Thánh Kinh kể chuyện người Do Thái lấy vàng làm nên một vị chúa mang hình dạng một con bò, rồi họ tôn thờ vị chúa ấy, thay vì thờ phượng Đấng đã cứu họ thoát khỏi đời sống nô lệ trên đất Ai Cập và hàng ngày nuôi dưỡng bảo vệ họ trong sa mạc (x. Xh 32,1-35). Từ câu chuyện việc thờ ngẫu tượng, chúng ta có thể thấy rằng, tiền bạc đang là sức mạnh lôi cuốn con người, nó làm chi phối tất cả mọi sự vật trên thế gian này. Với ý nghĩ đó, con người luôn khao khát trở nên giàu có, họ có thể chinh phục mọi thứ quyền hành, tham vọng trên mọi lĩnh vực. Chính vì thế, khiến con người tôn thờ tiền bạc như là Thượng Đế. Trái lại, Lời Chúa hôm nay lại bảo: "Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của."
Dựa theo dụ ngôn người quản lý bất lương, chúng ta khám khá ra ý nghĩa của đồng tiền. Chúa Giêsu không có ý đưa hình ảnh người quản lý này làm biểu tượng cho lối sống theo kiểu khôn ngoan của người đời, nhưng Ngài muốn làm nổi bật óc sáng tạo của anh ta, đó là biết cách tạo tương lai cho mình sau khi mất chức và bị đuổi việc. Anh ta nghĩ rằng, tình nghĩa con người còn quý giá hơn tiền của. Khi mất hết chức quyền trong tay, anh ta còn có những người nhớ ơn đến mình.
Thói đời, đồng tiền thường đi theo quyền lợi và danh vọng. Cho nên, người đời kiếm thật nhiều tiền để tích trữ và để đầu tư kiếm lợi là cách bảo đảm cho cuộc sống và tương lai mai sau của mình. Chúa Giêsu thì trái lại, Ngài bảo chúng ta đừng có tích trữ tiền bạc kẻ mối mọt ăn mất, hay nói cách khác là hãy biết dùng tiền của để đổi lấy một thứ quý giá hơn. Bởi lẽ, chúng ta không phải là chủ sở hữu tất cả những gì chúng ta có mà chỉ là người quản lý tài sản. Chúa trao cho chúng ta quản lý để phục vụ và mang lại lợi ích cho bản thân, cho gia đình và cho mọi người. Tất cả những gì chúng ta có là quà tặng của Thiên Chúa, vì một ngày nào đó khi ta nhắm mắt xuôi tay thì nó không còn thuộc về chúng ta nữa, chính Thiên Chúa mới làm chủ tất cả.
Như lời Thánh Phaolô trong thư gửi cho Timôthê: "Chúng ta không mang gì vào trần gian, thì cũng chẳng mang gì ra được. Khi có cơm ăn áo mặc, ta thấy thế là đủ. Còn những kẻ muốn làm giàu, thì sa chước cám dỗ... Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều gian ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé." (Tm 6,6-10). Hơn nữa, giá trị Tin Mừng cho thấy rõ, tinh thần Kitô giáo không cho phép chúng ta làm tôi hai chủ, bởi vì khi ta làm nô lệ tiền của, thì nó sẽ biến con người rời xa Thiên Chúa. Chúng ta sẽ đặc quyền lợi của chính mình để định đoạt những việc thuộc về Thiên Chúa, mà quên đi những giá trị Tin Mừng là: công bình, khiêm tốn, thanh bần và chia sẻ. Ngày xưa, chúng ta thường nghe nói "có thực mới vực được đạo". Nhưng ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới có đầy mọi thứ nhưng lòng đạo vẫn còn xa vời. Phải chăng chúng ta cũng đang tôn thờ những thứ ngẫu tượng mà dân Dothái thờ con bò vàng! Họ tìm kiếm Thiên Chúa qua các ngẫu tượng của vật chất, tiền tài, danh vọng phù phiếm, giả tạo và chóng qua của thế gian làm mục đích của cuộc đời và được cho là bền vững. Thật là ngu xuẩn và độc hại.
Người quản lý trung tín và khôn ngoan là người biết sử dụng tiền của sao cho hợp lý, biết dùng nó để mua lấy Nước Trời, biết chia sẻ với người nghèo và làm việc bác ái. "Anh em hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè."
Người Kitô hữu đích thực là người biết xây dựng công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, sống nhẫn nại và hiền hoà, họ biết làm đẹp cho đời bằng đời sống thánh thiện.
Lạy Chúa, xin cho con biết sử dụng tiền của một cách khôn ngoan, nhất là cho con biết đón nhận Chúa làm chủ cuộc đời mình, vì nơi Chúa con được bảo đảm sự sống đời đời. Amen.
|