy ra tại Irak, Syria và giờ đây tại Ai Cập.
Đức
Hồng y Rai cho biết các tín hữu Kitô trong toàn thế giới Ảrập đã luôn
luôn tôn trọng các cơ cấu, chính quyền và hiến pháp tại các nơi họ sinh
sống. Tại Ai Cập, vì đảng các Anh em Hồi giáo muốn áp đặt Luật Sharia trên toàn dân nên dân chúng mới xuồng đường biểu tình yêu cầu có các cải tổ.
Theo
Đức Hồng y có một chương trình tàn phá vùng Trung Đông và đường lối
chính trị này đến từ bên ngoài. Cũng có chương trình tạo căng thẳng giữa
các nhóm hồi Sunnít và Schilít, nghĩa là để tàn phá vùng Trung Đông. Và
các Kitô hữu là những người phải trả giá cho sự tàn phá ấy. (Linh Tiến
Khải, RG 23-8-2013)
ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC KAMPALA BÊN UGANDA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC HÃY CỦNG CỐ BÍ TÍCH HOÀ GIẢI
KAMPALA
- Đức cha Cyprian Kizito Lwanga, Tổng Giám mục Giáo phận Kampala của
Uganda, đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ hàng đầu của một linh mục là "lắng
nghe và tha thứ các tội lỗi".
Đức Tổng Giám mục Kampala đã nói
như trên trong Thánh lễ truyền chức cho 10 vị tân linh mục cử hành tại
Kabulamuliro. GIảng trong Thánh lễ, Đức cha đã nêu bật sự kiện Bí tích
Hoà Giải có gốc rễ đâm sâu trong Tin Mừng và trích đoạn Tin Mừng theo
Thánh Gioan, ghi lại Lời Chúa Giêsu phán với các môn đệ: "Hãy nhận lấy
Chúa Thánh Thần, anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em
cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ." (Ga 20,23-23). Sau cùng, Đức cha
khuyến khích tín hữu hãy củng cố đức tin, nhất là trong thời đại ngày nay, khi các tín hữu bị vây bủa bởi các sứ điệp trái ngược nhau đủ loại.
Lời
mời gọi của Đức Tổng Giám mục Kampala phản ánh những lời kêu gọi của
Đức Thánh Cha Phanxicô hướng đến các tín hữu, biết luôn chạy đến với
lòng từ nhân của Thiên Chúa. (Mai Anh, CSD 4681 220813)
|